Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Xe hơi biết nói


Dự án xe hơi thông minh với sự tham gia của nhiều ông lớn như Ford, GM, Toyota, Daimler... tiến hành khoảng mươi năm nay, được đánh giá phải mất 5-10 năm nữa mới có thể áp dụng rộng rãi. Mới đây, ngay trước thềm của cuộc triển lãm xe hơi Washington, hãng Ford đã trình diễn công nghệ này cho báo giới và các nhà hoạch định chính sách (Paul Gover, Herald Sun 27/1/11). Một số dự án trước đây dựa vào kỹ thuật radar nhưng sóng radar có thể bị chắn bởi chướng ngại. Công nghệ mới cho phép xe hơi “nhìn” thấy nhau và thấy các chướng ngại ngay cả khi bị che khuất. Hệ thống có thể báo cho người lái xe những bất ngờ đằng sau khúc quanh, nhắc giảm tốc độ khi đến đèn vàng và thậm chí có thể tự thắng xe khi bác tài định làm những việc ngớ ngẩn như vượt đèn đỏ hay là đâm vào cây xăng bên đường. Không những có thể nói chuyện với bác tài, nó còn có thể “nói chuyện” với những xe chạy gần đó. Có lẽ ở VN, các bác tài có lẽ sẽ không còn phải dùng đến ngôn ngữ bàn tay để thông báo cho nhau những vấn đề như là có chú CSGT đang mai phục đòi tiền “uống cà phê” sau góc khuất.

Viện Công nghệ Viễn thông thuộc Trường ĐH Nam Úc (Adelaide)
là một trong những trung tâm hàng đầu nghiên cứu công nghệ xe thông minh. GS Alex Grant, giám đốc Viện, cho biết Viện của ông xây dựng hệ thống AusDSRC (Australian Dedicated Short Range Communications), là một sự phối hợp giữa GPS và Wi-Fi. Công nghệ này không những làm giảm số lượng tai nạn giao thông mà còn có thể góp phần làm giảm kẹt xe.


Photo: Kẹt xe Hàng Xanh (autotv.vn)

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Đệ Nhất Hạm Đội và ngày Quốc Khánh Australia



Sáng nay đã tính xách giỏ đi làm. Bà xã nhắc hôm nay nay Quốc Khánh Úc, được nghỉ mà! Hoan hô, được nghỉ! Nhân tiện làm bài này hầu các bạn.









ĐỆ NHẤT HẠM ĐỘI VÀ NGÀY QUỐC KHÁNH AUSTRALIA

Đệ Nhất Hạm Đội (First Fleet) là tên đoàn tàu Anh 11 chiếc, do hạm trưởng Arthur Phillip chỉ huy, chở 1487 người, trong đó có 778 tù nhân (192 đàn bà và 586 đàn ông) đi đày biệt xứ qua Úc. Với nhiệm vụ là dựng nên một thuộc địa mới của Anh (thay cho Bắc Mỹ mới giành được độc lập), ngoài nước ngọt và lương thực dự trữ, đoàn tàu còn chở theo hạt giống, thuốc men và nhiều vật dụng khác, trong đó có 5000 viên gạch và cả một ngôi nhà tiền chế chuẩn bị sẵn cho vị thống đốc đầu tiên. Đoàn tàu gồm 2 chiến hạm HMS Supply và HMS Sirius, cùng 9 chiếc tàu chở thuê.




Chiến hạm Supply












Xuất phát từ cảng Portsmouth của nước Anh 13/5/1787, cuộc hải trình của Đệ Nhất Hạm Đội đã kéo dài 252 ngày vượt 15000 hải lý. Trên đường đi có 7 trẻ ra đời, 48 người chết chủ yếu do bệnh tật, tỷ lệ khoảng 3% - được coi là rất thành công vào thời đó, khi các biện pháp phòng bệnh thiếu sinh tố C trong những chuyến hải trình dài ngày còn chưa được biết đến. Có 21 người khác bị sa thải hoặc bỏ trốn dọc đường.

Thời tiết lúc mới xuất phát khá thuận, các tù nhân còn được phép lên boong. Theo hướng gió mậu dịch và lựa chiều dòng biển, hạm đội vượt qua Đại Tây Dương, nhằm đến Rio de Janeiro. Hành trình trở nên khắc nghiệt hơn với thời tiết nóng ẩm khi vào vùng nhiệt đới; chuột, gián và chấy rận hoành hành không tha cả các tù nhân lẫn các thủy thủ và sĩ quan. Trời mưa thường xuyên khiến các tù nhân không còn được lên boong nữa mà phải bị nhốt dưới hầm tàu chật chội. Trên những tàu chở tù nhân nữ, tình trạng lạng chạ lan tràn giữa tù nhân và thủy thủ. Đến đới lặng gió xích đạo hành trình rất chậm, mỗi người chỉ được phát 3 ca nước mỗi ngày. Ngày 5/8/1787 họ tới Rio de Janeiro và dừng ở đó 1 tháng để lấy lại sức. Tất cả quần áo của các nữ tù nhân đều phải đem đốt vì đầy chấy rận, thay bằng đồ mới may từ bao tải đựng gạo.

Ngày 4/9/1787, hạm đội rời cảng Rio, lại vượt Đại Tây Dương, thuận hướng gió phản mậu dịch. Đến Mũi Hảo Vọng ngày 13/10/1787, họ dừng lại mua sắm thêm hạt giống, cây trồng, 2 bò đực, 7 bò cái, 1 ngựa đực, 3 ngựa cái, 44 cừu, 32 lợn, 4 dê cùng nhiều gia cầm. Rời bến cảng cuối cùng có thuộc địa người Âu mà đa số các tù nhân sau này sẽ không bao giờ trở lại, hạm đội đi vào vùng biển khi đó hầu như không có hải hành ngoại trừ một vài đoàn thám hiểm.

Ngày 18/1/1788, Arthur Phillip cùng hạm tiền trạm HMS Supply đến hạ neo ngoài khơi Botany Bay thuộc bang New South Wales bây giờ, các tàu còn lại tiếp tục đến sau 1-2 ngày. Vùng Botany Bay hóa ra không thuận lợi cho việc hạ trại như lời mô tả trước đây của thuyền trưởng James Cook vì thiếu nước, đất cằn và địa hình trống trải dễ bị tấn công. Phillip dẫn một nhóm thăm dò trên 3 chiếc xuồng nhỏ đi tìm nơi đổ bộ mới. Họ tìm ra ở vùng Port Jackson cách chỗ cũ 12km về hướng Bắc một vịnh nhỏ có chỗ neo đậu kín đáo, đất có vẻ tốt và có nguồn nước ngọt gần bờ. Phillip đặt tên cho địa điểm này là Sydney Cove. Nhóm thăm dò trở về ngày 23/1 và quyết định hôm sau hạm đội sẽ nhổ neo rời sang chỗ mới. Tuy nhiên do thời tiết xấu, họ phải ở lại đợi. Ngày 24/1 có 2 con tàu của đoàn thám hiểm Pháp do Jean-Francois de la Pérouse dẫn đầu định tiến vào Botany Bay nhưng bị vướng đoàn tàu Anh. Người Pháp lúc đầu cũng mừng khi trông thấy cả một đoàn tàu lớn. Họ tưởng đã đến một cảng thuộc địa mới có thể dừng để sửa tàu và tiếp tế nước ngọt và lương thực, hóa ra lại là một hạm đội chở đầy tù nhân và đang trong tình trạng còn kiệt quệ hơn cả đoàn Pháp. Các sĩ quan hai bên gặp nhau chào xã giao nhưng trong bụng thì bên Anh ngại bên Pháp cũng sẽ chiếm Úc làm thuộc địa. Đoàn Pháp còn ở lại Úc đến 10/3, nhưng trên đường về nước thì bị đắm tàu chết gần hết ở vùng biển Vanuatu. Hạm đội Anh rời Botany Bay hơi chậm hơn dự kiến, nhưng chiều 25/1 thì Arthur Phillip cũng thả neo được bên ngoài Port Jackson trên chiến hạm Supply. Sáng sớm 26/1, Arthur Phillip cùng một nhóm sĩ quan và thủy thủ đi xuồng đổ bộ vào đất liền và làm lễ thượng kì Anh Quốc tuyên bố chiếm hữu xứ sở này thay mặt cho Vua King George Đệ Tam. Các thủy thủ còn lại cùng với tù nhân chứng kiến cuộc lễ từ trên boong chiến hạm Supply. Cũng trong ngày 26/1 các con tàu còn lại lần lượt đến Sydney Cove.

Đệ Nhất Hạm Đội tại Sydney Cove, John Allcot, National Library of Australia

Hạm trưởng Arthur Phillip, thống đốc đầu tiên của xứ New South Wales






Lễ thượng kì Anh Quốc tại Sydney Cove 26/1/1788








Sau Đệ Nhất Hạm đội còn có thêm 2 đoàn tàu nữa chở tù nhân Anh cập bến Sydney Cove. Đệ Nhị Hạm đội (1790) chở 1026 tù nhân, dọc đường chết 267 người, tỷ lệ lên đến 26%. Nếu so với chuyến trước thì đây là quả một chuyến đi kinh hoàng, khi đến được Sydney Cove các tù nhân đều kiệt sức và nhiều người tiếp tục chết sau khi lên bờ. Nguyên nhân là do việc tổ chức chuyên chở tù nhân lần này đã được giao cho cai thầu là một hãng tư nhân trước đó chuyên chở nô lệ sang Bắc Mỹ. Đệ Tam Hạm đội (1791) chở 2057 tù nhân, chết dọc đường 182 người (~9%). Ngoài tù nhân, từ 1793 bắt đầu có các di dân tự do nhập cư vào Úc.

Chính thức mà nói thì ngày 7/2/1788 mới tuyên bố thành lập Thuộc Địa New South Wales cùng với Arthur Phillip là vị Thống Đốc đầu tiên, nhưng ngày 26/1 sau này vẫn được chọn làm ngày Quốc Khánh Úc (Australia Day).


Nguồn tham khảo chủ yếu:
http://en.wikipedia.org/wiki/History_of_Australia
http://en.wikipedia.org/wiki/First_Fleet

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Bàn tay che nổi mặt trời

Báo Úc THE AGE ngày 24/1 đăng bài của Nick McKenzie & Richard Baker đưa tin Cảnh Sát Liên Bang Úc đang điều tra công ty Securency về việc hối lộ cho quan chức Việt Nam để nhằm giành được hợp đồng in tiền polymer cho VN.
Securency cũng bị cáo buộc đã dùng quỹ đen để chi trả học phí cho con trai một quan chức Ngân Hàng VN tại ĐH Durham, UK. Học phí ĐH ở Anh Quốc tuy cao ngất ngưởng nhưng số tiền vài chục ngàn đô có lẽ chỉ là số nhỏ so với con số ước lượng 15 triệu đô đã được chuyển vào các tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ, Hồng Kông...
Bàn tay che nổi mặt trời? Một đồng chí ĐÃ BỊ LỘ từ nhiều năm nay như thế này mà vẫn còn là Chủ Tịch Ủy Ban Giám sát Tài Chính Quốc Gia?

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Lũ lụt ở Queensland


Người ta bảo đây là cơn lũ lớn nhất kể từ trận lụt lịch sử 1974, có người còn nói đây là trận lụt khủng khiếp nhất từ ngày lập quốc của nước Úc, so sánh ngang với sóng thần trong lục địa. Tin nóng được theo dõi hàng ngày bây giờ là việc tìm những người chết hay mất tích, những cuộc quyên góp ngay trong siêu thị cho nạn nhân vùng lụt, hình ảnh những đoàn người tình nguyện từ các nơi đổ về tham gia dọn bùn và rác, và cả hình ảnh những kẻ hôi của... Cho đến phút này số người chết đã được tìm thấy là 17, phần lớn là ở vùng thung lũng Lockyer. Trong số 14 người khác còn chưa được tìm thấy, có một bé gái 1 tuổi cùng người bà 56 tuổi.
Đến giờ phút này, số tiền dân chúng quyên góp trong mấy ngày vừa rồi được là 64.329.927 đô. Một con số ấm lòng, cho dù chả nhằm nhò gì so với thiệt hại kinh tế được dự tính cỡ 10 tỷ. Hôm qua thấy bà xã có điện thoại từ sáng sớm. Bà bạn tên Chi hỏi thăm kinh nghiệm trồng rau thế nào, lo kiếm hạt giống ở đâu... bả lo năm nay rau cỏ sẽ rất mắc mỏ do cả một vùng nông nghiệp rộng lớn ở Queensland mất mùa.
Nhỏ cháu gái mình có đứa bạn du học bị chết đuối ở Brisbane cách đây ít lâu, nay mẹ nó là cô Thái (BTK9, nghe nói là bạn học với ĐN, KV, NTT...) sang thăm lại chốn xưa của con trai. Cô cháu gái nhiệt tình với bạn cũ, đã nhanh nhảu mua vé tàu bay tính lên chia sẻ chuyến đi cùng cô Thái. Tôi phải can cháu hủy chuyến đi – không phải vì quá nguy hiểm mà vì những lý do khác. Bây giờ tới đó trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này đi lại ra làm sao? Tới thăm nhà cũ của bạn bây giờ gia chủ có nhà hay không, hay là đã được di tản? Rồi con tới Brisbane thì ăn ở tạm trú ra sao trong lúc những vùng lụt chưa tới người ta đã lo di dân v.v... Con bé tiu nghỉu, nhưng cũng nghe lời. Rồi thì thay vì lên thăm cô Thái, cháu nó đón cổ xuống Adelaide chơi dăm ngày. Sáng hôm qua ra sân bay đón cổ, mới biết mấy hôm rày ở trển cổ cũng đâu có đi được đâu, và căn hộ của cháu Vũ nơi cổ tạm trú bây giờ cũng phải nhồi đến 10 đứa sinh viên VN di tản từ những khu vực bị cúp điện.
Hôm qua đưa cô Thái đi chơi, gặp mấy thằng bạn bia. Chúng nó bảo dân Queensland vốn có truyền thống theo Đảng Bảo Thủ và cũng còn khá máu phân biệt chủng tộc – thì bà Pauline Hanson khét tiếng ngày nào chả xuất thân từ đó là gì. Nay lũ lụt thế này không biết có tỉnh ra không. Tớ thì bảo các cậu chỉ nói chuyện tầm phào thôi, lụt lội với phân biệt chủng tộc, chả có gì liên hệ gì với nhau cả. Này, tớ đố các cậu biết cái thằng cha đưa lên YouTube đoạn băng ghi hình cả bãi đậu xe bị nước lũ dâng dần cuốn đi như những hộp diêm lềnh phềnh chồng đống lên nhau, được hàng chục triệu người xem, lại đưa cả lên TV; không hiểu nó có kiếm được cắc bạc tác quyền nào không nhỉ. Chịu!
Chứng kiến chuyện đất Úc không khỏi nhớ chuyện lũ lụt quê nhà. Bà xã bảo có lẽ người Úc được săn sóc quá kỹ đâm mất đi một số kỹ năng sống sót nên mới dễ chết thế. Mình thì không nghĩ hẳn như vậy. Chắc số dân mình mỗi năm chết vì lụt cũng đông, có điều chẳng được đưa tin kỹ càng mà thôi.

CHIM DỒNG DỘC


Chim dồng dộc. Tranh xé dán giấy của Trần Thị Kim Phú (phu nhân Đinh Tấn Phước).



Bìa tập thơ “Chạm Bóng”, Đinh Tấn Phước, Giải thưởng Thơ, LH các hội Văn học-Nghệ thuật VN 2009.



Gặp gỡ ở Sa Kì với Đinh Tấn Phước (áo đen ngồi giữa) và Nguyễn Minh Châu (áo da bìa phải).






Chim dồng dộc làm tổ màu vàng vắt vẻo trên ngọn tre. "Chim dồng dộc" cũng là tựa một bài thơ của Đinh Tấn Phước. Nhân duyên đưa tôi vừa gặp mà đã thân thiết ngay với Phước là những người bạn liệt sĩ. Những dòng tâm sự của tôi khi viết “Hải Đội Hoàng Sa” nhắc đến Trịnh Thúc Doanh, một bạn Trỗi K5 đã tan hết mình vào nước sông Thạch Hãn, như khơi ngay đúng mạch tâm tình anh mang nặng nhiều năm nay về Trần Ngọc Hải bạn anh, người cũng đã tan hết mình vào đất Tịnh Kỳ, Quảng Ngãi.

Trần Ngọc Hải là con trai duy nhất của một chiến sĩ Ba Tơ. Cha đi tập kết, mẹ bỏ đi lấy chồng xứ khác. Bạn thơ ấu cùng lớn lên bên giòng sông Kinh, Phước và Hải chia tay nhau ở lứa tuổi 13-15, “đứa giao liên đứa du kích làng xa/bỏ tổ chim treo/đọt tre ngà/ở lại...”. Rồi Hải hy sinh, tan hết mình cùng một trái bom napal mà chưa kịp thực hiện mơ ước gặp lại người cha. Ngày hòa bình, Phước đi tìm những gì còn sót lại của bạn. Người cha tập kết vẫn chung thủy, sau 1975 trở về quê hương trong cô đơn, sống trong cái khó khăn cùng cực của những năm đầu sau chiến tranh rồi mất do bệnh tâm thần. Nền đất nhà xưa vườn xưa nay chia làm 6 mảnh cho người khác vì anh chẳng còn lại họ hàng gì. Ngoài một chiếc am nhỏ còn lại trong một góc vườn, không có một chút gì khác ghi lại dấu tích của Hải và gia đình, dòng họ của anh trên đời.

“Ở chốn ấy
Bạn một mình
Trong như thủy tinh
Chẳng một bia
Không lời xưng tụng
Không chìa tay xin hạnh phúc bao giờ...”

Phước dẫn tôi đến nghĩa trang liệt sĩ Tịnh Kỳ khi trời đã tối, cổng nghĩa trang đã đóng. Không có Trần Hải trong đó.

Phước đưa tôi coi những tờ đơn của anh gửi các cấp thẩm quyền yêu cầu cho bạn anh một tấm bia. Không, chỉ là yêu cầu khắc tên anh vào tấm bia chung ghi tên tất cả những liệt sĩ nguyên quán Tịnh Khê mà thôi. Một tờ đơn được trả lời: “Đề nghị UBND Huyện Sơn Tịnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, thông báo kết quả giải quyết chậm nhất là trước ngày 25/01/2010”. Ngày cuối năm 2010 đã đến... Chưa có Trần Hải trong đó.

“Trở lại bờ tre thưa
Lòng thấy buồn như đất
Tưởng một bóng ma trưa
Mà bầu bạn
Những đọt tre
Cứ quất vào gió
Quất vào ước mơ và hoài bão
Những tổ chim cứ treo ngược trên trời
Ơi tổ chim dồng dộc trên cao...”

Ngay sau khi gặp Phước và nghe câu chuyện về chim dồng dộc của anh, tôi biết là mình lại mang thêm một món nợ nữa phải trả. Tôi sẽ phải viết một cái gì đó cho Trần Ngọc Hải. Nhưng thật ra là viết cho chính mình, cho Phước, cho chúng ta đừng quên những gì đã tan loãng trên quê hương trong cuộc chiến tranh mấy mươi năm trước.

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Cuối tuần xem chim xem bướm...




Các pác chuyên lướt nét thì chắc đã biết mấy tấm hình này.
Đó là những tảng đá thiên nhiên tự hình thành ở Quảng Đông bên Tàu, gọi là "Âm Viên Thạch" với "Dương Viên Thạch". 3Chai treo tạm lên đây để cổ súy cho tình hữu nghị Việt-Trung.

Xoá mù tin học

Có một anh bạn k5 chúng tôi thường hay gặp ở Vườn Treo vào các chiều thứ Sáu giao ban. Là a. Minh Sơn "trọc", đã từng xuất hiện trong ảnh chụp k8 đợt gặp gỡ vừa rồi cũng ở đây. Tối qua hội Vườn Treo được HH báo tin "máy xoá mù tin học" đã chuyển sang nhà anh MSk5.
Chắc mọi người còn nhớ chương trình xoá mù tin học là cấp máy và hỗ trợ để bạn Trỗi có kỹ năng sử dụng máy tính và mạng internet. Bạn Trỗi bây giờ là tuổi ông bà cả rồi, nhà ai chả có máy vi tính. Nhưng thường những người chưa dùng thì rất ngại đụng vào thứ máy móc tinh vi đó. Vì lỡ hỏng thì hỏng việc học hành, công tác của con cháu. Mà nghe nói có khi hỏng chả phải tại mình, tại con virus xuất hiện đúng lúc, thế là phải tội phải vạ. Bởi thế có một chiếc máy riêng để "chơi tới bến" là một nhu cầu có thât của đám bạn già trong thời buổi internet này.
Máy chuyển từ HH sang MSk5 vốn là máy của VNQ, cấu hình tương tự như máy tôi đang dùng ở cơ quan, hoàn toàn không tệ. HH thôi không muốn dùng vì trình độ đã lên, lại cần một cái máy có thể di chuyển nên đã sắm "hàng xách tay".
Thời gian tới VNQ sẽ tiếp tục hỗ trợ MSk5 sử dụng chiếc máy này để tham gia mạng bạn Trỗi với anh em cho vui. Riêng tôi rất khoái chí vì chắc chắn MSk5 sẽ là một người dùng Ubuntu mới :-) Chưa biết Windows là một điều hạnh phúc, như HH đã từng chưa biết.

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

3 BƯỚC ĐƯA ĐƯỜNG DẪN VÀO LỜI NHẬN XÉT

Thấy pák Tt chơi ác liệt mà ham, nhà iem cũng xin múa vài đường vừa bái sư phụ HT hôm rùi.

"Đường dẫn" trong tiếng Anh viết tắt là href (hyperlink), khi được kích hoạt nó sẽ tự động dẫn bạn lướt mạng đến một trang mới (hình vẽ, đoạn văn, video..., gọi chung là tài liệu đích). Khi đọc lời nhận xét, gặp chữ hay đoạn chữ được bôi màu hay gạch đít, có thể đoán là có đường dẫn nằm ẩn bên dưới chữ đó. Chuyển con trỏ đến chữ ấy sẽ thấy hình mũi tên biến thành hình bàn tay, bấm tiếp phát nữa thì đường dẫn được kích hoạt đưa ta đến tài liệu đích.

1- Bạn đánh máy lời nhận xét như bình thường trong khung dành riêng. Đến đoạn muốn đưa đường dẫn, bạn hãy MỞ NGOẶC NHỌN rồi viết a href=”

2- Đến đây thì bạn mở một cửa sổ riêng để nhìn thấy tài liệu đích, bạn nhìn thấy có dòng chữ ghi địa chỉ của nó trong khung nhỏ nằm ngay trên thanh điều khiển, thường bắt đầu bằng http://... Hãy copy rồi paste dòng địa chỉ đó vào đằng sau dấu ngọăc kép, đóng ngoặc kép lại, rồi ĐÓNG NGOẶC NHỌN.

3- Tiếp theo, đánh máy nhóm chữ mà bạn muốn dấu đường dẫn bên dưới, ví dụ Ở ĐÂY NÈ.Sau chữ , lại MỞ NGOẶC NHỌN, đánh tiếp /a rồi ĐÓNG NGOẶC NHỌN. Vậy là xong.


Sở dĩ 3Chai phải diễn ra lời chứ không dám đánh trực tiếp các dấu ngoặc nhọn (dấu lớn hơn, nhỏ hơn), vì khi vào bài các dấu ngoặc nhọn này có thể bị tự động diễn giải khác đi, kết quả là bạn có thể nhìn thấy trang đích nào đó chứ không đọc được những điều 3Chai vừa diễn giải lòng thòng trên đây.

Chúc bạn thành công.

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Đưa đường dẫn một bài viết trên mạng về blog- dễ òm



Bạn gõ hoặc dán bài viết xong, gõ thêm chữ XEM TẠI ĐÂY, hay BẤM VÀO ĐÂY XEM TIẾP, hoặc chữ gì đó mình thích, xong rồi tô đen nó. Tiếp theo làm các bước 123... thứ tự như chữ đỏ trong ảnh là được.
***********************************

Bạn cứ theo thứ tự như trong ảnh để chèn một đường dẫn về phần nhận xét.
Nếu muốn dẫn một ảnh, lấy URL của nó dán vào là được.


Đây là URL của một cái ảnh

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

"Ca bình minh" và Lý Phương Liên

Cùng thời với bài thơ “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi” của Việt Phương, cũng vào những năm bạn Trỗi chúng ta chuẩn bị rời trường, là những bài thơ “Ca bình minh”, “Em mơ một phiên tòa”, “Ngã ba”... rất nổi tiếng của nhà thơ Lý Phương Liên. Những bài thơ của chị được các chàng trai Thủ Đô chép tay mang ra chiến trường, trong số ấy ắt có một số bạn Trỗi. Những bài thơ đã trở thành chứng tích lịch sử, một phần của thế hệ chúng ta (xin được tính cả những người ở lại hậu phương như 3Chai!). Thế rồi chỉ trong thời gian ngắn cái tên Lý Phương Liên biến mất khỏi mặt báo chí. Thậm chí còn có tin đồn (nhảm) rằng không có nhà thơ nào tên thật như vậy, mà đó chỉ là bút danh của một “nhà thơ lớn” nào đó (?!).

Sau 40 năm im lặng với mọi thứ sách báo giấy, cuối cùng Lý Phương Liên đã lên tiếng. Không có gì đáng ngạc nhiên rằng cư dân mạng chính là những người đầu tiên được gặp lại chị hồi cuối năm vừa rồi (dĩ nhiên không tính đến nhà thơ Nguyên Nguyên Bảy cùng những thành viên khác trong gia đình thì luôn bên cạnh chị).

Thấy dân đi chợ Bán Giời Mới có vẻ hưởng ứng mục thơ, 3Chai xin phép vắng mặt nhà thơ Lý Phương Liên được đưa lên đây một trong các bài thơ của chị.


CA BÌNH MINH


Em đi làm ca ba
Đêm buông dài đường phố
Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ!
Em đi giữa lòng đường
Hát khẽ
(con gái thường vẫn thế)
Tuổi ca ba rất trẻ
Đêm ca ba lại dài
Mười tám, đôi mươi
Tuổi như em khỏe ăn khỏe ngủ.

Bạn bè em có nhiều ý lạ
Khi nói tới ca ba
Ca của nhưng đêm trời đầy sao hoa
Ca của những đêm đông bập bùng ánh lửa
Còn em với niềm vui bé nhỏ
Em gọi ca ba là ca bình minh
Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình
Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ
Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ
Đưa bộ đội lên đường
Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường

Đón bình minh đất nước
Và một đêm ca ba hôm trước
Chị hàng xóm nhà em trở dạ đầu lòng
Nước mắt lưng tròng
Ôm bụng đau quằn quại
Miêng lẩm bẩm những lời sợ hãi
Em dìu chị đến nhà hộ sinh
Sáng hôm sau gió cao trời xanh
Chị hàng xóm đón em tiếng oa oa con khóc
Ai cũng muốn một ngày là một ngày sống đẹp,
Đêm thao thức cho ngày
Ơi ca ba, ca ba em đi vào đêm nay
Đã thấy bình minh trước mặt.

LPL


P/S. ACE nào cần đọc thêm chi tiết về Lý Phương Liên và sự lên tiếng của chị, xin giới thiệu tới các đường dẫn sau:

vandanviet

vanhac.org

Kể ra xét về mặt gốc tích thì hình như Bích Câu Thơ (360plus) mới là trang đầu tiên chị Lý Phương Liên lên tiếng. Nhưng cái cách ai đó thay mặt Bích Câu Thơ trả lời LPL làm 3Chai thấy mất hay.

Nhà thơ Việt Phương: "Sống là dâng hiến"

Tập thơ nổi tiếng một thời “Cửa mở” của ông thì có thể đóng thành tập. Nhưng chất xám và tình dâng hiến đã biến thành cuộc sống hữu ích kia rồi. Đó là gì nếu không phải là lẽ sống của Việt Phương, của những người thế hệ ông đã miệt mài hy sinh cho thế hệ sau!
Ông đã xoá nhoà cảm giác lo lắng trong tôi ngay từ câu trả lời điện thoại đầu tiên bằng lời trả lời, ông sẽ tiếp tôi vào 14h của ngày hôm sau. Tôi thở phào nhẹ nhõm, vậy là nhà thơ Việt Phương, tác giả của tập thơ “Cửa mở” từng gây nên dư luận sôi nổi một thời đã đồng ý đón tôi .
(Bấm vào đây xem tiếp)

Ảnh cũ

Tôi đăng lại cái ảnh cũ này, Trần Phong xem có phải là bạn đang gánh lúa không( k5 gặt lúa giúp dân Choang, TQ.)nhìn rõ Cả Phát, Việt còi, Tt.


Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

CUỘC ĐỜI YÊU NHƯ VỢ CỦA TA ƠI

Việt Phương

***


Năm xưa ta nói rất nhiều “cực kỳ” và “hết sức”
Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực
Chưa biết rằng “trời” còn xanh hơn “trời xanh”
Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình




Những thành phố ma

NXMinh K5
- Đường link dưới đây sẽ dẫn các bác, cô, chú, anh, chị đến ảnh
chụp từ vệ tinh một số "thành phố ma" của Trung Quốc. Tốc độ đầu tư và xây dựng khủng khiếp của TQ trong nhiều năm qua đã góp phần giữ cho nhịp độ tăng trưởng rất cao, song do trong nhiều trường hợp không được cân nhắc, thậm chí duy ý chí nên đã gây ra tình trạng "dư thừa công suất". Tất nhiên, với khoảng 2.500 tỷ đô-la dự trữ ngoại hối, TQ có thể giữ tình trạng này trong một thời gian dài. Tuy nhiên, hệ lụy của những thành phố ma", bong bóng tài sản, nợ xấu v.v. sẽ khiến TQ đau đầu trong> nhiều năm tới.
> > http://www.businessinsider.com/pictures-chinese-ghost-cities-2010-12?slop=1#slideshow-start

Theo nguồn này (3Chai chưa có điều kiện kiểm chứng các nguồn độc lập khác), mỗi năm, Trung Quốc xây dựng thêm 20 thành phố mới! Và thị trường bất động sản Trung Quốc đang có khoảng 64 triệu căn nhà trống.
Ảnh chụp từ vệ tinh các thành phố ma này cho thấy ngọai trừ quanh khu hành chính, hầu như không thấy xe cộ họat động trong các khu dân cư.




ZHENGZHOU, Thành phố ma lớn nhất TQ




Các tòa nhà trống rỗng ở khu trung tâm Zhengzhou





ORDOS, Thành phố ma nổi tiếng nhất TQ.





Không thấy dấu hiệu xe cộ họat động trong thành phố ngọai trừ một số xe đậu quanh khu công sở.




Nhà bảo tàng Ordos với kiến trúc tân kỳ. Trống rỗng.


Khu đại học khủng Yunnan (Vân Nam?) có sức chứa trên 2 triệu sinh viên!!!

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

MỘT ĐỜI NHỚ NHAU

Trần Phong – K5 trường Trỗi

Sống, có những niềm vui đơn giản
Không phải mua, cũng chẳng cần xin
Thật ấm áp, một bàn tay bạn
Rất thân thương, một ánh mắt nhìn
( Chân trời mới – Tố Hữu )

Trước thềm năm mới 2011, tôi có nhiều tin vui từ bạn bè khóa 5 trường Trỗi. Đầu tiên , bạn Chỉnh Huấn thân tặng tôi tập 3 “ Sinh ra trong khói lửa “ và cho số điện thoại của Trần Kiến Quốc . Thế là chúng tôi nối được liên lạc . Kế đến , bạn Bắc Hải từ Uùc về nước có điện hỏi thăm tôi . Chúng tôi xúc động và cùng nấu cháo điện thoại hơn nửa giờ đồng hồ. Mới đây nhất , tôi lại nhận được cú điện thoại từ trời Âu của thằng bạn vong niên Phan Đức Dũng. Ôi ! Cái thằng dễ thương có mái tóc quăn , cái răng khểnh và gương mặt không bao giờ biết buồn ! Ngày xưa , hắn chỉ yêu thơ và nhạc, giờ đây tận trời Âu lạnh lẽo hắn lại nổi máu “ thi sĩ “ , làm thơ “như điên “ ! . Chịu hết nổi nữa rồi ! Tôi phải viết gì đó cho những thằng bạn yêu thương của tôi.

Tuổi thơ chúng tôi đã có một đời sống khó khăn , song cũng vô cùng lãng mạn ! Thơ và nhạc đã kết nối tâm hồn chúng tôi lại. Ngày tôi mới nhập trường, Phan Nam – tay ” quản ca “ của lớp đã làm tôi thích thú. Nghe anh ta hát “lén” bài hát “ Nhớ mùa hoa tím “ của nhạc sĩ Mạnh Phát giữa núi rừng Việt Bắc làm cho con tim non nớt của tôi rung động. Tôi nhớ mãi điệu bộ của anh ta cố gắng bắt chước nghệ sĩ Trần Thụ khi hát bài “ Bình Trị Thiên khói lửa “ của nhạc sĩ Lê Thương; bắt chước nghệ sĩ Quốc Hương khi hát bài “ Những ánh sao đêm “ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Buồn cười nhất khi anh ta nổi máu “ca sĩ “ bước lên “sân khấu” của lớp hát bài hát ngoại quốc “ Tình ca du mục”. Có lúc quên lời bài hát, anh ta đành phải hát “cương” thôi !

Tôi nhớ đến thằng bạn Ngọc “ ghẻ “ đã ra đi mãi mãi. Ngọc quý tôi , tôi cũng quý Ngọc vì vẻ ngoài đẹp trai và tài ăn nói lịch lãm của hắn. Nhớ mãi khi hắn hát cho tôi nghe bài “ Xa khơi “ của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ , một bài hát mà cả thế hệ chúng tôi đều ưa thích. Ôi! Từng ca từ, giai điệu bài hát làm tôi “chết mê chết mệt”. Tôi mê bài hát và mê hắn luôn! Ước gì giờ đây còn được nghe Ngọc hát bài hát này. Rồi một bài hát nữa Ngọc nói rằng là của ngoại quốc và hát cho tôi nghe. Tôi chỉ còn nhớ lõm bỏm mấy câu:” ôi thôi ôi , gãy tay rồi người ơi, lấy đâu tay lành để vuốt tóc dài…”. Ngọc ơi! Mày ra đi khi còn trẻ quá! Mày không được hưởng cái hạnh phúc “ vuốt mái tóc dài” của người mình yêu dấu.

Nhớ bạn Lê Minh hay hát bài “ Hà Nội – Huế – Sài Gòn” của Hoàng Vân khi sinh hoạt lớp. Lê Minh cố gắng thể hiện thật hay bài hát này. Lúc bấy giờ trên sóng phát thanh đài tiếng nói VN nghệ sĩ Thanh Huyền với giọng ca vàng ngọt dịu, làm say đắm lòng người đã thể hiện rất thành công bài hát này.

Song song với những dòng nhạc Cách mạng, một nhóm chúng tôi cũng “lén lúc “ hát một số bài bị liệt vào “nhạc vàng, nhạc xanh” ở thời kì đó. Mặc dù lúc đó, chúng tôi hiểu hát những bái hát này là hát lạc điệu với tiếng kèn xung trận cuả cha anh nhưng không hiểu tại sao trái tim chúng tôi vẫn rung động vì nó. Có lẽ, trái tim có lí lẽ riêng của nó! Sau ngày toàn thắng, những bái hát mà chúng tôi hát lúc đó đã được nhà nước cho phép lưu hành.Trong số đó, có những bài đã trở thành bất tử, là nỗi “ ám ảnh” nhiều thế hệ. Xin nhắc lại các bạn đứng trong nhóm hát dòng nhạc này là: Trần Lãnh , Phan Nam , Đức Dũng , Võ Dũng, Y Nguyên v.v.. Tôi lúc đó là một “tín đồ “ của nhóm này. Tôi nhớ mãi bạn Trần Lãnh có cuốn sổ tay kích cỡ bằng bao diêm để chép những bài hát này. Khi thấy động tĩnh, Trần Lãnh nắm tay lại, không ai biết gì cả. Thật là một giai thoại dễ thương phải không các bạn! Tôi nhớ mãi bạn Khánh Hòa “ thi sĩ” nằm cạnh tôi. Khánh Hòa luôn có thơ hay mỗi khi lớp ra báo tường. Chắc các bạn còn nhớ Khánh Hòa có một giọng đọc truyền cảm, tha thiết. Còn biết bao nhiêu bạn nữa tôi không thể viết hết ra đây. Tôi ước mong có được sức khỏe để tái ngộ với bạn bè. Lúc đó, chúng mình sẽ hàn huyên, trút hết “ một trời tâm sự “. Nếu sức khỏe tốt hơn, chúng mình sẽ cùng nhau “ rượu bia đắng ngọt, canh tàn đầy vơi “, cho bỏ những ngày xa cách! Lúc đó, các bạn nhớ hát cho tôi nghe. Hãy hát lên để cho “ tuổi thơ mãi mãi cùng ta “ ( tác phẩm văn học của nhà văn Liên Xô cũ ). Hãy hát lên để chúng mình có một đời nhớ nhau !

Ghi chú: Bác Trần Phong có bài cho trang Bán Giời Mới k5 giới thiệu trên trang Tran Phong blog's Danh cho ban be khoa 5 truong Nguyen Van Troi với bộ chữ VNI-WIN. 3Chai chắc còn đang bận, tôi giúp chuyển sang đây. Cũng là một cách cho cái thằng "tuyệt kỹ" kia chưa đứt cũng rơi, he he.

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Tuyệt kỹ


Dĩ nhiên là cái này dễ hiểu hơn, xin giới  thiệu một tuyệt đỉnh công phu. Người châu Á thường tự hào về những tuyệt kỷ võ học, khua chân múa tay, khí công, khinh công thượng thừa nhưng xem ra so với cao thủ này thì còn xách dép. Pác nào tự cho mình có võ học hơn người thách đấu với thằng này xem sao?

(Thủ trưởng mạng xin đừng dùng đến kéo, bởi đây là một piture đã được đăng trên một trang BT mà tôi mau mắn chộp được)

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Nó nhăn cái gì vậy?

Đầu năm mới, làm cái ảnh vui cho nó xôm trò, hy vọng năm mới toàn chuyện vui đến với mọi người.
 Riêng đối với tấm ảnh này, thực ra là cọp được trên mạng bởi mình vốn chỉ xuất ngoại sang Tầu, rồi sang Lào, Căm bốt thì chỉ nhìn thấy núi. Có biết người phương Tây sinh sống ra làm sao, nhưng mà thế này thì mới thấy bên đó người ta tự do, dân chủ thật, ra ngoài đường, hay ở trong nhà, sao cũng được, cho thoải mái.
Người Việt nam vài chục năm nữa hy vọng sẽ tiến lên bằng họ, nhưng người Việt vốn nhân hậu, vi tha, (chẳng giống ông Bùi Tín, ăn cơm cộng sản mấy chục năm nay ra nước ngoài chửi ông ổng, chê người Việt đủ thứ, dạy khôn đủ thứ) Nếu có thằng trẻ con nào vào trường hợp này thì nó cười chứ không nhăn như thế này!!!


Bán Giời

Bán Giời là việc đầu tiên 3Chai làm ngay sau khi có thời gian để thử các công cụ quản lý trang tin.
Phải là chủ mới bán được giời. Như thế là 3Chai đã bắt đầu làm người trông coi cái trang này.
Và tôi sẽ rút lui khỏi vị trí đó.
Hi vọng rằng trang tin với sự tử tế vui mà không phạm lỗi với tổ tiên và vi phạm pháp luật sẽ được nhiều người ủng hộ.