Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Đệ Nhất Hạm Đội và ngày Quốc Khánh Australia



Sáng nay đã tính xách giỏ đi làm. Bà xã nhắc hôm nay nay Quốc Khánh Úc, được nghỉ mà! Hoan hô, được nghỉ! Nhân tiện làm bài này hầu các bạn.









ĐỆ NHẤT HẠM ĐỘI VÀ NGÀY QUỐC KHÁNH AUSTRALIA

Đệ Nhất Hạm Đội (First Fleet) là tên đoàn tàu Anh 11 chiếc, do hạm trưởng Arthur Phillip chỉ huy, chở 1487 người, trong đó có 778 tù nhân (192 đàn bà và 586 đàn ông) đi đày biệt xứ qua Úc. Với nhiệm vụ là dựng nên một thuộc địa mới của Anh (thay cho Bắc Mỹ mới giành được độc lập), ngoài nước ngọt và lương thực dự trữ, đoàn tàu còn chở theo hạt giống, thuốc men và nhiều vật dụng khác, trong đó có 5000 viên gạch và cả một ngôi nhà tiền chế chuẩn bị sẵn cho vị thống đốc đầu tiên. Đoàn tàu gồm 2 chiến hạm HMS Supply và HMS Sirius, cùng 9 chiếc tàu chở thuê.




Chiến hạm Supply












Xuất phát từ cảng Portsmouth của nước Anh 13/5/1787, cuộc hải trình của Đệ Nhất Hạm Đội đã kéo dài 252 ngày vượt 15000 hải lý. Trên đường đi có 7 trẻ ra đời, 48 người chết chủ yếu do bệnh tật, tỷ lệ khoảng 3% - được coi là rất thành công vào thời đó, khi các biện pháp phòng bệnh thiếu sinh tố C trong những chuyến hải trình dài ngày còn chưa được biết đến. Có 21 người khác bị sa thải hoặc bỏ trốn dọc đường.

Thời tiết lúc mới xuất phát khá thuận, các tù nhân còn được phép lên boong. Theo hướng gió mậu dịch và lựa chiều dòng biển, hạm đội vượt qua Đại Tây Dương, nhằm đến Rio de Janeiro. Hành trình trở nên khắc nghiệt hơn với thời tiết nóng ẩm khi vào vùng nhiệt đới; chuột, gián và chấy rận hoành hành không tha cả các tù nhân lẫn các thủy thủ và sĩ quan. Trời mưa thường xuyên khiến các tù nhân không còn được lên boong nữa mà phải bị nhốt dưới hầm tàu chật chội. Trên những tàu chở tù nhân nữ, tình trạng lạng chạ lan tràn giữa tù nhân và thủy thủ. Đến đới lặng gió xích đạo hành trình rất chậm, mỗi người chỉ được phát 3 ca nước mỗi ngày. Ngày 5/8/1787 họ tới Rio de Janeiro và dừng ở đó 1 tháng để lấy lại sức. Tất cả quần áo của các nữ tù nhân đều phải đem đốt vì đầy chấy rận, thay bằng đồ mới may từ bao tải đựng gạo.

Ngày 4/9/1787, hạm đội rời cảng Rio, lại vượt Đại Tây Dương, thuận hướng gió phản mậu dịch. Đến Mũi Hảo Vọng ngày 13/10/1787, họ dừng lại mua sắm thêm hạt giống, cây trồng, 2 bò đực, 7 bò cái, 1 ngựa đực, 3 ngựa cái, 44 cừu, 32 lợn, 4 dê cùng nhiều gia cầm. Rời bến cảng cuối cùng có thuộc địa người Âu mà đa số các tù nhân sau này sẽ không bao giờ trở lại, hạm đội đi vào vùng biển khi đó hầu như không có hải hành ngoại trừ một vài đoàn thám hiểm.

Ngày 18/1/1788, Arthur Phillip cùng hạm tiền trạm HMS Supply đến hạ neo ngoài khơi Botany Bay thuộc bang New South Wales bây giờ, các tàu còn lại tiếp tục đến sau 1-2 ngày. Vùng Botany Bay hóa ra không thuận lợi cho việc hạ trại như lời mô tả trước đây của thuyền trưởng James Cook vì thiếu nước, đất cằn và địa hình trống trải dễ bị tấn công. Phillip dẫn một nhóm thăm dò trên 3 chiếc xuồng nhỏ đi tìm nơi đổ bộ mới. Họ tìm ra ở vùng Port Jackson cách chỗ cũ 12km về hướng Bắc một vịnh nhỏ có chỗ neo đậu kín đáo, đất có vẻ tốt và có nguồn nước ngọt gần bờ. Phillip đặt tên cho địa điểm này là Sydney Cove. Nhóm thăm dò trở về ngày 23/1 và quyết định hôm sau hạm đội sẽ nhổ neo rời sang chỗ mới. Tuy nhiên do thời tiết xấu, họ phải ở lại đợi. Ngày 24/1 có 2 con tàu của đoàn thám hiểm Pháp do Jean-Francois de la Pérouse dẫn đầu định tiến vào Botany Bay nhưng bị vướng đoàn tàu Anh. Người Pháp lúc đầu cũng mừng khi trông thấy cả một đoàn tàu lớn. Họ tưởng đã đến một cảng thuộc địa mới có thể dừng để sửa tàu và tiếp tế nước ngọt và lương thực, hóa ra lại là một hạm đội chở đầy tù nhân và đang trong tình trạng còn kiệt quệ hơn cả đoàn Pháp. Các sĩ quan hai bên gặp nhau chào xã giao nhưng trong bụng thì bên Anh ngại bên Pháp cũng sẽ chiếm Úc làm thuộc địa. Đoàn Pháp còn ở lại Úc đến 10/3, nhưng trên đường về nước thì bị đắm tàu chết gần hết ở vùng biển Vanuatu. Hạm đội Anh rời Botany Bay hơi chậm hơn dự kiến, nhưng chiều 25/1 thì Arthur Phillip cũng thả neo được bên ngoài Port Jackson trên chiến hạm Supply. Sáng sớm 26/1, Arthur Phillip cùng một nhóm sĩ quan và thủy thủ đi xuồng đổ bộ vào đất liền và làm lễ thượng kì Anh Quốc tuyên bố chiếm hữu xứ sở này thay mặt cho Vua King George Đệ Tam. Các thủy thủ còn lại cùng với tù nhân chứng kiến cuộc lễ từ trên boong chiến hạm Supply. Cũng trong ngày 26/1 các con tàu còn lại lần lượt đến Sydney Cove.

Đệ Nhất Hạm Đội tại Sydney Cove, John Allcot, National Library of Australia

Hạm trưởng Arthur Phillip, thống đốc đầu tiên của xứ New South Wales






Lễ thượng kì Anh Quốc tại Sydney Cove 26/1/1788








Sau Đệ Nhất Hạm đội còn có thêm 2 đoàn tàu nữa chở tù nhân Anh cập bến Sydney Cove. Đệ Nhị Hạm đội (1790) chở 1026 tù nhân, dọc đường chết 267 người, tỷ lệ lên đến 26%. Nếu so với chuyến trước thì đây là quả một chuyến đi kinh hoàng, khi đến được Sydney Cove các tù nhân đều kiệt sức và nhiều người tiếp tục chết sau khi lên bờ. Nguyên nhân là do việc tổ chức chuyên chở tù nhân lần này đã được giao cho cai thầu là một hãng tư nhân trước đó chuyên chở nô lệ sang Bắc Mỹ. Đệ Tam Hạm đội (1791) chở 2057 tù nhân, chết dọc đường 182 người (~9%). Ngoài tù nhân, từ 1793 bắt đầu có các di dân tự do nhập cư vào Úc.

Chính thức mà nói thì ngày 7/2/1788 mới tuyên bố thành lập Thuộc Địa New South Wales cùng với Arthur Phillip là vị Thống Đốc đầu tiên, nhưng ngày 26/1 sau này vẫn được chọn làm ngày Quốc Khánh Úc (Australia Day).


Nguồn tham khảo chủ yếu:
http://en.wikipedia.org/wiki/History_of_Australia
http://en.wikipedia.org/wiki/First_Fleet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment