LĐO: To hơn, dài hơn, quái hơn. Đây không phải là khẩu hiệu Olympic. Đây là khẩu hiệu của thẩm mỹ đương đại.
Và nếu cần thêm những tính từ thuộc tính nữa thì phải là “khủng hơn”, “quái (dị) hơn”, “độc hơn”, có nghĩa là phải khác hơn. Và chữ hơn, là dành cho thiên hạ. Cụ thể hơn, ít nhất phải hơn thằng hàng xóm. Cho nó lác mắt.
Tết năm ngoái, trong một chương trình tư vấn trực tuyến trên radio đã xảy ra một câu chuyện cười ra nước mắt khi một phụ nữ gọi điện khóc như mưa bão kể chuyện “anh xã”.
Đại khái anh chàng “zdân chơi” này được thưởng tết 2 triệu đồng. Và ngay hôm lĩnh thưởng, khiêng ngay về một cây đào thế để “chơi tết”. Chỉ đáng nói, cây đào trị giá 1,8 triệu đồng. Và sau khi mua về, được kê ngay cửa nhà “thằng hàng xóm, cho nó lác mắt ra”. “Em hỏi tiền tết đâu, anh ý chỉ cây đào” – theo lời chị vợ, “Em nói thật là em chỉ muốn b…ă…m, v…ằ…m cái cây đào đó ra”.
Tội nghiệp chị vợ. Tội nghiệp cho vợ thằng hàng xóm. Tội nghiệp cho thứ mà người ta gọi là tết. Và tội nghiệp cho cả cây đào vô tội.
Bởi chưng thứ có lỗi là thói khoe của. Khoe bất chấp mình là ai, có bao nhiêu tiền, chỉ để thỏa mãn cái thú “hơn thằng hàng xóm”.
Chuyện cây đào cho thằng hàng xóm lác mắt năm rồng hình như là lời giải thích thỏa đáng nhất cho những sự “quái quỷ” trong dịp tết con rắn năm nay.
Hôm trước, truyền thông lao vào cổ súy cho thẩm mỹ “khủng-dị-độc” với “cây 5 loại quả” - một thứ quái thai sinh học mà chỉ có con người mới cưỡng ép sinh ra.
Hôm kia, một ''thiếu hiệp'' xứ cảng lội suối băng rừng rước về từ tận bản biên giới A La Suối Cút của người Mông- giáp Hủa Phăn, Lào- một cặp đào tự xưng là “Long - Phụng sum vầy”.
Và đến hôm qua, ở xứ Thanh, lại thêm một cây đào “khủng”, “khổng lồ”, “lớn nhất từ trước đến nay”, “cao bằng tòa nhà hai tầng”… Chúng ta cũng từng chứng kiến dưa hấu hình xế hộp có chữ “phước” được bán với giá 10 triệu đồng/đôi, dưa thỏi vàng 3 triệu đồng/cặp.
Xin bày tỏ sự khâm phục trước sức sáng tạo của những người nông dân. Nhưng dường như không phải lao động sáng tạo nào cũng đều là hay cả, khi thứ sáng tạo ra loại thực phẩm không dùng để ăn, còn mâm ngũ quả không dành bày bàn thờ.
Có lẽ hoàn toàn không tình cờ, cặp đào Long Phụng đất cảng, đang được bày ở… vỉa hè. Còn cây đào ''khủng''- tất nhiên- cũng đang ngồi ngoài…công viên. Càng lạ càng tốt, càng quái càng tốt. Có lời bình rằng: “Khoe của có lẽ là thuộc tính tự nhiên của con cừu. Hơn thằng hàng xóm đem lại hoócmôn kích thích sướng khôn tả. Tùy vào trình giác ngộ”.
Có thể, những người nghèo sẽ đặt ra câu hỏi “Ai sẽ mua loại quả này, khi thưởng tết năm nay bọt bèo đến nỗi công nhân đình công vì bất công? Câu hỏi này đặt ra không phải không có lý khi năm Thìn, có quán cơm 5.000 đồng; còn giờ, sắp năm Tỵ, có quán cơm 2.000 đồng.
Tất nhiên, một xã hội không có khoảng cách giàu-nghèo là một xã hội hoặc nguyên thủy, hoặc hoang tưởng. Tất nhiên, những người giàu cũng có cái lý của họ. Họ có tiền và họ có quyền tiêu tiền tùy sở thích. Chỉ có điều, miễn những đồng tiền ''khủng'' mua “đồ chơi khủng” cho ba ngày tết ''khủng'', không phải là đồng tiền ăn chặn trên mồ hôi nước mắt của người nghèo. Bởi cây đào ''khủng'' cho thằng hàng xóm lác mắt hoàn toàn không phải là thứ để bất cứ ai có thể khoe sự giàu có trong tâm hồn; bởi còn có những người khoe cây đào trăm triệu là để… khất nợ chục tỉ!
Nhưng họ mua những vật đó cũng là cách họ tạo ra của cải cho XH rồi . Tuy nhiên cái món tiền đó nó rơi xuống lại qua rất nhiều cái " rây " nên rơi xuống cần lao có khi lại là ... một con mọt . Chán !
Trả lờiXóa'Con gà tức nhau tiếng gáy' ấy mà, hàng xóm nhà mình hôm nay mở 'chát xình' suốt ngày, khoe 'máy mới', khốn nỗi nó mở loại nhạc cách nay gần 1 thế kỉ, đến khổ!!!
Trả lờiXóaĐồ cổ là đồ quý mà QT? Nhạc cách nay gần thế kỷ thì là nhạc "cổ điển" rùj. Phải có "trình độ" mới "cảm" được đó nha!:D
Trả lờiXóaQV@ hehe! nó mở nhạc cỏ điển mình đã sướng, không biết loại gì mà đập như búa tạ vào tai, may quá hôm nay 30 không thấy nó ở nhà, chắc thoát được đến chiều.
Trả lờiXóa