Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Điểm mặt 16 phi công ‘Át chủ bài’ của Không quân Nhân dân Việt Nam


"Chim cắt số 2" Nguyễn Văn Cốc. 
Chiến tranh Việt Nam ghi nhận những chiến công đặc biệt của các phi công tiêm kích. Có đến 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu Át (Aces).
* Át (Aces) là một danh hiệu công nhận cho các phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số 5 trở lên. Danh hiệu Át có từ Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Chiến tranh Việt Nam ghi nhận cuộc chạm trán không cân sức giữa lực lượng không quân hùng hậu nhất thế giới của Mỹ với lực lượng không quân còn non trẻ của Việt Nam. Tuy mới thành lập, thiếu kinh nghiệm, trang thiết bị kém hiện đại hơn nhưng với sự nỗ lực phi thường công với tinh thần sáng tạo, dũng cảm các phi công Việt Nam đã lập được những chiến công hiển hách.
Có đến 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu Át trong khi đó con số phi công Át của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam chỉ có 5 người.
Dưới đây là danh sách 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu Át:

Phi công Nguyễn Văn Cốc
Đứng đầu trong danh sách các “Át” của Không quân Nhân dân Việt Nam là phi công Nguyễn Văn Cốc với 9 lần bắn rơi máy bay Mỹ trong đó có 7 lần được phía Mỹ công nhận.
Phi công Nguyễn Văn Cốc sinh năm 1943 tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông được tuyển chọn đi học lái máy bay MiG-17 vào năm 1961. Sau đó, ông lại sang Liên Xô học chuyển loại MiG-21. Ông bắt đầu các hoạt động bay chiến đấu với MiG-21 trong biên chế Trung đoàn 921, đoàn Sao Đỏ từ tháng 12/1965.
Chỉ trong vòng 2 năm (1967-1968), ông đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ (gồm 3 F-4, 3 F-5, 1 F-102, 2 UAV tầng cao AQM-34A).
Một trong những trận đánh đáng nhớ nhất của ông, được tuyển chọn vào tập sách những trận đánh hay của không quân là trận ngày 30/4/1967.
Khi đó, biên đội của ông gồm phi công Nguyễn Ngọc Độ bay số 1, ông bay số 2 cất cánh đánh chặn một tốp F-105 của địch.Trong trận đánh, sau khi phi công Nguyễn Ngọc Độ phóng tên lửa diệt một máy bay, tranh thủ lúc lúc địch chưa phát hiện ra ta, ông đã nhanh chóng công kích bắn hạ thêm một máy bay F-105.
Đây có thể nói là bước “cải tiến chiến thuật”, vì theo nguyên tắc chiến thuật bài bản, trong biên đội 2 MiG-21 thì số 2 chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, quan sát đối phương giúp số 1 công kích. Tuy vậy, Nguyễn Văn Cốc đã sáng tạo cải tiến chiến thuật, khi thời cơ đến, ở thế có lợi cùng tham gia tiêu diệt máy bay địch, vừa bảo vệ đồng đội nhưng vừa tăng hiệu suất chiến đấu.
Việc sáng tạo ra chiến thuật cải tiến số 2 cùng công kích, ông đã được đồng đội đặt cho biệt danh “chim cắt số 2”. Với những chiến công xuất sắc trong 2 năm chiến đấu, năm 1969, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Phi công Nguyễn Hồng Nhị. 

Phi công Nguyễn Hồng Nhị
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị là một trong những phi công xuất sắc của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Chỉ trong vòng 3 năm từ 1966-1968, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã lập chiến công bắn hạ 8 máy bay địch. Trong đó, riêng năm 1967, ông bắn hạ tới 6 chiếc F-4 và F-8 của địch.
Một trong những trận đánh đáng lưu ý của ông là vào ngày 4/4/1966, khi đó ông đã dùng một chiếc MiG-21 bắn hạ máy bay không người lái tầng cao ở độ cao 18.000m. Điều đặc biệt ở đây, ông là người đầu tiên bay trên MiG-21 chiến và cũng là lần đầu tiên MiG-21 của ta lập công diệt địch.
Trong quá trình học tập trở thành phi công của ông. Ban đầu, ông được chọn đi học lái tiêm kích – bom. Nhưng khi về nước lại được giao lái máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-21. Đây là một trở ngại lớn vì những khoa mục, bài tập tiêm kích ông học rất ít, không thuần thục.
Bằng, lòng dũng cảm, sáng tạo, ông đã lập được những chiến công xuất sắc bảo vệ bầu trời miền Bắc Việt Nam. Thậm chí, những người phe đối phương cũng phải “ngả mũ kính phục” ông.
Năm 2005, một sĩ quan cao cấp Hải quân Mỹ (sau này trở thành Đô đốc Hải quân) đã tới Hà Nội du lịch với mong muốn được gặp Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Rất tiếc, khi đó ông không có mặt ở Hà Nội. 

Phi công Phạm Thanh Ngân. 

Phi công Phạm Thanh Ngân
Phạm Thanh Ngân sinh ngày 18/4/1939 tại xã Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Tháng 3/1959, ông nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tháng 4/1961, ông được cử sang Liên Xô học lái tiêm kích MiG-17. Tháng 10/1964, ông về nước và tham gia chiến đấu trong Trung đoàn 921 Sao đỏ.
Tháng 8/1965, ông đi học chuyển loại tiêm kích MiG-21. Tháng 6/1966, ông về nước và bắt đầu trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời miền Bắc.
Trong thời gian từ 1966-1968, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu và trực tiếp bắn rơi 8 máy bay địch. Có hai trận đánh ngày 18 và 20/11/1967, ông và phi công Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi tới 4 máy bay địch.
Đặc biệt, 2 trong số máy bay MiG-21 mà ông từng điều khiển mang số hiệu 4324 và 4326 đều là những chiếc có số lần bắn hạ đối phương cao nhất (4324 với 14 lần và 4326 với 13 lần).

Phi công Mai Văn Cương
Anh hùng phi công Thiếu tướng Mai Văn Cương sinh năm 1941 tại xã Hoàng Đạo, huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông nhập ngũ ngày 28/3/1959 và được kết nạp vào Đảng ngày 23/8/1964.
Tháng 7/1961, ông được cử đi học lái máy bay tiêm kích MiG-17 tại Liên Xô. Năm 10/1964, ông là sĩ quan lái máy bay của Trung đoàn 921. Tháng 9/1965, ông tiếp tục cử đi học chuyển loại MiG-21 tại Liên Xô.
Trong quá trình chiến đấu, phi công Mai Văn Cương đã bắn hạ 8 máy bay Mỹ các loại.

Phi công Đặng Ngọc Ngự
Phi công Đặng Ngọc Ngự với 7 lần bắn hạ máy bay Mỹ, phi công lái Mig-21 thuộc Trung đoàn 921, đoàn Sao Đỏ. Ngày 22/5/1967 bắn rơi chiếc F-4C, ngày 10/5/1972 bắn rơi chiếc F-4E, ngày 8/7/1972 bắn rơi chiếc F-4E.


Phi công Nguyễn Văn Bảy.
Phi công Nguyễn Văn Bảy
Anh hùng phi công Đại tá Nguyễn Văn Bảy A (*) sinh năm 1936 tại xã Hòa Thành, Lai Vung. Năm 1953, do không chịu lấy vợ theo ý gia đình ông bỏ trốn vào bộ đội. Sau hiệp định Geneva 1954, ông tập kết ra miền Bắc.
Năm 1960, ông được chọn đi học lái máy bay tiêm kích MiG ở Liên Xô. Tháng 4/1965, ông về nước tham gia chiến đấu trong đội hình Trung đoàn tiêm kích 921 Sao Đỏ.
Trong suốt những năm chiến đấu (1966-1968), phi công Nguyễn Văn Bảy đã tham gia đánh 13 trận bắn rơi 7 máy bay Mỹ và chưa lần nào phải nhảy dù.
Đặc biệt có những trận đánh hiếm có mà có lẽ khi nghe tới nhiều phi công Mỹ cũng phải “thán phục”. Trận ngày 7/10/1965, khi chiến đấu trên bầu trời Yên Thế, máy bay của ông bị trúng đạn thủng kính buồng lái. Dù vậy, ông vẫn bình tĩnh bịt lỗ thủng to nhất và đưa máy bay hạ cánh an toàn. Sau trận đó, ông đếm tất cả có 82 lỗ thủng nắp buồng lái. Có thể nói, đây là kỳ tích hiếm có phi công nào trên thế giới làm được.
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1967, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Có một điều lạ, cuộc đời ông dường như gắn chặt với con số “7”. “Tao toàn gặp số bảy: Tên Bảy, con thứ 7, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp, 7 lần bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay MiG-17, được phong Anh hùng năm 1967…”, ông kể.

Phi công Nguyễn Đức Soát. 
Phi công Nguyễn Đức Soát
Anh hùng phi công Trung tướng Nguyễn Đức Soát sinh năm 1946 tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Năm 1965, ông nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng trong năm này ông được cử đi học lái tiêm kích MiG-21 tại Liên Xô.
Năm 1968, ông về nước và được cử vào Trung đoàn Không quân 921 Sao Đỏ. Chỉ trong năm 1972, ông đã lần lượt bắn rơi 6 máy bay Mỹ.
Một trong những trận đánh đáng nhớ của ông và đồng đội là trận ngày 27/6/1972. Trong trận đánh đó, hai biên đội MiG-21 Nguyễn Đức Soát – Ngô Duy Thư (trung đoàn 921) và Phạm Phú Thái – Bùi Thanh Liêm (trung đoàn 927) đã phối hợp tiêu diệt 4 chiếc F-4.
Đây là trận thắng oanh liệt khi chỉ trong ít phút bốn phi công của ta đã bắn rơi bốn máy bay phản lực hiện đại được những phi công sừng sỏ Không quân Mỹ điều khiển.
Với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, năm 1973, phi công Nguyễn Đức Soát được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới 27 tuổi.
Chiếc Mig-21 FM94 số hiệu 5020 do phi công Nguyễn Đức Soát điều khiển bắn rơi 5 máy bay Mỹ tại Bảo tàng Phòng không-Không quân Việt Nam. 

Phi công Nguyễn Ngọc Độ
Anh hùng phi công Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Độ sinh năm 1934 tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tháng 6/1953 ông nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tháng 10/1956 ông được cử đi học lái máy bay chiến đấu tại Trung Quốc. Năm 1964, ông về nước tham gia chiến đấu trong Trung đoàn 921.
Trong quá trình chiến đấu, ông trực tiếp cầm lái chiếc MiG-21 F13 số hiệu 4420 bắn rơi 6 máy bay chiến đấu Mỹ.
(còn nữa)


Chiếc MiG-17 số hiệu 2047 do phi công Nguyễn Văn Bảy điều khiển đánh bom gây thiệt hại tàu khu trục USS-Oklahoma City của Mỹ năm 1972. 
(*) Không quân Nhân dân Việt Nam còn có một phi công nữa tên là Nguyễn Văn Bảy (biệt danh Bảy B). Ông nổi tiếng với chiến công dùng MiG-17 không kích tàu khu trục Mỹ USS Higbee (DD-806) vào ngày 19/4/1972.
Đây là chiến công đầu tiên của không quân Việt Nam đánh vào lực lượng Hải quân Mỹ. Rất tiếc, trong trận đánh vào ngày 6/5/1972, ông đã bị bắn rơi và anh dũng hi sinh. Năm 1994, phi công Nguyễn Văn Bảy B được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. 
Theo Đất Việt
Dưới đây là thông tin 8 phi công còn lại trong 16 phi công được xếp hạng "át":
Phi công Nguyễn Nhật Chiêu 
Anh hùng phi công Đại tá Nguyễn Nhật Chiêu sinh năm 1934 tại xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, Hải Dương. Năm 1956 ông được cử đi học lái máy bay chiến đấu tại Trung Quốc. 
Về nước tháng 8/1964, ông tham gia chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 921 Sao Đỏ.
Trong suốt những năm tháng chiến đấu, phi công Nguyễn Nhật Chiêu đã lập công bắn hạ 6 máy bay Mỹ. 
Đặc biệt, ông là phi công lái MiG-17 đầu tiên của Việt Nam giành chiến thắng trước F-4 vào ngày 20/9/1965.
Ngoài ra, ông còn đánh một trận xuất sắc khác vào ngày 23/8/1967, chiếc MiG-21 ông điều khiển đã bắn hạ liền 2 chiếc F-4. 
Phi công Vũ Ngọc Đỉnh 
Phi công Vũ Ngọc Đỉnh với 6 lần bắn hạ máy bay Mỹ trong đó có 5 lần được phía Mỹ công nhận, ông là phi công lái MiG-21 thuộc đoàn Sao Đỏ. 
Tổng cộng ông bắn hạ 3 chiếc F-105D, một chiếc F-4D và một chiếc trực thăng MH-53, một chiếc tác chiến điện tử EB-66.
Phi công Lê Thanh Đạo.
Anh hùng phi công Lê Thanh Đạo sinh năm 1944 tại xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1965, ông được cử đi học lái máy bay chiến đấu tại Liên Xô. Năm 1968, ông hoàn thành nhiệm vụ học tập trở về nước tham gia chiến đấu trong Trung đoàn Không quân 921.
Ông lập chiến công đầu ngày 18/12/1971 bắn hạ một chiếc F-4 bay vào trinh sát miền Bắc chuẩn bị cho một cuộc đánh phá. Trong suốt năm 1972, ông lập công bắn hạ thêm 5 máy bay khác của quân địch.
Dù vậy, trong các trận đánh trên không, anh hùng phi công Lê Thanh Đạo cũng bị bắn rơi một lần vào ngày 15/10/1972. Ông bị thương buộc phải điều trị gần 1 năm, sau khi lành vết thương ông tiếp tục “tung cánh trở lại” trên MiG-21 thêm 5-6 năm nữa.
Với những chiến công xuất sắc, ngày 11/1/1973, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Phi công Nguyễn Đăng Kính
Anh hùng phi công Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính sinh năm 1941 tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ ngày 23/3/1959 và được kết nạp vào Đảng tháng 3/1966.
Tháng 10/1961, ông được chọn đi học lái máy bay tiêm kích tại Liên Xô. Tháng 10/1965, ông về nước và được biên chế vào Trung đoàn không quân 921.
Trong 2 năm chiến đấu (1967-1968), ông đã 6 lần bắn rơi máy bay Mỹ và 4 lần bị bắn rơi. Một trong những chiến công đáng nhớ của ông là bắn rơi một máy bay gây nhiễu điện tử EB-66 tại Lang Chánh (Thanh Hóa) tháng 11/1967. 
Chiếc EB-66E này được coi là có giá trị tầm cỡ máy bay ném bom chiến lược B-52. 
Phi công Lê Hải 
Anh hùng Phi công Lê Hải với 6 lần bắn hạ máy bay Mỹ, ông là phi công lái MiG-17 thứ 2 của Không quân Nhân dân Việt Nam được công nhận danh hiệu Át. 
Ông lái MiG-17F thuộc đoàn bay Yên Thế, phía Mỹ công nhận ông dành 2 chiến thắng trước F-4C và F-4B.
Phi công Nguyễn Văn Nghĩa - "Mở màn" cho không quân trong 12 ngày đêm
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Nghĩa sinh năm 1946. Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng không quân của Mỹ, ông đã cất cánh 100 lần trong đó xuất kích trực tiếp chiến đấu 68 lần, 9 lần gặp địch, 8 lần nổ súng, phóng 8 quả đạn tên lửa, bắn rơi 6 máy bay Mỹ (trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ).
Trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội, phi công Nguyễn Văn Nghĩa là người "mở màn" cho Không quân Nhân dân Việt Nam khi bắn hạ một chiếc F-4 đêm 23/12/1972.

Phi công Nguyễn Tiến Sâm - Sống sót sau khi lao vào điểm nổ
Anh hùng phi công Đại tá Nguyễn Tiến Sâm sinh năm 1946. 
Năm 1965, khi đang là sinh viên Bách Khoa ông tình nguyện ngũ và được chọn sang Liên Xô học lái máy bay chiến đấu. Năm 1968, ông tốt nghiệp về nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn không quân 921.
Trong suốt các năm chiến đấu, ông lập công bắn rơi 5 máy bay F-4 của Mỹ. Trong đó có một chiến công cực kỳ đặc biệt vào ngày 5/2/1972 khi ông lái chiếc MiG chui vào vùng nổ mà vẫn an toàn. 
Ngày 5/2/1972, biên đội MiG-21 của ông cất cánh từ Nội Bài đánh chặn một tốp F-4 của địch. Mới bay qua Gia Lâm, số 2 Hà Vĩnh Thành đã phát hiện ra địch và vào công kích bắn hạ một F-4.
Sau đó, ông mới nhìn thấy rõ một tốp 2 F-4 và lập tức ấn nút phóng tên lửa nhưng máy bay địch đã cơ động tránh được. Ông quyết tâm bằng mọi giá phải diệt được máy bay địch nên tiếp tục áp sát và phóng nốt quả tên lửa còn lại. 
Chiếc F-4 trúng đạn nổ tung nhưng do khoảng cách quá gần nên chiếc máy bay ông lái cũng lao vào vùng nổ.
Sau khi ra khỏi vùng nổ, động cơ máy bay bị tắt do thiếu oxy, ông bình tĩnh thao tác mở máy và trên không về sân bay. 
Lúc đó phía mặt đất hỏi ngược lên: “Anh là ai?, Anh từ đâu đến, Anh số hiệu bao nhiêu”. Ông chỉ trả lời: “Cứ cho tôi hạ cánh!”. 
Khi đã hạ cánh an toàn, cán bộ mặt đất của ta vẫn chưa biết được đây là máy bay của ai. Phải đến khi ông mở cửa bước ra thì mọi người “bò lăn ra cười”. Do chui qua vùng nổ nên chiếc “én bạc” đã biến thành “quạ đen” vì khói và thuốc súng. 
Phi công Lưu Huy Chao.
Phi công Lưu Huy Chao - Xuất kích nhiều nhất quân chủng
Anh hùng phi công Đại tá Lưu Huy Chao sinh năm 1933 tại xã Đông Anh, Đông Sơn, Thanh Hóa.
Trong 4 năm từ 1968-1968, ông đã lái chiếc tiêm kích MiG-17 xuất kích 105 lần, gặp địch 32 lần, đánh 19 trận, 6 lần bắn rơi máy bay Mỹ. Ông là phi công có số lần xuất kích chiến đấu nhiều nhất Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam.
Khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, ông đang mang quân hàm Thượng úy, Trung đoàn Không quân 923 Yên Thế.
Phía Mỹ luôn tìm cách để phủ nhận các tổn thất của các máy bay trong không chiến với các máy bay Việt Nam. Họ luôn tìm cách để xác nhận máy bay của mình bị tổn thất bởi hỏa lực phòng không hơn là bị máy bay Việt Nam bắn hạ. Đó có thể coi là vấn đề thuộc về “sỉ diện” của lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới.
Theo Đất Việt

13 nhận xét:

  1. Xem rồi, rất tự hào về QĐ ta có nhiều át chủ bài như thế. Nhưng xem ra vẫn thiếu, tỷ như phi công TQT, học tập trong nước chỉ trong vòng có vài...phút, trở thành Pilot SU 30 hiện đại nhất đông dương lại không nêu tên chỉ mặt, khiêm tốn quá.

    Trả lờiXóa
  2. Anh TK5 lại tỏ ra thông minh lần nữa !:))

    Trả lờiXóa
  3. Mỹ nó công nhận một số tàu bay nó bị hạ bởi át của ta. Bao giờ anh Tt sẽ tổ chức công nhận vài chiếc của ta cho át của nó nhỉ?

    Trả lờiXóa
  4. Mỹ so thế nào với ta được?
    Chúng nó toàn F4, ta toàn phi công trẻ lái máy bay bà già (Mig-17, 19). Át thế mới là át chứ :)

    Trả lờiXóa
  5. "....Lúc đó phía mặt đất hỏi ngược lên: “Anh là ai?, Anh từ đâu đến, Anh số hiệu bao nhiêu”. Ông chỉ trả lời: “Cứ cho tôi hạ cánh!”.
    Bọn viết lách bắt chước anh TK5- Hehe! câu trả lời intelligent ấy rất dễ ăn tên lửa Hồng kì :))

    Trả lờiXóa
  6. @bachai: Trong lịch sử không chiến ở VN chỉ có hai phi công Mỹ trở thành Át, đó là Randy “Duke”(1) Cunningham (Hải quân Hoa Kỳ) và Steve Ritchie (Không lực Hoa Kỳ)
    VN cũng có số lượng máy bay MIG bị bắn hạ không nhỏ, nhưng để thành at lại là chuyện khác, VN cũng không có thói quen phong at, hai vị trên do người Mỹ công bố, Bc vào thư viện quân đội Hoa kỳ gõ tên hai vị ấy là ra, không cần tôi tổ chức công nhận đâu!
    Có điều nữa "át chủ bài" của VN khác với ACES của Hoa kì nhé!
    tham khảo thêm

    Trả lờiXóa
  7. Ách của Mỹ tính cả phi công thứ hai trên máy bay chứ không chỉ có thằng cầm cần lái đâu.
    Là tham khảo ở wiki http://vi.wikipedia.org/wiki/F-4#Danh_s.C3.A1ch_li.C3.AAn_quan

    Trả lờiXóa
  8. Thế B52 nó triệt phá ta trúng đích, trở thành At thì một lúc có những 6 Át hả anh HT ?
    Còn anh Qt cho phóng tên lửa Hồng Kỳ chẳng qua là cho lính tên lửa luyện tay nghề, khi nào chuẩn rồi mới cho sang bên bệ phóng Sam 2 để tăng sự chính xác, anh này cũng thông minh ghê,sao bên PH-KQ không nhấc anh lên là tham mưu nhỉ, tiếc!

    Trả lờiXóa
  9. Tk5 dân xe tăng kg có cửa nói chiện pkkq nhé. Trật tự đi :)

    Trả lờiXóa
  10. @ Anh TQTrung :Sao không có Phạm Tuân trong danh sách này?

    Trả lờiXóa
  11. Anh PT có danh hiệu Anh hùng- phi công vũ trụ- phi công đầu tiên bắn rơi B52 là đủ no rồi em!!! thêm danh hiệu nữa sợ ổng không mang nổi, (nghe nói ông nào lên vũ trụ về đều bị loãng xương :))
    đùa thôi chứ em đọc lại chỗ này : " (Aces) là một danh hiệu công nhận cho các phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số 5 trở lên. Danh hiệu Át có từ Chiến tranh thế giới thứ nhất."
    anh PT chưa đạt con số bắn rơi 5 máy bay.

    Trả lờiXóa
  12. Anh Qt phong cho PT danh hiệu bắn rơi B52 đầu tiên ?
    Có quá đáng không đấy ? DDN xem lại thông tin ngay nhé!

    Trả lờiXóa
  13. Lại một comment hết sức thông minh hehe! xem thử ở ĐÂY nhé.
    Sau này, chiếc B52 do Phi công Vũ đình Rạng bắn hỏng bị rơi trên đất Thái mới được nói đến, nhưng chiếc do PT bắn mới được công nhận là chiếc B52 đầu tiên bị PT bắn rơi TẠI CHỖ.

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment