Cũng như Hoa Đào ở nước ta, Hoa Anh Đào là hình ảnh gây cảm xúc đặc biệt thấm thía với người Nhật. Dù nở lúc thái bình, hoa cũng mang đến nét buồn phảng phất giữa không khí hội hè, bởi nó rụng đúng độ nhan sắc tuyệt mỹ. Hoa anh đào là hiện thân của một ý niệm có vai trò trung tâm trong văn hóa Nhật - hakanasa - một từ rất khó dịch, nó chuyển tải một cảm giác mong manh, thậm chí là phù du, của cuộc đời. Với Nhật Bản, sự mong manh ấy cũng là một nguồn sức mạnh.
Trong lúc cả nước Nhật đang đau buồn vì thảm họa, hoa anh đào nở rộ sẽ mang đến cho mỗi căn nhà một cảm giác rõ ràng về hakanasa, ẩn chứa trong một thứ sức mạnh kỳ lạ - sức mạnh không ập thẳng vào mà chìm đắm trong tâm hồn người ta. Nó như sức nóng của suối khoáng hay lửa đốt trong lòng của rượu sake, mang đến cả nỗi đau buồn và niềm khuây khỏa, ngang bằng nhau. Sự mong manh của đất nước Nhật Bản với trình độ công nghệ cực cao, bị phơi ra trước sức mạnh hủy diệt của thiên nhiên trong trận động đất, sóng thần khiến hơn 27.000 người chết và mất tích, nửa triệu người mất nhà cửa, và cuộc khủng hoảng hạt nhân. Hiroyuki Yoneta, một người bán hàng ở chợ cá Tsukiji của Tokyo, nói về sự mong manh của cuộc sống khi nghỉ tay giữa những lúc xếp cua vào rổ. Ông làm việc này nhiều giờ trước lúc mở cửa hàng vào 4 giờ sáng. "Nghĩ đến việc bao người đang sống bình thường thế rồi bỗng biến mất, ta không thể không tránh khỏi cảm giác rằng, con người, cũng như những bông hoa, là thứ phù du", Yoneta nói. Nhưng chúng ta hãy để ý đến nghịch lý này ở Nhật: những cánh hoa anh đào mong manh duyên dáng lại là biểu tượng của samurai, là hình ảnh cô động nhất về lòng dũng cảm của người Nhật. Các võ sĩ Nhật cũng được ví như hoa bởi họ không bám chặt lấy cuộc sống, họ xuất hiện như hào quang hư ảo, chết ở đỉnh điểm của sự huy hoàng. Theo cách nhìn nhận này, họ là hiện thân của võ sĩ đạo (bushido) - sự kết hợp các phẩm chất của võ sĩ, gồm tinh thần khắc kỷ, lòng dũng cảm và đức hy sinh. Ngày nay người Nhật không nhắc nhiều đến bushido nữa, họ nói đến khái niệm đời thường hơn, nghĩa là cắn răng vào mà sống với đời. Khi người ta nói đến những người Nhật làm công ăn lương là nói đến các samurai của thời hiện đại. Tuy từ ngữ có thể không tương thích lắm, nhưng những nhân viên mặc vest ngày này phải chịu đựng những áp lực công việc đơn điệu buồn tẻ, phải trung thành với lợi ích chung, được coi như những võ sĩ thời hiện đại. Người ta gọi tinh thần của họ bằng cái tên gaman. Giữa cảnh chết chóc hoang tàn, mọi người ở Nhật đều nghĩ đến việc phải tiếp tục sống, theo cách rất trật tự và hợp tác. Nhiều người đã trở lại chỗ ngôi nhà tan hoang của mình, và với một cái đầu tỉnh táo, nghĩ cách bắt đầu lại cuộc sống như thế nào sau thảm họa lớn nhất kể từ thế chiến II. Và hình ảnh những samurai hiện đại là đây: cả một gia đình đã mất nhà cửa ngồi quanh đống lửa trong khi đêm xuống, tuyết rơi, những gương mặt khắc khổ của họ sáng lên nhờ ánh lửa màu cam. Một cụ già dắt chiếc xe đạp lội giữa biển bùn ngập mắt cá chân, nhặt những tấm ảnh chụp đám cưới của cậu con trai cho vào trong giỏ. Những người lái xe kiên nhẫn xếp hàng chờ hàng giờ để mua xăng ở những vùng bị ảnh hưởng bởi động đất. Và đây, câu chuyện về đức hy sinh. Kennichi Takeuchi, 81 tuổi, vợ Yukiko, 78 tuổi, vẫn sống ở trong chiếc Mitsubishi nhỏ màu đen hai tuần kể từ sau động đất, giữa cảnh tuyết rơi và những cơn gió cắt da - cho dù họ ở ngay bên ngoài một trung tâm lánh nạn đông người. Bà Yukiko đau chân và không thể ngủ trên nền cứng của trung tâm lánh nạn. Ông Kennichi, đã sống 56 năm qua với vợ, đã không đi tìm sự dễ chịu cho riêng mình ở bên trong trung tâm. "Chúng tôi ở đây trong chiếc xe này", Yukiko nói, bế con chó Meg trong lòng. "Cũng không quá tệ". Các ý niệm như hakanasa hay gaman có lẽ có gốc rễ từ sự nhận thức sâu xa của người Nhật về sự bất lực của nhân loại trước sức mạnh vô địch của thiên nhiên. Có lẽ người Nhật đã quên mất bài học về sức mạnh thiên nhiên khi quyết định đặt các lò phản ứng hạt nhân ở gần bờ biển và trên đường đứt gãy của vỏ trái đất, lấy đất Vịnh Tokyo để mở rộng sân bay, và xây ngày càng nhiều những tòa nhà cao chọc trời. Tuy thế, mối tương giao với thiên nhiên - một nghịch lý, một sự tương phản - vẫn tiếp tục ăn sâu trong tâm khảm Nhật. Chẳng hạn, người Nhật không xa lạ với các thảm họa thiên nhiên: những cơn địa chấn giết người, những trận sóng thần thảm khốc từng tấn công nước Nhật trong quá khứ. Hết lần này qua lần khác, nước Nhật tiếp tục đứng dậy. Bất kỳ ai đến thăm cố đô Kyodo của Nhật cũng dễ dàng nhận thấy rằng đất nước này trong hầu như suốt chiều dài lịch sử của mình có một văn hóa xây nhà bằng gỗ, chứ không dùng gạch và vữa. Truyền thống này đưa Nhật đến gần với thiên nhiên hơn - và bởi các ngôi nhà bằng gỗ dễ bị hủy hoại hơn, cho thấy người Nhật đã nhận thức chính xác sức mạnh của thiên nhiên. "Tính mong manh của đời người và của các tòa nhà hiện diện trong sự bất định của vòng xoáy bi ai khôn cùng", tiểu thuyết gia Keiichiro Hirano từng viết trong một tiểu luận mang tên "On Mutability" (Bất định) Mùa anh đào năm nay, nỗi bi ai sẽ xâm chiếm tâm hồn người ta khi chiêm ngưỡng hoa và nghĩ đến hàng chục nghìn người sẽ không bao giờ còn được thấy một mùa hoa anh đào nào nữa. Mà hoa anh đào năm nay cũng có thể mang đến niềm an ủi, rằng giữa cảnh thảm khốc hoang tàn, vẫn hiện lên những vẻ đẹp: cái ôm chặt của những người thân đoàn tụ; nụ cười của một nhân viên cứu hộ khi trao chăn ấm cho người lánh nạn. Và chẳng mấy nữa - kể cả ngay giữa đống đổ nát - những đám mây hoa sẽ trôi tới nơi những ngôi nhà từng đứng đó, nơi từng vang lên những tiếng cười. Ông Haruhiko Fukuda, một người mập mạp có cái đầu nhẵn bóng và đôi mắt hiền lành, chủ cửa hàng bánh bao có từ hàng trăm nay nay ở chợ cá Tsukiji, Tokyo, vẫn còn nhiều hy vọng. "Sau mùa đông ... anh sẽ thấy hoa anh đào nở và con tim vui trở lại", Fukuda nói. "Tôi hy vọng điều đó giúp chúng tôi trong quá trình tái thiết. Từng bước từng bước, hàn gắn những gì đã vỡ là cả một việc lớn, và ở bước đầu tiên, chúng tôi cần có gì đó để động viên mình". Vài ngày nữa thôi, hoa anh đào sẽ nở rộ ở miền nam Nhật Bản, rồi sau đó lên Tokyo, lên những tỉnh bị tàn phá. Tháng tư là mùa hoa rộ nhất, nói như nhà thơ T.S. Eliot, là mùa "hoa nở dã man nhất". Đó là thời gian một con sóng gồm những bông hoa nhỏ màu trắng hồng lên đến cao trào, trùm lên khắp nước Nhật, lên những con người vừa trải qua những cơn sốc vì địa chấn và vì đau thương. Câu chuyện này được viết khi những ngày đánh dấu mùa anh đào nở và ngày tảo mộ đang đến, là ngày để tưởng nhớ đến hàng nghìn người Nhật ở miền đông bắc đã ra đi nhưng không bao giờ có được tấm bia mộ để làm dấu cho thân nhân đến cầu nguyện. Mùa xuân ở khắp muôn nơi đều là sự hứa hẹn những gì mới mẻ, nhưng ở Nhật mùa xuân này cũng nhắc nhở mọi người nhớ đến bản chất phù du của cuộc đời. Sự chấp nhận nghịch lý này có thể là nguồn gốc ẩn đằng sau sức mạnh nội tâm của người Nhật - một tinh thần khắc kỷ được đánh thức mỗi khi đất nước đối mặt với thảm kịch.
( theo nhatban.edu)