Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Chuyện cũ

Một trong những biểu hiện của tuổi già là hay nhớ lại chuyện cũ. Chẳng còn trẻ nữa đành thả cho ký ức bay về 'những ngày xưa thân ái'. Hôm nay chủ nhật, rỗi rãi chạy lăng quăng thế nào lại phi qua phố cổ, định ra Ô quan chưởng làm bát bún ốc nguội, trời nóng các cháu thèm ăn chua ngồi chật quán, không có chỗ để xe đành lướt qua, thăm khu phố Tàu ngày xưa vậy.
Khu này ngày xưa với anh em Trỗi sống ở khu tập thể Phúc xá nhiều kỷ niệm lắm. Vốn là khu gia binh dành cho cán bộ trung cấp thời đó nên bọn con cái như chúng tôi không cần 'kín cổng cao tường' lắm, sau giờ học là chạy khắp phố. Rất hay léo hánh lên khu phố Tầu cũ xung quanh Hàng Buồm, Tạ Hiện, Hàng Chiếu v.v.., không phải vì có tiền vào cao lâu ăn đồ Tầu đâu, mà chung quy chỉ tại cái tội thích xem tích Tầu cổ, thường mò đến các rạp hát nhỏ như Kim Phụng, Chuông Vàng, Kim Môn Lạc Việt v.v... Vào cái thời 58,59 ở các rạp này thường diễn các tích tuồng cổ như Phụng Nghi đình, Lã Bố hý Điêu thuyền, Quan công đại chiến Bàng Đức, Tiết đinh San và còn hàng trăm các tích khác. Cái áp phích vẽ các võ tướng, hiệp khách, Công chúa, Hoàng tử v.v.. to tướng với cân đai áo mão đường bệ, giáp trụ sáng ngời kích thích trí tưởng tượng ghê gớm, mình có thể đứng ngắm hai cái lông chim gắn trên đầu Lã Bố hàng giờ liền không mỏi cổ hehe! Làm gì có tiền xem hát, đành tò mò tìm chuyện 'kiếm hiệp'để đọc nào tàn Đường, thuyết Đường, Tam quốc Tây du v.v.. Mà hồi đó chuyện đó cấm tiệt, muốn xem phải lạy lục mấy thằng gốc Hà nội nhà nó còn giữ được để mượn mà xem, mê lắm! đến nỗi có lần vót vài con dao nhỏ bằng gỗ, ngậm vào miệng phun phè phè, hảo hán phun xa vài trăm mét, giết được vài mạng người mà mình phun mãi chỉ rơi lẹt bẹt, không quá được một bước chân hihi!
Có lần đi qua rạp Văn lang hay Chuông Vàng gì đó, thấy diễn tích gì đó có cái tên Địch Nhân Kiệt, rất thích nhưng tìm mãi chuyện về ông mà chẳng thấy, có lẽ là một đoạn trong Thuyết Đường mà thằng bạn nó dấu không cho xem, nỗi ấm ức vì không biết đầu cua tai nheo câu chuyện làm mình cú lắm, định bụng tìm cho ra để đọc cho thỏa trí tò mò, thế rồi lớn lên một chút, cuộc sống biến động, không có thời gian tìm xem nữa, mãi gần đây, đọc báo mạng có câu chuyện về ông tường Tầu này, thấy hay hay, thôi thì mang về đây mời anh em đọc cùng, cho nó hạ hỏa vì mấy ngày nay toàn nói chuyện Tiên lãng rồi Văn giang, hy vọng câu chuyện này giúp anh chị em qua được vài trống canh!

Chuyện tình đơn phương chưa từng được biết đến của Võ Tắc Thiên

Khi ngồi ở ngôi nữ hoàng, Võ Tắc Thiên trước sau đã sủng hạnh không ít đàn ông. Đó là điều mà ai cũng biết. Tuy nhiên, có lẽ cũng chính vì vậy mà ít người có thể tin được rằng, cả đời Võ Tắc Thiên lại yêu thầm một sủng thần của mình dù bị người này liên tục từ chối.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa chính là, người đàn ông mà Võ Tắc Thiên thầm yêu trộm nhớ lại chính là vị quan phá án nổi tiếng triều Đường – Địch Nhân Kiệt.

Đường thăng tiến kỳ lạ của Đại pháp quan Địch Nhân Kiệt
Trong tiểu thuyết “Địch Công án” và hàng loạt các bộ phim truyền hình được cải biên từ bộ tiểu thuyết này, người ta biết tới Địch Nhân Kiệt giống như một Bao Thanh Thiên của triều đại nhà Đường với tài phá án như thần, khó ai có thể bì kịp.
Tuy nhiên, trong thực tế lịch sử, ngoài tài năng phá án, Địch Nhân Kiệt còn là một đại thần văn võ toàn tài.
Văn có thể trị quốc, phụ chính, trước sau được coi là món “bảo bối” trong tay vị nữ hoàng tài năng nhưng cũng vô cùng tàn bạo Võ Tắc Thiên, cho tới chết vẫn giữ chức Tể tướng. Võ có làm tướng trấn giữ biên cương, đánh lui quân Khiết Đan.
Trong thời đại của Võ Tắc Thiên, Địch Nhân Kiệt là một vị quan chính trực và tài năng hiếm có.



Võ Tắc Thiên - người đàn bà nổi tiếng "máu lạnh"
Vì vậy, dù đường hoạn lộ của Địch Nhân Kiệt cũng thăng trầm lên xuống nhưng dù làm gì, ở vị trí nào, Địch Nhân Kiệt cũng tỏ ra mình là một ông quan xuất sắc. Khi còn là một quan huyện, người dân đã góp tiền xây hẳn cho họ Địch một sinh từ để tỏ lòng biết ơn ông. Sau khi trở thành Tể tướng triều Đường, Địch Nhân Kiệt được Võ Tắc Thiên vô cùng trọng thị. Địch Nhân Kiệt đã đóng góp một phần công sức không hề nhỏ trong việc xây dựng và củng cố thiên triều của Võ Tắc Thiên.
Vì vậy, các sử gia đều cho rằng, nếu như nói công trạng Võ Tắc Thiên là kế thừa thời thịnh trị Trinh Quán và mở ra thời thái bình Khai Nguyên thì công đầu phải kể đến chính là Địch Nhân Kiệt.
Sử chép, Địch Nhân Kiệt tự là Hoài Anh, vốn là người Thái Nguyên, Bính Châu, nay là Khu Nam, Thái Nguyên. Địch Nhân Kiệt sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm quan.
Ông nội Địch Nhân Kiệt là Địch Hiếu Tư từng giữ chức Thượng thư Tả thừa dưới thời Đường Thái Tông. Cha Địch Nhân Kiệt là Địch Tri Tôn làm quan tới chức Thứ sử Quỳ Châu.
Chính nhờ truyền thống của gia đình, ngay từ nhỏ, Địch Nhân Kiệt đã được ông và cha huấn luyện rất nghiêm khắc để trở thành một quan viên lý tưởng.
Ở tuổi thiếu niên, Địch Nhân Kiệt đã tham gia khoa thi Minh Kinh do triều đình tổ chức và bắt đầu bước chân vào đường hoạn lộ một cách thuận lợi.
Ngay từ những năm đầu làm quan, Địch Nhân Kiệt đã tỏ ra là một tài năng xuất chúng. Sau này, khi họ Địch làm chức quan Tham quân ở Biện Châu đã có người vu khống và bị bắt giam vào ngục.
May mắn cho Địch Nhân Kiệt, lúc bấy giờ, Công bộ Thượng thư là Diêm Lập Bản được phong làm người đứng đầu đoàn khảo sát tuần thị vùng Hà Nam đã thụ lý vụ án này.
Họ Diêm không những giúp Địch Nhân Kiệt chứng minh được sự trong sạch của mình, mà còn phát hiện ra Địch Nhân Kiệt là một người không chỉ có tài năng mà còn có cả đức hạnh.
Diêm Lập Bản ca ngợi Địch Nhân Kiệt là “viên ngọc quý dưới đáy biển” rồi viết thư tiến cử Địch Nhân Kiệt làm chức Pháp tào Tham quân ở Bính Châu.
Bị kẻ xấu vu khống, những tưởng tội chết tới nơi, không ngờ lại được đề bạt, điều này chứng tỏ dù còn rất trẻ tuổi, Địch Nhân Kiệt vẫn tỏ ra có thực tài hơn người, và dù vận đen thế nào cũng không thể che lấp được tài năng của vị pháp quan trẻ tuổi này.
Trong thời gian làm Pháp tào Tham quân ở Bính Châu, Địch Nhân Kiệt đã có cơ hội đọc toàn bộ các sách và điều luật liên quan tới binh pháp, hình phạt và tác phong của quan lại… Điều này giúp Địch Nhân Kiệt có được nền tảng cơ bản cho con đường trở thành một vị thần thám lừng danh của triều đại nhà Đường.
Tài năng của Địch Nhân Kiệt nhanh chóng tới tai Đường Cao Tông. Vào năm Nghi Phượng thứ nhất, tức năm 676 sau Công Nguyên, Địch Nhân Kiệt được Đường Cao Tông phong làm Đại Lý Thừa (chức Thẩm phán cao nhất của Pháp viện), nắm toàn bộ đại quyền hình pháp của quốc gia.

Người mà Võ Tắc Thiên say đắm chính là Địch Nhân Kiệt
Địch Nhân Kiệt nổi tiếng là người tham công tiếc việc. Nhậm chức được một năm, Địch Nhân Kiệt đã xử lý toàn bộ các vụ án tồn đọng của những người tiền nhiệm, liên quan tới hàng chục nghìn người.
Địch Nhân Kiệt không chỉ có tài năng phá án mà xử lý cũng rất nghiêm minh, đã giải phóng cho hàng vạn người bị án oan. Chính nhờ vậy, danh tiếng của Địch Nhân Kiệt được người dân khắp nơi biết tới. Người ta gọi Địch Nhân Kiệt là “Thanh thiên đại lão gia” với khả năng phá án như thần.
Những câu chuyện được ghi chép trong cuốn “Địch Công án” mà người ta biết tới sau này hầu hết là những câu chuyện phá án của Địch Nhân Kiệt trong thời gian giữ chức Đại Lý Thừa này. Là một vị pháp quan nổi danh, Địch Nhân Kiệt cũng nổi tiếng là người rất tôn sùng pháp luật. Để bảo vệ việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh và “đúng người đúng tội”, Địch Nhân Kiệt thậm chí đã phạm tội cả Hoàng đế.
Chuyện kể rằng, một lần, Tả uy vệ Đại tướng quân Quyền Thiện Tài và Hữu lâm môn Trung lang tướng Phạm Hoài Nghĩa không biết đã chặt nhầm một cây bách cây ở Chiêu Lăng (Lăng mộ của Đường Thái Tông), Đường Cao Tông biết chuyện đã vô cùng giận dữ, hạ lệnh lập tức mang hai vị tướng quân ra xử chém.
Địch Nhân Kiệt thấy vậy bước lên nói: “Pháp luật quốc gia đã có ghi chép rất rõ. Căn cứ theo pháp luật thì tội của hai vị tướng quân không tới mức phải khép vào tội chết”. Đường Cao Tông đang cơn giận muốn giết người cho hả, nay lại gặp “kỳ đà cản mũi” càng giận hơn, quát: “Chúng hại ta thành kẻ bất hiếu, không chết không được!”
Địch Nhân Kiệt không những không sợ hãi, còn gan lì nói: “Không đáng tội chết mà vẫn khép vào tội chết, lại chỉ vì một cây bách mà giết đi hai vị tướng quân. Người đời sau sẽ bình luận về bệ hạ là một ông vua ra sao đây? Thần không thể để bệ hạ trở thành một ông vua vô đạo được!”
Đường Cao Tông nghe Địch Nhân Kiệt nói có lý, chợt như tỉnh ngộ, ra lệnh miễn tội chết cho hai vị tướng quân nọ và chỉ trách phạt. Câu chuyện không màng nguy hiểm của bản thân để can gián Hoàng đế đã khiến danh tiếng của Địch Nhân Kiệt lan khắp kinh thành. Sau này, Địch Nhân Kiệt được thăng chức lên làm Độ chi Lang trung (tương đương chức Vụ trưởng trong Bộ Tài chính hiện nay).
Sau đó, Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên ra ngoài vui chơi, phái Địch Nhân Kiệt làm Tri Đột Sứ, chịu trách nhiệm toàn bộ công việc tổ chức chuyến du ngoạn đó. Lần đó, tuyến đường du ngoạn của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên phải đi qua Đố nữ từ (miếu thờ người đàn bà hay đố kỵ).
Theo lời kể của những người dân nơi đây thì những người nào đi qua Đố nữ từ mà mặc quần áo lòe loẹt, diêm dúa thì nhất định sau này sẽ gặp chuyện không may.
Chính vì thế, quan Trưởng sử Bính Châu là Lý Trọng Huyền đã hạ lệnh cho mấy chục ngàn dân phu gấp rút xây dựng hẳn một con đường mới vòng qua Đố nữ từ để Hoàng đế và Hoàng hậu đi mà không cần phải qua ngôi miếu tai quái này. Tuy nhiên, Địch Nhân Kiệt lại không nghĩ như vậy.
Địch Nhân Kiệt nói với Lý Trọng Huyền rằng: “Thiên tử tuần du, thần gió sẽ tới quét sạch bụi, thần mưa sẽ tới rửa sạch đường cho thiên tử, hà cớ gì phải tránh một mụ đàn bà hay đố kỵ?”
Địch Nhân Kiệt ra lệnh không làm đường mới mà vẫn để Hoàng đế và Hoàng hậu đi qua đường cũ. Nhờ thế, hàng vạn nông dân được miễn lao dịch nặng nề. Đường Cao Tông nghe chuyện, rất khen Địch Nhân Kiệt, nói: “Địch Nhân Kiệt thực sự là một đại trượng phu”.
Một câu nói của Địch Nhân Kiệt vừa tán dương Hoàng đế lại miễn được lao dịch cho dân, có thể nói là “vẹn cả đôi đường”. Chính vì vậy, người thời đó nói rằng, Địch Nhân Kiệt là kẻ rất biết cách làm quan.
Khi Võ Tắc Thiên xưng đế, lập ra nhà Chu đã phong cho Địch Nhân Kiệt làm Địa cung (tức Bộ Hộ) Thị lang, sau thăng chức làm Bình chương sự của Loan đài (Môn hạ tỉnh) thuộc Đồng Phong các (Trung thư tỉnh) cũng tức là quan Tể tướng đương thời.
Một lần, Võ Tắc Thiên cố ý muốn thử Địch Nhân Kiệt nên nói: “Thành tích của ngươi không tệ, tuy nhiên có người nói xấu ngươi trước mặt ta, ngươi có muốn biết người đó là ai không?”
Địch Nhân Kiệt nói: “Nếu như bệ hạ cho rằng thần sai ở chỗ nào thì thần đương nhiên sẽ thay đổi. Còn nếu như bệ hạ biết rõ thần không phạm sai lầm gì thì đó chính là may mắn của thần. Vì thế, ai nói xấu gì thần, thần cũng không muốn biết và cũng chẳng cần phải biết”. Qua cuộc nói chuyện lần đó, đến ngay cả Võ Tắc Thiên cũng cho rằng Địch Nhân Kiệt là một ông quan trung thành mà thẳng thắn.
Mặc dù có cả tài năng lẫn sự trung thành, tuy nhiên, lần làm Tể tướng này của Địch Nhân Kiệt rất ngắn ngủi. Bởi lẽ thời điểm đó đang là thời kỳ người ta tìm cách vu khống để hãm hại nhau nhằm tìm được đường tiến thân cho mình.
Địch Nhân Kiệt ngồi ở ghế Tể tướng được một năm thì bị một tên quan nổi tiếng tàn bạo lúc bấy giờ là Lai Tuấn Thần vu cáo mưu phản.
Căn cứ theo pháp luật lúc bấy giờ, một tội nhân khi mới tra khảo đã thành thật nhận tội thì ngay lập tức có thể miễn tội chết. Từng là một pháp quan lâu năm, Địch Nhân Kiệt nắm rất rõ điều này.
Vì vậy, khi Lại Tuấn Thần thẩm vấn Địch Nhân Kiệt, Địch Nhân Kiệt thừa biết những phương cách tàn bạo mà bọn quan lại như Lai Tuấn Thần dùng để đối đãi với phạm nhân nên đã nhanh chóng thừa nhận mình có tội để bọn Lai Tuấn Thần không có cớ hành hạ mình: “Hiện nay là triều đại nhà Chu, ta là cựu thần nhà Đường, ta cam tâm tình nguyện bị giết, ta có tham gia mưu phản”.
Lai Tuấn Thần rất vừa ý vì chưa thẩm vấn, Địch Nhân Kiệt đã nhận tội, nhờ vậy, Địch Nhân Kiệt mới thoát khỏi những khổ hình trong ngục tối. Mặc dù linh hoạt như vậy, nhưng nhiều khi Địch Nhân Kiệt vẫn rất cứng nhắc.
Có người chạy tới nói với Địch Nhân Kiệt rằng chỉ cần tố cáo một người khác để y bị bắt vào ngục thì có thể giảm được tội trạng.
Tuy nhiên, Địch Nhân Kiệt nhất quyết cự tuyệt nói: “Ta có chết cũng không làm những chuyện như vậy!” Nói xong, tự lấy đầu mình đập vào các thanh rào của nhà ngục khiến máu chảy đầm đìa cả mặt. Người tới khuyên Địch Nhân Kiệt thấy thế, mặt cũng chẳng còn giọt máu nào.
Địch Nhân Kiệt không hổ danh là một “thần thám”, phá án như thần, biện pháp đối phó với kẻ hại mình rất nhiều. Khi bị giam trong ngục tối, nhân thời gian cai ngục không chú ý, Địch Nhân Kiệt đã xé một mảnh chăn rồi viết thành một bản cáo trạng, giấu trong chiếc chăn của mình.
Sau đó, Địch Nhân Kiệt nói với người canh ngục: “Trời bắt đầu nóng rồi, phiền ông mang chiếc chắn này đến cho người nhà tôi để họ vứt bỏ ruột bông đi rồi lại mang chăn vào cho tôi”.
Người canh ngục không biết gì về bản cáo trạng, liền mang chiếc chăn của Địch Nhân Kiệt tới nhà, giao cho con trai họ Địch là Địch Viễn Quang.
Địch Viễn Quang thấy được đơn kiện, lập tức mang đơn kiện lên trên. Nhận được đơn kiện, Võ Tắc Thiên tự mình cho gọi Địch Nhân Kiệt tới hỏi: “Vì sao ông không mưu phản mà chưa tra khảo đã nhận tội?”
Địch Nhân Kiệt nói: “Nếu không nhận tội thì thần sớm đã bị hành hạ mà chết rồi”.
Võ Tắc Thiên cũng là một người thông minh, đã hiểu rằng không có chuyện Địch Nhân Kiệt mưu phản, do vậy quyết định tha cho Địch Nhân Kiệt và những người liên quan. Địch Nhân Kiệt dựa vào sự nhanh nhẹn của mình mà thoát được cái chết đang treo lơ lửng trên đầu, tuy nhiên kết cục vẫn bị mất chức. Từ một Tể tướng quyền uy đương triều, Địch Nhân Kiệt bị giáng xuống làm một huyện lệnh.
Mối tình đơn phương thầm lặng của Võ Tắc Thiên
Với tài năng và bản lĩnh của một Tể tướng, lại chỉ phải làm công việc của một quan huyện, đương nhiên, Địch Nhân Kiệt làm rất tốt. Nhân dân trong huyện mà Địch Nhân Kiệt trị nhậm ai nấy đều cảm ơn ân đức của Địch huyện lệnh.
Tuy nhiên, thời gian Địch Nhân Kiệt làm huyện lệnh cũng nhanh chóng kết thúc. Khi người Khiết Đan quấy nhiễu vùng Hà Bắc, Võ Tắc Thiên nhanh chóng cho triệu hồi Địch Nhân Kiệt và giao cho họ Địch chức vụ Thống soái, dẫn đầu quân đội đánh đuổi quân Khiết Đan.
Địch Nhân Kiệt không chỉ là một quan văn tài năng mà còn là một tướng quân xuất sắc. Dưới sự chỉ huy của Địch Nhân Kiệt, quân đội của Võ Tắc Thiên đã nhanh chóng dẹp yên được sự quấy nhiễu của quân Khiết Đan.
Để thưởng cho công lao của Địch Nhân Kiệt, Võ Tắc Thiên đã tặng cho Địch Nhân Kiệt một áo bào tía, một đai rùa, và hai mươi chữ vàng trên chiếc áo bào màu tía do tự tay mình viết.
Tới năm Thần Công thứ nhất, tức năm 697 sau Công Nguyên, Địch Nhân Kiệt lại được gọi về triều đình và rất nhanh sau đó được trở lại với vị trí Tể tướng.
Năm Thánh Lịch thứ nhất, tức năm 698 sau Công Nguyên, cháu trai của Võ Tắc Thiên là Võ Thừa Tự và Võ Tam Tư nhiều lần phái người tới gặp và thuyết phục nữ hoàng họ Võ cho mình trở thành thái tử.
Đại thần Lý Chiêu Đức biết chuyện tới khuyên Võ Tắc Thiên, nói rằng từ xưa tới giờ, chẳng có mối quan hệ ruột thịt nào thân tình bằng mối quan hệ giữa mẹ và con, nay nên chọn Lô Lăng Vương Lý Hiển làm thái tử mới phải lẽ.
Địch Nhân Kiệt theo Võ Tắc Thiên đã nhiều năm, hiểu rất rõ tính tình cũng như suy nghĩ của vị nữ hoàng này, cũng nhân cơ hội đó nói:
“Nếu như bệ hạ lập con của mình làm thái tử thì ngàn vạn năm sau vẫn có thể được con cháu thờ phụng trong thái miếu, còn như lập cháu ngoại làm thái tử thì từ xưa tới nay, chưa từng nghe có người cháu nào lên ngôi vua lại thờ phụng cô của mình trong thái miếu cả”.
Võ Tắc Thiên nghe xong cảm thấy rất khó chịu, nói: “Đây là việc riêng của trẫm, khanh đừng có xen vào làm gì”.
Địch Nhân Kiệt vẫn ngang, muốn thuyết phục Võ Tắc Thiên bằng được, nói: “Người làm Hoàng đế bốn biển thiên hạ đều là nhà, vậy có việc gì không phải là việc nhà của bệ hạ! Thần là Tể tướng, việc đó làm sao lại không tham gia cho được?”
Võ Tắc Thiên sau cùng đã nghe theo ý kiến của Địch Nhân Kiệt, cho triệu hồi Lô Lăng Vương khi đó đang bị đày ngoài biên ải trở về Hoàng cung làm Hoàng thái tử.
Nhà Đường nhờ vậy mà tiếp tục được duy trì chứ không chuyển sang nhà họ Võ. Các sử gia đời sau ca ngợi Địch Nhân Kiệt cũng là vì họ Địch đã góp phần vào việc hồi phục và duy trì tông thất nhà Đường.
Địch Nhân Kiệt không chỉ văn võ toàn tài, vừa làm Tể tướng quản mọi việc lớn nhỏ trong triều đình, lại vừa dẫn binh phá Khiết Đan mà còn rất biết nhìn người, tiến cử không ít nhân tài.
Võ Tắc Thiên nhờ Địch Nhân Kiệt tiến cử không ít tài năng, Địch Nhân Kiệt nói một người quan địa phương tên là Trương Giản vừa có tài lại vừa có đức, ngay lập tức Võ Tắc Thiên phong cho Trương Giản làm Tư Mã Lạc Châu (tương đương chức Phó chủ tịch bây giờ).
Một thời gian sau, Võ Tắc Thiên lại nói Địch Nhân Kiệt tiến cử cho mình một người tài để làm tướng quân. Địch Nhân Kiệt nghe xong nói: “Người mà thần tiến cử lần trước, bệ hạ vẫn chưa dùng mà!” Võ Tắc Thiên nói, đã thăng quan rồi.
Địch Nhân Kiệt mỉm cười nói: “Người mà thần tiến cử là để làm Tể tướng chứ không phải làm một quan Tư mã”.
Nhờ câu nói này của Địch Nhân Kiệt, Trương Giản cuối cùng đã được điều về triều đình, sau nhiều lần đề bạt, điều chuyển, cuối cùng cũng trở thành Tể tướng.
Tuy nhiên, lúc ngồi lên chiếc ghế cao nhất trong triều đình thì Trương Giản cũng đã gần 80 tuổi, nhưng Võ Tắc Thiên thì không hề nghi ngại việc họ Trương quá già.
Sau khi Địch Nhân Kiệt chết, Tể tướng Trương Giản đã phát động cuộc chính biến trong cung, đưa Trung Tông lên ngôi Hoàng Đế khôi phục quốc hiệu Đại Đường đã bị Võ Tắc Thiên xóa bỏ.
Có thể nói, việc tiến cử Trương Giản của Địch Nhân Kiệt một lần nữa trở thành cống hiến gián tiếp cho việc khôi phục tông thất triều Đường.
Những người Địch Nhân Kiệt tiến cử như Diêu Sùng, Hằng Ngạn Phạm,… đều là những quan viên xuất sắc, sau này đều trở thành nhưng danh thần của thời Trung Hưng nhà Đường.



Dù bị từ chối nhưng bà vẫn dành tình cảm cho Địch Nhân Kiệt

Có người ca ngợi Địch Nhân Kiệt nói: “Những người tài năng trong thiên hạ đều là môn hạ của ngài cả!” Địch Nhân Kiệt nghe vậy cười nói: “Tôi tiến cử hiền tài là vì quốc gia chứ không phải là vì danh tiếng của bản thân mình”.
Một người thẳng tính như Địch Nhân Kiệt, thành ra những người tìm cách bợ đỡ, nịnh hót họ Địch cũng gặp phải không ít khó khăn.
Sự tín nhiệm và coi trọng mà Võ Tắc Thiên dành cho Địch Nhân Kiệt có thể khẳng định là không một vị đại thần nào có được.
Vị nữ hoàng họ Võ thường xuyên gọi Địch Nhân Kiệt là “Quốc lão” một cách rất thân mật chứ không gọi Địch Nhân Kiệt bằng tên như các đại thần khác.
Địch Nhân Kiệt là một người thẳng thắn và có chút ngang tàng. Họ Địch thường xuyên tranh cãi tay đôi với nữ hoàng ngay tại triều đình, trước mặt bá quan văn võ.
Võ Tắc Thiên là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử, lại nổi tiếng là người tàn nhẫn, tuy nhiên, vẫn thường xuyên bị Địch Nhân Kiệt thuyết phục. Sau này, rất nhiều lần Địch Nhân Kiệt cáo lão về quê nhưng Võ Tắc Thiên kiên quyết không cho.
Mỗi lần Địch Nhân Kiệt vào gặp Võ Tắc Thiên, vị nữ hoàng đều ngăn không cho Địch Nhân Kiệt quỳ lạy mình, nói: “Nhìn ông quỳ, người trẫm lại thấy đau”.
Võ Tắc Thiên sợ Địch Nhân Kiệt tuổi tác đã cao không thể chịu việc lao lực quá độ, vì thế nói với các đại thần khác rằng: “Nếu như không phải là việc quốc gia đại sự quan trọng thì không được phiền tới Địch tiên sinh”.
Năm Cửu Thị thứ nhất, tức năm 700 sau Công Nguyên, Địch Nhân Kiệt mắc bệnh qua đời, Võ Tắc Thiên đau lòng khóc rằng: “Từ nay triều đường sẽ trở nên vắng vẻ! Ông trời vì sao lại nỡ cướp đi quốc lão của ta như vậy!”.
Việc Võ Tắc Thiên sủng tín một vị đại thần như vậy khiến trong dân gian có người đồn đại rằng, nguyên nhân nữ hoàng họ Võ sủng ái Địch Nhân Kiệt đến như vậy là vì Võ Tắc Thiên đã yêu thầm Địch Nhân Kiệt.
Người ta nói rằng, Địch Nhân Kiệt không chỉ có tài kinh bang tế thế mà còn là một người đàn ông rất điển trai, chính vì thế, Võ Tắc Thiên đã yêu thầm vị tể tướng họ Địch.
Tuy nhiên, dù Võ Tắc Thiên nhiều lần công khai hay ngấm ngầm bày tỏ tình cảm của mình, song đều bị Địch Nhân Kiệt cự tuyệt.
Mặc dù vậy, cả đời Võ Tắc Thiên vẫn dành tình cảm cho Địch Nhân Kiệt. Do đó, Địch Nhân Kiệt mới có thể hai lần ngồi lên chiếc ghế Tể tướng.
Địch Nhân Kiệt với khả năng phá án và tài năng của một Tể tướng là nhân vật có thực trong lịch sử. Còn chuyện tình giữa Võ Tắc Thiên và Địch Nhật Kiệt có thực hay không thì cho tới nay không cuốn chính sử nào có thể chứng minh được. Thế nhưng, điều đó cũng không có nghĩa nó không thể không có thực.
 Tham khảo từ afamily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment