(đăng theo lời đề nghị của "k5không phân biệt")
Tiếp theo và hết...
Khoảng cuối năm 1985 (tức cuối kỳ làm Đại sứ), bỗng nhiên tôi bị những cơn tim đập nhanh (140 nhịp một phút), phải đến bệnh viện Trung Quốc để khám. Nhưng đi đến giữa đường thì cơn tim đó lại dừng nên đến bệnh viện khám không thấy gì. Lần thứ hai cũng vậy, lần thứ ba thì cùng với cơn tim đập nhanh lại kèm theo sốt nhẹ, tôi phải vào nằm viện để điều trị. Bệnh viện cũng làm đủ mọi động tác xét nghiệm cần thiết như: đo điện tim, siêu âm tin phổi thận, rửa ruột, xét nghiệm máu, soi dạ dày v.v… Sau một loạt khám nghiệm cẩn thận như thế mà họ cũng chỉ kết luận được là “tim đập nhanh đậu tính kèm theo sốt”. Tôi đề nghị điều trị theo cách Đông - Tây y kết hợp. Họ chấp nhận nên hàng ngày cho thuốc viên đồng thời sắc thuốc bắc cho tôi. Họ bố trí tôi nằm riêng một phòng có điều hòa nhiệt độ và mắc vào người tôi những dụng cụ để theo dõi nhịp tim thường xuyên, có màn hình hiện lên trước mặt, nằm ở giường cũng có thể trông thấy. Hễ hơi động cựa mình hoặc dãy chân một tý là màn hình hiện lên con số 150 nhịp/ phút ngay. Về ăn uống bệnh viện cũng lo rất khá, 5 bữa một ngày. Sáng sớm thì bánh bao hoặc sủi cảo, giữa buổi uống sữa, trưa ăn cơm, 2-3 giờ chiều ăn bánh ngọt hoặc hoa quả, tối ăn cơm. Điều trị được ba, bốn ngày, bệnh tim vẫn không chuyển biến. Thế là lại phải nhịn ăn, lấy máu xét nghiệm, lại rửa ruột… vẫn không tìm ra nguyên nhân gì. Rồi đến một lúc tôi không ăn được, không ngủ được, thỉnh thoảng lại còn bị cảm (sau mới biết là nằm trong phòng có điều hoà nhiệt độ thường xuyên, tôi không quen nên mới bị cảm lạnh). Tình hình cứ thế kéo dài, tôi ngày càng gầy sút, chân tay trở nên uể oải không có lực. Đến nỗi việc tắm rửa cũng không tự mình làm được, phải nhờ anh em trong Sứ quán mình vào tắm giúp. Rồi đến lúc giơ tay lên đánh răng rửa mặt cũng thấy mỏi rã ra. Sau một tháng tôi sút mất 10 cân, chân tay lẩy bẩy, đi lại phải vịn, phải lần. Tôi nghĩ nếu cứ nằm đây thì sẽ suy sụp đến chết mất. (Trong khi đó ở Sứ quán, anh em đã họp bàn với nhau, nói đến việc nếu Đại sứ chết thì chôn ở Bắc Kinh hay đưa thi hài về nước). Tôi nói với bệnh viện là mình đỡ rồi, xin về Sứ quán chữa ngoại trú, tôi không dùng máy điều hoà nhiệt độ, chỉ dùng quạt ở mức nhẹ nhất, cho quay đi quay lại phe phẩy thôi. (Ngoài trời lúc đó đang là nóng nhất trong năm). Về ăn uống thì chú Quế (nấu cơm cho tôi đã lâu năm rất tận tình) thường đi mua thịt bò về làm cho chín tái đi rồi ép lấy nước cho tôi, hoặc chú nấu cháo gà cho, nhưng tôi vẫn chỉ ăn được một chút. Tôi thấy ngủ được hơn trong bệnh viện và uống được chút nước thịt cũng hấp thu tốt hơn. Hàng ngày tôi vào bệnh viện cho họ bắt mạch và cắt thuốc bắc về uống, vì hàng ngày vẫn còn sốt âm ỷ. Tôi xem đơn thuốc họ kê cho thì thấy trong đó có nhiều vị tác dụng tư âm thanh nhiệt, lần nào cũng thế. Từ trước tôi đã có mua và đọc nhiều sách thuốc của Trung Quốc, đã có chút hiểu về Đông y; vì vậy khi đọc đơn thuốc đó, tôi suy nghĩ: đã tư âm thanh nhiệt mãi mà không khỏi sốt, ắt trong người phải có chỗ viêm nhiễm nào đấy (mà có thể nó chưa đủ lớn để thày thuốc phát hiện được). Tôi nhờ anh Bảng phiên dịch tiếng Trung Quốc ra hiệu thuốc mua cho vị kháng sinh thực vật là bồ công anh, kim ngân hoa vàliên kiều về bỏ vào thang thuốc của bệnh viện sắc uống trong ba ngày. Uống xong ba ngày thì hết sốt, sau đó tôi thấy trong người ngày càng khá hơn lên, dần dần ăn được ít cơm. Tuy vậy người vẫn còn yếu. Tôi định rủ bà xã về nước (tôi nghĩ nếu có chết thì chết trong nước cho khỏi phức tạp, phiền hà đến cơ quan, tổ chức). Vừa lúc đó, chị Lan bác sĩ của Sứ quán lại phát hiện bà xã tôi bị vàng da, vàng mắt; đưa đi bệnh viện khám thì ra viêm gan cấp tính, phải nằm viện chuyên khoa cách ly điều trị một tháng. Khi bà xã tôi khỏi bệnh ra viện, chúng tôi cùng rời Bắc Kinh về nước. Khi ra sân bay, bác sĩ của Sứ quán vẫn phải đưa tôi đến tận chân thang máy bay. Về đến Hà Nội, bác sĩ của Bộ Ngoại giao ta phải ra tận máy bay đón tôi. Khi tôi có việc lên Bộ Ngoại giao, chỉ có thể đứng dưới nhắn người của vụ Trung Quốc xuống mà gặp. Tôi không còn đủ sức trèo lên tầng ba để làm việc. May mắn là tôi có đem về được hai hộp bột tam thất Vân Nam (là thứ tốt nhất hồi đó, ở Việt Nam hầu như không thể kiếm được). Tôi uống bột tam thất, đồng thời động viên bà vợ cùng ăn gạo lứt để chữa bệnh. Kiên trì ngày một bữa gạo lứt trong hơn hai tháng thì sức khoẻ tôi đã hồi phục như bình thường.
Người ta nói “trong cái rủi có cái may”, bị một trận ốm thập tử nhất sinh ở Bắc Kinh như trên đã nói, rõ ràng là chẳng ai muốn, nhưng qua trận ốm đó tôi lại học được nhiều việc, tôi trở nên chú ý suy ngẫm, rút kinh nghiệm về bảo vệ sức khỏe và thêm hứng thú đi sâu nghiên cứu Đông y hơn. Sau này khi có điều kiện, tôi đã mầy mò nghiên cứu học hỏi cho có bài bản và trở thành thày lang của gia đình, chữa được nhiều bệnh cho vợ con, cháu chắt, bạn bè….
Cái thời những năm 80 thế kỷ trước, ở trong nước mọi thứ hàng hóa đều khan hiếm. Mỗi lần về nước là cán bộ nhân viên Sứ quán ta đều tranh thủ mua các thứ hàng tiêu dùng đem về, kỳ cho hết tiêu chuẩn trọng lượng hàng được phép theo quy định của hàng không mới thôi. Chú Quế đầu bếp của tôi cũng vậy, mua cả táo tàu (thứ táo nhỏ của Tàu sấy khô, quả nhăn nheo màu đỏ nâu hoặc đen) đem về ngâm vào phích nước nóng để uống. Một hôm chú khoe với tôi: “Cái ruột phích của em ngâm táo tự nhiên lại sáng choang như mới”. Nghe vậy, tôi bèn nghĩ: có lẽ trong táo tàu có chất a-xít gì đánh tan được cặn can-xi bám trong ruột phích nước. Rồi một lần về nước tôi cũng mua theo mấy cân táo tàu, về qua Thái Lan, ngủ ở nhà khách Sứ quán ta ở Băng-cốc cùng với một đồng chí cán bộ của ta cũng đi qua, tôi đem táo tàu mời đồng chí đó ăn. Đồng chí nói: “Trước đây tôi bị sỏi thận, có người bạn cũng cho tôi một cân táo tàu. Sau khi ăn ít hôm thì thấy đau bụng dưới nhiều, hai ba hôm mới khỏi”. Tôi hỏi: “Từ đó đến nay anh còn thấy đau nữa không?”. Đồng chí nói không. Thế là liên hệ việc này với việc cái ruột phích của chú Quế, tôi phát hiện ra rằng trong táo tàu có chất làm tan sỏi can-xi, khi ăn táo tàu nó bào mòn viên sỏi làm sỏi nhỏ đi đến mức có thể bài tiết ra ngoài qua đường niệu, trên đường đi ra, nó chà xát vào niệu quản làm đau. Đến lúc đồng chí Bảng được điều sang làm phiên dịch cho tôi thay một đồng chí khác đã hết nhiệm kỳ. Gặp tôi, Bảng nói: “Em bị sỏi thận đang điều trị thì Bộ bắt sang đây”. Tôi bảo Bảng ra ngoài hiệu thuốc mua lấy một cân rưỡi táo tàu, hai buổi, buổi sáng chiều trước bữa cơm đều ăn lấy một vốc. Mấy hôm sau Bảng nói với tôi: “Em có cảm tưởng sỏi nó đi đến gần xương cụt rồi”. Vài hôm sau nữa thì sỏi ra ngoài. Từ đó trở đi Bảng không bị đau thận nữa. Thế là chắc chắn “phát hiện” được thứ thuốc vừa ngon vừa lành là táo tàu nên dùng đủ liều lượng thì có thể làm tan sỏi can-xi trong thận!
Tôi nghĩ, 13 năm ở Bắc Kinh, vừa phải đấu tranh căng thẳng với Bộ Ngoại giao Trung quốc, vừa phải chống đỡ bệnh tật, nếu mình không đọc sách và biết về thuốc, cứ phó thác thân mình cho các giáo sư bác sĩ ở bệnh viện Bắc kinh thì có lẽ đã chết từ lâu rồi. Tự mình cứu mình nên đã sống thêm được vài chục năm nữa. Vào năm 1955, sau khi quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đã bình thường hoá trở lại, Hiệp hội Ngoại giao Trung Quốc đã mời tôi với đồng chí Ngô Minh Loan, đồng chí Nguyễn Minh Phương là ba Đại sứ cũ ở Trung Quốc sang thăm nước họ. Tôi lại làm Trưởng đoàn, Đại sứ Lý Thế Thuần lại hỏi tôi muốn đi thăm nơi nào? Tôi nói tôi đi thăm đã gần hết các tỉnh của Trung Quốc, chỉ còn Hàng Châu và Thâm Quyến là chưa được đi. Hiệp hội Ngoại giao đã đáp ứng một cách nhiệt tình mấy nguyện vọng của tôi, mời cả đồng chí Hứa Pháp Thiện (tên Việt Nam là Thanh) vốn là cố vấn của Cục Tổ chức chúng tôi trong kháng chiến chống Pháp đến dự buổi chiêu đãi của họ (trong bữa tiệc có cả Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đến dự). Cuộc gặp rất vui vẻ. Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng có buổi tiếp chúng tôi. Sau đó Hiệp hội cử một nữ Trưởng phòng là Trịnh Nại Linh tháp tùng chúng tôi đi thăm quan các nơi như Hàng Châu, Thâm Quyến. Đi đến đâu họ cũng bố trí cho chúng tôi ở khách sạn 5 sao, riêng tôi được bố trí ở phòng VIP bằng tiêu chuẩn Phó thủ tướng có phòng ngủ, phòng khách riêng. Ở địa phương nào cũng có Phó tỉnh trưởng đến tiếp đón. Tôi thấy chỉ mới cách 8 năm thôi mà Trung Quốc thay đổi ghê gớm. Thâm Quyến xưa chỉ là bãi đất hoang mà nay trở thành một thành phố hiện đại hoàn chỉnh. Trong thành phố có một công viên rất rộng lớn gọi là tiểu Trung Hoa, họ xây dựng tất cả các danh lam thắng cảnh (thu nhỏ) tiêu biểu của các tỉnh Trung Quốc (ví dụ trong đó có Cố Cung, Trường Thành, Tây Hồ, Thái Hồ…). Còn Quảng Châu, Bắc Kinh tựa hồ như đã lột xác, trở thành những thành phố tráng lệ sầm uất gấp hàng chục lần so với lúc tôi làm Đại sứ.
Khi tôi đã thôi nhiệm vụ Đại sứ về nước, thì ở Việt Nam, Trung Quốc đã lần lượt thay mấy đời Đại sứ: Lý Thế Thuần, Trương Đức Duy, Lý Gia Trung, Tề Kiến Quốc đến Hồ Càn Văn. Họ đều biết tôi từ khi họ còn là các cán bộ phiên dịch của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã dịch cho quan chức ngoại giao Trung Quốc “đấu đá” với tôi. Vì biết tôi là Đại sứ kỳ cựu nên mỗi khi có dịp chiêu đãi nhân Quốc khánh Trung Quốc hay nhân dịp kỷ niệm thành lập quan hệ ngoại giao hai nước, họ đều nhớ mời tôi.
Năm 1987, tôi được chính thức cho phép rời Sứ quán ở Bắc kinh sau khi đã hoàn thành tốt nhiệm kỳ Đại sứ dài dặc nhất trong lịch sử các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài: mười ba năm. Nghỉ ngơi trong một thời gian thì Bộ Ngoại giao yêu cầu tôi viết Hồi ký 13 năm làm Đại sứ ở Trung Quốc. Tôi đã viết xong và nộp cho Bộ Ngoại giao. Đến năm 1990 thì thực sự nghỉ hưu.
Khi về nước được hai năm, tôi gặp một đồng chí quan lúc đó là cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí hỏi: “Anh được tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1987, anh đã nhận được chưa?”. Tôi bảo tôi không biết gì! Ban Tổ chức Trung ương bèn hỏi bên Bộ Ngoại giao. Thì ra Vụ Tổ chức Bộ Ngoại giao đã nhận, đem cất đi rồi quên mất (!) Vì vậy cho nên mãi đến năm 1990 trước khi tôi nghỉ hưu, Bộ Ngoại giao mới mời tôi lên. Đồng chí Bộ trưởng trao huân chương cho tôi và tặng một số tiền kèm theo là 100.000 đồng trong cuộc họp mặt có đông đủ cán bộ từ Vụ trưởng, Vụ phó trong Bộ. Lúc đó tôi mới tức cảnh làm bốn câu thơ:
“Vừa rồi được tấm Huân chương
Xa xôi nó phải đi đường hai năm
Bộ Ngoại giao tặng thêm một trăm
Đủ tiền làm một bữa nem ăn mừng!”.
Như vậy, năm 1990 đã kết thúc một quãng đời quan trọng của tôi mà tôi gọi là “thanh niên ba sẵn sàng”. Tôi luôn sẵn sàng chấp hành mọi sự điều động của Đảng, Nhà nước, không tính toán thiệt hơn, không hề có đề nghị, yêu cầu gì, nhận được mệnh lệnh là lên đường đi làm nhiệm vụ thậm chí không đợi cả làm đủ giấy tờ thủ tục, chẳng ngại sự thiệt thòi về lương bổng, về chế độ đãi ngộ, về nhà cửa. Với việc nào, tôi cũng chỉ đinh ninh một điều là làm sao cho tốt nhất so với năng lực của mình. Trong thời gian từ khi kết thúc kháng chiến chống Pháp đến năm 1990, tôi được phân công làm nhiều công tác như đã thuật ở trên, nhưng có thể nói có hai việc lớn và làm thời gian dài nhất là làm Cố vấn cho Bạn Lào và làm Đại sứ ở Trung Quốc (tổng cộng hơn 20 năm) và cũng là hai việc tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ hơn cả và về cơ bản có thể nói là “đã đạt yêu cầu”. Vì vậy, tôi có thể mượn lời của con gái Nguyên Bình trong câu đối nôm na nó viết tặng tôi nhân buổi mừng sinh nhật 80 tuổi để làm câu kết cho câu chuyện đi sứ nước người của tôi:
Làm Cố vấn miền Tây, ghi lời Bác, không làm “lão Toàn quyền”*, luôn nhớ chữ “chủ quyền của bạn”.
Đi Đại sứ nước Tàu, theo ý Đảng, chẳng ngại “người Đại quốc”, giữ trọn điều “Quốc thể về ta”.
*Trước khi đi Lào nhận nhiệm vụ mới (làm Trưởng đoàn cố vấn giúp Lào - cuối 1964), Hồ Chủ tịch cho gọi ông Nguyễn Trọng Vĩnh tới ăn cơm và dặn dò một số điều. Người nói vui với Nguyễn Trọng Vĩnh: “Chú sang bên ấy, chú có ý kiến gì thì chú góp với Bạn để Bạn làm, chú không được làm thay và chú không được làm "Lão toàn quyền” đấy nhé!” – Chú thích của Bà Nguyễn Nguyên Bình, con gái Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh.
Nguyễn Trọng Vĩnh
Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010
1 nhận xét:
Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Coi hình bác Vĩnh thấy vừa quắc thước vừa phúc hậu, thật hợp với kết thúc có hậu của câu chuyện nhiều kỳ này.
Trả lờiXóa