Người Việt đã có thói quen “đẹp khoe xấu che”. Không những bản thân cố tình giấu diếm cái xấu của mình, mà hễ ai nhắc đến cái xấu của mình thì đâm ra thù hận. Vẫn biết “nhân vô thập toàn”, nhưng nói những cái không mấy tốt đẹp của người khác cũng nguy hiểm lắm đấy! Trông thấy Trung Quốc có cuốn “Người Trung Hoa xấu xí”, giáo sư Trần Quốc Vượng lúc sinh thời cũng rất hăm hở với dự định làm một tác phẩm tương tự cho người Việt. Rất tiếc, khi giáo sư Trần Quốc Vượng về với ông bà mà vẫn chưa được thấy “Người Việt xấu xí” hiện diện trong đời sống chúng ta. Cũng xuất phát từ quan niệm ấy, nhà phê bình Vương Trí Nhàn bắt tay thực hiện “Thói hư tật xấu của người Việt”. Thế nhưng, nhà phê bình Vương Trí Nhàn có nhiều kẻ ghét rồi, nên ông cẩn thận tuyệt đối, chỉ gom nhặt những ý kiến của các bậc tiền bối từ trong sách báo cũ và trình làng cái tập hợp mang tính “người xưa cảnh tỉnh” để tránh những rắc rối không cần thiết
Cách làm của ông Vương Trí Nhàn cũng hay, nhưng chưa phải độc đáo và quyết liệt lắm, nếu so với tập thơ “Chân dung nhà văn” của nhà thơ Xuân Sách. Có thể nói, “Chân dung nhà văn” là tác phẩm duy nhất trong nền văn học Việt Nam in với chữ viết của tác giả. “Chân dung nhà văn” xôn xao cả giới cầm bút và nảy sinh không ít hệ lụy cho nhà thơ Xuân Sách. May mắn thay, không có oan án viết lách nào xảy ra.
Nhà thơ Xuân Sách là tác giả phần lời của bài hát “Đường chúng ta đi”, khúc tráng ca tiêu biểu nhất của âm nhạc cách mạng, nên không ai nghi ngờ tài năng hay phẩm chất của ông. Những năm gian khó nhất ở miền Bắc, Xuân Sách đã bạo gan làm thơ vịnh… đồng nghiệp. Sau một thời gian dài đi xuất bản miệng khắp nơi, “Chân dung nhà văn” mới được Nhà xuất bản Văn Học ấn hành một cách ngoạn mục.
Nhà thơ Xuân Sách kể: “Năm 1992, tớ mời nhà thơ Lữ Huy Nguyên từ Hà Nội vào Vũng Tàu chơi. Hai thằng kéo nhau ra bãi biển ngồi, tớ đọc cho cậu ấy nghe suốt một đêm, rồi hỏi: “Ngài Giám đốc Nhà xuất bản Văn Học cảm thấy có in được không?”. Lữ Huy Nguyện im lặng. Không ngờ cái đêm trình duyệt thành công, sáng hôm sau Lữ Huy Nguyên ký đưa luôn cho tớ giấy phép xuất bản. Để tránh rắc rối, tớ chép tay thật đẹp, thật rõ và mang thẳng vào nhà in! Ly kỳ không? Tuyệt không?”
Nhà thơ Xuân Sách quê ở Thanh Hóa. Tôi đã vài dịp đến mảnh đất và lắng nghe được nhiều sự trào lộng từ những người dân lam lũ chân lấm tay bùn. Tôi còn nhớ tôi cười đau cả ruột khi nghe một lão nông ở Nông Cống đọc một bài vè rất dài, trong đó có những câu như “Chăn nuôi hiện đại là nuôi lợn thả rong. Làng xóm tiêu điều chính là nông thôn đổi mới”. Cũng may, đất nước ta đã vượt qua nhiều sự đói nghèo và lạc hậu, nếu không những câu vè tếu táo như vậy thoát ra từ cái cổ nào thì sẽ bị quăng cho cái thòng thọng mang tên “phản động”.
Hành trình nhà thơ Xuân Sách đi tìm “Chân dung nhà văn”, tôi nghĩ chắc cũng thẩm thấu ít nhiều những câu vè thông minh, hóm hỉnh và can trường như vậy. Lần nào nhắc chuyện in “Chân dung nhà văn”, nhà thơ Xuân Sách cũng cười rất nhộn. Tôi đã đọc “Chân dung nhà văn” nhiều lần, càng đọc càng thấy nể. Tinh tế lắm, sắc sảo lắm và dũng cảm lắm. Viết về TH “nhà càng lộng gió thơ càng nhạt” thì đau xót quá. Viết về CH “cái ghế quan trường giết chết thơ” thì nghiệt ngã quá. Viết về HC “đừng nên xấu hổ khi nói dối/ trời mỗi ngày lại sáng cho sao đâu” thì chua chát quá. Viết về GN “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương vì có ô che nắng/ Có ghế ngồi viết những điệu thơ vui” thì cay đắng quá… Hầu hết những chấm phá trong “Chân dung nhà văn” đọc là nhận ra ai ngay, nhưng cũng có bài viết về XT hơi mờ nhạt, tôi phải dò hỏi chính Xuân Sách mới biết. Tuy nhiên, nói dọc nói ngang thế nào thì muốn có “Chân dung nhà văn” thứ hai cũng không dễ.
Tôi gặp nhà thơ Xuân Sách vài lần, lần nào ông cũng nói say sưa về “Chân dung nhà văn”. Có lần tôi ra Vũng Tàu, nhà thơ Xuân Sách bảo: “Vợ tớ được con gái đưa lên Bệnh viện Thống Nhất điều dưỡng rồi, cậu ghé chơi!”. Tôi đến, thấy ông lúi húi bên bàn viết liền hỏi: “Lại định làm thơ đùa thiên hạ à?”. Một điệu cười khề khề: “Tớ đang viết vì sao tớ viết tập Chân dung nhà văn”.
|
Lê Thiếu Nhơn (LTN): Ở Mỹ, người ta hí họa cả Tổng thống Bush hay tỷ phú Bill Gates như một nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Ở Việt Nam chưa thể như vậy được, có yêu nhau cũng phải vẽ chân dung trang nghiêm và đứng đắn. Ông không sợ bị người ta trách giận, người ta xa lánh, người ta tìm cách cô lập ông nữa à?
Xuân Sách (XS): Tớ già rồi, cóc sợ. Ngày xưa tớ viết về LTL “Con nai vàng ngơ ngác/ Nó ca bài cải lương”, các con của ông ấy dọa đánh tớ đấy…
LTN: Các con của thi sĩ LTL đều là những người có học thức, họ chẳng hành động kém văn hóa như vậy đâu. Biết đâu đó là dọa…đùa!
XS: Thì đó, người văn minh phải là người biết đùa. Đôi khi cái sự đùa cũng giúp con người lớn lên ghê lắm. Người lớn bao giờ cũng biết đùa, như anh Chế Lan Viên đấy. Tớ viết về anh ấy có hạ mấy câu cũng dữ dội lắm
“Điêu tàn ư? Đâu chỉ có điêu tàn
Ta nghĩ tới vàng sao từ thuở ấy
Chim báo bão, lựa chiều cơn gió dậy
Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa
Thay đổi cả giấc mơ
Ai bảo con tàu không mộng tưởng
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt anh em trong suối cạn Hội nhà văn.
Lúc đầu tớ cứ nghe đồn anh Chế Lan Viên giận tớ lắm, nhưng đâu có. Năm 1985 hay năm 1986 gì đó, anh Chế Lan Viên ghé Vũng Tàu chơi, có đến thăm tớ. Anh Chế Lan Viên đề nghị tớ đọc chân dung anh ấy, nghe rất chăm chú và cười…
LTN: Cười theo kiểu Vương Thực Phủ viết trong Tây Sương Ký “cười đây là nghĩa thế nào? Bao nhiêu nước mắt nuốt vào tim gan” phải không?
XS: Không, anh Chế Lan Viên cười thẳng thắn và cười đậm đà.
LTN: Tôi rất hâm mộ nhà thơ Chế Lan Viên, nói thật khi đọc mấy câu thơ của ông, tôi cũng giận lắm. Thế nhưng, mãi đến khi đọc tập “Di cảo”, thấy nhà thơ Chế Lan Viên có bài “Trừ đi” nghèn nghẹn:
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.
Tôi giết cái cánh sắp bay... trước khi tôi viết,
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn Mặt trời lên trên biển,
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể.
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi ?
Không phải !
Nhưng cũng chính là tôi - Người có lỗi !
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình !”
Sau khi đọc “Trừ đi” thì tôi mới thấy ông hình như cũng có lý. Hỏi thật nhé, tâm trạng của ông lúc viết “Chân dung” như thế nào? Ông cười sặc sụa, ông cười hả hê hay ông cười ngạo nghễ?
XS: Tớ cười thấm thía.
LTN: Theo ông, khi người Việt biết đùa, họ tiếp nhận “chân dung” thói hư tật xấu của mình bằng nụ cười như thế nào?
XS: Tớ nghĩ, nên cười nhã nhặn và cười đằm thắm!
LTN: Nói về sự đùa, tôi thấy “Người Trung Hoa xấu xí” bây giờ đùa ghê lắm. Ông có biết sự kiện chương trình hài kịch “Đời cười” của Nhà hát Tuổi Trẻ bán vé như tôm tươi không?
XS: À, có nghe nói… Mà sao?
LTN: “Đời người” là những vở kịch ngắn cực kỳ hài hước và thâm thúy của Trung Quốc. Trong vở kịch “Cái chết của sếp và lợn” chẳng hạn, tình huống được xây dựng bằng lễ khánh thành Nhà tắm của nữ công nhân. Một vị giám đốc đến dự bị ngộ độc qua đời, một con lợn được nuôi bằng nước gạo từ bữa tiệc này cũng lăn quay. Bà vợ của ông quan chức và người chủ của con lợn đều đến xin giấy chứng nhận… hy sinh nên người quản lý buổi lễ lúng túng đến mức cứ viết nhầm “ Nay có một con giám đốc, ấy chết, không phải, nay có một vị lợn…
XS: Ha ha ha
LTN: Theo ông, vở kịch như thế, nếu do tác giả trong nước viết thì có được hoan nghênh không nhỉ?XS: Có… trời mới biết!
LTN: Ông là tiền bối tài cao, nếu ông tìm ra tung tích… trời ở đâu, thì mách dùm tôi nhé, để tôi đi hỏi!
Lê Thiếu Nhơn
Nguồn: Vietimes (Bài viết từ Phong điệp. net)
*Thời điểm bài viết của LTN (Xuân Sách mất ngày 2/6/ 2008)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment