Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Có còn nhiều Nghị Hách, Phó Đoan...?

Dù không muốn, cũng phải nói rằng, chừng nào chúng ta còn đau đớn nhiều về con người trong xã hội Vũ Trọng Phụng mô tả, thì chừng đó chứng tỏ rằng cái bi kịch xã hội vẫn còn nguyên vẹn. 




Cái đáng để trân trọng nhất ở con người, ở nhân cách cầm bút của Vũ Trọng Phụng là sự dấn thân. 
Giông tố là cuốn tiểu thuyết thứ hai tôi đọc trong đời (sau Chuông nguyện hồn ai), năm 12 tuổi. Thời ấy, đó là sách cấm. Chiến tranh và và sự tàn khốc của nó đã làm cho việc kiếm một cuốn sách để đọc là rất khó khăn. 
Bởi vậy, lũ chúng tôi đọc tất cả những gì có thể 'vớ' được: Tây du ký, Dế mèn phiêu lưu ký, Không gia đình... cho đến khi gần như thuộc lòng là chuyện bình thường. 

Sao dân mình dễ bị lừa đến thế? 

Trong hàng ngàn cảnh đời của cuốn tiểu thuyết được viết bởi nhà văn mới 24 tuổi ấy (1936), có một chi tiết theo tôi cho mãi đến bây giờ: Đó là chuyện Nghị Hách lừa Mịch đem rơm đến để... nhồi vào lốp ô tô(!) Tại sao người dân nước mình bị kẻ quyền thế lừa dễ dàng đến thế? 

Gần nửa thế kỷ đã đi qua kể từ khi tôi tự hỏi, câu trả lời - nói theo ngôn ngữ của Louis Aragon vẫn đang ở đâu đó Nơi bến lạ bờ xa trên trái đất này... 
Xã hội trong chín cuốn tiểu thuyết, chín tập phóng sự, bẩy vở kịch, 30 truyện ngắn... của Vũ Trọng Phụng là một xã hội chạng vạng (twilight - từ của nhà văn Stephenie Meyer). 
Sự đan xen giữa mới và cũ, cổ và kim, phong kiến và thực dân, Á và Âu, chữ Nho và chữ Pháp..., tạo ra cả một tầng lớp đông đúc những kẻ dở ông, dở thằng. Và mọi nỗi đau của con người, của xã hội đều xoay quanh cái trục chính đó. 
Từ lão nhà giàu trọc phú gian manh, dâm đãng, tàn nhẫn Nghị Hách đến bà Phó Đoan đạo đức giả đều bất chấp thủ đoạn, dùng chủ nghĩa, lý tưởng để lừa đảo một vạn đồng bạc, lạnh lùng và thích rao giảng về đạo đức. Tất cả đều làm người đọc rùng mình vì sợ hãi. 
Người ta khiếp sợ bởi một xã hội vật vã qua bao nhiêu nhiễu nhương. Xã hội đó đã từng được chí sĩ Phan Chu Trinh chỉ trích thẳng thừng: 
Nước Nam lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức. Trong một làng một ấp cũng cấu xé lẫn nhau, cùng nòi cùng giống vẫn coi nhau như thù hằn.... 
(Dẫn theo Vương Trí Nhàn, Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa; chương 12, Vũ Trọng Phụng). 
Mặc dù cả nhà chí sĩ và nhà văn chưa thể lý giải đủ đầy về nguyên nhân tạo ra những sự xấu xa ấy. Nhưng thấp thoáng xa mà gần, là sương khói mà rất thực, cái cội nguồn chính "đẻ" ra mọi tai họa chính là sự áp đặt văn hóa, lối sống từ bên ngoài cưỡng bức một xã hội thiếu chuẩn bị, không biết tiếp nhận và từ chối đúng cách. 

Vì thế cái gì cũng học nửa vời, áp dụng nửa vời, trắng - đen lẫn lộn, giá trị đảo điên..

Sự hợm hĩnh, ngang ngược của những kẻ có quyền, có tiền trong xã hội qua ngòi bút thấm đẫm nỗi đau nhân tình thế thái của ông, thật không tả nổi. 
Điển hình là "bài diễn văn, bản thông điệp" của Nghị Hách sau làm lễ thành hôn cho con gái mình lấy người yêu của vợ mình và chàng rể cũng đã thông dâm với vợ mình, tức dì ghẻ của chàng rể(!) 
Tự tay làm chuyện vô luân (cha đã từng cưỡng bức người yêu của con), rồi lại dấn sâu hơn vào con đường nhơ bẩn ấy, vẫn rao giảng về đạo đức, nói về cái mới mẻ, không câu nệ - hàm ý khoe rằng lão đã dám "sáng tạo" ra công thức mới của sự... vô sỉ! 
Sự vô sỉ lên đến "đỉnh cao" đã được ngòi bút tài năng của Vũ Trọng Phụng làm cho người đọc luôn cảm thấy bức bối. Nhưng đọc Vũ Trọng Phụng những năm tháng này, người ta sẽ nghĩ gì vè những thông tin lá cải "cướp, giết, hiếp" nhan nhản đầy rẫy trên các báo? 

Bao giờ nỗi đau "hàn miệng, lên da"? 


Đáp lại sự phê phán của một số người cho rằng văn chương của mình trần tục, thô bạo quá, Vũ Trọng Phụng trả lời báo Ngày nay rằng: "Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời (...). 
Như vậy, với tuyên ngôn chống lại dối trá, Vũ Trọng Phụng đã không sợ mất lòng mặc dù ông biết như thế là nguy hiểm. Đồng hành với nỗi đau theo nghĩa về cả cuộc đời, thể xác, tư tưởng văn chương là "cái định mệnh" đã và sẽ làm nên sức sống cho văn ông. 
Ông yêu thương con người thiết tha, nên mới làm cho hàng triệu người nhức buốt và xót xa đến thế trước những nỗi bất hạnh của tầng lớp dưới đáy. 
Không ai phủ nhận trong các trang viết của ông, yếu tố tình dục chiếm một phần rất lớn, một phần của nhu cầu làm đĩ. Đã có thời người ta lên án gay gắt thủ pháp tôn vinh tình dục trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, nhưng như ông đã nói- ai cũng nghĩ đến nó nhưng chẳng ai dám thú nhận vì đạo đức giả. 
Ngay cả bây giờ, hàng ngày báo chí vẫn nói đến rất nhiều (thậm chí là vô cùng nhiều) những vấn nạn xoay quanh tình dục... 
Cần nhấn mạnh rằng, dù có làm đĩ, Huyền vẫn được người đọc thương cảm và tôn trọng. Chứ không đến nỗi như gần đây, trước thông tin thả hàng trăm phụ nữ mại dâm, một vài người đã vội khinh rẻ, đánh đồng họ với muông thú khi dùng cụm từ "thả gà ra đuổi"... Nỗi đau của con người trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thường được gọi là hiện thực phê phán. 
Vậy thì lý giải ra sao khi Xuân tóc đỏ trở thành một "thành ngữ" về một kẻ vô học cơ hội, lươn lẹo; khi "Hòa đại nhân' (trong Tể tướng Lưu gù) có nhan nhản trong đời? 
Vương Trí Nhàn đã nhận xét rất xác đáng về xã hội thời của Vũ Trọng Phụng để chúng ta rọi chiếu: 
Cả kẻ vô học như Xuân lẫn bọn có học như Văn Minh đều sống bằng lừa bịp, ai giỏi lừa người đó thắng. Và cuộc sống của xã hội hiện đại đồng nghĩa với sự tàn phá nhân cách, làm hỏng con người. 
Thiếu hẳn những kẻ có tài năng cũng như có tấm lòng, tức cũng là thiếu hẳn những con người xứng đáng để chúng ta kính trọng. 
Nhưng những đảo điên, băng hoại đạo lý xã hội của gần 80 năm trước đây liệu có tồn tại trong xã hội ngày nay không? Hay ngày nay, chúng ta cũng đang phải đối mặt, mổ xẻ, và hàn "miệng những nỗi đau" đó? Trong trường hợp này, tầm nhìn của Vũ Trọng Phụng, khi mới hơn 20 tuổi, quả là "đi trước thời đại". 

Ngòi bút dấn thân 

Những câu văn của Vũ trọng Phụng như những dòng suối bức bối trên cao thượng nguồn - chúng len lỏi, vượt qua mọi trắc trở để đến với lòng người. Để ngày mỗi ngày hóa thành biển mặn đẫm nước mắt trong trái tim người. 
Rất nhiều nhà phê bình văn học đã bàn về thi pháp độc đáo của Vũ (riêng tôi là người dạy sử, và bài này là bài đầu tiên trong đời mạo phạm động đến vườn văn). Nhưng có lẽ, theo tôi, cái đáng để trân trọng nhất ở con người, ở nhân cách cầm bút của Vũ Trọng Phụng là sự dấn thân. 
Là sự sẵn sàng chấp nhận tất cả để hiểu rõ, hiểu đúng để chia sẻ với số phận bi thương của những con người dưới đáy của xã hội. Người Anh có câu thành ngữ "Read between the lines"- đọc giữa những hàng chữ để hiểu nhiều hơn điều tác giả muốn nói, còn giấu kín để hiểu rõ cái ý nghĩa mênh mông của sự khắc khoải ngôn từ. 
Đọc Vũ Trọng Phụng, ngay cả bây giờ cũng khó hình dung nổi những trang viết của người thanh niên mới hơn 20 tuổi (tính từ những tác phẩm đầu tiên những năm 1931-1932). Làm sao có thể thành hình, làm sao chất liệu sống lại ngồn ngộn sự phi thường của hiểu biết đến thế? 
Ta như nghe thấy trong tiếng mưa rơi mà ông tả ướt đẫm nước mắt. Những dằn vặt nội tâm của nhân vật như có tiếng gào thét của trái tim oan ức, đớn đau. Những mảnh đời bị xé vụn, tả tơi trong cái giả dối, trong cái tàn nhẫn, vô cảm của sự bịp lừa... 
Hơn 20 tuổi đời mà đã "kịp" mang đến cho xã hội bài học về lẽ đời như thế nào. Con tim dám nói sự thật, dám dấn thân của một nhà văn tuổi còn quá trẻ, quả thật, hiếm có... 
Vũ Trọng Phụng coi: Văn chương là một phương tiện tranh đấu của những người cầm bút muốn loại khỏi xã hội con người những bất công. Nhen lên trong lòng người nỗi xót thương đối với kẻ bị chà đạp lên nhân phẩm, kẻ yếu, kẻ bị đày đoạ ... Tôi sẽ cố gắng nhìn vào những nỗi đau của xã hội, may ra tìm được những thuốc khiến những cái ung đó có thể hàn miệng, lên da". 
Người viết bài chỉ xin có được ít dòng để điểm nhớ, dâng hương cho một văn tài yểu mệnh phi phàm. Dù không muốn, cũng phải nói rằng, chừng nào chúng ta còn đau đớn nhiều về con người trong xã hội Vũ Trọng Phụng mô tả, thì chừng đó chứng tỏ rằng cái bi kịch xã hội vẫn còn nguyên vẹn. 
Tác giả: Hà Văn Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment