Tôi không quen biết tác giả Trường Lam, nhưng những điều ông này nói tôi thấy có nhiều cái rất đúng. Gì chứ cái chuyện Bác Hồ kêu gọi Bần cố nông, trí thức, địa chủ (nhưng loại yêu nước chứ không phải cường hào ác bá) cùng tham gia đánh giặc cứu nước là điều ai mà chả biết.
Cái đoạn Bác tìm cách để tướng tàu Lư Hán, Tiêu Văn không có cơ tiêu diệt Đảng, đánh phá nước ta năm 1946 thì chính Ông của vợ tôi là người giúp Bác chứ ai, vậy nên tôi càng có điều kiện mà nói tác giả viết có nhiều điều đúng đắn.
Điều đúng nhất ai cũng biết: Bác không những là một Vĩ nhân, mà Bác còn là Vị Thánh hiền. Tượng Bác bây giờ ở trong các đền chùa VN, đâu cũng có.
Điều đáng tiếc cho chúng ta: Bác siêu nhân là vậy, mà không để lại cho hậu duệ một ai nối dõi, quả đáng tiếc!
Bác rất đáng ca ngợi, dù trong tranh đấu có những người đồng chí tốt và không tốt, Bác vẫn hiên ngang vững bước, một lòng một dạ nghĩ đến vận nước, nghĩ đến đồng bào. Bác Hồ là thế đó, cảm ơn tác giả đã có bài viết này.
Bác Hồ của chúng ta
Lời tác giả: Trước khi cầm bút viết về Bác Hồ, tôi xin nói đôi chút về mình và vì sao mà tôi viết: Sinh ra trong một gia đình có nghiệp nho gia nhưng bố tôi mất sớm. Năm ấy mẹ mới 24 tuổi, tôi lên 4. Mẹ ở vậy nuôi tôi và em trai (ra đời sau cha mất 16 ngày). Hôm nay tôi đã là người “cổ lai hy” và mẹ tôi tròn 90 tuổi…
Chi họ nhà tôi có thể coi là chi có truyền thống học hành. Định cư ở Thanh Khê (Thanh Chương, Nghệ An) từ nửa cuối thời Hậu Lê, đến triều Nguyễn mới chỉ có vài chục gia đình nhưng đã có 5 ông cử nhân, khá nhiều tú tài… Trước đó, có cụ không qua thi cử vẫn được vua mời ra làm quan đến hàng tứ phẩm hoặc được phong tước Hầu…
Ngày bé tôi ốm yếu, chỉ thích luẩn quẩn nghe mọi người nói chuyện đông tây, kim cổ. Đặc biệt là nghe chú Hồ Sĩ Thanh và bác Hồ Sĩ Huề ngồi dịch gia phả của cụ Hồ Sĩ Tạo soạn bằng chữ Hán ra Quốc ngữ, trò chuyện với nhau. Đầu óc non nớt của tôi không hiểu nhưng tôi nhớ như in. Sau này tôi mới nghiệm ra, nói: “Thủy đáo từ đường, Hồ gia vi vương” hay “Bò đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” là nói chuyện gì. Chuyện cha con ông Phó bảng qua thăm cụ Phủ là nói về những ai… Biết tôi hay hóng chuyện, mẹ dặn: “Nghe là nghe vậy thôi. Biết đâu để đấy kẻo vạ vào thân con nhé!” (Mẹ tôi người họ Phan, một dòng họ khoa bảng ở xã Võ Liệt). Lời mẹ dặn tôi nhớ không quên.
Đến nay, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” tôi thấy khó mà giữ được như lời mẹ. Tôi muốn thổ lộ những gì nghe được, biết được, thấy được, đọc được… với mọi người để cùng suy ngẫm về sự đúng sai. Vậy là tôi cầm bút.
*
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh năm 1891 ở làng Chùa, tên chữ là Hoàng Trù. Đó là một làng quê thuần phác Việt Nam. Nhà thờ họ Hoàng ở Hoàng Trù còn lưu đôi câu đối:
Hoàng Vân chính khí truyền thiên cổ
Chung Tự hùng thanh chấn ức niên
Có nghĩa là: Chính khí của Hoàng Trù và Vân Hội truyền từ ngàn xưa. Tiếng vang của Chung Sơn và Tự Thủy động đến ức năm (Hoàng Trù và Vân Hội là 2 làng có đông con cháu họ Hoàng sinh sống. Chung Sơn là ngọn núi có 3 đỉnh, Tự Thủy là đầm nước cạnh làng). Nói về Chung Sơn, danh sĩ Nguyễn Thiếp có câu:
Chung Sơn tam đỉnh hình vương tự
Kế thế anh hùng vượng tử tôn
Vậy có thể nói rằng Hoàng Trù là đất thiêng, là “địa linh” ắt sẽ sinh “nhân kiệt”.
Ông Hoàng Đường là một tú tài, song gia đình vẫn gắn chặt với ruộng đồng. Làng Hoàng Trù xưa êm đềm và tĩnh lặng. Sau lũy tre, lũ trẻ theo đòi nghiệp bút nghiên cất giọng ê a. Đường làng quanh co với những bờ tre rì rào gió thổi, những lối nhỏ hai bên mềm mượt cỏ xanh, ngoằn ngoèo bò ra cánh đồng… Những thửa ruộng sâu đầy ắp nước, lúa tốt bời bời, rền rĩ tiếng ếch nhái. Từng đàn cá rô, cá diếc lượn lờ, thỉnh thoảng lại bắt gặp một đầu cá quả nhô lên, đen trĩu, lặng lẽ giương mắt nhìn. Ngày ấy cậu bé Công lăn lê, bò toài bên vệ cỏ, rình chộp những chú cào cào để anh trai và các bạn câu cá rô ron. Tiếng cười reo như pháo ran khi cánh diều ai đó vút bay hay một chú cá được giật lên. Có một lần chú cá tuột xuống, lưỡi câu nhọn sắc của anh Phương móc vào tai bé Công. Lưỡi câu có ngạnh, cả tốp mầy mò mãi mới gỡ được, máu chảy tóe loe khiến bọn nhỏ sợ xanh mang. Anh Khơm vò nát nắm lá phân xanh đắp vào tai cho cầm máu và dỗ em nín lặng kẻo bố mẹ mắng…
Chẳng ai ngờ vết sẹo ở tai lại thành một kỷ niệm tuổi thơ theo Bác đi khắp thế gian. Năm 1945, nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh là cậu Công ngày nào, bà Thanh nhìn ảnh nửa tin nửa ngờ. Năm 1946 bà ra Hà Nội thăm cho rõ thực hư. Bà sờ tai cụ Chủ tịch rồi cười: “Đúng thật rồi! Vết sẹo ngày bé còn đây lạc vào đâu được!”
Ngày 16/6-1957 về thăm quê, bạn già gặp gỡ, Bác sờ tai mình nói với ông Phương: “Cậu giật câu móc vào tai mình, cái sẹo còn đây. Nhớ không?” Và cả hai cùng cười.
Thế đấy! Có những kỷ niệm tuổi thơ mãi mãi đồng hành cùng ta cho đến hết cuộc đời.
Làng Hoàng Trù thơ mộng và thanh bình xưa còn không? Đâu những con đường xóm nhỏ mến yêu? Đâu gốc đa cổ thụ trước cổng nhà rì rào gió thổi và xanh ngời bóng lá? Gốc đa đó ngày xưa Bác từng bám lấy những rễ dài, đu mình vào không gian hoặc chơi trò trốn tìm quanh những hốc mấu xù xì. Ôi! Đời người và tuổi thơ êm đềm đâu phải ai cũng may mắn có được?…
Hoàng Trù xưa đầm ấm và thơ mộng nay đang dần biến mất. Đáng lẽ phải bảo tồn nguyên dáng vẻ xưa (như xây chợ Đồng Xuân hiện đại mà vẫn giữ nguyên vẻ mặt bên ngoài). Ở đây, người ta biến cổng nhà ngoại của Bác thành một cái chợ cùng những công trình bê tông che lấy tất cả.
Bảo tồn đâu chả thấy, chỉ thấy mất đi. Thật đáng buồn!
*
Vậy là Bác Hồ “chôn nhau, cắt rốn” ở làng Chùa chứ không phải ở làng Sen như lâu nay một số người ngộ nhận. Lớn lên cũng vậy! Vẫn gắn bó với làng Chùa.
Biết bao nhiêu lời thơ, câu hát, đoạn văn đã ca ngợi làng Sen, quê hương Bác Hồ? Làm vậy khiến tôi lại nhớ ngày cụ Phó bảng vinh qui, hai làng suýt chém nhau để giành quyền đón rước (ông Phó bảng đâu thiết tha gì với làng Sen?). Bọn chức sắc tổng Lâm Thịnh xử cho làng Sen thắng cuộc và buộc làng phải mua cho quan tân khoa một ngôi nhà, cấp ruộng đất để cột chân ông lại…
Trước đây tôi nói gia đình cụ Phó bảng không ở làng Sen là vậy. Một nho sĩ là gà trống nuôi con, cái gì chả phải nhờ bên ngoại, ở làm sao được?
Năm 1902 ba cha con sống ở nhà thờ họ Lê (bên chân cầu Rộ thuộc Thanh Chương). Năm 1903 chuyển qua chợ Rộ rồi lại chuyển tiếp vào nhà ông Hàn Kháng (họ Phan). Nhà cụ Hàn nay là vị trí nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Võ Liệt. Qua năm 1904 ít lâu, bà đồ An ốm nặng, ba cha con phải về chăm nuôi. Bà đồ mất… Thì giờ đâu mà ở làng Sen? Và căn nhà lợp rạ sau ba năm cũng đã dột nát. Đầu 1905 cụ Phó bảng vào Kinh, mang hai con trai đi theo.
Hai lần về thăm quê (lần đầu từ 14 đến 16 tháng 6-1957. Lần hai từ 8 đến 10/12-1961) tại làng Sen, Bác cũng chỉ thoáng qua, hệt như ngày bé đã từng qua lại… Và đúng ra, khu Di tích Kim Liên phần chính phải ở làng Chùa. Làng Sen chỉ là một kỷ niệm buồn!
Việc ba cha con cụ Phó bảng ở Thanh Chương mới đây đã được cụ Phan Tố Đức, cán bộ lão thành cách mạng, từng đi tù với cụ Hồ Tùng Mậu, viết gửi nội san họ Hồ Nghệ An. Tôi đâu dám đơn sai.
Ba mươi mấy năm làm rể làng Sen, tôi để ý hỏi kĩ bao điều. Mẹ vợ tôi, bà Nguyễn Thị Thiu (em ruột cụ Nguyễn Sinh Chiểu, lão thành cách mạng, chị ruột cụ Nguyễn Sinh Hiểu, nguyên là giám đốc quốc doanh chiếu bóng Nghệ An. Cả ba cụ đều đã qui tiên) cũng kể cho tôi đôi điều bà biết được. Còn thì gặp ai già cả quanh vùng tôi đều gợi ý, tìm hiểu, thu thập thông tin để biết được càng nhiều càng tốt.
Làng Sen cũng hệt như làng Chùa: Các công trình bê tông đã che lấp gần hết dáng vẻ xưa. Trước đây hình như Bác từng nói: Bác đâu phải địa chủ mà chiếm nhiều đất… vậy mà bây giờ xem ra lại nghiệm!
*
Chủ tịch Hồ Chí Minh là con yêu của giống nòi, là anh hùng dân tộc, là thiên tài, là vĩ nhân…
Có biết bao sách báo đã và đang viết về Bác Hồ và có lẽ rất lâu nữa người ta vẫn còn phải trở trăn tìm hiểu. Không nói tới những bài viết của kẻ xấu, của thù địch với dụng ý bôi nhọ, những người sinh sau đẻ muộn cần tin vào những đâu?
Tất nhiên là tin vào sự thật. Những bài viết như chắt ra từ máu của những người đạo đức trong sáng, sống mẫu mực, dũng cảm và ngay thẳng thì cái họ viết ra chắc chắn là thật. Ta có thể hoàn toàn tin tưởng họ.
Cụ Hoàng Tùng, cụ Sơn Tùng, cụ Vũ Kỳ… thì nói dối để làm gì? Họ đâu mưu cầu lợi ích riêng hay thăng quan tiến chức như kẻ khác? Những kẻ có cả đống đô la giấu diếm ở ngân hàng nước ngoài hoặc đùn cho con cháu đầu tư vào nhà hàng, khách sạn, sàn nhảy, sân gôn… để hốt bạc cùng những kẻ ăn theo, bản thân họ cũng không tin ở chế độ mình, ta không thể coi họ là thật thà và lời họ nói lại càng phải cân nhắc kĩ. Quan điểm cá nhân tôi là vậy.
*
Những ngày xa xưa trên con đường thiên lý Bắc Nam, cứ khoảng năm dặm có một đoản đình, mười dặm có một trường đình, khách bộ hành lê đôi chân mệt nhoài vào những quán đó nghỉ ngơi, ăn uống rồi tiếp tục đi. Quan lại hay kẻ giàu sang ngồi cáng có phu khiêng. Cái cảnh “cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia” của cụ Nguyễn Du miêu tả chắc cũng từ những chuyến đi như thế. Ta không thể quên bài thơ: “Qua đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan trên con đường đó:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái da da
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta
Với đôi chân leo dốc mệt nhoài mà thi sĩ vẫn viết nên bài thơ xứng đáng để đời. Giữa trời, non và nước bao la, cảnh vật đơn sơ, đượm buồn cùng nỗi lòng bồi hồi, cảm khái được nhà thơ ghi lại thật tài tình. Và ta lại nhớ tới vợ chồng cụ Sắc cùng hai con trai lần đầu đi bộ vào Kinh để cụ Nguyễn theo học trường Quốc Tử Giám (1895).
Cũng tại con đèo này, cậu Khiêm ngồi ôm đôi chân phồng rộp cùng đôi dép mo cau đã mòn vẹt qua mấy buổi đi bộ. Cậu Công lên 5, nhong nhong trên lưng cha, bởi còn quá bé, đã xuất thần đọc nên hai bài thơ khẩu khí, một bài ngắm núi, một bài ngắm biển, dấu hiệu của một nhà thơ lớn sau này:
Núi cõng con đường mòn
Cha thì cõng theo con
Núi nằm ì một chỗ
Cha đi cúi lom khom
Đường bám lì lưng núi
Con tập chạy lon ton
Cha siêng hơn hòn núi
Con đường lười hơn con
Và:
Biển là ao lớn
Thuyền là con bò
Bò ăn no gió
Lội trên mặt nước
Em nhìn thấy trước
Anh trông thấy sau
Ta lớn mau mau
Vượt qua ao lớn
(Theo cụ Sơn Tùng, trích trong Tất Đạt tự ngôn)
Lớn lên, Bác đi khắp bốn phương trời, làm báo, viết kịch, viết văn, làm thơ… tự tìm đường cứu nước, hoàn thiện dần văn hóa ứng xử, văn hoá giao tiếp. Tập Ngục trung nhật ký chứng minh Bác là một nhà thơ lớn, cùng với thơ làm trong kháng chiến chống Pháp, thơ Xuân mỗi khi Tết đến Xuân về trong những ngày đánh Mỹ, thành kim chỉ nam cho toàn Đảng toàn quân, toàn dân ta hăng hái xốc tới… đã thể hiện đầy đủ tầm vóc của một nhà văn hoá lớn.
*
Ngày còn học phổ thông, thầy Đào Tưởng Lục, giáo viên dạy sử nổi tiếng của chúng tôi dạy rằng: Chính sử được viết ra theo ý chí của nhà cầm quyền và phục vụ cho mục đích thống trị của họ. Dã sử mới thể hiện cách nhìn của đa số nhân dân lao động. Nó được viết ra bởi người lao động hoặc những trí thức sống gần dân…
Tôi nhớ mãi lời thầy và càng ngày càng nghiệm thấy đúng. Ngày 3-2-1930 (bà Vera ở Nga nói là ngày 6/1) Bác Hồ triệu tập các nhóm cộng sản ở trong nước bí mật tới Hồng Kông thống nhất lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam, cử ông Trịnh Đình Cửu làm Tổng Bí thư và viết chính cương đầu tiên: Đoàn kết các giai tầng xã hội Việt Nam chống đế quốc, sau mới làm cách mạng thế giới…
Tháng 10-1930 ông Trần Phú từ Liên Xô về, gạt Bác Hồ và ông Trịnh Đình Cửu ra, phủ định chính cương 3-2 của Bác, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương với “Luận cương chính trị” do Stalin sai Paven Alếch Xanđrovích Míp vẽ ra, bầu Ban Chấp hành mới không có Bác Hồ tham gia.
Tôi không được học và cũng không được đọc hai bản “Luận cương”, nhưng theo cụ Sơn Tùng: Chính cương 3-2-1930 của Bác Hồ đến nay vẫn nguyên giá trị. Ngày ấy Quốc tế Cộng sản đòi phải thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, Bác Hồ cho rằng: sự phát triển của ba nước không đồng đều, Việt Nam đông dân, có giai cấp công nhân, có thể thành lập đảng để lãnh đạo nhân dân đánh Pháp. Đó là điều kiện lịch sử của Việt Nam. Lào, Miên chưa có điều kiện thành lập đảng, lấy tên Đảng Cộng sản Đông Dương là lấy nước lớn áp đặt lên nước nhỏ, vậy là không đúng…
Bản “Luận cương” của ông Trần Phú gọi cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn An Ninh là “bọn” này “bọn” nọ lôi kéo thanh niên… Viết như vậy không chỉ xúc phạm đến các cụ, những nhà yêu nước chân chính mà còn xúc phạm đến cả đồng bào ta.
Bác của chúng ta đã sớm bộc lộ một tài năng chính trị sáng suốt vậy đấy!
*
Bác Hồ thật sự là nhân cách của người cầm quyền kiểu mới, suốt 24 năm làm nguyên thủ quốc gia mà không tha hóa. Khi chết đi, ngoài ngôi nhà sàn, Bác không có gì khác cho riêng mình. Tình cảm của Bác đối với mọi tầng lớp đồng bào là vô cùng sâu nặng, đặc biệt là đối với cụ già và trẻ em.
Chắc rằng những ngày cuối cùng của thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã để lại trong lòng Bác một vết thương đau chẳng thể mờ phai: Bố đi coi thi ở Thanh Hóa, anh trai đi theo, xong tạt về quê bốc mộ họ suốt ba tháng trời. Ở Huế, mẹ sinh em, đau ốm, chết không để lại một bát gạo hay một cắc bạc nào. Bác Hồ bấy giờ mới 10 tuổi, bế em đi xin sữa và em cũng héo khô trên tay mình. Hai cái tang đổ xuống đầu một đứa bé 10 tuổi. Đời người có nỗi đau nào hơn thế? Vậy nên Bác dành nhiều tình thương yêu cho cụ già và em nhỏ cũng chẳng có gì là lạ?
*
Quan hệ của Bác với ông Trần Phú như đã trình bày ở trên, còn quan hệ với Tổng Bí thư thứ hai là Hà Huy Tập cũng không tốt đẹp hơn. Năm 1935 Hà Huy Tập làm văn bản báo cáo với Đệ tam Quốc tế rằng chính Nguyễn Ái Quốc đã gây ra sự mơ hồ về giai cấp cho các chiến sĩ cách mạng Đông Dương. Bởi vì hồi đó “Chính cương” của Bác đề ra: Đảng phải tranh thủ cả tiểu, trung và đại địa chủ cùng thanh niên trí thức, tư sản yêu nước để chống đế quốc… Ban Chấp hành Trung ương kết tội Bác là mơ hồ, cải lương…
Đại hội VI Quốc tế Cộng sản chỉ có một mình Nguyễn Văn Tạo là người Việt Nam nhưng là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp là đại biểu chính thức tham dự. Trước đó, tại Đại hội V, Bác được Manuisky đề xuất đặc cách làm đại biểu chính thức. Ban Bí thư Chấp nhận nhưng Bác từ chối vì mình không phải là đại biểu được Đảng Cộng sản Pháp bầu. Bác chỉ đến để đóng góp vào báo cáo về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Đại hội mà thôi…
Tiếng bom Phạm Hồng Thái nổ ở Sa Diện, Quảng Châu làm chấn động cả nước Pháp, Bác Hồ đề đạt với Ban Bí thư Quốc tế cộng sản và Bộ Phương Đông xin được về Quảng Châu hoạt động. Cả hai nói đồng ý nhưng Bác vẫn phải chờ đợi trong im lặng. Đảng Cộng sản Pháp cũng chẳng hồi âm nên Bác đành phải loanh quanh ở Moskva… Về sau Nguyễn Ái Quốc được bổ sung vào Bộ Phương Đông và về Trung Quốc hoạt động, mọi chi phí do Bộ Phương Đông chu cấp. Tháng 9-1924 Bác đi Quảng Châu và cho đến 1927 cũng không được đồng tiền nào của Bộ Phương Đông chu cấp! Sau đó bác sang Thái Lan…
Sau Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, quan điểm dân tộc và thuộc địa của Bác Hồ bị phê phán dữ dội. Stalin tỏ vẻ khó chịu nhất là vấn đề này. Ông ta cũng coi Bác là một người dân tộc chủ nghĩa cải lương. Việc Bác bị bắt ở Hương Cảng rồi nhờ ông Loseby mà được xử trắng án, được thả ra cũng khiến Liên Xô nghi ngờ là Bác hoạt động hai mang! Stalin không hiểu được là tại sao lại có những người như Loseby?
Bác ở lại Liên Xô, công tác ở Ban Thuộc địa của Quốc tế Cộng sản nhưng không được giao nhiệm vụ cụ thể nào mà chỉ được nghiên cứu làm luận án phó tiến sĩ về vấn đề thuộc địa. Công việc nghiên cứu xong đâu vào đấy cả Bác xin được bảo vệ thì lại không được trả lời. Năm 1938 Bác xin về nước.
Đại hội Quốc tế Cộng sản lần VII, Bác không có tên trong danh sách đoàn đại biểu Đảng ta mà chỉ là dự thính. Ông Lê Hồng Phong và bà Nguyễn Thị Minh Khai là đại biểu chính thức.
*
Tôi không được rõ mối quan hệ giữa Bác với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Chỉ thấy nói năm 1938 Bác từ Liên Xô về qua Trung Quốc. Cuối 1938, Bác công tác tại phòng “Cứu nguy Dân tộc” thuộc văn phòng đại diện Bát lộ Quân ở Quế Lâm (Trung Quốc) với tên là Hồ Quang, hàm thiếu tá. Năm 1939 Bác về Côn Minh để tìm cách nối lại liên lạc với các đồng chí trong nước.
Quan hệ giữa Bác và ông Trường Chinh có vẻ “êm đềm” hơn, mặc dù ông Trường Chinh không tán thành việc Bác tuyên bố “giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương”. Đây là việc làm trên danh nghĩa để tránh mũi nhọn của bọn Lư Hán, Tiêu Văn sang ta là để tiêu diệt Đảng Cộng sản. Nếu không làm được thì bọn họ sẽ bị Tưởng Giới Thạch tiêu diệt!
Năm 1952, Mao và Stalin gọi Bác sang, nhất định bắt phải cải cách ruộng đất. Bác chủ trương hãy làm giảm tô, giảm tức trước. Cải cách uộng đất để sau. Bác nói: mình đã nói để kháng chiến xong đã mới tiến hành cải cách ruộng đất. Họ cứ ép mãi. Mà nếu có làm cũng làm theo cách của ta, chứ không theo họ…
Đoàn cố vấn Trung Quốc trong cải cách ruộng đất do Kiều Hiểu Quang làm trưởng đoàn, họ muốn qua cải cách để “sửa” lại Đảng ta. Ông Trường Chinh đồng ý làm cải cách ruộng đất. Làm thí điểm, trước hết họ chỉ đạo đánh vào bà Nguyễn Thị Năm (tức Cát Thành Long). Gia đình bà Năm có con trai làm trung đoàn trưởng dưới trướng tướng Văn Tiến Dũng. Trong tuần lễ vàng kháng chiến, bà đã hiến cho cách mạng 100 lạng vàng. Bà từng nuôi các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt… trong những năm tháng bí mật. Bản thân bà Năm công tác trong Hội Liên hiệp Phụ nữ từ 1945 cho tới 1953. Bác nói: “Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy cũng giúp đỡ cách mạng. Người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cánh hoa”. Người ta phớt lờ ý kiến Bác và cứ thế họ làm…
Ai phải chịu trách nhiệm trước những sai lầm này? Rồi còn chiến dịch đánh Nhân văn Giai phẩm nữa… Lịch sử sau này chắc cũng còn nhiều việc phải xem xét. Rất may là Đảng đã phát hiện sớm những sai lầm này và cho cuộc cải cách ruộng đất sớm dừng lại. Nếu không, đất nước ta chắc đã tan hoang như bãi chiến trường và dân tộc ta phải gánh chịu một nỗi đau không đáng có!
*
Thời kỳ ông Lê Duẩn làm Tổng Bí thư là thời kỳ đất nước ta phải vượt qua nhiều biến cố to lớn nhất. Trước hết là công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp và nông thôn. Vấn đề thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Bác nói: “Việc xây dựng hợp tác xã phải hết sức tự nguyện, không ép người ta”. Đằng này họ lùa dân vào các hợp tác xã tất, ai không vào sẽ bị phân biệt đối xử, con cái học hành khó khăn, không cho lý lịch để thoát ly… Dân vào hợp tác xã gần như vào trại lính, đi làm theo hiệu kẻng, không biết sáng tạo là gì. Các vị chủ nhiệm thuộc bần cố nông, chả biết gì là khoa học kỹ thuật, lo cho họ chưa xong thì lo được cho ai? Kết quả nền nông nghiệp nước nhà tụt hậu hàng chục năm vậy mà đi đâu cũng hô hào làm ăn lớn, làm chủ tập thể!
Ông Hoàng Tùng xếp nỗi đau thứ 7 của Bác Hồ chính là vào thời kỳ này. Ông Lê Duẩn muốn qua mặt Bác nhưng Bác không quan tâm. Người trọn đời vì dân vì nước ai thèm kèn cựa địa vị mà làm gì?
Tết Mậu Thân (1968) tổng tấn công và nổi dậy trên toàn miền Nam, Bác và tướng Giáp không tán thành nhưng bị thiểu số. Bác và tướng Giáp chủ trương tập kích rồi rút nhanh để bảo tồn lực lượng. Ông Duẩn và đa số quyết tâm tổng tấn công. Để tránh tổn thất cho lực lượng ta, Bác hỏi tướng Giáp xem phải làm thế nào? Tướng Giáp nói: Chỉ còn cách đánh mạnh ở giới tuyến để kéo bớt địch ra. Chuẩn bị vào trận, họ cho tướng Giáp đi chữa bệnh ở Hungari, Bác Hồ đi chữa bệnh ở Trung Quốc. Kết quả địch phải mang ra giới tuyến 4 sư đoàn. Johnson tuyên bố phải tử thủ Khe Sanh. Ông Lê Duẩn đã đề nghị Bác cho đánh trận này, nếu không thắng ông ta sẽ từ chức, nếu thắng Bác phải cách chức tướng Giáp. Kết quả cả ba đợt tổng tiến công và nổi dậy đều không đạt được mục tiêu đề ra… Nhưng ông Duẩn im lặng.
Tấn công đợt 1 không bắt được Martin và Thiệu ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng! Đợt 2 cũng không kết quả, đợt 3 đã bị kẻ địch phản công cho tơi tả. Bộ đội tinh nhuệ của ta hy sinh biết bao nhiêu? Những hố chôn tập thể đã khui lên ở Quảng Ngãi, ở Bình Định cùng nhiều nơi nữa nói lên điều đó. Và còn bao nhiêu xác chiến sĩ ta bị kẻ địch vùi lấp chưa tìm thấy?
Ông Lê Duẩn phớt lờ lời hứa của mình còn Bác Hồ thấy đất nước đang trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng nên cũng để yên…
Ngày ấy, giáp Tết, Bác đang điều trị ở Trung Quốc, Bộ Chính trị mời về để thông qua việc tổng tiến công và nổi dậy 1968. Máy bay về sân bay Gia Lâm được thông báo hạ cánh theo phương vĩ lệch 15o. Nếu xuống ắt sẽ tan xác. Ông Vũ Kỳ đồng ý cho người lái hạ cánh theo trí nhớ và máy bay đáp xuống an toàn. Ông Kỳ thở phào nhẹ nhõm. Mọi người yên vị trong máy bay và Bác vẫn ung dung hút thuốc.
Lát sau mới thấy ông Duẩn, ông Lê Đức Thọ rồi ông Đồng tới đón! Chắc là họ định đón Bác ở một địa điểm khác.
Những tì vết của ông Duẩn và một số ông lớn khác thì còn nhiều. Ông Duẩn “lúc sinh thời là một thanh niên yêu nước. Người ta kính mến, khi ở trong Nam chiến đấu cũng đáng kính. Nhưng sau khi giải phóng miền Nam, đám thầy dùi tự nhiên lại mạ ngọc mạ vàng lên lịch sử cá nhân ông là không đúng. Họ bịa chuyện sở dĩ có chiến thắng miền Nam là nhờ có nghị quyết 15: Có nghị quyết 15 do anh Ba Duẩn từ trong Nam ra, triệu tập Hội nghị Trung ương chỉ ra đường lối kháng chiến miền Nam lúc đó”.
Bác Hồ đang sống mà họ dám nói thế. Mà chính ông Duẩn cũng muốn thế!
Tạp chí Lịch sử Đảng số 4-1990 ghi rõ: Tác giả Nghị quyết 15 là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp… Dù cho có người viết sách ca ngợi họ đến đâu rồi cũng có ngày được lịch sử phán xét. Có thế mới giúp những người đang sống hiểu rõ vàng, thau. Giúp những thế hệ mai sau không bị nhầm lẫn… Tôi chỉ ghi ít chuyện giữa ông Duẩn và Bác Hồ mà thôi. Những việc của ông làm sau khi Bác mất thì mọi người đã rõ và những giọt nước mắt ông khóc ngày lễ tang Bác là thật hay giả đây?
*
Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ luôn cao hơn các vị Tổng Bí thư mấy cái đầu và mặc dù họ cư xử với Bác thế nào Bác vẫn luôn đặt quyền lợi của Đảng của dân tộc lên trên hết… Sự kiện lịch sử càng đứng xa càng thấy rõ: Cái đúng, cái ưu, cái sắc bén luôn luôn thuộc về Bác Hồ.
- Căn cứ vào đâu mà từ 1941, Bác nói năm 1945 cách mạng Việt Nam hoàn thành?
- Căn cứ vào đâu mà giữa lúc khói lửa của cuộc đại chiến đang mù mịt, Bác nói năm 1945 Chiến tranh Thế giới kết thúc? Trong khi Bác chỉ có chiếc radio ọp ẹp bên hông còn Stalin, Churchill, Roosevelt… có đầy đủ mọi nguồn thông tin, các cố vấn đông đảo… họ lại nói năm 1946 Chiến tranh Thế giới mới kết thúc?
- Căn cứ vào đâu mà từ 1950, Bác nói năm 1954 ta chiến thắng giặc Pháp?
- Căn cứ vào đâu mà 24/4-1957 Bác nói tại Nam Định: “Làm kinh tế thì phải khoán, khoán là ích chung lợi riêng, thì mới kích thích được sản xuất”? (Sau đó ông Kim Ngọc, bí thư Vĩnh Phúc làm theo lời Bác thì bị tiêu diệt.)
- Căn cứ vào đâu mà từ 1960, Bác ghi: “15 năm nữa thì sự nghiệp thống nhất nước nhà hoàn thành”?
- Căn cứ vào đâu mà trong Di chúc, Bác viết: Chiến tranh chống Mỹ còn kéo dài mấy năm nữa… còn Bộ Chính trị lại gạch bỏ cụm từ “mấy năm nữa” và cho là còn kéo dài? Vậy mà ông Lê Duẩn còn dám đến ký chứng kiến vào Di chúc, thực tế là giám sát Bác. Những ngày cuối đời Bác còn bị một thứ “thần trùng” bên cạnh khống chế. Họ gạch bỏ mấy vấn đề liền trong Di chúc, sửa lại ngày Bác ra đi…
Ngày nay Liên Hợp Quốc còn coi Bác Hồ là người đầu tiên mở đường đối thoại và tiến hành đối thoại tìm kiếm hòa bình (Đối xử với bọn Tiêu Văn và ký Hiệp định Sơ bộ 6/3-1946 với Pháp).
Khi cách mạng mới thành công, Bác đã kêu gọi diệt giặc đói, diệt giặc dốt thì bây giờ UNESCO mới đặt ra chương trình cứu đói, tổ chức xóa nạn mù chữ.
Bác Hồ phát động trồng cây gây rừng từ 1960, ngày nay UNESCO mới đặt ra chương trình cân bằng sinh thái, trồng cây gây rừng.
Với Bác Hồ của chúng ta chỉ có một chữ “thiên tài” mới nói lên được tất cả. Bác của chúng ta thông hiểu học thuyết Mác-Lênin (nhưng học thuyết Mác là từ thực tiễn Châu Âu. Châu Âu chưa phải là cả thế giới, Châu Á và nước ta có đặc điểm riêng). Bên cạnh đó Bác còn là người của Phật học, của Nho học, của Lão học, của học thuyết Tôn Trung Sơn… Kết hợp chặt chẽ với truyền thống dân tộc và văn hoá Việt Nam. Thông hiểu ngần ấy thứ mới tạo nên một tầm vóc Bác Hồ và điều đó đâu phải là đơn giản.
*
Những năm gần đây có nhiều người nói hoặc viết rằng Bác Hồ có con… Đối với cá nhân tôi và có lẽ là của đông đảo người dân Việt Nam ta, đó là điều đáng mừng. Một con người kiệt xuất mà từ giã cõi đời không để lại cho hậu thế tí di duệ nào khiến ai chẳng cảm thấy đau lòng? Chúng ta không nên thần thánh hóa Bác Hồ. Hãy để Bác mãi mãi vĩ đại mà giản dị giữa lòng dân tộc, giữa những tâm hồn Việt Nam, trong sự kính yêu của những người dân Việt Nam. Bác Hồ là lãnh tụ là nhà văn hoá lớn song Bác cũng là một con người với những tình cảm riêng tư bình thường mà giản dị.
Ngày Bác qua đời, Mao “bạo chúa” còn ngự trị trên đất nước Trung Hoa. Cả hơn một tỉ dân Trung Quốc phải cúi đầu phủ phục trước ông ta… vậy mà cụ Quách Mạt Nhược dám gửi đôi câu đối viếng, đặt Bác Hồ lên trên tất cả, trên cả ông Mao. Đó là một hành động dũng cảm (Trước đây khi Lev Landau bị vu là gián điệp Đức, viện sĩ Kapitsa cũng đến trước Stalin đòi phải thả ngay, nếu không ông sẽ bỏ Viện) Các nhà khoa học thường trung thực và dũng cảm vậy đó. Xin phiên âm đôi câu đối của cụ Quách Mạt Nhược: “Chí khí tráng sơn hà, Ái Quốc, anh hùng duy hữu nhất minh tinh quang vũ trụ, Á Âu, hào kiệt thị vô song”. Đây là đôi câu đối ca ngợi Bác Hồ chính xác, đầy đủ và khó có ai có thể viết được hay hơn.
*
Tôi là người sinh sau đẻ muộn lại sống ở nông thôn, giữa vùng đồi núi, mọi nguồn thông tin đều thiếu thốn, muốn tìm tòi nghiên cứu cũng chẳng biết tìm đâu, chỉ đọc và nghiền ngẫm những bài nói, bài viết của lớp người đi trước, tin tưởng hoàn toàn ở họ bởi mục đích của họ là tốt đẹp là trong sáng mà thu thập, gạn chắt lấy đôi chút cho mình…
Tôi viết ngắn gọn vậy thôi, có gì không đạt cũng mong được mọi người tha thứ. Cuối cùng, xin mượn lời cám ơn nhà văn Sơn Tùng của Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục – ngành Giáo dục Đào tạo ngày 11/4-2001 thay cho lời kết:
“Đã đến lúc sự thật phải trả về cho sự thật, lịch sử phải trả về cho lịch sử với giá trị nguyên bản đích thực của nó, dầu biết rằng sự thật nói ra có cực kỳ gai góc, nhưng vẫn có giá trị hơn rất nhiều so với lời nói, nhận định sai lạc, giả dối, giá lạnh, không có hồn… nhưng sự thật đó quang minh chính đại phù hợp với lý tưởng của con người và đặc biệt sự thật đó phù hợp với lương tâm của chúng ta.”
Những ngày đầu xuân Canh Dần
Trường Lam