Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

CHUYỆN KỂ TRƯỚC LÚC O GIỜ Cô Đàm Thơ đất mũi.


(Hằng đêm, hằng đêm - 60 năm một chuyện tình)

          Các bạn già thân mến !
           Trong cái tuổi gọi là già của chúng ta,thỉnh thoảng đó đây còn đọng lại những câu chuyện tình ngộ nghĩnh.Nó làm chúng  ta bất ngờ sống lại một thời tuổi nhỏ đáng yêu.Nó khiến hồn ta thăng hoa,rạo rực như ngày nào ta bước vào thuở yêu đương, hò hẹn.Câu chuyện sau đây là vậy.Xin kể tặng bạn như tặng một nốt  nhạc trẻ thêm vào bản nhạc cuộc đời.Chuyện là vầy:
             Hôm ấy gần tết.Bà lão bỗng nhận được cú điện thoại của một người đàn ông lạ:
-         A lô ! Có phải bà N.N.H.N. đó không ạ ?
-         Phải rồi ! Ai đó,có gì không?
-         À,tôi biết bà chớ bà không biết tôi là ai đâu.Hồi đó,khi chúng ta thi chuyển từ cấp 1 sang cấp 2 ta thi cùng phòng và tôi được vinh hạnh ngồi cùng bàn với bà.Nhưng đã không dám làm quen.Hơn 60 năm rồi đó,hình ảnh bà vẫn in đậm trong tôi.Tôi luôn dõi theo và cố tình tìm kiếm nhưng đã không có thể.Chiến tranh liên miên,trường lớp di dời,tôi để lạc mất bà trong nhiều nuối tiếc.Gần đây tôi đọc được quyển sách viết về “Một thời để nhớ”  thấy tên bà và đã tìm về ban biên tập mới có được số điện thoại của bà đây.Thật may mắn.
 Nghe cũng hay,cứ như là tiểu thuyết ấy- bà lão nghĩ.Đầu dây đằng kia vẫn cái giọng hối hả và ấm áp:
              - Tôi hơn bà có đến . . . 1 tuổi.Thôi mình xưng hô anh em cho tiện trò chuyện nghe!
               Bà lão hấp tấp cướp lời:
              -Hỏng được!Lớn nhỏ hơn nhau có 1 tuổi cứ là mày tao thôi!
       Khúc khắc đầu dây đằng kia một giọng cười hiền:
               -Cô bé !Vẫn cái giọng ngang như cua không hề thay đổi-cái giọng đã cuốn chặt đời tôi vào đó.Cô biết không,hồi đó tôi học trường nội trú Nam sinh, còn bà học trường nội trú Nữ sinh. Đến khi thi chuyển cấp mới được biết nhau .Hôm đi thi cái thước kẻ tôi mang theo để gạch hàng là chiếc đũa.Còn cô bé : Bút mực,bút chì,compa,eke đủ cả. Tôi bỗng nghĩ: Quái lạ, sao cô bé giàu.Và tôi đã không dám làm quen.Mấy hôm sau, khi công bố điểm thi ,điểm của cô tận trên trời, điểm cuả tôi dưới đất.Thế là tôi buộc phải lặng thầm cho đến . . . bây giờ .Có điều, tôi vẫn cất giữ hình ảnh của cô ,nhớ về cô như cất giữ và nhớ về một nốt nhạc trầm trong bản nhạc của cuộc đời mình.
       Bà lão bị sốc và cảm thấy vui.Một niềm vui có phần ngộ nghĩnh. Lặng trong giây lát bà lão nói:
              -Cảm ơn anh. Tôi coi đó là điều tốt lành trong đời sống của tôi. Anh còn may mắn là đã thổ lộ được mối tình khờ với người bạn nhỏ trước đây.Hơn nhiều người bạn khác mãi ôm ấp trong đời những trắc ẩn không bao giờ có cơ hội được nói ra.
       Sau vài đối thoại bà lão biết người ấy vẫn sống đầy đủ bên vợ, con.Thế là bà cảm ơn và xin được thôi, không quan hệ nữa. Nhưng người đàn ông ấy vẫn cứ hằng đêm, hằng đêm gọi điện hỏi thăm sức khỏe và chúc bà lão ngủ ngon. Bà thấy có lỗi và đổi sim điện thoại.Lại phải:
           “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
             Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”
 
Các bạn ạ: là người ai cũng có một vài mối tình thoảng qua. Cũng có mối tình như định mệnh con người  khiến cả cuộc đời gắn bó.
Câu chuyện trên thật hay khi các tình nhân đã tóc bạc (chẳng biết răng có lay hay chưa), dù sao thì cũng minh chứng cho một thời thơ ngây của mọi người. Càng đáng trân trọng hơn khi trên hết là sự bảo vệ hạnh phúc của bạn bè, chuyện tình cảm muôn thưở nhưng lớp trẻ ngày nay e là không có.

Cám ơn cô Đàm Thơ khi có nhã ý tâm sự cùng hội bạn trẻ U 60 đất bắc!
chúc cô luôn vui, khỏe cùng những hoài cảm trong sáng của cô!

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

THAY ĐỔI TRẠNG THÁI CHÚT XÍU ĐI BẠN


THẾ GIỚI KHÔNG ĐÀN ÔNG

Nếu thế giới không có đàn ông?
Thì hỏi có ai lấy làm chồng?
Trần gian sẽ chẳng còn 1 mống?
Thằng cu đâu có nối tổ tông?
Nếu thế giới không có đàn Ông,

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Thương tiếc tiễn đưa bạn Lê Minh

Sáng nay, Lễ Tang bạn Lê Minh đã được tổ chức trọng thể tại Nhà Tang Lễ BQP số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội. Đến viếng và đưa tiễn bạn Lê Minh có rất đông các bạn K5 và các khóa trường Trỗi, các CCB "Cựu sinh viên chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị", CCB đại đội trính sát C20 F325....Các bạn Trỗi k5 ở xa như Kiến Quốc, Đức Dũng.... và nhiều bạn khác đã gọi điện, nhắn tin... nhờ thắp hộ nén nhang cho Lê Minh và gửi lời chia buồn tới gia đình bạn.
Khi nghe tin Lê Minh mất nhiều bạn Trỗi K5 bất ngờ, sửng sốt không tin.... và rồi mọi người ai cũng nghĩ về Lê Minh, một người bạn hiền lành, ít nói, tận tình với anh em, bạn bè....

Vài hình ảnh Bạn Trỗi K5 và đại diện BT Phía Bắc viếng và đưa tiễn Lê Minh về nơi an nghỉ cuối cùng

Đúng 8 giờ sáng, Bạn Trỗi vào viếng Lê Minh trong cơn mưa nặng hạt, (ảnh chụp bằng di động, hơi mờ do ảnh hưởng thời tiết ). Chi tiết sẽ do "phóng viên" Ngô Thế Vinh báo cáo  với các bạn.

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Ảnh cũ Lê Minh


Chiều nay ghé 19C Ngọc Hà, điểm "giao ban" hàng tuần của lứa "lính sinh viên" 1971, 1972 mà nhiều người bây giờ là CCB Thành cổ Quảng Trị.
Anh Tài, SV K15 Lý ĐHTH Hà Nội cho tôi xem tấm ảnh chụp chung với Lê Minh ngày mới nhập ngũ do một người bạn lưu giữ nhiều năm gửi lại cho.
Suốt nhiều năm hai người bạn từ sinh viên trở thành lính trinh sát sư 325, trở về học lại, đều trở thành Tiến sĩ Vật lý công tác ở hai cơ quan khác nhau, thân nhất cho tới ngày cuối của Lê Minh.
Ảnh do a.Tài cho phép đưa lên mạng.

...Con đò ấy đã vội vã tan vào lòng biển cả

năm  xưa mũi súng cài hoa
trở về 
thơ 
vẫn không xa tâm tình.
Nhớ Lê Minh

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

CÔN ĐẢO

Quốc Việt k5

Kính gửi anh chị em Bantroi
Đã hứa với anh chị em bài viết về Côn Đảo, cảm ơn các đồng chí Ban Di tích Bảo tàng đã tham gia ý kiến và bổ xung
Xin gửi anh chị em cùng tham gia


CÔN ĐẢO
Côn đảo - nơi hàng chục vạn Linh hồn những người yêu nước đang nhìn chúng ta.
Cách Vũng tàu về phía Đông nam 97 hải lý (179 km) là quần đảo Côn Lôn, một quần thể gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76,71 km2, lớn nhất là Côn Đảo (hòn chính)- đảo duy nhất có người ở (5 - 7 ngàn người) với diên tích 51,520 Km2, chiếm gần 2/3 tổng diện tích của cả quần đảo, có chiều dài khoảng 15km, chiều ngang chổ rộng nhất khoảng 9km, chổ hẹp nhất khoảng 1km. Một chi nhánh của công ty du lịch Mỹ đã thuê 1 trong những bãi biển đẹp của Côn Đảo (bãi Đất Dốc) làm điểm du lịch với giá 5 ngàn USD/khu căn hộ/ một ngày đêm.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Tin buồn

                                                                     TIN BUỒN
Bạn Lê Minh, sinh năm 1953, Bạn Trỗi Khóa 5, Thương binh chống Mỹ, tham gia chiến dịch Quảng Trị năm 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Do bệnh nặng, bạn đã từ trần hồi 20h21 ngày 21/08/2013 (Tức ngày 15/07 năm Quý Tỵ) tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Lễ Viếng từ 7h30 đến 9h30, thứ hai ngày 26/08/2013 (Tức ngày 20/07 năm Quý Tỵ), tại Nhà Tang Lễ BQP số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ Truy Điệu lúc 9h30, Lễ An Táng tiến hành lúc 10h30 cùng ngày tại Nghĩa Trang ND Hà Đông, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.
Bạn Trỗi K5 xin chia buồn cùng gia đình bạn Lê Minh.
(Bạn Trỗi K5 tập trung viếng bạn Lê Minh lúc 8h)   

Rằm tháng bẩy với Lê Minh




Tác giả: Nguyễn Trọng Luân, cựu chiến binh, thành viên trang QSVN ( Bấm xem Hồi ký của Lê Minh và bản gốc bài thơ )

Bạn đi
vào tối
hôm rằm


- Vu lan

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Bạn Lê Minh đã vĩnh biệt chúng ta

Mặc dù đã được điều trị phác đồ mới, nhưng đến 19h44 bạn Lê Minh đã bị ngừng tim, ngừng thở. Các Bác sỹ đã tích cực cấp cứu, bạn đã hồi tỉnh được một thời gian, nhưng do bệnh nặng bạn Lê Minh đã từ trần lúc 20h21 ngày 21/08/2013 (Tức ngày 15/07 Âm) tại Khoa Hồi sức tích cực, P406, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Bạn Lê Minh đã được gia đình đưa về nhà lạnh Nhà Tang Lễ BQP số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội lúc 21h30.
Vô cùng thương tiếc bạn Lê Minh. Bạn Trỗi K5 xin chia buồn cùng gia đình bạn Lê Minh.
Kế hoạch Tang Lễ sẽ được thông báo sau.

Lê Minh tiếp tục được điều trị tích cực

Sáng nay, Tấn Lộc ĐHQS gọi điện báo Lê Minh nguy kịch, đã bị hôn mê.. vội vào ngay viện xem bạn thế nào? Mấy hôm trước LM vẫn còn tỉnh táo, còn nói chuyện được? Đúng ra bị viêm phổi, dù có nặng, thì thời gian qua với việc điều trị kháng sinh liều cao, bạn đã đỡ nhiều! Thế nhưng LM vẫn bị sốt cao, XQ phổi gần như trắng hết, phải chuyển ngay đến Khoa hồi sức tích cực, P406. Thực ra đến bây giờ cũng chưa xác định được nguyên nhân bệnh, có thể ổ viêm sâu, dịch tiết nhiều, chủng khuẩn kháng thuốc rất cao, các xét nghiệm đều âm tính, loại trừ Ung thư, Lao, cúm H...Lại rà soát các xét nghiệm, chọc phổi lấy dịch, phác đồ điều trị tổng lực, bao vây, hướng điều trị Lao âm tính... 
Hiện nay LM gần như không biết gì, dung tích thở rất kém, phải thở bằng máy và an thần sâu...Các Giáo sư, Bác sỹ vẫn chưa bó tay, tích cực bằng  mọi cách cứu chữa. Hy vọng Lê Minh sẽ qua khỏi. Cầu Trời, khấn Phật phù hộ cho bạn.
Lê Minh đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, Khoa hồi sức tích cực, P406 khu nhà 6 tầng Việt - Nhật.

Độc thần giáo - Kết

Quốc Việt K5 (NC) 

Độc thần giáo tại Việt Nam
Độc thần giáo ở Việt Nam chỉ gồm 3 loại, Thiên Chúa giáo La Mã (Catholicism Roma), Tin Lành (Protestantism) và Hồi giáo (Islam) 
4.1. Catholicism Roma (Ca-tô giáo La Mã) tại Việt Nam:
Ở Việt Nam Ca-tô giáo La Mã được gọi là Thiên Chúa giáo mặc dù trên thế giới không có tôn giáo nào gọi là Sky’s Lord hay Saint Ciel, cũng như Good news, chỉ khi du nhập vào Việt Nam Ca-tô giáo La Mã được đổi tên thành Thiên Chúa giáo cho phù hợp với tín ngưỡng thờ trời của người Việt (tài liệu này từ nay gọi là Thiên Chúa giáo).
Thiên Chúa giáo vào Việt Nam chủ yếu thông qua Hội Dòng Tên 
Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, Giáo hoàng Ca-tô giáo La Mã phát động cuộc do thám quy mô lớn của Hội Dòng Tên (tiếng La Tinh: Societas Iesu - Hội dòng Giêsu, viết tắt là S.J. tiếng Pháp là La Compagnie de Jésus) để xâm lược khắp nơi trên thế giới, trong đó có miền Viễn Đông Á châu. Điển hình như Phanxicô Xaviê (1541), một trụ cột của Hội Dòng tên được tôn làm thánh bổn đạo dòng Chúa Cứu thế Việt Nam và Matteo Ricci. 

CÂN BẰNG LẠI CUỘC SỐNG

Các bạn thân mến
Hôm nay tôi gặp một chuyện này và thấy cũng đáng để suy ngẫm, nên mạn phép đưa lên để cho mọi người cùng biết.
Chuyện như thế này :
Tôi có việc lên UB phường sở tại, trong khi làm việc với cô thư ký xinh đẹp (tuy ko còn trẻ) của phường, vô tình tôi nhìn lên bức tường sau lưng cô ta, thấy 1 bài viết đánh máy dán lên đó, mới đọc tôi cứ nghĩ đó là lời răn của người tu hành,nhưng đọc lại thấy nội dung có vẽ rất là đời thường.
Tò mò tôi hỏi sao lại có bài này, ở đâu (ý là chép lại) vậy. Được trả lời đó là bài viết của em, dán ở đây để tự răn lòng mình và cho mọi người biết được là ở tại đây, có người làm công vụ nhà nước, nhưng sẽ không làm khó dễ ai,không vòi vĩnh ai để được có lợi vì đã tự hài lòng.
Tôi hỏi nhỏ tiếp, nhưng con người phải phấn đấu vươn lên,chứ tự hài lòng như vậy trong bài viết này thì làm sao tiến lên!

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Mai Lâm và viên sỏi thận

        Viên sỏi thận của Mai Lâm cũng thật đáng nể, màu sáng đục, kích thước 1,3x0,8cm, cũng được hun đúc, kết tinh trong cơ thể, rồi được chính Mai Lâm tự "chuyển" ra bên ngoài....
       Cách đây hai năm, khi ML tán sỏi thận, viên này còn sót lại, chạy xuống ống thận và nay chui hẳn xuống bàng quang gây tắc đường tiết niệu. Vào viện, loay hoay xử lý xông bàng quang không được, với viên sỏi như thế tự chuyển ra ngoài là rất khó, chỉ gây tắc nghẽn và như vậy chỉ còn cách là phải mổ để lấy ra thôi....

Chớm Thu -(tặng bác Hoàng Giang)


Quốc Việt
Kính gửi anh chị em
Cảm ơn anh Quang Trung đã đăng bài thơ của mình hoạ bài của bác Hoàng Giang.
Bài thơ của bác Hoàng Giang rất hay, đầy ý tưởng nhưng khó nắm bắt; nhiều cảm xúc, "Cuộc đời vẫn đẹp sao"; Như có hơi men, cũng có thể là men tình.

41 NĂM NGÀY BẠN KIM TRUNG NGÃ XUỐNG

Bạn Trỗi K5 đến gia đình bạn Huỳnh Kim Trung thăm hỏi sức khỏe của ba HKT và nhớ đến bạn của mình

                                                    .Thấm thoắt thời gian trôi đã 41 năm

                                                              Ngày giỗ sau ngày thành lập CAND

                                            Ba của HKT rất vui khi các bạn của con đến thăm

                                                     bạn Huỳnh Kim Trung B2 C10 K5

                                      Rất mong thật ít gia đình của các bạn mình có tấm bằng này

                                                              Công trạng với Tổ quốc

 TB : Công Trường là người rất thân thiết với gia đình bạn HKT .Và dạo này CT đang là người nghiên cứu lịch sử Việt Nam rất thông tuệ (ông TQV liên hệ bàn lịch sử với CT đi nhất là ls cận đại )

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Tin buồn

   Tin buồn                                     

   Các bạn K5 thành phố Hồ Chí Minh thay mặt BanTroi toàn quốc đến viếng Cụ Nguyễn Thị Bẩy. Thân Mẫu anh Hà Huy Huấn K2, bạn Hà Huy Dũng K5.



Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

LỜI CẢM ƠN CỦA MÔI TÍM CHÂN TRẦN

(bấm xem ảnh lớn)
Các anh chị em thân mến,
Được sự trợ giúp ân tình của nhiều bạn hữu, album nhạc "Môi Tím Chân Trần" đã hoàn tất.
Tôi xin gửi tặng Ban Liên lạc Cựu học sinh Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi 100 đĩa hát để các anh chị em bán lấy tiền cho quỹ từ thiện giúp trẻ nghèo vùng núi giáp biên giới phía Bắc. Đĩa hát sẽ được in tại TPHCM. Tôi xin kính nhờ anh Nguyễn Thế Thịnh chuyển giúp số đĩa này đến Ban Liên lạc.
Xin trân trọng cảm ơn mọi sự giúp đỡ.
Trần Bắc Hải K5

ĐỘC THẦN GIÁO (ĐẠO THỜ CHÚA – KI TÔ GIÁO) Phần 2 Ca-tô giáo

Quốc Việt k5 (NC)
(tiếp theo)
Thời kì Đại Ly giáo và các cuộc thập tự chinh
Năm 475, đế quốc Tây La Mã sụp đổ bằng chính vũ khí mạnh nhất của họ là quân đội và các tín đồ Ca-tô giáo, viên tướng tiêu diệt đế quốc này xóa bỏ đế quốc và cho thành các quốc gia/dân tộc (nations), để lại Vatican hoang tàn làm trụ sở cho một phần của giáo hội Ca-tô giáo; Đế quốc đông La Mã, nhờ giàu tài nguyên đã phát triển dần chinh phục lại các vùng đất Tây La Mã và bảo tồn Vatican cho một giám mục Ca-tô giáo.. 
Mặc dù Moise cấm gọi tên Chúa (El, Elohim), danh từ God mà ngày nay Ca-tô giáo dùng để chỉ Chúa, vốn là danh từ tiếng Đức dùng để chỉ phù thủy được du nhập vào Ca-tô giáo khoảng thế kỉ thứ 6 sau công nguyên trước thời kì đại phân chia tôn giáo này.
Từ thế kỉ thứ 7 tới thế kỉ 13 được coi là thời kì Đại Ly giáo lớn nhất của Ca-tô giáo, chia tôn giáo này thành 2 Tôn giáo: Công giáo La Mã, Chính thống giáo và một bản sao đặc sắc của Ca-tô giáo là Hồi giáo xuất hiện.

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Tin buồn

                                                               TIN BUỒN
Cụ Nguyễn Thị Bẩy, sinh năm 1929, Thân Mẫu anh Hà Huy Huấn K2, bạn Hà Huy Dũng K5, do tuổi cao bệnh nặng, Cụ đã từ trần lúc 2h30 ngày 17/08/2013 tại nhà riêng, Hưởng Thọ 85 tuổi.
Lễ viếng từ 12h ngày 17/08/2013 đến 10h ngày 20/08/2013 tại nhà riêng hẻm 189/34/10, đường Bạch Đằng, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM (Gần chợ Tân Sơn Nhất).
Lễ truy điệu lúc 10h30, Lễ đưa quan lúc 11h ngày 20/08/2013, Lễ Hỏa táng tiến hành cùng ngày tại Nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa, TP HCM.
Bạn Trỗi K5 xin chia buồn cùng bạn Hà Huy Dũng và gia đình.
(Các bạn Trỗi Khóa 5 tập trung viếng Cụ lúc 9h ngày 18/08/2013)

Quốc Việt k5 (NC) ĐỘC THẦN GIÁO (ĐẠO THỜ CHÚA – KI TÔ GIÁO) Phần 2 Ca-tô giáo

Kính gửi anh chị em bạntroi

Cảm ơn anh chị em đã đọc, bác HT đã cho ý kiến, mà ghê thật, những cuộc thập tự chính đã làm Châu Âu và Trung Đông trở nên hoang tàn. Nhà Thờ trở nên giàu có và các Lãnh Chúa trở thành các vị Giám mục. Đó là chuyện về sau. Ta tìm hiểu thêm một Tôn giáo nữa đã từng làm chủ đế quốc La Mã cổ đại, đã tiêu diệt các nền văn minh trên thế giới, đó là Ca-tô giáo.,

khúc tiêu dao vào thu


     Chào các bạn ! HG chào các bạn bằng đôi vần sương khói chớm thu mong làm nhẹ bớt nỗi niềm đau đáu đời thường cùng các bạn . Chỉ là lãng đãng khói sương , các bạn đừng chê nhé !

TÌNH CHỚM SANG THU

Hạ thắm dỗi hờn lui gót
Mắt ai còn giấu chớp dưới làn mi
Bão sớm tan cho thu sang dịu ngọt
Sương chớm khuya ,
          giọt nào buông khẽ báo thu về .

Ta thẫn thờ nâng ngọn bút vân vê
Mới thu trước đã thu này , nhanh quá !
Nhịp thời gian hay dòng đời hối hả ?
Chửa kịp chia tay hạ , đã thu rồi !
Ai lả lơi cười ,
          nhịp đong đầy hồn thơ chơi vơi !

Thoáng mơ về những đêm lên khơi
Thuyền trăng dạt dào nương gió
Sóng Ngân hà tung bọt sao lấp lóa
Tỏa sương huyền ảo trần gian
Rung điệu tơ lòng ru dịu cuộc tình tàn .

          ***
Thôi nhé , giã từ mùa hạ
Đầy nắng mưa thất thường
Ta lặng vào tình thu yên ả
Trăng vàng , cỏ ngậm sương
Mắt biếc long lanh kẽ lá
Hây hây phớt đỏ má đào
Xanh thắm khoảng trời đầy gió
Lâng lâng nâng bước tiêu dao ...

Thu vui về trên từng bước xôn xao
Ơi những cánh chim bạt gió
Dẫu đẫm mình qua ngàn giông tố ,
Vẫn chứa chan lòng những thu vương
Đưa tình vào thu trong khúc vô thường .

               Hà nội , chớm thu 2013
                   HOÀNG GIANG



Thơ họa của Quốc Việt

Chớm thu
tặng pác Hoàng Giang

Bước thấp bước cao
Hè phố
Đường đi lởm khởm,
Lung lay
Rượu cứ dâng tràn men đắng,
Ngắm bác Hoàng Giang - tây tây.

Yêu yêu - từng chiếc lá rụng,
Đê mê - mỗi giọt sương dày,
Bạn bè - hàng cây hoa sữa,
Môi hồng - như ớt chín cây.

Quán rượu nằm trong ngõ vắng,
Lả lơi những chén rượu đầy,
Thời gian ơi -  hãy ngừng trôi,
Thêm một ly này nữa.

Trời xuống thấp,
Chân muốn bay.

Ôi!
Thế gian vào Thu!
Chỉ,


Riêng mình ta Say,

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Quốc Việt K5 (NC) ĐỘC THẦN GIÁO (ĐẠO THỜ CHÚA – KI TÔ GIÁO) – Phần 1

Kính gửi anh chị em bantroi

Sau khi đăng bài về Phật giáo, nhiều bạn hỏi mình về các Tôn giáo khác, đặc biệt là Thiên Chúa giáo.
Thực tế không có tôn giáo nào tự gọi là Chúa Trời (Sky Lord), ngay đồng bào Công giáo cầu kinh vẫn xưng với đức Lời (Saint Word); Từ điển Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) phiên âm là blời.
Tòa thánh La Mã hay gọi Ki - tô hữu (các tôn giáo thờ Ki - tô) hay Ki – tô giáo là phiên âm chữ Chris theo tiếng Hy Lạp - La Mã mà ra. Các giáo sỹ thì đọc theo tiếng Do thái gọi là Mê – si. Những người theo tôn giáo này tự nhận theo nghĩa tiếng Việt là Độc thần giáo .

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Lê Minh nằm viện

Sáng hôm nay, tôi vào bệnh viện Bạch Mai thăm Lê Minh xem bạn bệnh thế nào.
Lê Minh bị viêm phổi, hiện đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, Khoa Hô hấp, Phòng 609, khu nhà Việt - Nhật, đối diện Khoa Cấp cứu A9.
Bạn vào viện hôm 07/08/2013 tại phòng 606, ngày 12/08/2013 phải chuyển sang Phòng 609 để theo dõi kỹ hơn và điều trị tổng lực hơn. Hiện nay Lê Minh được điều trị tích cực kháng sinh liều cao, tiêm truyền liên tục, thở Ôxy và phải kết nối với máy đo hiển thị các chỉ số chức năng sống của cơ thể để theo dõi.
Cầu mong bạn tai qua, nạn khỏi, chóng lành bệnh.
Trước đó dăm phút, anh H.Thành K4 và Tấn Lộc ĐHQS đã đến thăm Lê Minh.

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Viễn Chi - NHỚ CÔN SƠN, NGUYỄN TRÃI


Kính gửi anh chị em bantroi 
Xin phép anh chi em, trước hết phải trả lời cô cháu gái VT về câu hỏi thú vị, tại sao ông thân của chú lấy tên là Viễn Chi? Chú cũng từng hỏi như vậy nhưng chưa bao giờ được trả lời. Ham hiểu biết là điều đáng quý, nhưng phải tự tìm hiểu thôi.
Ngày xưa thường có tên tự, hay tên tự đặt; có tên gọi ở nhà, có tên chữ. Tên Tự là tên mà sau khi trưởng thành do mình tự đặt để nói lên cái chí của mình.
Năm 1945, khi đảng ta rút vào bí mật, ông Trần Xuân Viên lấy tên là Viễn Chi và tên ấy đi theo suốt cuộc đời của ông đến khi mất. 
Tuy nhiên, Viễn Chi còn là bút danh của cụ khi cụ làm thơ. Cụ Đoàn Văn Cừ và cụ thân sinh của chú cùng học với nhau, nhưng cụ Cừ nhiều tuổi hơn và học xong PC (lớp nhất) là cụ Cừ đi làm, rồi trở thành nhà thơ của nông dân, của chợ Tết, của đám cưới quê.... . 
Còn cụ thân sinh chú có bằng Diplom, được rải chiếu điều đón từ tỉnh lỵ về đến nhà. 
Công chức Pháp hồi xưa chỉ cần bằng PC, nhưng cái nhục mất nước trước hết thấm vào người trí thức “Chết vinh còn hơn sống nhục” và cụ ấy hoạt động cách mạng, chạy hết Sài gòn, Hội An, Hải phòng, Quảng Ninh rồi về Hải Dương. 
Phá kho thóc của Nhật, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Dương (lúc ấy ít đảng viên lắm), rồi được kết nạp vào đảng cộng sản, làm tỉnh ủy viên phụ trách phát triển đảng, phụ trách tuyên huấn, rồi phụ trách vùng địch tạm chiếm tổ chức kháng chiến – không có lương đâu – toàn bộ tỉnh ủy ăn cơm ở nhà chú, đến nay các cụ ấy còn nhớ món thịt băm với muối để ăn dè. Mẹ chú đi bán chuối ở chợ để nuôi cả hội. Bố mẹ chú NVT cũng hoạt động với bố chú ở Hải Dương đấy. 
Chữ Viễn Chi là bí danh của ông thân nhà chú dễ làm người ta hiểu lấy từ chữ “Kính nhi viễn chi” trong Kinh thi mà ra, với nghĩa “Càng xa, càng trọng”, nhưng không phải. Viễn có nghĩa là sâu lắng, nhìn xa, còn Chi là quan tâm đến cả chi tiết giống như ngày này người ta nói về người Tử tế, nghĩa là người biết quan tâm đến người khác. Đặt tên Tự chính là nguyện với lòng mình suốt đời như thế, 

Quay lại Bài thơ về Nguyễn Trãi. Ta có thể tạm chia là 5 tứ thơ, tứ đầu là mở và dẫn nói tới Nguyễn Trãi và Côn Sơn.
Tứ tiếp theo là luận; Luận về người anh hùng. 
Người xưa thường nói: 
Làm trai cho đáng nên trai 
Lên đông, đông tĩnh , sang đoài, đoài yên”
Xứ đoài là chữ cổ chỉ phía Tây.
Câu Luận ấy rất hay để chỉ người anh hùng làm được như thế
“Khi ra sấm bể, mưa nguồn
Khi về như núi, như cồn lặng yên” 

Ra là ra trận, ra đối địch với giặc, ra với tư cách người làm tướng, người lãnh đạo.... và hình bóng một con rồng thoáng ẩn hiện, như núi, như cồn.... cứ cuồn cuộn “Võ công, văn đức vẫn ngời sử xanh:.
Nhà thơ Vũ Quần Phương bình rất hay, nhưng chỉ thoảng qua thôi. 
Câu kết là nói tới cái kết có hậu của cụ Nguyễn Trãi, sống mãi trong lòng dân. 

Xin gửi anh chị em bài thơ: 
NHỚ CÔN SƠN, NGUYỄN TRÃI

Giúp Vua, dẹp giặc mười năm
Công thành, thân thoái về nằm Côn Sơn

Khi ra sấm bể, mưa nguồn
Khi về như núi, như cồn lặng yên

Ngán thay chuyện Lệ Chi Viên
Được chim, vứt nỏ, bỏ tên, thói đời

Mây không che nổi mặt trời
Võ công, Văn đức vẫn ngời sử xanh

Côn Sơn một dải yên lành
Còn hơn Lăng tẩm, cung đình vàng son


Viễn Chi 7/1995

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Ngày giỗ ông Lưu Dung - Thắp hương bạn Lưu Thế Dũng. Hoàng Việt Dũng đã về Hà Nội an toàn.

Cuối tuần trước, K.Quốc gọi điện cho tôi báo tin đã liên lạc được với gia đình Lưu Thế Dũng và ngày

7/7 (Âm) tới là ngày giỗ ông Lưu Dung, Thân Phụ bạn Lưu Thế Dũng. Sáng nay, ngày 13/08/2013, bạn Trỗi K5 đã đến thăm bà Vũ Thị Hồng Việt, Thân Mẫu Lưu Thế Dũng, thắp hương cho ông Lưu Dung và bạn Lưu Thế Dũng, tại nhà A6, số 25, Bắc Nghĩa Tân, Hà Nội.
Ông Lưu Dung ra đi đã 4 năm, ngày ông mất có đại diện của Bạn Trỗi K5 đến tiễn đưa. Nguyên là một Bác sỹ Quân y, Phó chủ nhiệm bộ môn Tim Mạch Bệnh viện Quân Y 103, phụ trách giảng dậy chuyên ngành Đại học Quân y, ông suốt đời chuyên tâm trị bệnh cứu người. Vì thế sự mất mát con trai đầu khi tuổi đời còn rất trẻ đã khiến Ông, Bà rất đau lòng.....

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

VŨ QUẦN PHƯƠNG - Thơ Viễn Chi

Kính gửi anh chị em bantroi

Vừa đi công tác về, ghé Côn đảo, nhiều cảm xúc. Các đồng chí phụ trách khu di tích đề nghị chỉnh lý lại bài viết nên xin khất anh em cho đăng sau.
Sắp đến ngày 19/8, lại biết anh chị em toàn là nhà thơ, xin gửi bài bình luận của nhà thơ Vũ Quần Phương về tập thơ “Cánh chim trên những dặm đường” của Viễn Chi – ông thân mình – sau khi cụ già mất 6 năm.
Mặc dù nhà thơ Vũ Quần Phương chưa bao giờ gặp ông thân mình, nhưng nhà thơ viết lên chân dung và tính cách của ông thân mình rất rõ.
Văn cũng là người như thế đấy   
VŨ QUẦN PHƯƠNG

Thơ Viễn Chi

Viễn Chi tên thật là Trần Xuân Viên, sinh năm 1919, người huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Ông làm thơ từ rất sớm, nhờ nhà thơ đồng hương Đoàn Văn Cừ góp ý. Ông Đoàn Văn Cừ lúc đó đã là thày giáo và có thơ đăng báo. Năm 1934, Viễn Chi viết bài thơ Đá Vọng Phu, thể lục bát, lời lẽ, tình ý già giặn. Nhưng mãi 63 năm sau, 1997, ông mới in tập thơ đầu với tư cách người viết nghiệp dư. Ông Đoàn Văn Cừ lúc này đã cao niên, về sống tại quê nhà, lại là người góp ý, biên tập cho tập thơ. Ông Viễn Chi cảm kích mối thâm tình của nhà thơ họ Đoàn, mà giật mình, bao nhiêu năm tháng đã trôi qua.
Phát lộ năng khiếu thơ thủa thiếu thời, nhưng Viễn Chi không đi theo đường văn chương. Ông tham gia hoạt động cách mạng, trở thành một chiến sĩ dạn dày kinh nghiệm chiến đấu. Ông nghỉ hưu năm 1988 ở cương vị Thứ trưởng Bộ Công An.
Không theo nghiệp văn chương, nhưng thơ vẫn lãng đãng theo Viễn Chi trên mọi chặng đời. Thơ ông đánh dấu những phấn đấu, những chịu đựng, thử thách với đời ông... Thơ lưu giữ những ấn tượng lịch sử đất nước trong hai cuộc kháng chiến, những kỷ niệm sâu sắc về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tình quốc tế. Từ khi nghỉ hưu, ông viết nhiều hơn, và rất vui, lại hay hơn. Hay vì những chiêm nghiệm cuộc đời sâu sắc. Hay vì ông đã trở lại, như buổi đầu đời, tâm sự hồn nhiên, ý tưởng cởi mở, tình cảm chân thực. Đây là bước tiến của thơ ông, cũng là bước tiến của tư duy xã hội, thành quả của công cuộc đổi mới (khởi xướng từ 1988, năm ông về hưu)
Thơ Viễn Chi bộc lộ một cách sống đẹp, có trách nhiệm với cuộc đời:
“Anh có buồn vì xã hội đang
Nhân tình xuống cấp, giá leo thang                 
Lương tâm đạo lý đều mua bán
Chức trách quyền uy cũng hóa hàng?”
Vào năm 1991, một ông nguyên thứ trưởng công an đặt ra câu hỏi ấy, thật đáng quý. Nhưng đáng quý hơn là ông biết yêu đời, nhạy cảm, biết tinh tế, biết trân trọng cái đẹp của ngày thường, của thiên nhiên tạo vật:
“Sáng sớm Mưa Thu lác đác rơi
Trong đầm ai hái lá sen tươi?
Lá sen ai gói thơm xôi nóng
Thơm cả bàn tay cô bán xôi!” 
Bút pháp bài tứ tuyệt này đã là bút pháp người viết chuyên nghiệp.
Bài thơ Sang Thu tặng Đoàn Văn Cừ, cách nắm bắt chất thơ hư ảo của thiên nhiên cho thấy dấu vết một năng khiếu thơ khá rõ; đoạn đầu “hương lá” của mùa sen cuối vụ, đoạn hai là “hình” của lá và bướm vàng trong nắng hanh, đoạn ba là âm thanh, thấy ríu rít tiếng chim, thấy cành rung mà không thấy bóng chim đâu, đoạn bốn xuất hiện con người trong tiếng cu gù, đứa bé ngủ (làm nhớ) người mẹ ru, đoạn kết thâu tóm được tất cả yếu tố trên và cảm nhận thiên nhiên “Như cũng cùng ai muốn tỏ tình”. Bài thơ viết năm 1994, nhưng cảm xúc ấy vẫn thoát thai từ thời thơ lãng mạn.
Cuộc đời của tác giả đi từ những bài thơ đa cảm, như bài “Đá Vọng phu” đến những mặt công tác xã hội phức tạp, nhiều lúc việc đời bề bộn át đi tâm sự. Lúc cuối đời, thơ Viễn Chi trở lại được nét đa cảm thủa thiếu thời và lại cộng thêm nhiều chiêm nghiệm sống của cả đời người lịch lãm. Ông chiêm nghiệm lịch sử, chiêm nghiệm thời cuộc và chiêm nghiệm thân thế chính mình. Từ cuộc đời Nguyễn Trãi, ông luận về các phép ứng xử, công thành, thân thoái, được chim vứt nỏ và lăng tẩm lớn nhất là lòng dân. Thơ luận sự đời nhưng hồn nhiên cụ thể. Về Hồ Chí Minh, ông mượn hình tượng hoa lan trong vườn Bác. Nói Hoa mà thấy người. Cuộc đời có những tình thế tiêu cực. ông giận dữ, phê phán, nhưng trong sâu thẳm, lòng ông thanh thản của người thủy chung được với lý tưởng của chính mình, như Tố Hữu thủa nào đấu tranh tuyệt thực trong tù ngục “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng”
“Nay đã đi qua một chặng đường
Tấm lòng thanh thản nhẹ hành trang!
Ước như ai đó cày xong ruộng
Nằm khểnh bên trâu, hóng gió đàn”                      
Đây là lần đầu tiên tôi đọc thơ Viễn Chi, ông tạ thế đã 6 năm, người con trai của ông đưa tôi tập thơ này, tôi thật sự ngạc nhiên khi gặp ở phần cuối tập có nhiều bài có chất thơ và khá nhuần nhuyễn trong mạch thơ, trong cảm xúc. Cái kết của bài “Vào cố đô thăm Thế Miếu” là cách đóng bài của người thạo thơ cổ điển:
“Trăm rưởi năm xưa bao biến đổi
Bên thềm, lá rụng, gió thu bay.” 
Thơ kể chuyện cổ tích Hòn Trống Mái ở Thanh Hóa mà vận ra được bao nhiêu cảnh ngộ của người trần gian thì cũng là khéo:
“Xuống với trần gian giữa cuộc đời
Thì nàng công chúa cũng như ai”
Cũng như ai nghĩa là cũng rơi vào tình ái và thích trần gian. Thích trần gian vi như tác giả bình luận: ”Tình yêu thủy chung son sắt?  Là tình yêu không có ... trên trời.”  Những nét tạt ngang ấy, khi hóm hỉnh, khi thâm trầm, cho thấy ông già Viễn Chi thính tai, tinh mắt và sắc xảo lắm.
Ông có quan niệm thơ rất nhà nghề. Ông biết cái giá của cảm hứng: “Mọi việc tôi quen giờ giấc đúng” Chứ sao, làm An ninh mà giờ giấc lơ mơ thì thất bại. Nhưng ông lại rất hiểu ngoại lệ của thơ. Nó đến bất ngờ không quy luật, không hò hẹn:
“Không ghi chép kịp thơ quên mất
Ý đẹp lời hay đến bất ngờ
Có những câu thần không gặp lại
Suốt đời bỏ dở một bài thơ”
Chắc Viễn Chi đã bỏ lỡ nhiều bài thơ như thế, nhưng bài thơ của cuộc đời ông, ông đã không lỡ. Cái chất tâm hồn tế nhị thanh thản kia cho thấy, ông không lỡ.
                                                                                                                                    16/8/2005 

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Mát mẻ thay Hà Nội.

Mấy hôm nay mưa bão, dân HN tha hồ khấn khởi, nô nức ra đường thỏa thích tắm rửa cả người lẫn xe, vui đùa bắt cá cải thiện, rèn luyện thêm kỹ năng sống mà nhiều tỉnh khác cơ sở hạ tầng không thể có được như thế này.
Phát huy sáng kiến, dành tiền mua tàu ngầm Hà Nội trị quân tàu ô.

 Sau cá cược là cá thật. Cẩm Thủy của Thanh Hóa đã là gì.
                                                   
Tiếc thật! vừa đi Đồ Sơn, không ngờ về HN
 lại sướng thế này, đúng là Đồ Nhà hoá hay.
 
  Cam đoan học sinh HN giỏi hơn các tỉnh khác bởi các môn phụ.

 
HN có đặc điểm là người đang hóa cá,
 còn cá thì muốn hóa người đi lội phố.

BẠN TÔI ĐI TRÁNH LỤT Ở ĐÂU

Hà nội bị ngập vì nước mưa
Có những người đoán trước được sự kiện sắp xảy ra
thí dụ như : Đào tạo con người không chu đáo ,thì sẽ xảy ra vụ như ở bệnh viện Hoài Đức,quản lý không tốt thì sẽ xảy ra Vinashil..và HN sẽ no nước nếu...
1 người bạn tôi biết trước nên giải quyết = cách là tránh đi (tuyệt vời)


Nhưng khổ nỗi là tránh lội nước ở HN,thì phải uống no ở SG ,Như vậy là tránh vỏ dưa ,gặp vỏ dừa

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

ĐẤT NƯỚC - NGUYỄN ĐÌNH THI

Quốc Việt K5 (PT) 
Kính gửi anh chị em bantroi
Đọc thơ của cô giáo Thơ, đầy cảm động. Cô nhắc tới một khía cạnh tinh tế, một góc khuất của cuộc chiến tranh, đầy tình người.
Sắp tới những ngày cách mạng tháng 8 và Lễ Độc lập 2/9, xin gửi cô Thơ và anh chị em một cách nhìn khác về bài thơ:
ĐẤT NƯỚC - NGUYỄN ĐÌNH THI
Lịch sử chính là tương lai của hiện tại. Săp đến những ngày CMT8', đọc lại bài Đất Nước của Ngyễn Đình Thi và cùng suy ngẫm.
Nhiều người đã viết bài bình rất hay về Nguyễn Đình Thi cũng như bài thơ “Đất nước” của ông. Người ta cho rằng ông là con người tài hoa, với văn phong giản dị, không cầu kì, đưa ra những áng văn thơ tuyệt tác.
Có thể đúng vào một khía cạnh nào như thế, nhưng toàn cục thì không.
Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thị là bài thơ không vần - đôi khi thơ vần lại làm mất cả ý tưởng - toàn bài như một bài hát đầy nhịp điệu, cứ ngân nga trong từng câu, từng đoạn, đầy hình ảnh và triết lý; Chàng thanh niên 24 tuổi nghiên cứu sinh tiến sỹ (Doctorat) Triết học ấy, không hề đơn giản khi viết bài thơ này lúc đó.

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Dư âm bài thơ tình thưở chiến tranh

Mấy hôm rồi hội K9 cùng bạn Trỗi đón khách đặc biệt, có hai anh K5 cũng mon men được chầu rìa.
Hôm nay mưa bão, nhớ lại sự hân hoan của buổi gặp mặt, tôi nghĩ giờ này chắc Cô Thơ cũng đang bình an nơi Đất Mũi, nhưng tinh thần cô vẫn còn đọng lại nơi đây, và còn hơn thế khi mà thưở xa xưa ấy, cô đã từng ngậm ngùi tiễn biệt một mối tình nơi quân cảng Hải Phòng.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tình yêu còn đọng mãi. Bài thơ là tự sự của Cô Đàm Thị Ngọc Thơ, cô giáo của hội Quế HSMN trên đất bắc.
Tình yêu của cô gái ngày đó với người lính ra trận, người đã ra đi, đi mãi chẳng trở về, để cho người con gái đến giờ vẫn còn cảm thấy quá ư dại khờ, vẫn trăn trở vì sao lỗi hẹn với người lính hải quân và rồi trào dâng thành tâm tư không phút nào nguôi, vẫn không nguôi tìm bóng hình người anh hùng cùng những con thuyền không số huyền thoại, mặc dù biết rằng không thể kiếm tìm những anh hùng đã hoá thân vào lịch sử oai hùng của dân tộc.
Bài thơ hay nỗi lòng với người lính đoàn tàu không số đã được đăng tải trên báo chí, Báo liếpk5, bên bạn trường Bé, tại sao không cùng Bạn Trỗi K5 news nhỉ, xin phép cô Đàm Thơ và các bạn nhé!

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Họa sỹ van Gogh và cái tai




Chân dung Bác sĩ Gachet,
từng được bán với
giá 82,5 triệu USD

Vincent Willem van Gogh (sinh ngày 30 tháng 3 năm 1853, mất ngày 29 tháng 7 năm 1890), thường được biết đến với tên Vincent van Gogh là một danh hoạ Hà Lan thuộc trường phái hậu ấn tượng. Nhiều bức tranh của ông nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất và cũng đắt nhất trên thế giới. Van Gogh là nghệ sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện và có ảnh hưởng rất lớn tới mỹ thuật hiện đại, đặc biệt là tới trường phái dã thú (Fauvism) và trường phái biểu hiện tại Đức.
Thời thanh niên, Van Gogh làm việc trong một công ty buôn bán tranh, sau đó là giáo viên và nhà truyền giáo tại một vùng mỏ nghèo. Ông thực sự trở thành họa sĩ từ năm 1880 khi đã 27 tuổi. Thoạt đầu, Van Gogh chỉ sử dụng các gam màu tối, chỉ đến khi được tiếp xúc với trường phái ấn tượng (Impressionism) và Tân ấn tượng (Neo-Impressionism) ở Paris, ông mới bắt đầu thay đổi phong cách vẽ của mình.

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

ĐỨC PHẬT

Xin gửi các bạn
                                             Hình ảnh của đức Phật - tranh vẽ và chế tác

                                                                   Tạc vào núi đá


Chân dung đức Phật
Các dòng chữ Hàng trên :THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Dòng chữ bên phải :NHẤT THIẾT HỮU VI PHÁP  NHƯ MỘNG HUYỀN ẢO ẢNH
Dòng chữ bên trái : NHƯ LỘ DIỆC NHƯ ĐIỆN  ƯNG TÁC NHƯ THỊ QUÁN
Dòng chữ dưới :     Bức ảnh này là phật Thích Ca năm ngài 41 tuổi do đệ tử của ngài là TÔN GIA PHÚ NHƯ LÂU NA chính tay vẽ lấy.(nguyên bản bức tranh này lưu giữ tại viện bảo tàng Anh quốc và được xem như là quốc bảo.)

MỘT VÀI NÉT VỀ ĐẠO PHẬT (HAY PHẬT GIÁO)


Quốc Việt k5 (NC)

Kính gửi anh chị em bantroi
Không được đi vào ĐN, nhưng ngồi với anh chị em học được rất nhiều điều. Bà xã nhà mình tung tẩy đón các anh chị khóa trên, lại còn gặp 3 K9; ngồi cạnh chủ nhà, giống y chang. . 
Chuẩn bị vào lễ Vu Lan (từ rằm tháng 7 tới rằm tháng 8) - Lễ báo hiếu cha mẹ, tổ tiên; trùng với lễ xá tội vong nhân và lễ trung nguyên của người Á đông (Rằm tháng 7). Đối với người Việt cổ là lễ xem trăng để đoán thời tiết năm sau – sự tích Trung thu – Rằm tháng 8. Xin gửi anh chị em bài nghiên cứu sơ lược về Phật giáo

MỘT VÀI NÉT VỀ ĐẠO PHẬT (HAY PHẬT GIÁO)

Buddhism (Phật giáo: còn đọc là Phật-đà hay Bụt-đà mà người Việt gọi là Bụt, Bồ đề hay Phật (theo chữ Hán), nghĩa là "người tỉnh thức" hay "người giác ngộ" còn được gọi là “người có trí thức”; giáo lý của Phật giáo gọi là Phật pháp, Bồ đề pháp có nghĩa là "nguyên lí của vạn vật".
Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo nhưng đi vào tư tưởng rèn con người trở thành người hiểu biết, khởi nguồn khoảng 500 năm trước Công nguyên, sáng lập bởi một nhân vật có thật tên là Siddartha Gautama người Việt đọc là Thích Ca Mâu Ni, tiếng Hán đọc là Tất-đạt-đa Cồ-đàm. .
Theo giáo lí nguyên thủy thì đạt được Phật (Bồ-đề, Giác ngộ) khi người đó đạt được nhìn rõ bản chất vạn vật. Nói cách khác, ai đạt được sự hiểu biết đều được gọi là Phật, Bụt. 
Cơ sở tư tưởng của Phật pháp là Tứ diệu đế - Bốn chân lý làm cuộc đời con người đi vào đau khổ đó là (1) Khổ đế: Khổ đau. (2) Tập đế: Nguyên nhân của khổ đau là do sự ham muốn (3). Diệt đế: Một khi bỏ ham muốn thì sự khổ cũng được diệt. (4) Đạo đế: con đường diệt khổ gồm tám nhánh (Bát chính đạo).
Phật giáo cho rằng không thấu hiểu Tứ diệu đế là Vô minh. Không thấy cuộc đời biến động là vô thường, Không biết mình là vô ngã và vì vậy mà con người phải chịu khổ
Bát chính đạo bao gồm:
1. Chính kiến: Quan sát đúng sự vật.
2. Chính tư duy: Tư duy đúng.
3. Chính ngữ: Phát ngôn đúng.
4. Chính nghiệp: Làm đúng.
5. Chính mệnh: Đảm nhiệm đúng công việc 
6. Chính tinh tiến: Phát triển việc tốt, bỏ việc xấu.
7. Chính niệm: Rèn luyện trên ba phương diện Thân, Khẩu, Ý;
8. Chính định: Tập trung tâm ý 
Vốn là một tôn giáo nhỏ trong Ấn độ giáo, đã có một thời kì phát triển trở thành quốc đạo của nhiều quốc gia, lý luận của Phật giáo được một số Vua Chúa Nam Á như Vua A Xà Thế (Ajatasatru) là vua xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) vua Kalasoka xứ Vesali. hoàng đế Asoka (A Dục) của đế chế Mauryan, vua Mindon của Miến Điện lúc bấy giờ là Mandalay sửa đổi lại; đặc biệt qua Trung Quốc vào thời nhà Đường khoảng năm 712 sau công nguyên và Hoàng đế Đại Đường đưa 3000 nhà bác học nghiên cứu chuyển tư tưởng và ngôn ngữ Ấn độ thành tư tưởng và ngôn ngữ Trung Quốc để phù hợp với nền Văn hóa của đế quốc đa văn hóa này và đưa thành Quốc giáo. 
Hiện Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới với 365 triệu tín đồ, chủ yếu tập trung ở Châu Á và đang lan truyền khắp thế giới và trở thành tôn giáo bản địa. 
Giống như Ấn Độ giáo, Phật giáo cho rằng có kiếp luân hồi, mọi hành động của con người đều có kết quả tinh thần, cũng như đem lại số phận cho họ hoặc là thiện (dẫn đến sự hoàn thiện tinh thần) hoặc là ác (dẫn đến sự suy đồi tinh thần), vũ trụ mang tính đạo đức, có trật tự mà không có vị thần tối cao thực hiện công lý cuối cùng, với toàn bộ xã hội loài người vì thế bị biến đổi theo. 
Phật giáo cũng là tôn giáo đầu tiên đưa ra hệ thống phẩm cấp tu hành tương đương với chức sắc giáo sỹ.

Buddhism Vietnamese (Phật giáo Việt Nam)
Trong số các tôn giáo ở Việt Nam, Phật giáo đến Việt Nám sớm nhất và có số tín đồ đông đảo nhất. Theo thống kê dân số năm 2009 thì số tìn đồ Phật Giáo là 6.802.318 người. Ngoài ra từ 80% đến 90% dân số Việt Nam mang thiên hướng Phật giáo (do Phật giáo đã trở thành tín ngưỡng dân gian). Năm 2011 khoảng 10 triệu Phật tử (các tín đồ Phật giáo). 
Có hai nhánh Phật giáo ở Việt Nam là Đại thừa (cỗ xe lớn – tu được cho nhiều người), còn gọi là Bắc Tông (vì truyền qua đường Trung Quốc vào Việt Nam) còn gọi là Mahayana và Tiểu thừa (cỗ xe nhỏ, ai đi tu được người đó), còn gọi là Nam Tông (truyền qua đường Sri Lanka vào Việt Nam) hay Phật giáo Theravada có nghĩa là "lời dạy của bậc trưởng thượng". 
Phật giáo bắt đầu truyền vào Việt Nam trong khoảng thế kỉ thứ ba đến thế kỉ thứ hai trước công nguyên từ Ấn Độ theo đường biển rồi truyền vào Trung Hoa. Lúc đầu Phật giáo tại Việt nam (đồng bằng châu thổ sông Hồng) mang màu sắc của Phật giáo Tiểu thừa, thường núp bóng trong các đền Mẫu mà ngày nay các chùa đều có đền Mẫu được người Việt thể hiện rất rõ qua hình ảnh ông Bụt (dịch thẳng từ tiếng Phạn - Buddhism) được dùng trong dân gian trở thành tín ngưỡng dân gian, về sau do sử dụng tiếng Hán trong xã hội, danh từ Buddhism thành danh từ Phật được dùng trong các văn bản chữ Hán hoặc chữ Quốc âm (do biến âm của chữ Hán B thành Ph, ud thành ật), gắn với Phật giáo Đại thừa. 
Chủ trương ăn chay chỉ có Phật giáo Đại thừa phái thiền tông nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho các tín đồ phải đóng góp nuôi các giáo sỹ, còn giáo sĩ Phật giáo nói chung không ăn chay. 
Phật giáo Đại thừa vào Trung Quốc từ đời Đường Huyền Tông, từ đó du nhập vào Việt Nam tới vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, phát triển mạnh vào thời Đinh Tiên Hoàng và trở thành Quốc Đạo, phát triển rực rỡ khoảng nửa Thiên Niên kỉ, xuống dần vào đời Hậu Lê và khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam thì biến thành tôn giáo dân gian, sau Cách mạng tháng Tám 1945, Phật giáo dần được khôi phục.
Trong lịch sử Việt Nam, Phật giáo thường gắn với dân tộc, có công trong sự nghiệp chống ngoại xâm khi trở thành tôn giáo bản địa và càng rõ nét khi các vua nhà Trần thường quy y và chuyển dần Phật giáo vào tín ngưỡng dân gian.

Các phái Phật giáo Đại thừa ở Việt Nam
Thiền tông lập ra vào năm 580 tại chùa Pháp Vân (hay chùa Dâu), thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Đây là tông phái Phật giáo nổi tiếng ở Việt Nam với dong Vô Ngôn Thông – “Không nói mà hiểu”, lập ra vào năm 820 tại chùa Kiến Sơ, thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. 
Tịnh độ tông là một tông phái Phật giáo, chủ trương phải trau dồi trí tuệ để am hiểu thế giới, tự rèn bản thân mình, tu hành đơn giản miễn là hướng tới tư tưởng của Phật, theo lục độ - chỉ 6 bước tu hành - (1) Bố thí (2)Trì giới (3) Nhẫn nhục (4) Tinh tấn (5) Thiền định (6) Trí huệ
Mật tông là một tông phái Phật giáo chủ trương sử dụng những phép tu tụng niệm các mật chú để đạt đến chân lý giác ngộ. Cũng còn gọi là Lạt Ma tông. 
Năm 1299, vua Trần Nhân Tông, vị Vua anh minh và anh hùng bậc nhất của Việt nam, xuất gia và lên tu ở núi Yên Tử, thuộc huyện Uông Bí, Quảng Ninh, thống nhất các thiền phái tồn tại trước đó và lập nên Thiền phái Trúc Lâm trở thành Sư tổ thiền phái này, viết bài phú Cư Trần Lạc Đạo để thể hiện quan điểm triết học của dân tộc Việt Nam: 

"Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, 
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo khôn tầm mích, 
Đối kính vô tâm mạc vấn thiền." 

Dịch nghĩa 
[Tùy duyên phận mới tu được cái đạo hưởng sung sướng có ngay dưới trần gian.
[Giống như] khi đói được ăn, không câu nệ là chay hay mặn, khi mệt được nghỉ, đâu đòi hỏi lầu son gác tía. 
Cái quý nhất của đời người chính là gia đình, bạn bè, đâu cần tìm đến tận cõi Phật. 
Đó làm tấm gương để người có đạo theo]
Phật giáo Việt Nam thu nhập các tín ngưỡng truyền thống Việt Nam được "Phật hóa" như Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi và Phật Pháp Điện v.v. kể cả các vị Thần, Thánh, Mẫu, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc... cả bia hậu, bát nhang cho các linh hồn đã khuất; Tiếp nhận cả Đạo giáo, Nho giáo thành "Tam giáo đồng nguyên" và "Tam giáo đồng quy"; Do đặc điểm của nền văn minh lúa nước, nhiều vị Phật Ấn Độ trở thành "Phật ông - Phật bà" và người Việt còn sáng tạo những vị Phật riêng của mình như Man Nương Phật Mẫu (tên khác: Phật Mẫu), Quan Âm Thị Kính (tên khác: Quan Âm Tống Tử), Quan Âm Diệu Thiện (tên khác: Phật Bà Chùa Hương, Bà chúa Ba).
Đặc điểm Phật giáo Việt Nam biểu thị rõ ý thức độc lập tự chủ của đất nước, uyển chuyển trong “xuất thế” (tách khỏi cuộc sống đời thường) và “nhập thế” (tham gia chính sự”, Nhiều vị cao tăng các triều đại Đinh, tiền Lê, Lý, Trần tham gia chính sự như thiền sư Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Pháp Loa, Ma Ha, Sùng Phạm v.v..
Phật giáo Việt Nam khởi sắc sau 1954 đồng hành cùng dân tộc, nhất là tấm gương của các giáo sỹ chống lại thực dân, đế quốc và phát triển rực rỡ sau năm 1975, mặc dù cũng có giáo sỹ vì cá nhân vẫn đối lập với nhà nước. 

Phật giáo Hòa Hảo 
Hòa Hảo, hay Phật giáo Hòa Hảo, là một tôn giáo Việt Nam tự nhận gắn với truyền thống Phật giáo, do Huỳnh Phú Sổ thành lập năm 1939 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu (nay là An Giang), Châu Đốc, lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. 
Theo thống kê năm 2009 có khoảng 1.433.252 tín đồ, tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt là An Giang với 936.974 tín đồ, chiếm 44% dân số toàn tỉnh và chiếm 65% tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong cả nước, tiếp đến là Cần Thơ (227.117 tín đồ) và Đồng Tháp (196.143 tín đồ)
Trong chiến tranh, một số chức sắc Hòa Hảo cộng tác với Nhật, Pháp, rồi Mĩ và Chính quyền Sài gòn cũ. Phần lớn tín đồ Hòa Hảo theo phong trào giải phóng dân tộc và có người là sỹ quan cao cấp của quân đội nhân dân Việt Nam.
(Tham khảo nguồn từ NET)