Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

VŨ QUẦN PHƯƠNG - Thơ Viễn Chi

Kính gửi anh chị em bantroi

Vừa đi công tác về, ghé Côn đảo, nhiều cảm xúc. Các đồng chí phụ trách khu di tích đề nghị chỉnh lý lại bài viết nên xin khất anh em cho đăng sau.
Sắp đến ngày 19/8, lại biết anh chị em toàn là nhà thơ, xin gửi bài bình luận của nhà thơ Vũ Quần Phương về tập thơ “Cánh chim trên những dặm đường” của Viễn Chi – ông thân mình – sau khi cụ già mất 6 năm.
Mặc dù nhà thơ Vũ Quần Phương chưa bao giờ gặp ông thân mình, nhưng nhà thơ viết lên chân dung và tính cách của ông thân mình rất rõ.
Văn cũng là người như thế đấy   
VŨ QUẦN PHƯƠNG

Thơ Viễn Chi

Viễn Chi tên thật là Trần Xuân Viên, sinh năm 1919, người huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Ông làm thơ từ rất sớm, nhờ nhà thơ đồng hương Đoàn Văn Cừ góp ý. Ông Đoàn Văn Cừ lúc đó đã là thày giáo và có thơ đăng báo. Năm 1934, Viễn Chi viết bài thơ Đá Vọng Phu, thể lục bát, lời lẽ, tình ý già giặn. Nhưng mãi 63 năm sau, 1997, ông mới in tập thơ đầu với tư cách người viết nghiệp dư. Ông Đoàn Văn Cừ lúc này đã cao niên, về sống tại quê nhà, lại là người góp ý, biên tập cho tập thơ. Ông Viễn Chi cảm kích mối thâm tình của nhà thơ họ Đoàn, mà giật mình, bao nhiêu năm tháng đã trôi qua.
Phát lộ năng khiếu thơ thủa thiếu thời, nhưng Viễn Chi không đi theo đường văn chương. Ông tham gia hoạt động cách mạng, trở thành một chiến sĩ dạn dày kinh nghiệm chiến đấu. Ông nghỉ hưu năm 1988 ở cương vị Thứ trưởng Bộ Công An.
Không theo nghiệp văn chương, nhưng thơ vẫn lãng đãng theo Viễn Chi trên mọi chặng đời. Thơ ông đánh dấu những phấn đấu, những chịu đựng, thử thách với đời ông... Thơ lưu giữ những ấn tượng lịch sử đất nước trong hai cuộc kháng chiến, những kỷ niệm sâu sắc về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tình quốc tế. Từ khi nghỉ hưu, ông viết nhiều hơn, và rất vui, lại hay hơn. Hay vì những chiêm nghiệm cuộc đời sâu sắc. Hay vì ông đã trở lại, như buổi đầu đời, tâm sự hồn nhiên, ý tưởng cởi mở, tình cảm chân thực. Đây là bước tiến của thơ ông, cũng là bước tiến của tư duy xã hội, thành quả của công cuộc đổi mới (khởi xướng từ 1988, năm ông về hưu)
Thơ Viễn Chi bộc lộ một cách sống đẹp, có trách nhiệm với cuộc đời:
“Anh có buồn vì xã hội đang
Nhân tình xuống cấp, giá leo thang                 
Lương tâm đạo lý đều mua bán
Chức trách quyền uy cũng hóa hàng?”
Vào năm 1991, một ông nguyên thứ trưởng công an đặt ra câu hỏi ấy, thật đáng quý. Nhưng đáng quý hơn là ông biết yêu đời, nhạy cảm, biết tinh tế, biết trân trọng cái đẹp của ngày thường, của thiên nhiên tạo vật:
“Sáng sớm Mưa Thu lác đác rơi
Trong đầm ai hái lá sen tươi?
Lá sen ai gói thơm xôi nóng
Thơm cả bàn tay cô bán xôi!” 
Bút pháp bài tứ tuyệt này đã là bút pháp người viết chuyên nghiệp.
Bài thơ Sang Thu tặng Đoàn Văn Cừ, cách nắm bắt chất thơ hư ảo của thiên nhiên cho thấy dấu vết một năng khiếu thơ khá rõ; đoạn đầu “hương lá” của mùa sen cuối vụ, đoạn hai là “hình” của lá và bướm vàng trong nắng hanh, đoạn ba là âm thanh, thấy ríu rít tiếng chim, thấy cành rung mà không thấy bóng chim đâu, đoạn bốn xuất hiện con người trong tiếng cu gù, đứa bé ngủ (làm nhớ) người mẹ ru, đoạn kết thâu tóm được tất cả yếu tố trên và cảm nhận thiên nhiên “Như cũng cùng ai muốn tỏ tình”. Bài thơ viết năm 1994, nhưng cảm xúc ấy vẫn thoát thai từ thời thơ lãng mạn.
Cuộc đời của tác giả đi từ những bài thơ đa cảm, như bài “Đá Vọng phu” đến những mặt công tác xã hội phức tạp, nhiều lúc việc đời bề bộn át đi tâm sự. Lúc cuối đời, thơ Viễn Chi trở lại được nét đa cảm thủa thiếu thời và lại cộng thêm nhiều chiêm nghiệm sống của cả đời người lịch lãm. Ông chiêm nghiệm lịch sử, chiêm nghiệm thời cuộc và chiêm nghiệm thân thế chính mình. Từ cuộc đời Nguyễn Trãi, ông luận về các phép ứng xử, công thành, thân thoái, được chim vứt nỏ và lăng tẩm lớn nhất là lòng dân. Thơ luận sự đời nhưng hồn nhiên cụ thể. Về Hồ Chí Minh, ông mượn hình tượng hoa lan trong vườn Bác. Nói Hoa mà thấy người. Cuộc đời có những tình thế tiêu cực. ông giận dữ, phê phán, nhưng trong sâu thẳm, lòng ông thanh thản của người thủy chung được với lý tưởng của chính mình, như Tố Hữu thủa nào đấu tranh tuyệt thực trong tù ngục “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng”
“Nay đã đi qua một chặng đường
Tấm lòng thanh thản nhẹ hành trang!
Ước như ai đó cày xong ruộng
Nằm khểnh bên trâu, hóng gió đàn”                      
Đây là lần đầu tiên tôi đọc thơ Viễn Chi, ông tạ thế đã 6 năm, người con trai của ông đưa tôi tập thơ này, tôi thật sự ngạc nhiên khi gặp ở phần cuối tập có nhiều bài có chất thơ và khá nhuần nhuyễn trong mạch thơ, trong cảm xúc. Cái kết của bài “Vào cố đô thăm Thế Miếu” là cách đóng bài của người thạo thơ cổ điển:
“Trăm rưởi năm xưa bao biến đổi
Bên thềm, lá rụng, gió thu bay.” 
Thơ kể chuyện cổ tích Hòn Trống Mái ở Thanh Hóa mà vận ra được bao nhiêu cảnh ngộ của người trần gian thì cũng là khéo:
“Xuống với trần gian giữa cuộc đời
Thì nàng công chúa cũng như ai”
Cũng như ai nghĩa là cũng rơi vào tình ái và thích trần gian. Thích trần gian vi như tác giả bình luận: ”Tình yêu thủy chung son sắt?  Là tình yêu không có ... trên trời.”  Những nét tạt ngang ấy, khi hóm hỉnh, khi thâm trầm, cho thấy ông già Viễn Chi thính tai, tinh mắt và sắc xảo lắm.
Ông có quan niệm thơ rất nhà nghề. Ông biết cái giá của cảm hứng: “Mọi việc tôi quen giờ giấc đúng” Chứ sao, làm An ninh mà giờ giấc lơ mơ thì thất bại. Nhưng ông lại rất hiểu ngoại lệ của thơ. Nó đến bất ngờ không quy luật, không hò hẹn:
“Không ghi chép kịp thơ quên mất
Ý đẹp lời hay đến bất ngờ
Có những câu thần không gặp lại
Suốt đời bỏ dở một bài thơ”
Chắc Viễn Chi đã bỏ lỡ nhiều bài thơ như thế, nhưng bài thơ của cuộc đời ông, ông đã không lỡ. Cái chất tâm hồn tế nhị thanh thản kia cho thấy, ông không lỡ.
                                                                                                                                    16/8/2005 

19 nhận xét:

  1. Vài chút trong Thơ của bố nhà thơ hay lắm.
    Thể nào lúc nào trong con người QcV cũng có thơ, thì ra tre già măng mọc.
    Riêng tôi hiểu về ông viễn Chi là thế này:
    Một đời theo đảng làm cách mạng chân chính, không bon chen và không tham lam của cải, do vậy cuối đời thanh thản mới xuất khẩu được những áng thơ hay.
    chắc con của nhà thơ bố cũng đang tiếp bước như vậy.
    Thêm một số bài thơ của Cụ đi anh QcV.

    Trả lờiXóa
  2. Minh thich nhat la doan tho cuoi cua ong.Hen gi nguoi con cung thich ban luan tho va lam tho.

    Trả lờiXóa
  3. Kính tặng bác Viễn Chi

    “Không ghi chép kịp thơ quên mất
    Ý đẹp lời hay đến bất ngờ
    Có những câu thần không gặp lại
    Suốt đời bỏ dở một bài thơ”

    Bác Viễn Chi ơi!
    Bác đã thật sự là một nhà thơ
    Một tâm hồn mênh mang bác ái
    Một tấm lòng khoan dung khảng khái
    Một nỗi niềm trăn trở, day dứt với cuộc đời …
    “Nàng công chúa” trong thơ bác phải chăng chính là bác?
    “xuống trần gian” ngơ ngác… tìm lại chính mình?
    Phải, bác là người chiến sĩ công an,
    nhưng vẫn vấn vương những cảm xúc lãng mạn
    Một “cánh chim” với những gánh nặng lo toan ,
    trách nhiệm không ngơi nghỉ, chẳng hề tính toán…
    “trên những dặm đường” đầy chông gai thử thách…chẳng thi vị như thơ

    Giờ này “mưa thu” không ... “lác đác rơi” như trong thơ của bác
    Mà mưa bão bộn bề, nước ngập… bát ngát…mưa Ngâu
    Cháu vẫn hình dung thấy bác …“thanh thản”, “nằm khểnh bên trâu “
    Vừa ngâm thơ…vừa thưởng thức hương vị “lá sen xôi nóng”…

    Trả lờiXóa
  4. Cháu thì thích những câu thơ này :
    “Sáng sớm Mưa Thu lác đác rơi
    Trong đầm ai hái lá sen tươi?
    Lá sen ai gói thơm xôi nóng
    Thơm cả bàn tay cô bán xôi!”
    Cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản trong tâm hồn của một người công an không đơn giản lúc nào cũng xuất hiện. Bởi, trong lòng ông còn nguyên nỗi day dứt thời cuộc mà với sự trong sáng của mình không đủ sức đẩy lùi :
    “Anh có buồn vì xã hội đang
    Nhân tình xuống cấp, giá leo thang
    Lương tâm đạo lý đều mua bán
    Chức trách quyền uy cũng hóa hàng?”
    Cháu thích khoảng khắc bình yên, lãng mạn, trong sáng với "hương xôi sen" ấy. Nặng lòng là tình cảm của người có tâm, có đức. Day dứt là tình cảm của những người có trách nhiệm. Qua những vần thơ trong bài viết này, cháu thầm cảm phục người công an ấy - Cụ Viễn Chi.
    Có một điều cháu còn muốn biết là tại sao ông lại có tên là Viễn Chi. Nếu theo tiếng Hán thì hình như tên này cánh nam nhi rất mến ! (I'm joking!)

    Trả lờiXóa
  5. Một thằng bạn nó ở xa, hôm nay nó làm nửa chai rượu 40 độ (đừng nghĩ là nó không biết chuyện VN), nó nói là tìm cách làm business để mà sống, (dân giầu thì nước mạnh), hy vọng có ngày hàn huyên.

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn các bạn có những nhận xét tốt đẹp và đầy cảm động; cảm ơn các cháu rất nhiều.
    Chú muốn nói với VT và các bạn: Cuộc Sống đẹp, trước tiên phải thấy được cái đẹp trong cuộc sống, ở cái Tâm của mình, dù có ai chê là dại khờ
    VT nói hay lắm, khi đọc bài thơ Tứ tuyệt ấy. chú cảm thấy sự biết ơn, sự trân trọng với từng hạt gạo, cái lá sen và thật lạ, biết ơn những bàn tay thô ráp, đầy chai sạn, sứt sẹo, đầy vết bỏng của những người dân thường ấy, chứ không phải bàn tay trắng muốt, nõn nà đầy móng vuốt của ai đó.
    Bút danh của cháu rất hay, chữ Viên của cháu theo Hán tự nghĩa là cô gái đẹp, còn chữ Thạch theo Hán tự, có vẻ không hợp với cháu.

    Trả lờiXóa
  7. Vậy mà chú Nhất Trung, chú Quang Việt gọi cháu là "Đá Vườn", còn chú Hữu Thành lại gọi cháu là "Hòn đá" đấy chú QcV ạ. Cháu thì cũng thích cái bút danh này, và thấy thú vị khi comment hiện lên dòng chữ "Viên Thạch nói...". "Hòn đá" mà biết nói thì... nhất !
    Còn chữ Thạch theo Hán tự là Đá hay là Đen hay là Thạch tín hả chú ?

    Trả lờiXóa
  8. Đồng âm khác nghĩa, tùy theo tâm trạng người giảng.

    Trả lờiXóa
  9. Hòn đá to thì đúng, ai cũng nhìn thấy. Có nặng hay không thì chỉ người nhắc mới biết. Bọ là bọ nỏ biệt chi mô :-)

    Trả lờiXóa
  10. Không phải chỉ "bọ nỏ biết" mà rất nhiều người khác cũng nỏ biết. Chú HT ạ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Nhìu người khác cũng nỏ bít" chứ không phải "ai cũng không bít, chỉ một người bít" hả VT ui? (Nghĩa là cũng có nhìu ngừi bít à?"O Hic hic.:)

      Xóa
    2. Năm nào cháu đi kiểm tra sức khỏe đều bị ghi trọng lượng trên tờ kết quả. Vậy là nhiều người vẫn biết mà chú QV !

      Xóa
    3. Hóa ra là "ai cũng bit, chỉ một người không bít".:(

      Xóa
  11. Lời hay, ý đẹp, tâm hồn đẹp,
    Phong cách thanh cao, chí khí cao.
    Cụ công an có thần kinh thép,
    Với trái tim mang nặng chữ "yêu".

    Đánh giặc với tâm hồn thi sỹ,
    Và trái tim tha thiết yêu đời
    Yêu dân, yêu nước, yêu đồng chí,
    Bằng tình yêu đầy mãi không vơi.

    Thế hệ các cụ- thế hệ vàng của non sông đất nước - thế hệ phụ huynh Trỗi - đã sống thật đẹp, thật oanh liệt nhưng cũng đầy lãng mạn.
    Các cụ đã sống thật, chiến đấu thật, yêu thương thật và làm thơ thật. Thế hệ các cụ đã viết nên một trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc. Các cụ là những tấm gương sáng chói cho con cháu.
    QcV thật hạnh phúc có được người cha văn võ toàn tài. Thảo nào bạn cũng giỏi cả võ lẫn văn. Chúc mừng bạn.
    Rất tự hào về thế hệ cha ông, và day dứt về thế hệ chúng mình. Cũng rất thương các cụ nữa, rất tiếc công sức , mồ hôi, xương máu của các cụ- mà bất lực!
    @VT: Hồi trước cháu bảo thích chú gọi là Đá Vườn mà?
    @QcV: Mình dốt hán tự, nhưng chữ Thạch rất hợp với Việt Hà đấy. Còn Viên là cô gái đẹp thì tuyệt đúng rùi. Hihi.:D

    Trả lờiXóa
  12. Sao chú QV lại day dứt về "thế hệ chúng mình" thế nhỉ ? Cháu thấy thế hệ chúng mình của các chú đáng tự hào lắm chứ ? Ngày trước các cụ làm cách mạng, đáng giặc ngoại xâm. Ngày nay các chú làm kinh tế giỏi, gây dựng đất nước, chống giặc nội bang, giữ gìn an ninh tổ quốc... Tự hào lắm chứ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @VT: Chú tưởng VT quá hiểu chú rùi?:(

      Xóa
    2. VT: chú QV day dứt là đúng đấy.
      Thế hệ các cụ xưa ăn cơm nhà vác tù và đất nước, hoạt động CM không có lương, nhà ở, mà chỉ vì tinh thần yêu nước. Sự mong muốn đất nước hòa bình, dân giàu nước mạnh thì chưa hoàn thành, vì hòa bình đấy, nhưng dân nước vẫn còn nghèo, mà thế hệ này chả làm gì được thì đã lại hưu hàng loạt.

      Xóa
  13. @Anh Quốc Việt : em xin lỗi anh trước nha khi em viết cái còm này . Có lẽ sống cùng CA nên em cũng nhiễm . Em hỏi thăm về bác Viễn Chi qua AP (nhưng không cho biết lý do vì sao hỏi ) , AP nói rằng bác trông rất nho nhã và rất giỏi , tiếc rằng trợ lý của bác sau này lại đánh mất những năm tháng ở cùng bác .

    Trả lờiXóa
  14. @NH: Ai lại hỏi sự tài giỏi của ông bố qua ông con thế, chẳng nhẽ ông con lại bảo bố tôi rất đẹp lão, nho nhã, rất giỏi, trong khi là đúng thế thật.
    Hãng thông tấn AP của một bạn Coment rất chính xác, bởi ông trợ lý khôn quá (lên đến thượng tướng) khiến bác VC không được hài lòng.
    Ghichú: ai hỏi tôi mà tôi cứ trả lời, là tôi cứ nói chơi vậy thôi, ai nghe thì nghe, mà không thì thôi, chớ trách tôi cứ cầm đèn soi sáng chân lý nhé.

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment