Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Người tử tù và bức ảnh làm thay đổi số phận


Trong số 36 tử tù sống sót trở về từ Côn Đảo sau ngày 30.4.1975, có thể nói ông là người nổi tiếng nhất, mà cũng lận đận nhất.
Bức ảnh “Ngày hội ngộ” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long ghi lại khoảnh khắc trùng phùng của ông với mẹ đã đưa hình ảnh của ông đi khắp thế giới. Thế nhưng, suốt thời gian dài, sự hy sinh của ông đã không được nhìn nhận thỏa đáng…

Kế hoạch táo bạo bất thành
Sáng ngày 10.3.1968, thiếu úy “tình báo chiến thuật” Lê Văn Thức thuộc Trung tâm huấn luyện Hùng Vương – căn cứ quân sự (CCQS) Bình Đức, TP.Mỹ Tho, tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang) – dắt mấy chục tân binh đi huấn luyện dã ngoại. Trong lúc các tân binh “lăn lê bò lết”, viên thiếu úy la cà đến bên xe càrem đậu gần đó. Trong nháy mắt, lúc nhận cây càrem cũng là lúc thiếu úy Thức trao cho người bán càrem tài liệu tối mật – kế hoạch đánh úp Trung tâm huấn luyện Hùng Vương.
Đó là thời điểm sau Tết Mậu Thân, Quân giải phóng đang giằng co với đối phương ở các vùng ven Sài Gòn. Khu 8 muốn “chia lửa” với các cánh quân đánh vào Sài Gòn bằng một kế hoạch táo bạo – đánh chiếm CCQS Bình Đức. Sĩ quan nội tuyến Lê Văn Thức được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ căn cứ và lên phương án đánh chiếm. Sinh ra trên quê hương đồng khởi Bến Tre, sau khi đậu tú tài 1, Lê Văn Thức gia nhập Tiểu đoàn 514 Quân giải phóng Khu 8.
Ông được dự lớp huấn luyện đặc biệt và được kết nạp vào Đảng, trước khi được tung vào hàng ngũ đối phương, học Trường Sĩ quan Thủ Đức. Năm 1967, ông được đưa đi học khóa “tình báo tác chiến” tại Malaysia. Về nước, với lon thiếu úy, ông được giao nhiệm vụ huấn luyện tại CCQS Bình Đức.
Hôm ấy, việc chuyển giao tài liệu diễn ra êm xuôi. Những ngày sau, thiếu úy Thức la cà bên xe càrem để nhận lệnh hành động, nhưng không thấy hồi báo. Ông đâu có biết, cơ quan tình báo Sài Gòn đang tiến hành thẩm định chữ viết của tất cả những người ra vào CCQS Bình Đức. Bản kế hoạch đánh căn cứ từ người bán càrem đã đến được tay Phó ban Binh vận Khu 8.
Nhưng người cán bộ này trên đường về Bộ Tư lệnh Khu 8 đã bị máy bay bắn chết (cùng 2 chiến sĩ bảo vệ) bên kênh Chợ Gạo, bản kế hoạch lọt vào tay đối phương. Thiếu úy Thức bị bắt khoảng 1 tuần sau đó. Ông nhớ lại: “Khi tay sĩ quan điều tra đưa bản kế hoạch ra, tôi hiểu hết mọi chuyện. Thì ra người cán bộ đã chủ quan, không sao chép lại tài liệu và hủy bản gốc như quy định”.
Chỉ huy Khu 8 đã không biết kế hoạch bị bại lộ để báo động cho Lê Văn Thức. Ông đã cắn răn chịu đựng những đòn tra tấn, bảo vệ trạm liên lạc và cả đường dây được an toàn. Tại Tòa án binh Bộ Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật, ông bị kết án tử hình vì tội “làm nội tuyến cho cộng sản”. Cũng như những tử tù khác từ sau sự kiện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, ông không bị hành hình ngay mà chúng để cho chết dần chết mòn trong “địa ngục trần gian”. Tháng 11.1968, anh bị đày ra Côn Đảo…
Vừa mong, vừa sợ ngày chiến thắng
Thông tin chiến sự đến với tù chính trị Côn Đảo, nhất là số tử tù bị biệt giam, thường rất trễ, sau khoảng 1 tuần. Đầu tháng 4.1975, tình hình chiến sự dồn dập, thông tin nhanh hơn, nhưng tù nhân cũng chỉ biết mọi chuyện xảy ra trong đất liền sau 2 – 3 ngày. Càng về cuối tháng tư, không khí trong trại giam càng căng thẳng, ai cũng tin một sự kiện lớn đang đến.
Nhưng tù nhân vừa mừng lại vừa lo, tin đồn đối phương “diệt tù” lan truyền khắp đảo. Họ giam giữ 36 tử tù trong 2 phòng biệt giam, bắt còng chân. Ngày 30.4, không khí trên đảo thật trầm lặng, cả bên ngoài lẫn trong các trại. Sáng 1.5, kẻ thù dồn tù chính trị lại, trước mỗi phòng giam họ để mấy thùng lựu đạn. Khả năng kẻ thù “diệt tù” là rất rõ. Ở một số trại đã vang lên tiếng la ó phản đối kế hoạch thủ tiêu tù chính trị…
“Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 2.5, có nhiều tiếng la của anh em tù chính trị từ phía trại 4. Chúng tôi đều nghĩ đối phương bắt đầu ra tay thủ tiêu tù chính trị. Chúng tôi yên lặng chờ đợi cuộc quyết đấu cuối cùng. Thế nhưng có người thính tai nhận thấy tiếng la vui mừng chứ không phải hoảng loạn…” – ông Thức xúc động nhớ lại. Ông kể tiếp: Một lúc sau người quản trại đến mở cửa mời các anh ra ngoài. Mọi người không ra (sợ kẻ thù thủ tiêu) và đòi người quản trại mang radio tới. Yêu cầu của mọi người được đáp ứng.
Tất cả đã lặng người đi vì xúc động để rồi òa lên sung sướng khi nghe chương trình thời sự trưa ngày 2.5 trên Đài Phát thanh Giải phóng miêu tả cảnh Sài Gòn rạng rỡ đón hòa bình. Sau đó mọi người được biết, tên trung tá vệ trưởng đảo đã bỏ trốn, không kịp thực thi ý định dã man.
Ngày 4.5, đoàn tàu từ đất liền ra tới đảo. Cùng với chị em phụ nữ và số tù bị tàn tật, 36 tử tù được bố trí về đất liền trên các chuyến tàu đầu tiên. Sáng sớm 5.5, tàu cập bến Vũng Tàu, mọi người được đưa vào nghỉ ở trung tâm Rạch Dừa, chờ liên lạc với gia đình.
Bức ảnh làm thay đổi số phận
Đầu tháng 3.1997, ông Thức đến Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) thăm một người bệnh đặc biệt. Người bệnh đã quá yếu, nhưng vẫn gắng nhìn lên tường, nơi bức ảnh “Ngày hội ngộ” được treo trang trọng. Đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lâm Hồng Long – người vừa vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh nhờ 2 tác phẩm: “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn” và “Ngày hội ngộ”.
Trước đó, bức ảnh “Ngày hội ngộ” đã giúp ông đoạt giải thưởng Mencin Honor tại Tây Ban Nha năm 1991. NSNA Lâm Hồng Long nhận ra người đến thăm là nhân vật trong bức ảnh mà ông luôn mang theo bên mình cho tới hơi thở cuối cùng. Vài tuần sau (ngày 21.3.1997), NSNA Lâm Hồng Long qua đời ở tuổi 72. Trước đó, ông Thức đã một lần được gặp NSNA Lâm Hồng Long sau  khi ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và được Đài THVN đưa vào Bến Tre tìm gặp người trong ảnh để làm bộ phim tài liệu về tác giả.
Về hoàn cảnh ra đời bức ảnh, ông Thức kể: Khi nghe Đài Phát thanh Giải phóng đưa tin có đoàn tù từ Côn Đảo về, mẹ ông từ Bến Tre đã lặn lội ra Vũng Tàu tìm con. Ông là người tử tù đầu tiên được gia đình tìm thăm, vì vậy nên tất cả anh em đều kéo ra cổng đón mẹ anh. Sau bao năm cách biệt tưởng không còn gặp lại, hai mẹ con vui mừng chỉ biết ôm nhau khóc thật lâu.
Ông không hề biết có người phóng viên đang “đốt” cả cuộn phim cho khoảnh khắc xúc động đó. Đối với ông Thức, bức ảnh “Ngày hội ngộ” đã giúp ông hồi sinh lần thứ hai. Nhờ bức ảnh mà anh được trả lại sự công bằng. Sau khi NSNA Lâm Hồng Long đoạt giải tại Madrid, báo chí bắt đầu giới thiệu bức ảnh và nhân vật trong đó. Bài viết về viên thiếu úy tình báo mang bản án tử hình đăng trên báo Đồng Khởi (Bến Tre) sau đó đã là sự công nhận sự hy sinh của ông sau thời gian dài bị quên lãng.
Lúc trở về từ Côn Đảo, ông Thức công tác ở Ban Binh vận Khu 8. Mấy tháng sau cơ quan này giải thể, ông được giới thiệu về Công an Tiền Giang. Thế nhưng với lý lịch “thiếu úy ngụy” lại còn học khóa tình báo do Mỹ tổ chức, ông bị loại ngay. Rồi ông được trả về xã Tân Thạch, huyện Châu Thành (Bến Tre), nhưng không phải để nhận công tác mà được tiếp nhận như người tù trở về quê hương.
Ông cũng không được công nhận là đảng viên. Ông đã khiếu nại, đến cả Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, mấy năm sau mới có quyết định cho phục hồi sinh hoạt Đảng cho ông. Năm 1977, ông được vào làm việc ở Phòng Công -Thương nghiệp Châu Thành với mức lương nhân viên tập sự. Sau đó, ông được cho đi học lớp nghiệp vụ tại Cần Thơ, ở đó ông gặp và kết hôn với bà Lâm Thị Hồng Anh, công tác ở UBKH tỉnh Kiên Giang. Sau nhiều lận đận, cộng với di chứng của những năm tù đày (thương binh hạng 2/4), ông xin nghỉ mất sức năm 1991.
Cuộc đời thật lạ. Từ lúc đó, số phận lại mỉm cười với anh. Nhờ bức ảnh, ông Thức được biết đến, được đi Hà Nội, đi thăm Côn Đảo, đi gặp lại tất cả bạn tử tù. Rồi ông được cấp đất, được xây nhà tình nghĩa, các con ông được học hành đến nơi đến chốn… Bây giờ ông đã 68 tuổi, ông bà sống bằng lương hưu, cùng với hoa lợi của vài công vườn do mẹ để lại (bà cụ đã mất).
Hằng năm, ông đều đi dự họp mặt bạn tử tù vào dịp 30.4, thỉnh thoảng được đi thăm lại Côn Đảo… Trải qua cuộc đời lận đận, ông không còn gì phải tiếc nuối, ngoài một chuyện: Ông chưa được công nhận là cựu chiến binh, vì dù ngày trước ông có cầm súng, nhưng trong hàng ngũ… kẻ thù!

5 nhận xét:

  1. Hình như chương trình bị lỗi. Người post bài này không đúng?

    Trả lờiXóa
  2. Lỗi sao Quốc ơi? Tớ vừa đọc xong bình thường mà. Hay là không phải Quốc đưa bài này lên mà ct báo nhầm tên?

    Trả lờiXóa
  3. Chắc tại vì hai blog k5 tuy hai mà một, cho nên nhà mạng đăng lẫn, nội dung tốt, đăng ở đâu chẳng được!!! thế hóa ra bài này không phải KQ đăng à? hehehe! Tính tớ hay cười, đăng thế nào thì đăng, nhưng đừng làm anh Tk5 dỗi đấy nhá! :))

    Trả lờiXóa
  4. Tay lào vừa bảo lão dỗi đấy ? bận việc nhà mấy hôm mà, bài này đã được KQ đăng ở cả hai blog, rất hay, nội dung tốt, nhưng mà làm cho tớ suy nghĩ lại khi có lệnh nhận nhiệm vụ mới mà lđ phân công. Từ giờ tớ đéc còn tin vào bọn họ nữa, làm tốt thì cho cái huy, huân chg, còn bị chắc trở thì thôi rồi trời ơi.Ngày trước (1982) mình quên tay trung tá tb tên Định, chẳng may bị địch bắt, đánh cho chằng chịt vết sẹo trên mặt và cổ, làm sao lấy được vợ nữa, sau ngày được trao trả, về ngay quê nhà, kg cho làm việc vì sợ địch gài bẫy, thật đau khổ cho những người dũng cảm hy sinh cho Tổ chức mà lại bị tổ chức kg tin cậy che chở, ông về làm xưởng SX đồ thủ công Mỹ nghrrj Bát Tràng, có lẽ bây giờ cũng lên đến chức triệu phú rồi, còn nếu được tín nhiệm, chắc đại tá trắng tay thôi.

    Trả lờiXóa
  5. Biết thế ngày xưa mình cầm tờ truyền đơn làm cú "hồi chánh quốc gia" bây giờ có khi đỡ khổ hơn, hoặc bảo kê cho đồng bào miền Nam vượt biên, bây giờ tiền tiêu nhòe, mà nói thật, bây giờ hội cựu chiến binh phường cũng không thèm nhận mình là CCB đâu, cái ông Thức này còn may chán!!!

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment