Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Quốc Việt K5 TRUNG TƯỚNG NGUYỄN BÌNH

Tặng Minh Hà

Kính gửi anh chị em Bantroi

Thật lạ vì đi khắp Hà Nội, mình chưa thấy tên đường Nguyễn Bình, một vị tướng huyền thoại của QĐNDVN.

Tướng Nguyễn Bình (1906-1951), tên thật là Nguyễn Phương Thảo, quê tại xã Yên Mĩ, Hưng Yên, nguyên là một yếu nhân Việt Nam Quốc Dân đảng (Nguyễn Thái Học) phụ trách Quân sự nhưng không đồng ý phương pháp ám sát cá nhân nên bị các "đồng chí" của mình đâm mù một mắt.

Ông rời bỏ tổ chức này và khi mới 30 tuổi, đã tự lập vùng hoạt động riêng từ Bần Yên Nhân, tỉnh Hưng Yên mở rộng sang vùng Kiến An, Hải Phòng, đến An Lão, Hải An, Thủy Nguyên, tỉnh lị Kiến An và thị xã Đồ Sơn (1936 -  1943). Khi CMT8 nổ ra, ông tổ chức đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên và cướp vũ khí ở một số huyện rồi tự nguyện sáp nhập lực lượng của mình vào Vệ Quốc Đoàn, được phong là Khu trưởng Đệ tứ Chiến khu. Các tỉnh uỷ lân cận phải chạy về đây tá túc khi thực dân Pháp lấn chiếm ra Bắc.

Tại Miền Nam lúc đó, thực dân Pháp đã nổ súng chiếm Sài Gòn và tướng Pháp Leclerc đưa 40.000 quân Pháp đổ bộ vào hòng chiếm giữ miền Nam Việt Nam và Campuchia, bắt đầu mở rộng đánh chiếm ra vùng xung quanh Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ.
Mặc dù không phải là đảng viên Đảng Cộng sản, Nguyễn Bình được đích thân Hồ Chủ tịch gọi lên cử vào Nam phụ trách quân sự với lời dặn: “Tôi giao cả Nam Bộ cho chú”.
Ông vào Nam Bộ một mình, tháng 12/1945, khi 39 tuổi, không rõ bằng cách nào đã tập hợp tất cả các đám anh hùng lục lâm hảo hớn, hỗn quân, hỗn quan của đủ mọi thứ đảng phái, tôn giáo…giải tán các nhóm quân phiệt cát cứ, thành lập các chi đội Vệ quốc đoàn, giữ kỷ luật nghiêm minh, lập các ban Công tác nội thành phá hoại sau lưng địch, trở thành người chỉ huy mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc vào thời điểm khó khăn nhất. Ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ.

"Dân Nam ta biết ơn cụ Hồ đời đời"
Hình như không chỉ là bài hát mà có lẽ là hành trang duy nhất của ông, với trái tim Đan-cô, một mình vào chiến trường. Ai dám chắc ông chưa phải đảng viên Cộng sản sau khi gặp Bác, như Nghiêm Xuân Yêm... "Việc gì có lợi cho Dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho Dân thì phải hết sức tránh".
Và người dân Nam Bộ khi ấy chỉ cần hướng theo Cụ Hồ: "Lòng ta vẫn giữ là dân cụ Hồ".
Trong ghi chép của mình trước khi Toàn Quốc kháng chiến, Bác Hồ đã viết: Nam Bộ không có địa thế hiểm trở, chỉ dựa vào lòng dân mà còn kháng chiến được gần 1 năm thì cả nước sẽ kháng chiến thắng lợi (xem Hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Các cụ thật lạ, chỉ với một lời thề, một mình đi xa hàng vạn dặm, chiến đấu và chiến thắng.
Ngày 20/1/1948, ông được Chính phủ phong quân hàm Trung tướng và cử làm tổng chỉ huy chiến trường Nam Bộ. Cùng đợt có Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được phong Đại tướng, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa,Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng. Ông chỉ đứng dưới Tổng Tư lệnh và là vị tướng duy nhất ngoài Đảng lúc đó, có lẽ hợp với bối cảnh Nam Bộ nhiều phe phái.
“Mình không bỏ Sở sang Tề
Mình không là kẻ lỗi thề thì thôi.”
Ai cũng đồn rằng câu thơ ấy là của Nguyễn Bính khi trả lời Thủ hiến Nam Kì Nguyễn Văn Hinh định mua chuộc ông, nhưng giọng nhà thơ dân gian ấy đâu có thế, mà nếu có cũng phải là bài thơ.
Câu nói như câu thơ này rất lạ, đặc Nam Bộ, như câu của người chồng khuyên bảo vợ, như người anh khuyên bảo em, như người đằng mình nói với nhau.
"Tề" là vùng Tề hay vùng địch tạm chiếm đấy; còn "Lời Thề" phải chăng là lời thề Độc lập năm nào hay lời thề riêng của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vào chiến trường.
"Thì thôi", tại sao lại thì Thôi? Có lẽ nhiều người muốn ông vào Đảng nhưng ông đã được dặn trước và đâu có LỖI THỀ. Trong lúc Đảng ta rút vào bí mật, mấy ông sáng giá riêng mình phất ngọn cờ Đảng Cộng sản ở Nam Bộ.
Câu nói đó có vẻ hợp với ông hơn nhà thơ Nguyễn Bính và Nguyễn Bính cũng chưa bao giờ nhận câu đó là của mình.

Người ta thường ví ông với tướng Lưu Bá Thừa TQ, có lẽ là kệch cỡm; Ông tự mình lập chiến khu, tự mình vào chiến trường, tự mình tập hợp lực lượng và dù xa trung ương, vẫn tổ chức đánh Pháp trong cùng thế chiến lược, là tổng chỉ huy chiến trường khi kẻ địch mạnh hơn rất nhiều. Có lẽ ít vị tướng soái nào trên thế giới làm được điều đó.
Trước khi đi Pháp với tư cách là thượng khách, Bác Hồ đã có thư gửi đồng bào Nam Bộ mà chắc rằng có nhắn nhủ riêng ông;... "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi"..."Hồ Chí Minh không phải là kẻ bán nước"....
Ông mất khi mới 45 tuổi, là tổn thất to lớn và đau đớn đối với đồng bào Nam Bộ cũng như lực lượng vũ trang Việt Nam. Cục diện chiến trường sau ông đã bị thay đổi và Việt Nam đã phải chấp nhận nhiều thiệt thòi.
Hình như ông không có vợ, con; Cuộc đời ông trong vắt như pha lê.

Nên có đường Nguyễn Bình ở Thủ đô để con cháu chúng ta mãi mãi ghi ơn.

6 nhận xét:

  1. Quốc Việt Trần: bài viết của anh rất chính xác, còn rất nhiều phụ huynh trường Trỗi có cuộc đời trong vắt như pha lê, xứng đáng được tôn vinh, được đặt tên đường phố. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm vì HN quá "hẹp" nên chưa thể một lúc thoả mãn ngay đc, ko nên nóng vội, đợi có tên đường .... Rồi các cụ cũng đến lượt.
    NN

    Trả lờiXóa
  2. Anh Việt ơi, thôi đừng đặt tên đường phố làm gì, nhỡ khi đó cái tên:" Trung tướng Nguyễn Bình" lại viết là: "Trung bình tướng Nguyễn " thì ai hưởng lợi từ cái tên ấy đây ! Bạn không rút KN việc khai danh cho mấy vị tướng của dân tộc, mà ĐT VNG trở thành ĐT VN đấy thôi, ở nước ta cái gì cũng có thể có mà.

    Trả lờiXóa
  3. QV viết hay quá.Thế mới biết dân mình lắm người tài thật, chỉ là người ta có biết dùng hay không mà thôi.VT K4.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. VT k4 có lời nhận xét hay thế. Vậy mà chẳng ai có ý kiến đưa vào BCT, để ông này sáng nào cũng chỉ mỗi chân kiểm tra, nhận xét về Cafe thôi.

      Xóa
  4. Ở Hà nội có đường Nguyễn Bình nối với đường Nguyễn Đức Thuận ở Gia Lâm (thực tế là quốc lộ 5 chạy qua thị trấn Trâu Quỳ- Như Quỳnh)

    Trả lờiXóa
  5. Cái chết của tướng NB còn là 1 nghi án . Văn phòng Chủ tịch nước ko gọi ông ra Bắc , văn phòng Tổng bí thư , Tổng quân ủy cũng vậy . Thế mà ông vẫn nhận đc điện triệu tập . Bản thân ông , khi nhận lệnh , đang ốm , biết " lành ít dữ nhiều " - nhưng ko thể ko đi ....
    Thế rồi , tuyến đường hành quân của ông ko hiểu sao bị lộ ...ông bị phục kích , hy sinh ở khoảng ngã 3 biên giới , trong 1 buổi sáng mù sương , khi đích thân đi kiếm thức ăn cho những người lính cận vệ của mình đang ốm đau , đói rét !.

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment