Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Quán Cóc



Quán cóc! Trong chúng ta có ai một thời xa xưa chưa từng ngồi quán cóc, loại hình dịch vụ đặc biệt chỉ ở Việt nam mới có. Nó được sản sinh ra trong thời chiến tranh ở miền Bắc Việt nam, và phổ biến ở cả nông thôn và thành thị. Bà quán với vài chiếc ghế nhỏ, một ấm nước nhỏ, vài chiếc cốc nhỏ, một cái điếu cày. Vậy là đủ để người Việt, dù là một anh công nhân, một chị xã viên hợp tác, cậu học sinh, tên du đãng hay chú bộ đội đều có thể dừng chân uống chén nước, ăn điếu thuốc lào, tán láo và bàn luận chuyện trên trời dưới biển. Quán cóc đã đi vào hành trang người lính như một nỗi nhớ quê hương da diết mỗi khi dừng chân nơi xó rừng, góc núi xa xôi. Và có lẽ cả những người đi ngược hướng sang trời Tây, giữa phồn hoa đô hội, cũng đôi lúc nhớ về quán cóc như một kỷ niệm đẹp.
Và bây giờ, thế kỷ hai mốt này, quán cóc vẫn tồn tại, vẫn là nơi kiếm sống của một số bà con. Nó là nơi tụ tập của dân đề đóm, cũng không thiếu những ông già bà cả, những bác cựu chiến binh hay cả những chàng trai ngồi quên cuộc đời đen bạc. Họ ngồi và cuộc sống vẫn không ngừng hối hả trôi qua bên họ, những mảnh đời ghép lại vội vã minh chứng cho một đất nước không biết bao giờ mới qua hoạn nạn.
Chỉ thương những bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những đứa con mất cha, và cả những cựu binh ngày nào trở về từ chiến tranh đang bươn chải khắp các nẻo đường đất nước.
Ngày 27-7, ngày tôn vinh những người con đã hy sinh vì tổ quốc, vẫn còn đâu đó một cuộc chiến bị cố tình quên lãng. Xin thắp một nén hương, thành kính dâng lên hương hồn các liệt sỹ, mong các anh mau siêu thoát ở chốn Vĩnh Hằng.

Mời các bạn xem video clip Quán cóc với lời chú thích ảnh:

Quán cóc! Vỉa hè phố nhỏ
Đơn sơ và giản dị thôi!
người đi, ai ai cũng vội
ai ngồi vẫn ngồi thảnh thơi!

Bàn chân em tôi bước vội
Ngoài trời vẫn còn mưa rơi
Có ai đang chờ đang đợi
Mà em vui thế em ơi?

Quán cóc! Có mẹ ngồi chơi
Sao ánh mắt còn ngấn lệ
Mỏi mòn ngóng đợi đàn con
Mải mê theo mùa chiến dịch
Lâu quá chưa về con ơi!

Quán cóc một chiều phố tôi
Bác già tóc bạc màu vôi
Dấu thời gian in khuôn mặt
Một thời chinh chiến xa rồi

Bây giờ mỗi chiều buồn rơi
Chén trà hết đầy lại vơi
Xót thương bao người đồng đội
Bỏ thân rừng núi xa vời

Quán cóc, cậu trai chưa già
Âm thầm nhìn người lại qua
Đăm chiêu như người trăm tuổi
Thương mình nhọc nhằn bôn ba

Quán cóc! Chỉ còn một mình
Phố buồn, đời người phiêu linh
Quán cóc, còn trong kỉ niệm
Ân tình giấu mãi......... vào tim.

3 nhận xét:

  1. Mới nhìn vào hình ảnh, thấy có dòng: Quan Coc show 1, mình tưởng anh Qt có một ngày làm việc mệt nhọc với bên Bộ Y Tế nên chỉ mơ sớm về nhà mặc cái Quần Cộc cho thoải mái, ai dè nó là tựa đề Quán Cóc, nơi anh Qt từng ngồi uống nước chè, hút thuốc lào vặt rồi ngắm em gái nào đó đi ngang qua.
    Đọc mãi thì thấy anh này hoài niệm về những người lính đã đi mãi không về, hoá ra anh này cũng rất tử tế, thật đáng khen.
    Điều quan trọng nhất là với Video này là minh chứng anh đã bình an trở về.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn anh Tk5 rất tinh tường, đã phát hiện ra lỗi câu cuối cùng. hehe! là do copy nguyên xi từ bản nháp vào mà không chịu đọc lại.

    Trả lờiXóa
  3. Ngồi quán cóc uống nước chè nhạt, nhìn đời thường mà phát chán.
    chán không phải luôn gặp những bộ mặt đời thường cùng ngồi uống nước, hút thuốc lào vặt, mà chán vì bạn của ông Qt mãi chả có ai dám chườn mặt ra ngồi cùng quán cóc. Có lẽ họ cho là họ cao siêu, hơn hẳn mấy anh dỗi hơi, chuyên nói chuyện kiểu tầm phào như BT Y tế.Nhưng họ không ngờ rằng chính họ chỉ biết đọc mà không biết viết, bằng cớ là luôn có 900 ~ 100 người theo dõi đó thôi.

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment