Kính gửi
anh chị em bạn Trỗi K5
Mấy anh em
bên báo Nhân dân có đề nghị mình viết bài về đợt vào tiếp quản miền Nam; Mình
từ chối vì lúc đó mình chỉ là một cậu bé, chỉ biết cái sôi sục của chiến thắng
chứ chưa hiểu biết như sau này.
Không nhận
lời, nhưng cái không khí giải phóng miền Nam lúc đó cứ sôi sùng sục trong mình
đến nỗi không thể không viết. Nhưng viết
cái gì là rất khó. Mình đi nhiều, từ anh tài xế taxi đến cụ già bán nước chè đều quan tâm đến
nền chính trị của đất nước, nhiều người
hỏi mình thái độ ra sao nếu xảy ra một
cuộc chiến tranh nữa? Tại sao người Việt nam bán cam non cho thương lái Trung
Quốc? Ông bạn vàng sau khi học lớp chính trị tại phường, gọi
mình ra, giọng cứ rưng rưng: “Thằng Mĩ
muốn bảo vệ cho mình mà mình không chịu” Nhiều thứ lắm, ôi giời, không muốn
nhưng không thể không trả lời. Gửi anh chị em cách giải thích của mình để cùng
đọc cho vui:
CHIẾN TRANH VIỆT NAM - MỘT GÓC
NHÌN SAU 40 NĂM
“Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”-“Sống cho
vẻ, chết cho vang”. Các cụ nhà ta vẫn nói thế. Câu chuyện của Thượng tướng Nguyễn Hữu An
– Tư lệnh quân đoàn 2 kể về chiến công của thượng sỹ Lê Đại Cương K4 bắn rơi
chiếc F5 trên đường hành tiến ở Phan Thiết mà lòng cứ cuộn lên, cả một thế hệ
thanh niên chỉ biết đi chiến đấu để giải phóng dân tộc, không màng đến gia
đình, danh lợi. Hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bộ Thống soái tối cao
trong Đại thắng Mùa Xuân (Ý nói Bộ Chính trị) có kể lại câu chuyện xúc động: Để
có lực lượng đi vào giải phóng Miền Nam, ta phải tăng tuổi nghĩa vụ lên 3 tuổi,
tức là từ 18 tuổi lấy cả 17 tuổi và từ 30 tuổi, lấy lên 32 tuổi; Đại tướng tri
ân các bà mẹ Việt Nam hiến dâng con cái mình ra trận để giành độc lập dân tộc.
Một thời đầy hào hùng.
Bài hát nổi
tiếng của nhạc sỹ Phạm Tuyên “Việt Nam Hồ
Chí Minh” dễ làm cho người ta lầm tưởng cuộc kháng chiến của dân tộc này
chống Pháp rồi chống Mỹ chỉ kéo dài 30 năm, với một đời người đó là thời gian
quá dài và chúng ta dễ bị tâm trạng “bật tường” và làm cho nhiều người bị quên.
Họ quên hẳn
số anh em bị đám tàn quân bắn ở Hố Nai, Giá rai năm 1975, 1976; Sau hiệp định
Paris 1973, cố vấn Mỹ, lính biệt kích Mỹ, đội quân tình báo Mỹ vẫn hoạt động ở
Đông Dương cho tới năm 1976, thậm chí còn lâu hơn với Fulro, Degaz hay Phỉ. Hình như lịch sử quên hẳn chúng ta bị mất nước thế nào
và máu đã đổ bao nhiêu trước khi chúng ta giành được chính quyền. Toàn bộ bộ
máy chính quyền và Quân đội VNCH được người Mỹ trả lương vợ cả vợ hai đến vợ n
và các con cái nên chống đối rất quyết liệt.
Cuộc trường
chinh chống ngoại xâm của dân tộc này có thể nói đã bắt đầu từ khi người Pháp
nổ súng đánh chiếm Côn Đảo (1856) là 117 năm còn nếu coi như Hiệp ước
Versailles (1787) giữa Nguyễn Ánh và Hoàng đế Pháp (Traité de Versailles de
1787) bán nước ta cho Pháp là khởi đầu thì cuộc chiến tranh giành độc lập dân
tộc đó kéo dài tới 228 năm; Chỉ có 30 năm cuối thì dân tộc này đã giành được
chính quyền và thắng lợi.
Sau khi
diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, ngoài việc triệt hạ những người
làm việc cho Quang Trung, ông ta trả ơn người Pháp bằng việc đưa các cố đạo Tây
vào Hội đồng cơ mật và bắt tay với các Hoàng đế Tàu (trước đây vẫn gọi thế),
nhận là người của đám nô lệ phương Bắc chạy về Việt Nam (nhưng các Hoàng đế Tàu
không thừa nhận) hòng cân bằng thế lực, nhưng rồi chính vua Tàu câu kết với
thực dân Pháp chia xẻ Việt Nam (lúc đó gọi là Đại Nam).
“Việt Nam bao năm ròng rên xiết lâm than, dưới ách
quân tham tàn đế quốc sài lang....” Đó không phải chỉ là lời bài hát nữa, đó là tiếng
thét của cả một dân tộc nô lệ gần 100 năm mà Nguyễn Đình Thi đã viết ra. Mình
còn nhớ như in những ngày đầu giải phóng, tất cả mọi người ở Đà nẵng, Qui nhơn,
TPHCM rồi Cần thơ....đi trên đường đều đứng lại, bàn tay nắm chặt đưa về phía
tim để chào cờ đỏ sao vàng vào lúc 5 giờ sáng hàng ngày. Người Việt đã không
thể quên lời thề độc lập ở quảng trường Ba đình năm xưa: “Không đi lính cho Pháp, không tiếp tế cho Pháp, không dẫn đường cho
Pháp”....
“Cái thủa ban đầu dân quốc ấy
Ngàn năm hồ dễ đã ai quên...” thế mà nhiều người đã quên.
Họ cũng
quên tuyên bố đanh thép của nghĩa quân Trương Định: “Vua quan bán nước, triều đình khi dân” khi những người nông dân
Nam Bộ biết được thực sự hành vi bán nước của Vua nhà Nguyễn; Các cụ khởi nghĩa
ấy, hoặc bị triều đình nhà Nguyễn đầu độc, hoặc bị triều đình nhà Nguyễn bắt
nộp cho quân đội Pháp để chúng hành hình.
Họ cùng
quên tuyên ngôn của cụ Nguyễn Văn Siêu qua ngọn tháp bút Tả Thanh Thiên vẫn còn
sừng sững đứng bên bờ hồ Gươm dù triều đình nhà Nguyễn bác bỏ yêu cầu đánh Pháp
của cụ:
“Sông LINH không phải vì sâu
Núi THIÊNG không phải vì cao
Sông núi LINH THIÊNG vì có CHỦ”
Không có
chủ thì dù sâu như vịnh Mariam hay cao như Hy mã lạp sơn, con người cũng chinh
phục hết. Hồ Gươm ấy vẫn tọa lạc giữa lòng Hà Nội dù nó không giống lưỡi gươm,
đó là Lời thề chống ngoại xâm.
Thế mà
nhiều nhà sử gia Việt Nam ca ngợi Vua Nguyễn hết lời, nào là mở mang bờ cõi,
nào là phát triển văn hoá....họ nhập nhèm thời Chúa Nguyễn và Vua Nguyễn. Họ muốn dạy gì cho con cháu họ? Chẳng trách các cháu
chê môn Lịch sử là phải.
“...Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về biển Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Ngàn thu chỉ có anh hùng lưu danh...”
(Phú Sông
Bạch Đằng – Trương Hán Siêu)
Cảm ơn Cao
Bắc, đúng là người Việt có bản tính rất đáng yêu là hay quên.
Người ta
cũng quên hẳn câu nói bất khuất của cụ quản cơ gốc thuyền chài Nguyễn Trung
Trực trước khi bị người Pháp đem đi hành hình năm 1868: “Bao giờ nhổ hết cỏ đất này thì người Nam mới hết đánh người Tây”
“Hỏa hồng Nhật tảo kinh Thiên Địa
Kiếm bạt Kiên giang khốc Quỷ Thần”
Dịch nghĩa
“[Trận đốt cháy tàu Pháp ở] Sông Nhật Tảo làm Trời đất
phải kinh
Trận chiến
tại Kiên giang khiến Quỷ thần khóc”
Đó là câu
đối mà người dân Nam Bộ vẫn phụng thờ ông. Thế mà người ta đánh đồng cả số theo
Pháp và chống Pháp đều “yêu nước” như nhau, yêu nước “theo kiểu của ông Diệm” làm cho khái niệm yêu nước cứ như kiểu
người ta yêu con gà hay con lợn vậy, có thể đem ra làm thịt.
Bất cứ cuộc
ngoại xâm nào đối với người Việt, kẻ xâm lược bao giờ cũng dùng người Việt diệt
người Việt, đừng nên nhầm lẫn. Trong cuộc
chiến tranh xâm lược của Mã Viện nhà Hán vào Việt Nam năm 42 SCN với 2 vạn
quân, thì có tới 1,2 vạn (60%) là người Giao Chỉ không kể số người Việt vùng
phía Nam. Hơn 4 vạn người Việt bị giết sau 2 ngày chiến đấu. Trong gần 1 thiên
niên kỉ sau đấy, người Việt từ 1 triệu người xuống còn 5 vạn người, 95 vạn
người bị tàn sát, bị bắt làm nô lệ nên chết sớm.... Theo bác sỹ Phạm Ngọc Thạch,
tuổi thọ bình quân của người Việt thời thuộc Pháp là 24 tuổi, không phải chỉ vì
2 triệu người chết đói năm Ất Dậu, mà chính do con người chết yểu, tất nhiên
cũng có người sống thọ hơn, nhưng ít.
Mãi tới 915
năm sau, Ngô Vương mới tìm ra cách đánh quân xâm lược bằng cuộc phục kích trên
sông Bạch Đằng khi mà dân tộc Việt chỉ còn 5 vạn dân (kể cả người già và trẻ
con). Về quân số, quân đội chính quy của
người Việt lúc đó dưới 1000 người (như cách tính bình quân theo đảo quốc giàu
mạnh Singapore hiện nay - 500 người dân mới nuôi được một lính) đã diệt gọn 2
vạn quân của Lưu Cung; Dân tộc Việt từ đó giành được độc lập dân tộc gần 1
thiên niên kỉ (trừ thời nhà Hồ và nhà Nguyễn). Tổ tiên chúng ta đã tìm ra cách
đánh bằng mưu lược, nhất là mưu phạt tâm công.
“...Nước của chúng ta
Nước của những người không bao giờ khuất...”
Nguyễn Đình
Thi – Đất nước
Phải, không
bao giờ chịu khuất phục và sống mãi trong lòng dân tộc. Chẳng lẽ những người thanh
niên Việt hiện nay lại chấp nhận làm nô lệ thêm một thiên niên kỉ nữa?
- “Việt Nam thắng quân Mông Cổ bao giờ? Thắng quân Nguyên bao giờ? Thắng quân Trung Quốc
bao giờ? Thắng quân Pháp bao giờ? Thắng quân Mỹ bao giờ? Chúng ta có bao giờ
chiếm được Ulan Bator, Bắc Kinh, Paris, Washington
đâu?” "Không có ông Trần Hưng Đạo này
thì có ông Trần Hưng Đạo khác, không có ông Hồ Chí Minh này thì có ông Hồ Chí
Minh khác”. “Tại sao chỉ có Việt
Nam mới phải đổ máu như thế, người Angeris cứ ngồi mà hưởng thụ nền độc
lập???”. “Tại sao không có kẻ nào đòi ăn thịt nước Mỹ, cái quốc gia ấy giàu có
hơn, béo tốt hơn Việt Nam
rất nhiều?”
Buồn cười
thật, khi cái con hổ Đông Bắc khổng lồ gầm lên, há cái họng to tướng, đỏ lòm, ngoạm
thẳng vào con nhím bé bỏng, tủa tủa lông cứng; Con hổ phải nhả ngay con nhím ra
nhưng không kịp nữa rồi. Nó bỏ chạy thục
mạng với cái mồm đầy máu. Thế mà có kẻ cũng nói được
: “Chúa sơn lâm không thua đâu, chẳng qua
là ...nó chê thịt nhím mà thôi”. Song, con nhím ấy... vẫn thong dong đi tìm
cái nấm và mỉm cười: “Sau gặp ta thì
kiềng mặt ta ra nhé”.
Bài hịch
đánh quân Thanh của vua Quang Trung: “Đánh
trận này để trăm năm sau chúng còn khiếp oai, ngàn năm sau còn khiếp tiếng”
Tổng kết 10 năm kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Trãi cũng viết trong bài
Phú Núi Chí Linh:
“Nghĩ kế nước nhà trường cửu, tha cho mười vạn hàng binh
Gây lại hoà hảo hai nước, dập tắt chiến tranh cho
muôn đời "
Rồi lời kêu
gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “....Chúng ta muốn hòa bình...” nhưng “...chúng ta thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu
làm nô lệ...”.”Hễ là người Việt Nam đều phải đứng lên đánh thực dân cứu Tổ
Quốc”. Tổ tiên chúng ta có ai đưa ra cái giọng điệu sô vanh hệt như CHINA
NAZI ấy đâu. Đại hành Hoàng đế, Lý Thường Kiệt phạt Tống, nhà Trần đánh bại
quân Nguyên ....đều tha hàng binh.
Những kẻ ăn
bả của bọn cướp nước thì giống như câu hùng biện nổi tiếng của Xi-xê-rông vẫn
còn vang vọng đến ngày nay: ”Cái đám chỉ
biết ăn chơi rồi sinh đẻ ấy chỉ đáng làm nô lệ, còn cộng đồng chúng ta thì
KHÔNG”.
Nhiều người
đưa ra việc Algeris giành độc lập do người Pháp trao trả một cách hòa bình? Họ đâu có biết hơn 2,5 triệu người con vinh quang của
Algeris bị Pháp chặt đầu do họ đấu tranh đòi lại quyền tự do và tự quyết cho
dân tộc ấy.
Ai đó đã
quên nhưng người Mỹ thì mãi mãi không quên vì bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ
năm 1776 được coi như tài liệu chính thức được học từ năm lớp 1 đến năm lớp 10,
còn Việt Nam thì sao? Chúng ta chắc ít ai
đề ý khi Thế Vận hội (hay Đại hội Thể thao Olympic) mùa hè tại Mĩ năm 1996,
Tổng thống Mỹ đã hát rất rõ bài Quốc ca Hoa Kỳ. Họ là những người biết TỰ TRỌNG
và không biết chịu nhục. Ai không tin có thể xem lại bài kiểm tra của lãnh sự
Mỹ đối với tất cả những người xin nhập cư Hoa Kỳ.
“...Cờ
in máu chiến thắng mang hồn nước...” Vâng, đó chính là lá cờ đỏ sao vàng, được Văn Cao mơ
thấy khi soạn thầm bài Tiến Quân ca trên gác xép nhỏ hẹp tại ngã ba đường Vũ
Hữu Lợi và Yết Kiêu, sát ngay Sở Hiến binh Nhật, Sở Mật thám Liên bang Đông
Dương Pháp trước khi trở thành lá cờ Tổ Quốc mà Quốc Dân đại hội quyết định khá lâu.
Cái ý chí
Diên Hồng vẫn còn cháy bừng bừng trong huyết quản của nhiều con dân nước Việt,
dù không ít những kẻ muốn bỏ chạy khỏi đất nước. Ước gì có phép lạ đẩy nước Việt Nam sang tận Châu Nam Cực để khỏi bị chiến tranh.” Hèn quá - những
người có lương tri đều không muốn chiến tranh, nhưng nếu buộc phải tiến hành
chiến tranh thì ta phải làm cho giỏi và thông minh. Họ muốn ta trở thành dân
tộc nô lệ, yếu hèn? Có lẽ cũng có người như thế, còn cả dân tộc Việt Nam
thì KHÔNG.
Chiến tranh
có đáng sợ như thế không? Chiến tranh có
những quy luật riêng của nó. Các thế hệ cháu con cần phải nắm chắc để tránh cho
dân tộc này bị diệt vong lần nữa hay bị chịu nô dịch 1000 năm nữa?
Trước tiên là cần cảnh giác. Trước chủ nghĩa Quốc xã Trung Quốc (CHINA NAZI) đừng
bao giờ ảo tưởng. Khi ông Tập Cận Bình là nhân vật thứ 2 sau Hít Le viếng mộ
Napoleon với tư cách là Quốc Trưởng, ông ta đã công khai với cả thế giới, ông
ta sẽ là Hít Le tái sinh. Không phải bỗng dưng các đài truyền hình Trung Quốc
đều cắt bỏ lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại Quảng Trường đỏ; Họ không muốn
người dân Trung Quốc thấy cái thảm cảnh của Chủ nghĩa Quốc xã Trung Quốc trong
tương lai.
Công tác tình báo phải tốt, “Tri kỷ, tri bỉ, bách
chiến bất bại”. Nên nhớ là họ gồm tới 2000 nền văn
hóa bên trong và không ai tin ai, cũng có thể coi họ là một thứ Liên Bang lỏng
lẻo chỉ tồn tại nhờ chữ vuông và lịch sử ảo, rất dễ đổ vỡ. Việc Tập Cận Bình
dùng chiêu bài chống tham nhũng để tiêu diệt toàn bộ nhóm người Việt phương Nam
không ăn ý sẽ là sự đổ vỡ to lớn bên trong. Các biến động trong đám người Việt
hay gọi là Hoa Nam (phía nam China) cần phải nắm sát, họ chính là hậu thuẫn tốt
nhất cho chúng ta nếu buộc phải vượt biên giới để giành lại đất cũ.
Phải giữ được chính nghĩa“Việc nhân nghĩa cốt ở an
dân” “Mưu phạt tâm công, bất chiến tự khuất” (Nguyễn Trãi – Bình Ngô Đại cáo),
Chớ học nhà Nguyễn hay Hồ Quý Ly, Nguyễn Ánh hay Lê Chiêu Thống .... thích dựa
dẫm vào các nước lớn. "Chung voi với Đức Ông" hay "Theo voi ăn
bã mía", chắc chắn bị con voi điên ấy dẫm bẹp.
Thành bại
cuộc chiến là ý chí của người dân và quân
đội; Vũ khí và quân số là quan trọng nhưng không quyết định, “một người là một chữ nhân, triệu người cũng
là một chữ nhân, nếu đồng lòng như thế thì chiến thắng” (Tôn tử binh pháp).
Chắc chắn là người Việt sẽ không chịu
nhục.
Chiến tranh
vô cùng tốn kém, để vận chuyển quân đội đi trăm dặm phải tốn hàng vạn lượng
vàng, chưa kể binh khí kĩ thuật, cho nên “Cướp
được của địch một cân gạo bằng chuyển một tấn gạo từ trong nước sang” (Tôn
tử binh pháp), với đội quân xâm lược càng đông thì hậu cần càng phải lớn. Thông thường cứ tổ chức một trận chiến phải chuẩn bị
hậu cần trong 4 năm, chiến tranh càng hiện đại, hậu cần càng phải đầy đủ, tỉ
mỉ. Gót chân A-sin của bất cứ đội quân
xâm lược nào phải là lương thực và quân nhu. Cho nên, một dân tộc dù nhỏ
hơn, yếu hơn muốn chiến thắng kẻ địch mạnh hơn cần đồng lòng chiến tranh du kích, thi hành chính sách “vườn không, nhà
trống”.
Giả sử quân
số đối phương là 60 vạn như họ công bố lâu nay, với cái bụng rỗng, mò mẫm đi
tìm 3 triệu dân quân Việt Nam với trang bị đầy đủ, 1 chọi với 5, hình như không
đủ để du kích và dân quân tập bắn. Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng, với phương
tiện liên lạc mua hay được họ biếu cho.... cũng rất nguy hiểm, nhất là lúc tập
trung quân.
Liệu kẻ xâm
lược có dám đưa quân vào Việt Nam gấp đôi quân số của họ vào tháng 2/1979
không? Khoảng 10 triệu? Mới gâp 3 lần số
dân quân biên giới Việt Nam.
Cứ mỗi ngày mỗi người lính của họ đi xâm lược phải ăn hết 1 kg lương thực thì
với 10 triệu người cần 100.000 tấn một ngày. Mất thêm 50 ngàn ô tô vận tải với
trọng tải xe là 5 tấn lo riêng lương thực cho 1 ngày, chắc đường Bằng
Tường hay Côn Minh tắc nghẽn. Nếu phải nuôi 10 triệu quân xâm lược ấy trong một
tháng hay một năm hay hàng triệu lượt xe tàu thì nền kinh tế của cả Trung Quốc
sẽ đổ vỡ. Đó là chưa kể quân nhu và vũ khí; vũ khí càng hiện đại, cần phải lo
thêm về xăng dầu, đạn dược, thuốc phóng...chi phí càng lớn. Nhiều anh em mình lầm
lẫn thời gian thực của cuộc chiến tranh khi đó kéo dài từ 7/1978 đến 8/1998 với
5 giai đoạn.
Bộ binh vẫn
là con át chủ bài của mọi cuộc chiến, khi bộ binh chưa tham chiến thì chiến
tranh còn xa vời lắm và người dân biên giới là lực lượng du kích chính tiêu
diệt sinh lực địch, khi mà quân xâm lược đã tàn phá xóm làng của họ, giết chóc
vợ con họ, cướp phá của cải của họ. Bộ
đội địa phương phải thông thạo địa hình và là lực lượng phối thuộc cho các quân
binh chủng và các tổ chức cơ sở. Bộ đội
địa phương hay còn được gọi là dân quân sẽ làm tốt việc huấn luyện, trang bị vũ
khí và thống nhất các lực lượng phá nát hậu cần của địch.
Với 3 triệu
tay súng CKC, AK, B40, tên lửa vác vai ..,của dân quân các tỉnh biên giới,
trong thế đất "Tử địa" hoặc "Thiên lao" như Hà Giang, Cao
Bằng, Lạng Sơn có thể đánh quỵ một đội quân 10 triệu người. "Vào nước đối phương 10 dặm, đại tướng
phải chết, vào nước đối phương trăm dặm, thủ tướng (tổng lý) phải què"
(Binh pháp Tôn Tử).
Quân đội
chính quy Việt nam nên ở đâu? Quân chủ
lực cốt ở tinh, không cốt ở đông. Như đời Trần thôi, hãy chọn yết hầu quân địch
mà diệt, không nên chạy theo các đoàn du kích làm gì. Giống như Nguyên Sử đã
ghi lại: “Nghe tiếng trống trận, quân Nam càng ngày
càng đông, quân Nguyên vỡ trận”. Đó chính là thế trận chiến tranh nhân dân.
Phải tỉnh táo, đó là trách nhiệm của những bậc
ông cha luôn phải nhắc nhở cháu con. Biển Đảo là thiêng liêng, song không ai
sống mãi ngoài biển. Kẻ xâm lược luôn
phải tốn kém tiền của, tính mạng con người để trông giữ và cũng thật dễ dàng
khi chiếm lại.
Mặt trận ngoại giao nhân dân rất cần thiết để mỗi con
dân Việt tỏ lòng yêu nước bằng việc khẳng định chủ quyền của dân tộc mình. Đất nước mình, Tổ Quốc mình mà mình không yêu thì làm
sao để họ yêu chúng ta được. Hãy luôn cho thế giới biết rằng, mảnh đất này,
biển đảo này là chủ quyền của Việt Nam, không phải bây giờ, mà tự ngàn
xưa. Phải giữ vững nguyên tắc Độc lập dân tộc và Chủ quyền Quốc gia nhưng mềm
mại về cách cư xử, sách lược. Khó lắm; Đúng, nhưng làm công bộc thì phải thế.
"Thái bình càng phải gắng
Non nước đã vạn năm".
(TRẦN QUANG
KHẢI - Tòng giá hoàn kinh sư).
Thế thì CHINA NAZI phải làm gì trong điều kiện hiện nay? Khiêu khích. Đúng, họ sẽ khiêu khích, nhất là khiêu khích trên biển để đánh lạc hướng dư luận. Cố đẩy Việt Nam thành kẻ khủng bố quốc tế và cướp biển hòng kêu gọi cấm vận lần nữa. Họ định nhập nhèm khái niệm, dùng các bãi, cồn, đá....để tạo ra một cảng biển thay cho Cam Ranh? Đó là điều không tưởng, chỉ làm chậm quá trình phát triển của Việt Nam mà thôi. Liệu họ có đưa nổi 10 triệu quân ra biển sống không?
Không ai muốn chiến tranh cả, nhưng nếu chiến tranh xảy ra thì phải thông minh hơn và giỏi hơn. Chiến tranh chỉ là một phần nhỏ trong đời sống của một dân tộc, quan trọng nhất là dân tộc ấy phải không biết chịu nhục. Tuy nhiên ta nên bàn tới cách gì để Việt Nam giàu và thông minh hơn? Đã đến lúc chúng ta cần xem xét, cái gì là đúng hay sai? Cái gì là tốt hay xấu đối với dân tộc. Độc lập – Tự do rồi, nhưng rất cần Hạnh phúc. Muốn Dân tộc Hạnh phúc và dập tắt chiến tranh cho muôn đời thì ta phải mạnh.