Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Sáng sớm nay Bờ Hồ Hoàn Kiếm

Một buổi sớm thanh bình, trong lành và yên ắng...

Chào mừng tinh thần chiến thắng 30/04...

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Q3C, bạn Trỗi K5 gặp mặt, kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Với lứa tuổi của K5 và anh em Trường Trỗi, vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hầu hết anh em đều nhập ngũ, nhiều người tham gia chiến đấu, tham gia chiến dịch HCM lịch sử, đóng góp vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dịp này, anh em K5 đã họp mặt tại Q3C để kỷ niệm những ngày hào hùng cách đây 40 năm (30/04/1975 - 30/04/2015)


                                                    Chào mừng ngày chiến thắng 30/04/1975

Lễ trồng cây Lưu niệm tại Mỹ Yên, Đại Từ, Thái Nguyên.

Vui mừng gặp mặt
Chuyến đi về xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên hôm Chủ Nhật ngày 26/04/2015 thật nhiều ý nghĩa và với một tâm trạng háo hức mong chờ, không chỉ với Thầy Trò, CBCNV Trường Trỗi mà còn với cả CB, nhân dân xã Mỹ Yên. Buổi Lễ trồng cây Lưu Niệm ghi nhớ mảnh đất trường Trỗi đã đóng quân tại đây những năm 1965, 1966, cũng là một dịp Thầy Trò, CBCNV Nhà Trường và CB, nhân dân  xã Mỹ Yên gặp mặt, trò chuyện, ôn lại những kỷ niệm sẻ chia, thân thiết, gắn bó không bao giờ quên cách đây tròn 50 năm..., và còn ý nghĩa hơn nữa là 2 cây Kim Giao trồng Lưu Niệm lần này được mang từ vườn gia đình Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, một Danh Nhân được Nhân Dân biết ơn, kính trọng, tôn thờ..., một Phụ Huynh kính mến của Trường Trỗi, như một biểu tượng thắm thiết, thân tình và nối tiếp Truyền thống bất khuất, dũng cảm, kiên cường, vượt qua mọi khó khăn đối với các giáo viên, học sinh, CBCNV trường Nguyễn Văn Trỗi và nhân dân xã Mỹ Yên.
Thật là cảm động khi từ khắp các nơi mọi người họp mặt tại đây, ngay từ những giây phút đầu tiên,  "Tay bắt mặt mừng", hồ hởi trò chuyện, chụp ảnh lưu niệm... như quên đi cả thời gian...

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Lời cảm ơn

Gia đình, vợ chồng Nghiêm Quốc Huy K5, xin chân thành cảm ơn các anh chị em, bạn bè Khóa 5 và các khóa Trường VHQĐ - TSQ Nguyễn Văn Trỗi... đã thăm hỏi, chia buồn, đã đến phúng viếng, dự Lễ Truy điệu và tiễn đưa Cụ Bà Phạm Thị Dung, là Mẹ vợ Nghiêm Quốc Huy, do tuổi cao bệnh nặng đã từ trần ngày 21/04/2015, về nơi an nghỉ cuối cùng, tại Nhà Tang Lễ Bệnh viện TWQĐ 108.
Một lần nữa, gia đình xin chân thành cảm ơn.

                                                                           Thay mặt gia đình
                                                               Vợ chồng Nghiêm Quốc Huy K5

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Quốc Việt K5 (ST) Lần thứ ba vào nam (*)

Kính gửi anh chị em Bantroik5

Nhân ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, xin gửi anh chị em một phần cuốn Hồi kí ngắn của ông thân tôi khi được giao làm tư lệnh về An ninh tại chiến trường Miền Nam lúc bấy giờ đã được Bộ Công an tái bản và báo Nhân dân đăng lại ngày 22/4/2015.

Phát hiện kẻ Nội gián đã rất khó, nhưng thanh minh cho cán bộ mình khi bị địch bôi lem lại càng khó hơn. Đứng trước nhân phẩm của con người, dù rằng họ có phạm lỗi cần phải hết sức cẩn trọng. Khi nắm cương vị lớn, giữ được cái Tâm là rất khó.
Xin kính gửi anh chị em cùng đọc:

40 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước
Lần thứ ba vào nam (*)
Báo Nhân dân Thứ tư, 22/04/2015 - 09:37 PM (GMT+7)

LTS - Ðồng chí Viễn Chi, tên thật là Trần Xuân Viên, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an trong 22 năm (1967-1988). Theo lệnh Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn, năm 1975, ông dẫn đầu đoàn công tác Bộ Công an vào nam nắm tình hình, chỉ đạo công tác an ninh vùng mới giải phóng. Bài viết dưới đây trích từ hồi ký "55 năm, một chặng đường" của ông, đã được Nhà xuất bản Công an nhân dân in thành sách với nhan đề "Thầm lặng nơi chiến trường", nói về những chiến công thầm lặng của lực lượng công an, tầm nhìn của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an trong xử lý các vấn đề an ninh quốc gia phức tạp ngay sau giải phóng.
... Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, ta quyết tâm giải phóng miền nam trong năm 1975... Trong một cuộc họp lãnh đạo Bộ Công an, anh Trần Quốc Hoàn phổ biến những nghị quyết của Bộ Chính trị nhưng không nói rõ ngày giải phóng. Anh nói: Tôi cử một đoàn vào Trung ương Cục do đồng chí Viễn Chi phụ trách cùng một số đồng chí lãnh đạo cấp Cục như: Cục Bảo vệ chính trị, tình báo, nghiên cứu tổng hợp cùng điện đài cơ yếu theo đường Trường Sơn... Anh Hoàn nói: "Ðoàn đi đến đâu phải kết hợp với địa phương, nắm tình hình rồi điện về cho tôi biết để có chỉ thị tiếp theo".
Ðây là lần thứ ba tôi vào nam từ năm 1954 theo lệnh của anh Hoàn... Khi chúng tôi qua Ðà Nẵng... tôi gặp đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu V... trình bày mục đích chuyến đi này. Ðồng chí Võ Chí Công rất vui mừng nói: "Ta mới giải phóng Ðà Nẵng, anh nên ghé qua Công an Khu V và ghé qua Ðà Nẵng để góp ý kiến với các đồng chí về kinh nghiệm vùng mới giải phóng"...
Tôi góp ý kiến về đối sách của ta với ngụy quân, ngụy quyền, gián điệp và các đảng phái phản động. Rút kinh nghiệm từ lần trước, ta phải phổ biến cho nhân dân chính sách của Chính phủ là trừng trị những phần tử nguy hiểm ngoan cố, khoan hồng cho những người bị ép buộc hoặc nay đã hối cải tố giác đồng bọn lập công chuộc tội... Tôi tranh thủ gặp đồng chí Hồ Tuyên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ðà để trao đổi với đồng chí những kinh nghiệm đã qua và giúp công an quản lý vùng mới giải phóng... Qua Quảng Ngãi, được anh em cho biết trước khi rút lui, địch đã cài máy nghe trộm ở các cơ quan công an. Tôi bàn với anh em cắt hết dây điện cũ của địch và dùng dây điện mới tránh địch dùng kỹ thuật để nắm tình hình của ta...
Ngay từ đầu, Bộ Công an đã có những đơn vị chuyên trách nghiên cứu miền nam do đồng chí Trần Quốc Hoàn phụ trách, còn các việc khác của Bộ đều do các đồng chí Thứ trưởng chịu trách nhiệm... Có bộ phận chuyên nghiên cứu địch tình, có bộ phận chuyên nghiên cứu các chính sách đối với ngụy quân, ngụy quyền, gián điệp. Gần đến ngày giải phóng, anh Hoàn còn giao cho anh em nghiên cứu và thông báo niêm yết cho nhân dân biết về chính sách tiếp quản của ta, tổ chức bộ phận biên soạn các sổ tay cho cán bộ ở vùng mới giải phóng như: công tác điều tra nghiên cứu, quản lý trại giam, giữ gìn trật tự xã hội, công tác xét hỏi và xây dựng lực lượng... Chúng tôi kết hợp kinh nghiệm giải phóng Quảng Trị năm 1972 và kinh nghiệm của Huế, Ðà Nẵng với việc phổ biến những tài liệu của Bộ đã biên soạn để anh em tham khảo và trình Bí thư Trung ương Cục quyết định.
Ngày 30-4-1975, các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và binh đoàn 232 từ các nơi rầm rộ tiến vào Sài Gòn... Ðoàn xe chúng tôi tiến thẳng vào Tổng nha Cảnh sát... Thông qua báo cáo của các địa phương, tôi đã nắm được tình hình an ninh đầy phức tạp một cách tổng quát.
Qua khai thác một tên tình báo Mỹ bị bắt, ta được biết một số tên nội gián chui vào hàng ngũ ta, trong đó có một tên đã hoạt động được hơn 10 năm, mang tên trùng với hai đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh. Y đã cung cấp nhiều tin tức rất quan trọng cho địch. Tây Ninh là căn cứ Trung ương Cục nên mọi tin tức quan trọng về quân sự, chính trị của ta, y đều biết và cung cấp cho CIA. Những tin tức này được Lầu Năm Góc rất chú ý, chúng coi y là một tên tình báo số 1. Y có trí nhớ rất tốt. Chỉ cần đọc một lượt những chỉ thị, nghị quyết của ta là y có thể chép lại hầu như nguyên văn.
Tình báo Mỹ trước khi rút khỏi Việt Nam đã cài y ở lại. Y giao hẹn là tất cả hồ sơ, báo cáo của y gửi cho cảnh sát và CIA đều phải đốt hết để không còn tung tích. Nhưng Mỹ đã rút về nước, công an cảnh sát ngụy thì mất hết tinh thần, không còn bụng dạ nào đốt hồ sơ của y nữa. Cảnh sát trưởng ngụy ở Tây Ninh lúc đó là tên Nguyễn Tấn Danh trực tiếp nắm y. Chúng tôi đã bắt tên Nguyễn Tấn Danh. Tên này khai báo đầy đủ quá trình sử dụng và bàn giao Võ Văn Ba cho tình báo Mỹ. Qua khai thác Nguyễn Tấn Danh, chúng tôi biết đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy bị bắt là oan, ký tên trong báo cáo có tên Nguyễn Văn Ba là tên giả mạo. Nguy hiểm hơn, trong Thường vụ Tỉnh ủy có hai đồng chí tên là Ba. Chúng tôi tìm hồ sơ trong Tổng nha Cảnh sát ngụy và nắm được toàn bộ hồ sơ của y do chính tay y viết. Ðồng chí Tô Quyền (cán bộ miền bắc chi viện cho miền nam), Trưởng ban An ninh Tây Ninh, báo cáo cụ thể với tôi.
Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu, nghiên cứu hồ sơ của Võ Văn Ba với Ty công an ngụy và Tổng nha Cảnh sát, tôi báo cáo Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn bàn cách bắt Võ Văn Ba để khai thác, đồng thời can thiệp với Tỉnh ủy Tây Ninh để minh oan cho hai đồng chí. Nhưng vì tình tiết sự việc phức tạp nên sau một thời gian dài mới minh oan được cho hai đồng chí đó.
Vụ Võ Văn Ba là vụ nội gián quan trọng. Y đã chui sâu, leo cao vào nội bộ ta. Trong 10 năm, y đã thu thập rất nhiều tin tức quan trọng cho địch, nhưng vì ta có nhiều tin tức và bút tích của y còn lưu lại trong hồ sơ cảnh sát cộng với lời khai của Nguyễn Tấn Danh (người trực tiếp phụ trách y) nên việc kết tội y không khó khăn. Công an Tây Ninh bắt tên gián điệp Võ Văn Ba đưa về trại giam của Tổng nha Cảnh sát ngụy cũ... Sau khi đến nhà anh Trần Quốc Hoàn báo cáo kết quả khai thác, anh Hoàn chỉ thị cho tôi bàn giao tên này cho An ninh Trung ương Cục... Trong giờ tập thể dục buổi sáng của anh em, Võ Văn Ba đã dùng dây quần thắt cổ tự tử.
Ðược tin này, tôi rất sửng sốt và ân hận vì đã không bàn giao kỹ cho anh em. Ðối với những tên nội gián nguy hiểm, sau khi bị bắt, biện pháp cuối cùng của chúng là kết liễu đời mình... Bọn chúng như con rắn độc khi đã chui vào nội bộ ta thì tìm mọi cách cắn chết bất cứ người nào để bảo vệ tính mạng mình. Võ Văn Ba khai tên giả trùng với tên của hai đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh với mục đích trút tội cho hai đồng chí này, khiến hai đồng chí bị bắt oan. Nếu ta không sớm tìm ra bộ mặt thật của y, không biết số phận hai đồng chí này ra sao.
Sau giải phóng miền nam, một cơ sở tình báo của tôi ở nước ngoài báo, một cán bộ công an hoạt động hợp pháp ở Hồng Công đã bị CIA mua chuộc. Nghe tin này, tôi giật mình vì ở Hồng Công tôi có một cán bộ tên là Thận đã ở đó hai, ba năm. Trước đó anh ta đã ở Cam-pu-chia, An-giê-ri và một số nước khác. Xem báo cáo của anh ta thấy không có điểm gì đáng quan trọng. Lúc đó tôi đã nhắc Cục Nghiệp vụ tìm người thay anh ta. Nay được tin này tôi càng nghi ngờ và điện cho đồng chí Phạm Mai (Cục phó) tìm cách gọi anh ta về nước báo cáo tình hình, nhận chỉ thị mới. Sau đó một tuần, anh ta từ Hồng Công về Hà Nội. Tôi báo cáo anh Hoàn rồi đáp máy bay về ngay Hà Nội. Sau vài ngày nghỉ ngơi, tôi cho mời Thận đến báo cáo... Khi hỏi về mối quan hệ gần đây nhất của anh ta, anh ta loanh quanh với nhiều đầu mối không quan trọng, cố tình che giấu quan hệ với CIA ở Hồng Công. Khi đưa ra những tài liệu chứng cứ cụ thể nhưng anh ta vẫn cố tình giấu giếm. Nhưng thấy thái độ cương quyết của tôi, anh ta phải thú nhận. Anh ta kể về một đầu mối nữ Việt Nam tên là Ðỗ Thị Tính ở Hồng Công (trước ở Cam-pu-chia).
Thận khai: "Một hôm đi làm về tôi thấy một người phụ nữ Việt Nam khoảng 35 tuổi nhưng còn trẻ đẹp chào tôi bằng tiếng Việt (hình như cô ta đã đợi tôi từ trước). Gặp đồng hương ở nước ngoài trong lúc đời sống cô quạnh tôi rất mừng. Lúc đó chị ta nói với tôi: "Em thuê một căn phòng gần chỗ làm việc của anh, lúc nào rỗi mời anh sang chơi. Em sống một mình". Lúc đó gần đến Tết âm lịch, cán bộ cơ quan đều về nước ăn Tết, còn tôi phải ở lại trực. Chị ta đem bánh chưng, rượu và giò đến. Tôi nhận và cảm ơn chị ta. Sau đó, tôi sang nhà chị ta chơi. Ngôi nhà trang hoàng rực rỡ. Chị ta ăn mặc diêm dúa, khoác một chiếc áo voan mỏng và rót rượu mời tôi. Do bản chất hiếu sắc, lại xa vợ lâu ngày nên sau mấy chén rượu ngà ngà tôi ngả vào lòng chị ta. Từ đó bắt đầu mối quan hệ giữa hai chúng tôi mà tôi cho là không ai biết...
Một hôm, chị ta nói với tôi có người bạn buôn bán với chị ta muốn gặp tôi bàn chuyện làm ăn. Tôi nhận lời. Khi gặp nhau, giới thiệu chào hỏi xong, anh ta tự giới thiệu là người của CIA, đưa ra những bức ảnh khỏa thân của chúng tôi và nói: "Ðây là nghề nghiệp của tôi mong anh thông cảm. Tôi được biết Chính phủ của các anh rất nghiêm, không thể tha thứ cho một cán bộ ra nước ngoài công tác lại chơi bời trác táng như thế này". Hắn cho tôi hai điều kiện: một là hằng tháng phải báo cáo tình hình cơ quan, những chủ trương của Chính phủ cho hắn thì sẽ được tiếp tục sống như trước; nếu không thì hắn sẽ gửi tất cả những bức ảnh này cho Công an Việt Nam... Giữa lúc hoang mang đó tôi nhận được điện của Bộ gọi về nước để báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ mới...".
Tôi nói với Thận: "Nếu tôi giao cho anh nhiệm vụ gọi Tính về nước thì anh có làm được không?". Anh ta trả lời: "Tôi có thể làm được". Sau đó anh ta dùng điện tín gọi thị Tính về nước... Tôi bố trí cho chị ta ở khách sạn Thắng Lợi và cử một nữ cán bộ giả làm tiếp viên của khách sạn phục vụ chị ta để có thể tiếp cận thường xuyên. Tôi cũng tạo điều kiện cho Thận gặp thị Tính dưới sự theo dõi của ta...
Tôi báo cáo anh Trần Quốc Hoàn tất cả tình hình vụ án kèm theo những nhận xét của tôi về đề nghị cho chị ta vào nam nhận diện những tên CIA địch cài lại ở Hồng Công mà chị ta biết. Nếu có điều kiện thì tìm một ngôi nhà trang bị tiện nghi đầy đủ để làm một khách sạn nhỏ, giao cho chị ta đón khách ở Hồng Công dưới sự theo dõi của ta... Riêng đối với Thận... bị giam rồi đuổi ra khỏi ngành.
Sau khi rút chạy, đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu trở lại Việt Nam. Chúng sử dụng bọn tay sai trong số phản động, lợi dụng tôn giáo... để kích động đồng bào chống đối cách mạng... nhưng sau cũng bị thất bại. Ở vùng Tây Nguyên, tình báo Mỹ nắm được một số người cầm đầu trong dân tộc ít người, sau chúng tái lập lại tổ chức FULRO... Nhiều vụ án bạo loạn với âm mưu lật đổ chính quyền đã nổ ra ở Sài Gòn và các tỉnh phía nam nhưng đều bị lực lượng quần chúng tố giác, đập tan...
Tôi có nhiều suy nghĩ về tinh thần đấu tranh anh dũng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Ðảng và sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng Công an nhân dân cũng như của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong cuộc chiến đấu đó biết bao cán bộ, chiến sĩ công an đã ngã xuống. Sự hy sinh đó thật đáng tự hào biết bao.
---------------
(*) Ðầu đề là của Báo Nhân Dân.

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Tin buồn

                                                                  TIN BUỒN
Cụ Bà Phạm Thị Dung, sinh năm 1931, Nhạc Mẫu Nghiêm Quốc Huy, bạn Trỗi K5, do tuổi cao, bệnh nặng, Cụ đã từ trần hồi 20h10, ngày 21/04/2015 (Tức ngày 03/03 năm Ất Mùi), tại Bệnh Viện TWQĐ 108, hưởng thọ 85 tuổi.
Lễ Viếng tổ chức từ 07h30 - 09h15, thứ 7, ngày 25/04/2015 (Tức ngày 07/03 năm Ất Mùi), tại Nhà Tang Lễ BQP số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ Truy điệu và Đưa tang từ 09h15.
Lễ Hỏa Táng được tiến hành cùng ngày tại Đài Hóa Thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội.

Bạn Trỗi K5 xin chia buồn cùng vợ chồng bạn Nghiêm Quốc Huy và gia đình.
Bạn Trỗi K5 tập trung viếng vào lúc 08h30, ngày 25/04/2015.

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Kế hoạch đi Quảng Ngãi tháng 6/2015 (Báo Liếp "BẠN TRỖI K5" - TranKienQuoc)

Thứ Hai, ngày 20 tháng 4 năm 2015

KẾ HOẠCH ĐI QUẢNG NGÃI THÁNG 6/2015

Kính mời thầy cô và các bạn k5 cùng anh chị em k1 đến k8, k9 cùng tham gia sinh hoạt truyền thống kỉ niệm 
"50 năm nhập trường, 45 năm nhập ngũ của học sinh khóa 5 
Trường VHQĐ-TSQ Nguyễn Văn Trỗi (1965-1970)"

Ngày
Nội dung
Thời gian
Ghi chú
10/6/2015
Thứ tư
- Nhận phòng.
- Tối: Ăn cơm với gia đình Tấn Lợi
16.00
18.00
KS Mỹ Trà (nếu thiếu thì thuê KS cạnh).
Có thể tại nhà Tấn Lợi
11/6/2015
Thứ năm
- Tham quan: chùa Thiên Ấn, chiến tích Sơn Mỹ. (Dự bị: biển Mỹ Khê).
- Chiều: Giao lưu kỉ niệm 50 năm nhập trường và 45 năm nhập ngũ
7.00 – 13.00

18.00 – 21.00
Ăn cơm trưa tại KS

Hội trường KS Mỹ Trà.
12/6/2015
Thứ sáu
Sáng: Tham quan đảo Lý Sơn
Chiều tối: Thăm quê Phan Nam
7.00 - 16.00
18.00

Ăn cơm tối tại Tư Nghĩa
13/6/2015
Thứ bảy
-Trả KS
-Tham quan Khu CNDK Dung Quất
- Ra ga về HN, vào SG
08.00
08.00-12.00
15.00
Check out
Ăn trưa tại Mỹ Khê 
Ra tầu



Kinh phí:
1.     Tầu xe đi và về: Cá nhân tự lo.
BLL phía Nam và phía Bắc đứng ra mua tập thể: Hẹn ngày, tập trung CMND, thu tiền vé. (Lưu ý: trên 60 tuổi được giảm giá).
Tiền vé đi và về: khoảng 2T/ng.
2.     Đóng góp:
-         Đóng góp: 2T/ng cho 4 ngày 3 đêm.
-         Có thể thu trước khi đi hoặc thu tại Quảng Ngãi.
3.     Các chi phí tại Quảng Ngãi:
-         Khách sạn: 450k/phòng/ngày đêm.
-         Ăn uống thường: 100k/ng/bữa.
-         Liên hoan chính.
-         Thuê xe đi lại (1 số cơ quan thân tình đã hứa hỗ trợ xe đi lại).
-         Thuê tầu ra đảo Lý Sơn.
-         Trang trí phông màn.
-         Thuê dàn nhạc.
-         Ban tổ chức đang tích cực lo các nguồn tài trợ, để chuyến đi thành công tốt đẹp.
4.     Khách mời là thầy cô giáo:
-         Bao vé tầu và ăn nghỉ: 4T/thầy. 
5.     BLL khẩn trương thông báo chương trình, lên danh sách. 
Các cá nhân đăng kí với ban tổ chức ở 2 đầu (kể cả ai tự đi).
6.     Ban tổ chức:
Huỳnh Tấn Lợi: 091347 0125
Phan Nam: 090390 1533.
Nhất Trung: 091340 8289.
Kiến Quốc: 090383 0939.
Ngô Thế Vinh: 090427 8744.
Hoàng Việt: 090414 5533.
Đông Nhân: 090380 7742.
Thế Thịnh: 091384 8444

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

BLL Trường thông báo Chương trình trồng cây Lưu Niệm tại Mỹ Yên, Đại Từ, Thái Nguyên.

1. Nội dung: BLL Trường VHQĐ - TSQ Nguyễn Văn Trỗi tổ chức trồng cây Lưu Niệm tại xã Mỹ        Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (Nơi Trường đã đóng quân từ tháng 08/1965 - Tháng                12/1966), nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Nhà Trường (1965 - 2015) và 40 năm giải phóng            miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Loại cây trồng: Hai cây Kim Giao từ vườn gia đình Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
3. Vị trí trồng cây: Trong khuôn viên UBND xã Mỹ Yên.
4. Thành phần tham dự Lễ trồng cây Lưu niệm gồm có
- Đại diện các Thầy Cô giáo, CBCNV và học sinh các Khóa Trường Nguyễn Văn Trỗi.
- Đại diện gia đình Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
- Đại diện lãnh đạo huyện Đại Từ
- Lãnh đạo và đại diện các Đoàn thể, trường học xã Mỹ Yên, gia đình Liệt sỹ Đỗ Khắc Tiến K6.
5. Kế hoach cụ thể
- Quân số các Khóa tham dự: Mỗi Khóa tham dự từ 4 đến 8 người.
- Thời gian: Đi trong ngày Chủ Nhật, ngày 26/04/2015 (Tức ngày 08/03 năm Ất Mùi).
- Phương tiện: Đi bằng xe ôtô.
- 07h00 xuất phát tại Bảo Tàng Quân Đội, số 28A, Điện Biên Phủ, Hà Nội.
- 09h30 có mặt tại UBND xã Mỹ Yên.
- (Riêng các anh chị em bố trí đi bằng  phương tiện riêng, có thể tham gia xuất phát cùng Đoàn hoặc      chủ động thời gian đến Mỹ Yên trước 09h30, ngày 26/04/2015).
- 09h30 - 10h00 họp mặt tại Hội trường UBND xã Mỹ Yên.
- 10h00 - 10h30 tổ chức Lễ trồng cây Lưu Niệm.
- 11h00 - 13h00 cơm trưa thân mật và giao lưu văn nghệ.
- Dự kiến trở về đến Hà Nội trước 16h30.
6. Kinh phí: Các Khóa và cá nhân đóng góp, cụ thể liên hệ và nộp cho BTC (Ngô Thế Vinh K5).
7. Đề nghị: Trưởng BLL các Khóa phổ biến nội dung trên đến các bạn Trỗi trong Khóa, tổng hợp và      thông báo quân số tham dự cho BTC (Ngô Thế Vinh K5, ĐT: 0904278744) trước ngày thứ 6, ngày      24/04/2015, để BTC chuẩn bị xe và hậu cần được chu đáo.

Về thăm xã Mỹ Yên, một ngày tháng tư...

Mỹ Yên vẫn thế, trong lành và thanh bình. Ẩn sau sự bình lặng là sự tích cực, khẩn trương để đạt "Chuẩn nông thôn mới", mà điều đó đã trong tầm tay... Xin chúc nhân dân Mỹ Yên đạt được mọi điều mong muốn, ngày càng giầu mạnh.

Lãnh đạo xã Mỹ Yên và Đoàn Trường Trỗi.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Lộ trình

Lộ trình sớm nay:
                                                                     Thể dục Bờ Hồ.

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Quốc Việt K5 (ST) - Dọn Vườn – Thơ ĐINH KIM KHÔI (Hủi) K5

Kính gửi anh chị em bạn  Trỗi K5
Anh bạn Đinh Kim Khôi (Hủi) K5 đã có thư góp ý cho cuốn sách NGHIÊN CỨU NGƯỜI VIỆT của mình dưới dạng thơ.  Mình thử đưa lên Face Book, thấy nhiều người thích. Tôn trọng BẢN QUYỀN của tác giả, mình xin gửi anh chị em thưởng thức.

Dọn vườn
Đọc sách TÙY BÚT “NGƯỜI VIỆT” của TRẦN QUỐC VIỆT, vậy có thơ PHẢN BIỆN rằng:

Tông TRẦN “LOAN HỶ” ngày xưa
Để lại “VIỆT TƯỚNG” ngủ trưa – mơ ngày
Chẳng ai rõ hắn tỉnh hay say
Sử ta chẳng thuộc, tiếng Tây viết bừa
Bia tích Tàu, người xưa Câu Tiễn
Dệt chuyện ta “Chữ Kiếm” thời Lê
Còn HỎA HỔ của Quang Trung NGUYỄN HUỆ
Như giẻ lau lũ nhà quê lạc hậu
Hỏi làm sao người Việt nơi đâu
Bắn thủng vỏ tàu đồng người Pháp
Đốt quân Thanh cháy giáp rợn ghê
Đó đâu là loại vũ khí bị chê
Bị coi đồ xưa chỉ để săn NAI
SẠN sách viết đâu đó còn dài
Lỡ kể người viết (đọc) một mai ốm liền
Vì đã nói:
Chụp hình như trên bia đá nghĩa trang
Viết thảo cáo phó – trích ngang lề sách
Tự rao rằng đây là hạng sách – Chợ Đêm
“Tiếng chổi tre đêm hè”...
Không gì hạnh phúc bằng được ông bạn vàng “phản biện”; Như nhà thơ ĐXH khẳng định, “Có phản biện mới ....SƯỚNG”,  
Mình hơi phân vân vì sao hắn lại “Dọn vườn” ....bằng “Chổi tre”, mà lại dọn vào “Đêm Hè”? Xem kĩ lại thì không phải hắn dọn vào cuốn sách của mình, hình như hắn “dọn vườn” ....CỔ THỤ nào đó, hay là don vườn...rau nhà hắn? Cái vườn rau ấy nên dọn.

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Tin buồn

                                                                 TIN BUỒN
Cụ Lê Thị Vinh, sinh năm 1919, Thân Mẫu bạn Vũ Tiến Chính K5, do tuổi cao bệnh nặng, Cụ đã từ trần hồi 07h15, ngày 06/04/2015 (Tức ngày 18/02 năm Ất Mùi), tại nhà riêng số 24, ngõ 80, Phùng Hưng, thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội, hưởng thọ 97 tuổi.
Lễ Viếng tổ chức vào hồi 15h30 ngày 06/04/2015 đến 07h00 ngày 08/04/2015 tại số nhà 24, ngõ 80, Phùng Hưng, thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội.
Lễ Truy Điệu và Đưa Tang vào hồi 07h00 ngày 08/04/2015 tại Đài Hóa Thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội. Lễ An Táng tiến hành cùng ngày tại Nghĩa Trang Con Cá, thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội.

Bạn Trỗi K5 xin chia buồn cùng bạn Vũ Tiến Chính và gia đình.
BLL và các bạn Trỗi K5 đã đến viếng Cụ vào lúc 15h30 ngày 06/04/2015.

Tin buồn

                                                               TIN BUỒN 
Cụ Bà Ngô Hương Liên, sinh năm 1930, Thân Mẫu bạn Hoàng Quốc Toàn K5, anh Hoàng Quốc Lập K1, Mẹ vợ anh Nguyễn Mạnh Quang K4, do tuổi cao bệnh nặng, Cụ đã từ trần hồi 01h30, ngày 02/04/2015 (Tức ngày 14/02 năm Ất Mùi), tại Bệnh viện TWQĐ 108 Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi.
Lễ Viếng tiến hành từ 13h00 đến 14h30, thứ 3 ngày 07/04/2015, tại Nhà Tang Lễ BQP số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ Truy Điệu và Đưa Tang từ 14h30.
Lễ An Táng được tiến hành cùng ngày tại Đài Hóa Thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội.

Bạn Trỗi Khóa 5 xin chia buồn cùng các anh Hoàng Quốc Lập, Hoàng Quốc Toàn, Nguyễn Mạnh Quang và gia đình.
Bạn Trỗi K5 tập trung viếng vào lúc 13h30, ngày 07/04/2015.

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Quốc Việt K5 - BIỆT DANH VÀ CÂU CHUYỆN IN SÁCH (thay phần sửa lỗi cuốn sách NGHIÊN CỨU NGƯỜI VIỆT).

Kính gửi anh chị em bạn Trỗi khoá 5.
Lâu quá không thấy cụ nào chạy quanh Bờ Hồ; Nhóm Long Lợn Luộc cũng như CCC không họp, Blog buồn hẳn.
Ông bạn nối khố của mình kể câu chuyện về "nồi nước rau" mà mấy bài của Thiện Nhân đưa ra trên Phây chưa nhằm nhò gì: “Mấy ông bạn rủ nhau đến nhà đánh chén, trời nóng, thấy trên bàn có "chậu nước rau", mỡ nổi lều bều; Các cụ tranh thủ dặm trước mỗi người một bát để lấy sức uống rượu. Bỗng nhiên ...cô vợ chủ nhà chạy ra, giọng hớt hải: Cái chậu nước lau bàn của em vừa ở đây, có anh nào thấy đâu không? Cô ta chợt nhìn thấy cái “chậu nước rau” trên bàn, bèn tiến đến...., thò tay vào trong khoắng một cái, lôi ra .....một cái giẻ lau bàn to tướng. Nghe nói từ đó ...các cụ ít khi mời nhau đến nhà ăn uống, cũng may không cụ nào nuốt phải ....cái giẻ lau".   
Gặp lại nhiều anh chị em, ý kiến về bài BIỆT DANH VÀ CÂU CHUYỆN IN SÁCH phong phú, nói chung là ủng hộ. Mình tha thiết mời ông bạn Đinh Kim Kh chiêu đãi long trọng để cảm ơn. Hắn đánh chén nhưng vẫn kết tội mình.   
Tôi viết sai cái gì? Mình hỏi và hắn trả lời: Viết đúng, nhưng ông vi phạm bản quyền, công nghệ tắm bùn, đắp mặt nạ bùn ... chữa được cả bệnh ghẻ lở hay hắc lào đang là mốt hiện nay là do bọn Hàn Quốc học ở đây nhé; Nhiều người còn nghiện. Hóa ra hắn đã đăng kí bản quyền việc KHÔNG TẮM. .
Tốt nghiệp Hóa Vô cơ, nhưng về hưu lại chuyên về HÓA THỰC PHẨM – Không tin, các bạn có thể hỏi lại việc hắn chiêu đãi anh em; Phần rau tươi hái trực tiếp tại vườn, không cần rửa xả gì, cho ráo vào nồi, GIUN SÁN là chết tiệt, nước sôi ở 100 độ nhé. Dưng mà... nhà hắn lại không có nhà vệ sinh, cứ thiên nhiên ra vườn tất, đó là sống SINH THÁI, báo hại cuốn sách mình gửi tặng ông bạn, giờ bay lả tả ngoài vườn của hắn; Anh em đánh chén xong cứ khen mãi. Mình hay đau bụng nên không tham dự được, bạn bè chia buồn liên tục.
“Cẩn tắc vô ưu”, xin gửi lại anh chị em bài 
BIỆT DANH VÀ CÂU CHUYỆN IN SÁCH 
Chỉ nhằm xin lỗi anh chị em nào được tặng sách vì các lỗi chính tả, mong anh chị em chiêm nghiệm:
Về hưu, tranh thủ gõ cái máy vi tính viết bài vui cùng anh chị em; mắt kém, trình độ vi tính loại i tờ nên sai chính tả nhiều. Các bài đăng trên blog Bantroik5news của mình, mình tập hợp lại thành một cuốn sách tặng bạn bè lấy tên là NGHIÊN CỨU NGƯỜI VIỆT. 
May rủi làm sao có ông bạn thích quá, đề nghị đưa ra in ở Nhà Xuất bản Hội Nhà văn. Mình không có tham vọng in thành sách vì phải kiểm duyệt, rồi phê phán; chỉ mong viết riêng cho anh em mình xem. Hơn nữa, đã là cuốn sách thì phải viết lại cho có đầu, có cuối thì tốt hơn; Có ông định lấy tên là tạp văn, nhưng mấy ông bạn không chịu vì không thể đợi đến khi mình khỏi mắt được. Mấy khi dược sửa chính tả, quá tốt. 
Sau khi nghiên cứu mấy tháng, thấy rằng thông tin chính xác và không sửa hành văn, ông bạn nhạc sỹ của Nhà Xuất bản cho gọi mình đến phỏng vấn: 
- Anh bảo ông tướng Việt Nam nào có họ "Sái"? Hội đã cho tra cứu hết hồ sơ mà không thấy ông nào có họ “Sái” cả.  
- Sao anh dám khẳng định họ Sái sang Việt Nam từ hồi Lâm Tắc Từ? Lại còn: Tại sao xứ Malta lại "trồng bia hơi". "Bò đuổi" là thế nào? "Ba loe" là thế nào? 
Dào ôi, đã là biệt danh thì không nên hỏi. 
Phải giải thích đến hụt cả hơi, bịa ra đủ thứ chuyện từ ông bạn bị ho lao, cân nặng khiêm tốn đến mức được xếp vào danh sách đỏ (UCN Red List of Threatened Species, IUCN Red List hay Red Data List) cần bảo vệ nghiêm ngặt nhất, rồi chuyện đi gác đêm ôm súng không có đạn, bị bò đuổi....nhưng xem chừng không thuyết phục nổi nên cụ ấy vẫn hỏi mãi. Thế mới biết anh chị em bạn Trỗi nhà mình tính thật thà quen; Cảm ơn ông bạn, nhờ ông bạn làm thành cái đinh của cuốn sách. 
May mà lúc đó mình đang ngồi với Đinh Kim Kh (K5 Trỗi) thì Cần "Gù" (K5 Trỗi ở TPHCM) gọi điện ra; Mình nói đang ngồi với Đinh Kim Kh mà hắn cứ hỏi mãi là Kh nào? Kh "trắng" hay Kh "đen"? Kh "khùng" hay Kh "hâm" v.vv. Đến khi mình phải nói toẹt ra là Kh "Hủi", hắn mới nhớ ra ông bạn trăng trắng mà hàng năm không tắm ấy. 
Buồn cười đau cả bụng khi trước mặt anh em Hội Nhà văn, Kh "Hủi" lôi cả nhà Cần "Gù" chửi toáng lên. Từ mồm hắn, bao nhiêu thứ "hay ho" cứ nhảy ra...nhảy ra.... phát hãi. 
Hoá ra hắn vẫn "hủi" đến bây giờ, diện bộ đại cán bạc phếch ngày nào, nhưng ghét bám tầng tầng lớp lớp như áo giáp thời trung cổ; Còn cái áo Sơ mi thì thôi rồi, hắn khoe được tặng từ hồi mồ ma CHDC Đức nhưng chưa giặt bao giờ nên ngả màu ố xỉn, cứ như bị trẻ con ....vào; Cái áo ấy ..."tốt lắm"; "3 loe", Kiệt "lợn" thi thoảng "dùng chung" ....thích đáo để. 
Vui tý thôi, chẳng là hắn tham gia Hội Cựu chiến binh phường, trúng khu đội trưởng và được anh em phong cho là Kh “Chính uỷ”, hắn ghét ai gọi hắn là Kh "hủi" (CG cẩn thận nha), mà anh em bạn Trỗi mình không thể gọi khác được. Mấy ông bạn già ngồi với nhau cứ tấm tắc, đúng là còn anh bạn cũ lâu không gặp.
Lúc đó anh em Hội nhà văn mới thừa nhận rằng, khi người ta đã xa nhau tới hơn 40 năm thì chỉ có biệt danh mới nhớ được bạn bè. 
“Họa vô đơn chí”, lại đến ông Cục trưởng Cục Xuất bản tương cho mình một công văn dài tới 4 trang, thống kê quyển sách gần 400 trang ấy có tới 27 lỗi, trong đó có 26 lỗi chính tả.... Nghiêm trọng nhất là: “- Thông tin không có gì mới, ai cũng biết, toàn lấy trên Internet.”  
Rất cảm ơn anh em đóng góp, mình sợ nhất là thông tin không có trên mạng Internet, mà sao trên mạng lại có Vinh "Sái" hay "3 Loe" nhỉ? Có anh em đề nghị nên đổi biệt danh mới cho đỡ "Sái" hơn, ví như NNN hay CCC .... ???
Hổng dám đâu, đó là biệt danh từ hồi các cụ 12, 13 tuổi, sống với nhau tới 5 năm, nhắc lại một thời xa gia đình đầy kỉ niệm, chứ các cụ đã 60 hơn còn gọi là S "Lòng Lợn Luộc" hay L NNN hoặc T CCC ....thì khó nghe quá. 
Sau hai tuần đăng trên phây (Facebook), bạn miềng thay đổi hẳn, cắt tóc gọn gàng, quần áo sạch tinh tươm, không chửi thề, hoá ra hắn đẹp trai, trắng trẻo chứ không bị bệnh bạch biến, loang lổ... như mình tưởng.
Anh em từ chính quyền đến Hội Cựu Chiến binh phường khen nức nở. Cái ông Xô-crát thánh thật, khẳng định không gì cải hoá con người nhanh như các chuyện hài hước. Đúng là "Văn để tải đạo" có khác.
Tuy nhiên..... không thấy  bạn mình cười như xưa; Y chang nhà thơ Bán Trời, toàn nhìn bạn bè với đôi mắt hình "viên đạn". 
Bạn mình có đặc tính không thèm đọc sách, báo, không lên Phây (Facebook) vào Lốc (Blog) bao giờ, sao hắn biết? Hoá ra ông bạn có tên trong "sách đỏ" phổ biến lại, còn dứt khoát khẳng định câu chuyện Đông-Ki-Sốt xứ Malta  (El Ingenioso hidalgo Don Quixote de la Mancha) của đại văn hào Xéc-văn-téc (Miguel de Cervantes y Saavedra) là do mình cố tình viết bịa ra để nói xấu hắn; “Đã là Văn thì phải 9 phần bịa, một phần thật chứ, ai lại đưa ra toàn sự thực như thế? Lộ chết”. Khốn khổ cho cụ Xéc-văn-téc, làm sao cụ viết cách nay gần 400 năm mà giờ cứ giống bạn miềng Y CHANG. 
Cuốn sách in xong, rất đẹp, riêng một số lỗi chính tả vẫn còn vì bên Hội cho rằng đó là biệt danh nên không sửa. Anh em nào được tặng sách thì cho mình xin lỗi và hết sức thông cảm, coi như tác giả mắt lèm nhèm ....cứ như Việt “Cận” vậy.
Thành thật xin lỗi Tạ Minh trước nhé, hắn cũng bị CẬN như mình.

Khẳng định với anh chị em, thể nào mình cũng bị còm: Biết rồi, khổ lắm....