Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Nhân 110 năm sinh Trần Huy Liệu: Cảm tính bổ sung

Tác giả Trần Chiến(!) Có mấy bài viết gửi treo trên Viet Studies của Trần Hữu Dũng.  Chả biết mô tê ất giáp gì, tháo đem về đây nhờ anh chị em đọc chơi!!!


Trần Chiến

Về phương diện nhà thơ, ông là người sung mãn tình cảm, "chỉ hộc ra thơ" hay vẫn chỉ là anh nói chí? Về phương diện chính trị, ông bồng bột nông cạn hay là nhìn thấy nhiều vấn đề quá sớm? Về sử học, ông có đóng góp gì về phương pháp, hay chỉ là người tập hợp tư liệu đơn thuần? Về phương diện người tình, ông có là một kẻ phiêu lưu, "đi không đến nơi về không đến chốn", chẳng thể đem lại hạnh phúc cho người mình yêu không? Tất cả những câu hỏi đó khó bề giải quyết cặn kẽ, nếu không thấy cái ý nghĩa chủ yếu, nét trội bật nhất trong con người Trần Huy Liệu, rằng đó là một con-người-tìm-kiếm.


Quả là ông luôn phải đi tìm một cái gì đó trong cuộc sống 68 năm căng thẳng của mình. Những cuộc tìm đó, khi thì do bản năng ưa thích, nhạy bén với cái mới, khó thỏa mãn để chấp nhận thực tại của mình, khi lại bất đắc dĩ, bị hoàn cảnh bó buộc, đã đem lại sự thăng trầm, khổ đau và hạnh phúc cho ông. Từ một cậu bé toét mắt ở quê Vụ Bản khổ luyện chữ Nho, ông lớn vụt lên, trở thành nhà báo có cỡ ở đất Nam Kỳ thuộc Pháp. Từ ông bộ trưởng nổi tiếng của chính phủ lâm thời hỗn độn, ông mất dần quyền chức, để đến cuối cuộc kháng chiến chín năm trở thành người gây dựng một nền sử học mới. Kể thì vất vả thật, so với nhiều bạn cách mạng đồng thời và hậu duệ đang trở thành người nắm vận mệnh đất nước, bởi vì cao niên rồi mà ông còn như trắng tay, phải làm lại từ đầu ở rất nhiều phương diện chính yếu của cuộc đời như nghề nghiệp, gia đình, cuộc sống tình cảm, sự nhìn nhận đồng chí, dân tộc. Nhưng chắc chắn là nếu phải sống lại một lần thứ hai quãng thời gian đã sống, cái con người lỡ dở, đốn ngộ muộn màng ấy khó bề chọn được cho mình một số phận yên ấm, đỡ căng thẳng hơn.
Suốt đời tìm kiếm, chẳng thỏa mãn gì cả thì làm thế nào mà có sự nhàn tản, "yên hưởng".
Trần Huy Liệu sinh năm 1901, thường nói vui mình là "con người thế kỷ". Chắc hẳn không phải hoàn toàn là đùa. Cuộc đời từ lúc trưởng thành của Trần Huy Liệu gắn bó với những sự kiện, nhân vật, các phong trào chính yếu nhất của khoảng 50 năm dân Việt Nam nhận đường. Ông sinh ra ở một vùng quê nghèo, thuần nhã, sản sinh nhiều văn nhân, ít chính khách hơn những phủ huyện bên cạnh. Gia đình ông vào loại có chữ trong vùng, bố dậy học, anh cũng theo cử nghiệp và tham gia Duy Tân. Nếu Nho học không thất thế, hẳn ông đã đỗ đạt, làm một ông quan thanh liêm để rồi bất đắc chí. Nhưng ở buổi Ta - Tây - Tàu sơ giao, ông nhiễm thói ưa thích kẻ chợ, tìm ra tỉnh thành để thi thố tài năng, vừa lập được thân vừa giúp được đời. Thánh Hiền dậy "tề gia trị quốc bình thiên hạ", tất yếu là muốn hành đạo quân tử, ông phải đi khỏi làng quê, tìm đến những thị thành giao lưu rộng, có thể giải đáp nhiều câu hỏi cho cuộc đời. Ông đắm đuối với học thuyết Khang - Lương nhưng chẳng giúp được gì cho ai. Rốt cuộc thì với một mớ chữ không hữu dụng lắm, ngoài hai mươi tuổi, ông lặn vào Nam Kỳ thuộc Pháp, nơi có nền tự do báo chí khá cởi mở, không khí thuộc địa ít tù túng hơn ngoài Bắc. Ở đây, ông học lại khá nhiều, từ đầu, và tự hành với sự giúp đỡ của bạn bè Tây học. Hán học, Tây học, chủ nghĩa Tam Dân, chủ nghĩa Mác, phương pháp luận sử học, ông đều học lấy là chính. Vốn kiến thức của Trần Huy Liệu căn bản do ông tích lũy, chọn lựa lấy và do đó, không khỏi lốm đốm, kém hệ thống về một vài phương diện, chỗ nông chỗ sâu khác nhau, bài bản rất phụ thuộc tâm, trí chủ quan. Bù lại, ông thực là uyên bác và tập hợp được nhiều sở thích khác nhau quanh mình. Nhặt nhạnh cần cù và mê say, kiến thức tích cóp được lớn dần và không thể rơi rụng, những gì được đẻ ra đều là giá trị thực. Ngay cả thơ cũng vậy. Là người thuộc thế hệ "thi dĩ ngôn chí", lại là một nhà tuyên truyền, Trần Huy Liệu không thể không làm thơ cổ vũ, "phục vụ". Nhưng cái mục đích sáng suốt, thực tế của bài thơ vẫn được đôi cánh tình cảm làm cho bay lên được. Thơ Trần Huy Liệu ít câu ép, có lẽ ít được cấu tứ trước, nhất là mạch thơ trữ tình nhiều bài không biết sẽ dẫn đến đâu. Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép thơ, may mắn là nhà tuyên truyền ấy không hung hăng trong thơ, rồi để lại được những bài khóc đồng chí cảm động như "Qua thăm gốc ổi". Quả là thơ Trần Huy Liệu có những sự kiện, dấu ấn sử thi nhưng tuyệt nhiên không phải loại thơ thực dụng. Tuy đề cao nội dung, nói rằng chỉ có thể "hộc ra thơ" chứ không thể "làm thơ", ông có ý thức thẩm mỹ trong câu, từ. Năm 1950 ông viết: "Riêng những bài thơ của bộ đội hiện nay mà một số văn nghệ sĩ đang đem ra ca tụng, mình đánh giá như những củ khoai, lành, bùi, dễ tiêu, không tháo dạ. Nhưng nó phải tiến lên nữa. Mấy văn nghệ sĩ kia sau khi đã bị tháo dạ vì những món đường mật pha phách khác nhau thì thi nhau tán tụng củ khoai. Nhưng đừng do đó mà thành chủ nghĩa củ khoai. Và chăng những củ khoai ấy cũng có đôi chỗ hà, nên cắt đi" (*)
Những năm hai mươi tại Sài Gòn, Trần Huy Liệu vừa học vừa hành, nhanh chóng trở thành nhà báo có cỡ, nhân vật quan trọng của phong trào thanh niên trí thức tiểu tư sản tìm đường đi cho giống loài. Thể chế thuộc địa cho ra báo nhưng không được phép động đến sự tồn tại thực dân. Ông làm chủ bút tờ nào là tờ ấy bị đóng cửa. Kiếm được anh Tây nào làm chủ nhiệm là anh ấy bị liên lụy. Nghèo nàn nhưng đầy nhiệt huyết, đơn giản nhưng trong sáng, Liệu không mệt mỏi trước những thầy cò chánh cẩm. Nay vinh mai nhục, bạn bè lắm mà hiểm nguy cũng nhiều, lên bổng xuống trầm đấy, nhưng có lẽ là phỉ chí tang bồng với chàng trai từ quê ra đang muốn lập ngôn hành đạo. Yêu nước, ghét Tây, ông làm chính trị một cách tự nhiên hồn nhiên, lập đảng ra nhóm, hô hào bảo vệ hai cụ Phan, trở thành kẻ nguy hiểm cho chính quyền. Chưa định hướng, chưa mệt mỏi, có lẽ đây là thời gian Trần Huy Liệu đọc nhiều, giao du rộng nhất, với đủ mọi chủ nghĩa, nhân vật nghịch ngược nhau trên đời. Rốt cuộc, ông ngã vào chủ nghĩa Tam Dân, trở thành đảng viên Quốc dân. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ông ở xa không cùng dự, uất ức muốn chết cùng Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Thái Học. Rồi chẳng bao lâu cái phải đến đã đến: Trần Huy Liệu vào tù, ra Côn Đảo. Tại đây, cũng lại xẩy ra một tất yếu nữa: gặp các bạn tù Cộng sản, ông ngả dần sang phía họ và chính thức trở thành Cộng sản năm 1936.
Nói Trần Huy Liệu định hướng, trở thành cộng sản những năm ba mươi là tất yếu, phải chăng đơn giản là vì lúc đó, trên đảo chỉ có hai loại phạm chính trị chính là Cộng sản và Quốc dân đảng, không ở bên nọ ắt phải theo bên kia. Dân Quốc dân đảng, chủ yếu là trí thức,  bắt đầu thoái chí vì cục diện chính trị ở Trung Hoa và cuộc thất bại Yên Bái, chắc không tự tin lắm ở lý tưởng của mình. Phía Cộng sản, ít học nhưng có tổ chức chặt chẽ, thống nhất hơn, những người có chữ lại được vũ trang bằng một hệ thống lý luận đồ sộ, đáng sợ hơn, dễ thuyết phục những phần tử Quốc dân dao động. Hơn nữa Liên bang Xô Viết tồn tại là một sự thực hấp dẫn. Gái  đến thì phải lấy chồng, như quả chín phải rụng. Ở đất liền lắm mối sẽ có thể có một kết cục khác, nhưng trên đảo, nhất định Trần Huy Liệu phải trở thành Cộng sản. Đây cũng là thời gian ông tự học tiếng Pháp theo Larousse, trở thành tự vị sống, bồi bổ vốn Tây học cho một người chỉ có thể làm nghề chữ nghĩa. Đây cũng là lúc Trần Huy Liệu chia sẻ những hoài bão dựng lịch sử cho nước nhà cùng Ngô Gia Tự - trước cuộc vượt biển bất hạnh.
Nhưng sự gia nhập nhóm Cộng sản ở Côn Đảo của Trần Huy Liệu có những dị biệt, chi phối số phận ông trong đội ngũ mới mãi tới sau này. Những thành viên đầu tiên của đảng Cộng sản phần lớn ở trong Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội của Nguyễn Ái Quốc. Khi tới đây, họ đều còn trẻ, như tờ giấy trắng, trải đời ít mà giang hồ lịch duyệt cũng chưa đủ. Trần Huy Liệu chỉ lớn tuổi hơn họ một ít nhưng là tờ giấy đã có dấu ấn rồi, đã có danh, có "quá trình". Ông có kiến thức rộng, tự phụ hơn họ, nên đa sự hơn, đòi hỏi một trường hoạt động thoáng, tí ghép  mình vào khuôn khổ tổ chức hơn. Tính tình ông bộc trực, quá thẳng thắn, lại "có điều" lãng mạn. Không phải người khu Bốn, và lại từ hàng ngũ Quốc dân đảng sang, nên ông chỉ được giao những vị trí công khai, ít nắm rường mối tổ chức. Tin rằng Trần Huy Liệu trung thực và không thể phản bội, nhưng người ta chỉ dùng cái tài nói, tài viết của ông, xung vào bộ máy tuyên truyền, cho cả tiếng. Có thể nói được trọng dụng nhất trong thời gian làm người Cộng sản của Trần Huy Liệu là quãng năm 1936 - 1939, làm các báo Tin Tức, Le Travail. Khi Mặt trận Bình dân ở Pháp đổ, thực dân đàn áp trở lại, năm 1941 ông đi tù, tới năm 1945 thì vượt ngục Nghĩa Lộ ra.
Nước Việt Nam độc lập, thời gian đắc ý của Trần Huy Liệu rất ngắn ngủi, chỉ vài tháng trong năm 1945 với chức bí thư Việt Minh - một chức vụ mặt trận, người thảo quân lệnh số 1, đại diện quốc dân vào Huế tước ấn kiếm Bảo Đại, bộ trưởng tuyên truyền trong chính phủ lâm thời. Sang năm 1946, thái độ xốc nổi của ông với các hiệp định 6-3, 14-9 tạo ra những bất đồng không thể hàn gắn được. Sự thất sủng vốn có nguồn gốc sâu xa bắt đầu lộ diện. Rút cục thì từ năm 45 tuổi, đỡ cực thân và được an hưởng phú quý, ông lại lao tâm và ít thảnh thơi hơn. Đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, ông chỉ thực sự thân với Hải Triều, Xuân Thủy, Đặng Thai Mai, Bùi Công Trừng. "Nói chung lập trường dân tộc chống đế quốc chủ nghĩa rất vững, rất đắc lực trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Nhưng tới cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thì thấy mệt mỏi, phải cố gắng nhiều. Đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nói chung rất say mê, ham thích. Đối với quy luật lịch sử nắm vững và tin tưởng, nhưng lập trường giai cấp biểu hiện ra ý thức và hành động thì thấy khó khăn". "Đối với Đảng theo nghĩa trừu tượng thì tình cảm sôi nổi, nhưng nhìn vào từng người thì kém nồng nhiệt" (*). Đó là những lời tự thú trong cuộc chỉnh huấn năm 1959 của Trần Huy Liệu. Chỉnh huấn, nghĩa là phải "bóc trần" mình ra đặng có hướng sửa chữa. Trong thâm tâm, con người lắm khuyết điểm trước tổ chức ấy tự đánh giá mình thế nào? Hẳn ông thừa nhận tài năng của mình, tuy trong cách ứng xử của nhà Nho và đạo đức cách mạng đòi hỏi phải khiêm tốn. Tự đề cao cá nhân, đã là không đúng rồi. Nhưng hẳn trong tâm Trần Huy Liệu phải có một hình mẫu nào để vươn tới chứ, như là bậc quân tử với người nho sĩ, như là người anh hùng cá nhân mà tinh thần dân chủ tư sản đề cao (đã là bậc anh hùng thì lại phải có mỹ nhân, thật rầy rà!). Cái khó của Trần Huy Liệu là khi gia nhập chính đảng mạnh mẽ, có thực lực nhất - sau này sẽ nắm quyền lãnh đạo cộng đồng - thì ông đã trưởng thành mất rồi. Ngoài ba mươi, không còn là lúc người ta "uốn nắn" được hết cái yêu cái ghét sâu thẳm trong tâm can mình nữa. Chàng thanh niên nhà quê ra tỉnh thành, làm báo, tức là sống bằng một nghề hết sức tự do bấy giờ, đã trót thu nhận quá lắm những thứ "tai hại" để sau này, khi "đứng vào đội ngũ" phải chật vật khi thừa nhận một lãnh tụ, một ban lãnh đạo. "Về nhân sinh quan thì thích anh hùng phong kiến, luyến ái ảnh hưởng tình cảm tiểu tư sản... Thích khoáng đạt như Tử Du, ngang tàng như Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ" (*). Mâu thuẫn của Trần Huy Liệu là khi vào Đảng ông là người đã "thành", có vốn kiến thức, nhận thức riêng rồi. Thành thử cứ lòi ra. Một mặt cứ ép mình phải "ghép mình", một mặt lại không muốn rời bỏ những gì là mình, mà ông lại không thể vờ vĩnh, dù là với bản thân.
Thế là, với tư cách là người can dự vào những hoạt động chính trị, Trần Huy Liệu trượt dài từ năm 1945. Cho Cụ Hồ là hữu  khuynh trong các hiệp ước trước toàn quốc kháng chiến với Pháp. Tiếp tục cho chính sách mặt trận của Đảng là hữu khuynh vì thu nạp quá nhiều địa chủ quan lại ở trung ương, cường hào lý dịch ở địa phương. Đòi thanh đảng, đưa những phần tử "tác loạn" ra khỏi Đảng trong đại hội Đảng toàn quốc lần II. Đến năm 1953, vừa bắt đầu cơn sốt cải cách ruộng đất đã cho rằng Đảng bắt đầu chuyển từ hữu sang tả khuynh, đau sót trước những cán bộ đảng viên bị đấu tố oan ở địa phương. Cho thỏa hiệp Geneve là "non", trong khi ta đang thắng, thế ta đang mạnh thì cần phải đánh nữa, hoặc giới tuyến quân sự phải lùi xuống dưới vĩ tuyến 17. Đặt vấn đề "xét lại hồ sơ giai cấp địa chủ" năm 1959, cho là trong số họ có nhiều phần tử yêu nước chống thực dân, không thể cào bằng trước những nông dân ít học, hẹp hòi. Cho rằng hợp tác hóa nông nghiệp năm 1960 là "quá sớm", "chưa hoàn thành về căn bản", "không phải nông dân đã hoàn toàn tự nguyện vào hợp tác". Bấy nhiêu "phốt" trong hồ sơ chính trị của Trần Huy Liệu đủ để ông phải bán sới khỏi vũ đài lãnh đạo, dấn thân vào một sự nghiệp khác. Rất may là ông dự cảm ra điều đó và đã có sẵn một sự say mê: công cuộc nghiên cứu sử, dù rằng khi bắt đầu thì đã qua cái thì trẻ trung, có sức bật nhất. Càng già thay đổi càng khó, nhưng những gì nhà nghiên cứu sử học Trần Huy Liệu làm được sau tuổi năm mươi thật là đáng nể. Ông chính khách Trần Huy Liệu có thất sủng thì nhà sử học Trần Huy Liệu mới lớn được. Như mầm cây non trên đá, ông cứ dẻo dai, đèo đẽo tồn tại, khẳng định mình bằng trước thuật, để lại vài cuốn đáng nhớ trong rừng sách. Trước sau, ông chỉ có thể sống được bằng chữ nghĩa. Văn tự là đắc địa của ông. Cái chí lập ngôn của Trần Huy Liệu không thể xóa được.
Trần Huy Liệu trước hết là một con người dân tộc. Tinh thân yêu giống nòi, căm thù thực dân của ông dồi dào đến mức cực đoan. Hình như ông còn bị coi là một trong hai nhân vật cộng sản "diều hâu", hiếu chiến nhất trong chính phủ lâm thời năm 1945. Sau này, trong bản kiểm thảo năm 1952, Trần Huy Liệu thừa nhận phản ứng của mình trước các hiệp ước Cụ Hồ ký năm 1946 là "vô tổ chức". Tính giai cấp vô sản trong ông không đủ nhiều và về mặt giác ngộ chủ nghĩa Mác ông thật không xuất sắc. Ông "nặng căn" trong nhiều phương diện.
Một điều nữa cản trở sự tiến bộ trong nấc thang chính trị của Trần Huy Liệu là "luyến ái quan ảnh hưởng lãng mạn tiểu tư sản" (*) của ông. Cái khát vọng yêu và được yêu một cách xứng đáng thật dai dẳng, sâu sắc, bắt ông trả giá rất nhiều. Thấp lùn, có thể nói là xấu người, mắt kèm nhèm (do không được giữ gìn ở quê), người ta thường gọi là "ông lòe", Trần Huy Liệu lại có duyên thực sự với phụ nữ. Đa sự và lắm mâu thuẫn, con người ấy đã không đơn giản hóa được trong chính trị, lại càng không "thu xếp" được trong tình ái. Ông lấy vợ khi chưa đến hai mươi, đâu như cha mẹ phải ép vào buồng cô dâu. Bà vợ sức vóc, quen làm lụng, đã có công rất lớn, nuôi dậy bốn con, theo Trần Huy Liệu lênh đênh từ Nam chí Bắc, trung thành và thăm nom ông bị đau đớn, tù đầy, quản thúc, vẫn không làm ông chồng lãng mạn thỏa mãn về tâm lý. Khỏe mạnh, chăm chỉ việc đất cát cũng như buôn bán, đơn giản và thực tế, bà không đem lại sự đồng cảm. Có ông chồng làm thơ làm báo, chứa trong đầu những Chu Mạnh Trinh với Nguyễn Công Trứ thật bất hạnh. Nhưng quyết liệt và không hề ngần ngại trong sự giản đơn, chắc hẳn hơn một lần bà ngăn cản được những mối quan hệ nguy hiểm của ông chồng lắm tật. Dầu vậy, bà suốt đời vẫn phải "giận thì giận mà thương thì thương".
Trần Huy Liệu có nghĩ đến mặt trái của chữ "đa thê" không? Chắc là có. Đoàn thể có cảnh tỉnh ông trước, trong và sau những cuộc phiêu lưu tình cảm không? Chắc chắn là có. Nhưng đã thích thì kể gì, "đấu tranh" và "tự phê bình" có được gì! Có lẽ người phụ nữ đầu tiên muốn làm lẽ ông là bà hộ sinh ở Côn Đảo, nơi ông bị đầy đầu những năm ba mươi. Sắc sảo, có chữ nghĩa, bản thân là một "nữ sĩ", bà cảm những vần thơ ông gửi về đất liền, mà bà là một trạm luân chuyển. Giữa cảnh trời nước, họ tâm đắc với nhau sâu sắc chỉ qua thư từ, để mái đến lúc về đất mới hội ngộ. Sự chia tay của hai người chắc chắn có nhiều lý do: bản thân họ, bà vợ, đoàn thể. Mãi bốn chục năm sau này, người nhà gặp lại, thấy bà còn hờn nhớ ông lắm.
Mối tình đem lại nhiều hạnh phúc và đau khổ nhất cho Trần Huy Liệu, trớ trêu thay, lại bắt đầu vào lúc ông đã bề bề phương diện quốc gia, cũng giữa cảnh thiên nhiên đầy ắp. Tư dinh của ông đốc học ở Ấp Thái Hà thoáng rộng, có mặt nước, cây trái và đặc biệt nhiều hoa hồng. Hoa hồng mãi mãi là một kỉ niệm yêu dấu với Trần Huy Liệu. Bà chủ nhà, con gái ông đốc, đang thay cha trông các em đã trưởng thành, vốn là con dâu một ông thượng Nam triều chết trong cách mạng. Bản thân bà lại nuôi dấu những cán bộ Việt Minh bí mật như Xuân Thủy, Trần Quốc Hương..., sau tháng 9-1945 biến trang trại của mình làm chỗ in bạc mới, nơi đi về của nhiều cán bộ tổng bộ Việt Minh và Văn hóa cứu quốc. Dang dở với người chồng trước, bà đem hai con từ Huế ra, trông nom tư dinh của bố, sống phải đạo. Trong số những cán bộ đi về đây, Trần Huy Liệu không thể không rung cảm trước vẻ đẹp, lòng trắc ẩn, sự tinh tế theo lối phương Đông và nỗi đau khổ của bà chủ. Về phần mình, bà cũng bắt đầu dành cho ông sự chăm sóc ý nhị mà ông rất thích. Có lúc Trần Huy Liệu đã chạy trốn sự cám dỗ nguy hiểm rồi lại phải quay về với khu vườn hồng. Tuy vậy, cái phải đến chỉ đến sau ngày toàn quốc kháng chiến, khi ông lên chỗ bà tản cư dưới chân Tam Đảo. Họ có con với nhau, đứa con của kháng chiến và sự si mê dại dột, lúc đó sài đẹn, đầy ghẻ lở. Đã có lần ông thu xếp cho hai bà vợ gặp nhau nhưng không kết quả, "chỉ thêm buồn" (*). Trần Huy Liệu mất uy tín và bị ban lãnh đạo phê phán dữ dội về vụ lấy con dâu một Việt gian. Bà cả giận dỗi. Bà hai bị coi như là bỏ bùa mê thuốc lú cho cán bộ cách mạng hòng lấy chỗ dựa trong chế độ mới. Dù có con, em tham gia bộ đội và ủng hộ rất nhiều cho kháng chiến, bà vẫn bị quy địa chủ năm 1954, giam giữ đến gần chết vì lao phổi. Trường hợp của một người thân như vậy chắc chắn đã ảnh hưởng đến nhận thức của Trần Huy Liệu về cải cách ruộng đất.
Sau giai đoạn đắc ý thuở ban đầu của chính quyền dân chủ nhân dân, Trần Huy Liệu đi hết cuộc kháng chiến với tâm trạng không mấy phấn khởi. Sau những đụng chạm với ban lãnh đạo năm 1946, nhất là sau vụ "bê bối tình cảm" năm 1947, ông mất hoàn toàn quyền lực chính trị, chỉ còn là anh cán bộ cấp cao đi tuyên truyền kháng chiến, vận động thuế, điều hành hai cơ quan nặng về hư quyền là Liên Việt và Quốc hội.
Địa vị làm một quả chuông leng keng bên bộ máy chuyển động thực sự  làm ông không thiết sống, "không thích làm công tác mặt trận, cho chức bí thư tổng bộ Việt Minh là hư vị", "bỏ bễ tờ báo "Toàn dân kháng chiến" của mặt trận Liên Việt" (*). Người đầu tiên biết ông có ý định tự sát là Hải Triều, khoảng năm 1948 - 1949. Nhưng "phần vì sợ chết, phần thương vợ con" (*), Trần Huy Liệu không thực hiện cuộc quyên sinh. Ông trách trung ương bỏ rơi, không giao việc cụ thể cho mình, đau khổ vì đồng chí xa lánh, rơi vào sự cô đơn  đến cùng. Dầu vậy, sự gần gũi của gia đình lớn mới từ quê llên khu kháng chiến không làm ông nhẹ lòng, "chỉ thấy ái ngại cho sự khổ cực, đơn côi của T. (vợ cả), chứ thực lòng không thấy khấn khoái lắm" (*). Ông lơ láo, vật vờ giữa ba địa điểm: chính thất, cơ quan và bà hai. "Ở nhà thì ngột ngạt, lên cơ quan thường trực quốc hội thì mấy hôm lại chán. Về Bồ Tỉnh (chỗ bà hai) thích nhưng không thể ở lâu" (*), ông thấy mình "còn mélancolie trong người" (*).
Tới năm 1952, dù đã có một nhiệm vụ cụ thể, Trần Huy Liệu vẫn không biết cách thu xếp nhận thức của mình với đường lối và hoàn cảnh chung. Cải cách ruộng đất bắt đầu, may cho Trần Huy Liệu là không phải trực tiếp xuống cơ sở phát động, mà ở lại làm việc ở Ban chỉ đạo trung ương, không thì ông "trí thức tạch tạch sè" ấy đã bị bể cả bần nông nhận chìm rồi. "Người ta đã vựơt quá phạm vi dân chủ của nước Việt Nam dân chủ nhân dân và không theo đường lối của chính quyền" (*). Tại quốc hội kháng chiến, ông lớn tiếng lên án "nhà đại cách mạng Hồ Viết Thắng". Cảm tưởng về thời cuộc cuối kháng chiến của Trần Huy Liệu là "Trung ương Đảng ta không thể có một chủ trương độc lập mà phải theo hai đảng bạn là Trung Quốc và Liên Xô" (*). Tuy nhiên, ông cố "gằn lại" trong phản ứng vì "kinh nghiệm đau đớn hồi 6 - 3- 1946" (*).
Trần Huy Liệu làm sử từ bao giờ, khó mà nói chính xác.
Trong những bài viết hồi trẻ ở Sài Gòn, ông đã bắt đầu kể chuyện, miêu tả hoặc phân tích lịch sử. Ước muốn xây dựng lịch sử, ít nhất là của nước nhà, theo ông ra ngoài đảo, nơi tù đầy, lúc thâm nhập vào dân chúng nơi thâm sơn cùng cốc. Có thể trước và sau cách mạng tháng 8, nhà sử học Trần Huy Liệu bị nhà cách mạng, ông bộ trưởng tuyên truyền lấn át. Nhưng khi mất dần quyền chức, cô lẻ trong đoàn thể, đau khổ vì yêu đương, sử học trở thành cứu cánh, người bạn trung thành. Chạy giặc ở Bắc Giang, ông ghi chép về khởi nghĩa Yên Thế. Làm ở mặt trận và quốc hội, thực chất là "ngồi chơi xơi nước", ông viết "Sơ thảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam". Càng ngày Trần Huy Liệu càng muốn trốn nhiệm vụ cụ thể "để dành thì giờ cho việc trước thuật" (*). Nhật ký của ông đầy rẫy tư liệu về sinh hoạt xã hội, sự kiện chính trị, nhận định thời cuộc, cũng còn là cuốn sổ ghi chép việc công. Ông làm cái đó có ý thức gì?
Lịch sử và chính trị có mối liên hệ rất mật thiết. Lịch sử hệ thống các nền chính trị, đánh giá, soi sáng nó bằng một quan điểm nào đấy cho chính trị đương đại. Không tìm thấy mình trong chính trị thì lại có thể tự thể hiện chủ quan trong sử học. Lối thoát ấy là tất yếu với Trần Huy Liệu, con người giờ đây chắc tự an ủi rằng mình chỉ có thể thành danh bằng chữ nghĩa. Bây giờ, lập ngôn đối với Trần Huy Liệu là quan trọng nhất.
"12-9-1952. Nhận tin báo của đảng đoàn chính quyền báo đến trạm Thống Nhất tìm địa điểm chỉnh huấn. Trong một bức thư viết cho S. (bà hai) hôm nay, mình viết: mình cảm thấy một biến thiên sắp đến với đời mình" (*). Cuộc chỉnh huấn năm ấy thật nghiệt ngã. Ai nấy đều phải tìm ra khuyết điểm, nặng là tội lỗi, tẩy đi tẩy lại kỳ cho đến khi được đoàn thể chấp nhận mới thôi. Có những cán bộ ngoài năm mươi khóc rưng rức vì kiểm thảo bị đánh trượt hai ba lần. Cùng sinh hoạt với những cán bộ ở địa phương, trình độ kém hơn nhiều,  Trần Huy Liệu đè nén lòng kiêu ngạo của mình xuống. Tổng kiểm thảo của ông "đỗ" ngay, được đánh giá tốt vì mức độ chân thực, chi tiết và các vấn đề nêu ra, được cố vấn Trung Quốc bên cạnh trung ương hỏi chuyện, tặng áo pardessus. Trần Huy Liệu nhận mình sai điều này, và nhất định không nhận điều kia. Nói chung ông tự bảo vệ được tiết tháo của mình - cái mà nhà Nho rất coi trọng (tuy phục Nguyễn Du về tâm, tài, ông không thích "cái điểm" thi hào thờ lắm chúa quá). Nhưng cái được lớn nhất là ông đã "bóc trần" tình trạng của mình ta cho trung ương thấy, đặng xin làm công tác viết sử vì thấy đó là "hợp hơn cả".
Vậy là, vào lúc ngoài năm mươi, Trần Huy Liệu bắt đầu hành chí lập ngôn trên một địa hạt mới. Vừa nghiên cứu, trước thuật, ông vừa phải xây dựng cơ quan quốc sử quán của thời đại mình, gọi là ban Sử - Địa - Văn. Sau này, dời về Hà Nội, ông tập hợp, tổ chức làm việc được cho nhiều bậc túc nho xa lạ với tư tưởng cộng sản: Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Cao Xuân Huy, Lê Thước... Nghiệp sử, nhất là cổ sử, rất cần tinh thần dân tộc, ông có thừa cái đó (ít ra là thế) để quy tụ được những tên tuổi trên.
Trần Huy Liệu đã được chuẩn bị gì về nghề nghiệp nghiên cứu sử? Trước đó, quyển "Sơ thảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam", khoảng năm 1950, chắc đã đem lại cho ông nhiều kinh nghiệm và hứng thú, cả lòng tự tin. Có lẽ về mặt hệ thống, phương pháp luận mác xít, ông có những mặt còn kém một sinh viên sử mới tốt nghiệp ngày nay, do ở chỗ không được đào tạo bài bản, tự học là chính, ở chỗ bắt đầu quá muộn, lại từ địa hạt chính trị sang. Những cái đó chắc sẽ ảnh hưởng đến sức sống của một vài tác phẩm. Ngay "Lịch sử 80 năm chống Pháp", cuốn đồ sộ nhất, cũng có ngừơi đánh giá là "những tư liệu quý, còn về mặt lý luận, nhận định không sâu bao nhiêu". Nhưng ông có những tài sản thật ưu việt thuở ấy: tầm nhìn, sự trung thực, kiến thức, sự coi trọng tư liệu. Đặc biệt, khi tâm đắc với sự kiện hay nhân vật nào thì ông thật sắc sảo. Loạt khảo về Nguyễn Trãi, nhất là cuốn "Nguyễn Trãi" đáng xem là một hình mẫu trong kiểu lấy xưa nói nay, dùng quá khứ lay hiện tại. Khi phân tích chính sách hạn điền, hạn nô của nhà Hồ, phải chăng ông tiếc cho một cách nhìn đúng nhưng phát lộ quá sớm? Bàn kỹ về quan niệm "dân là gốc" của Nguyễn Trãi, phải chăng ông muốn cảnh  tỉnh nền dân chủ mới? Số phận bất hạnh của bậc anh hùng - kẻ sĩ được phơi bầy rất sâu có phải là do "vận vào mình"? Bi kịch của Trần Huy Liệu là bi kịch của người trí thức, hay lý tưởng hóa để không bằng lòng với thực tại, nhìn ra nhưng bất lực, tiên tri, dự báo mà không được nghe. Yêu say mê dân tộc mình, ông có sợ hãi sức mạnh lắm khi vô tri của quần chúng nông dân không? Ngay từ trong kháng chiến, khi tổng bí thư Đảng cho rằng công nhân Việt Nam mới thoát thai từ nông dân, còn gần gũi nhau nên dễ liên minh, thì ông lại thấy "gần gũi như thế, công nhân còn nặng chất nông dân thì liên minh sẽ không khá hơn, không lãnh đạo nông dân được" (*). Và sau này, trở thành người đứng đầu "quốc sử quán" của thời mình, đã có khi nào ông nói miệng, hoặc viết ra rằng đầu thế kỷ XX, trước khi có Đảng, thì vai trò lãnh đạo cách mạng của dân tộc nằm trong tay những trí thức tiểu tư sản, rằng lực lượng nông dân, đông đảo và mạnh mẽ, không thể thay thế trí thức trong vận mệnh dân tộc, có khi nào ông "phát" ra thế không?
Có thể là không, nhưng lấp lánh thì nhất định có. Về con người bướng bỉnh ấy, còn có rất nhiều câu hỏi "phải chăng?", "phải chăng?", mà ta chỉ có thể dự cảm ra. Chỉ biết rằng gần cuối đời, trong một bản tự kiểm thảo, ông tự nhận mình "càng ngày càng nóng nẩy, cau có".
Như trên đã nói, cuộc đời Trần Huy Liệu gắn với những sự kiện, nhân vật, trào lưu khá tiêu biểu cho nước Việt trong khoảng nửa thế kỷ. Mảnh đời riêng cũng chộn rộn, đầy khúc khuỷu do ở cá tính, thẩm mỹ, tầm vóc của ông. Viết về Trần Huy Liệu là rất rộng, cũng chả nên gói lại các vấn đề vội làm gì.
Chỉ biết, dù rằng có xốc nổi trong chính trường năm 1946, có hạn hẹp so với sinh viên sử ngày nay, đúng sai này nọ, ông luôn luôn sống, xử thế như một con người thực với mẩu ruột thừa, luôn chỉ hiện ra trước mặt mọi người đúng như nó là. Đã can trường, kiêu hãnh chịu đựng sự vất vả của kiếp mình, có sống lại, chắc ông cũng không chọn một số phận nào thư nhàn hơn.
Trần Chiến
1988
 (*) Trích nhật ký hay tự kiểm thảo năm 1952 của Trần Huy Liệu
  Tác giả gửi cho viet-studies ngày 17-11-11

3 nhận xét:

  1. quả là một pho kiến thức.tôi chưa được gặp tác giả.mà sao tôi vẫn hiểu cái hàm ý phía sau.với cụ liệu ai mà chẳng biết.nhưng nói về đời thì hôm nay tôi mới hiểu.
    phuc chiến

    Trả lờiXóa
  2. PC@ Thêm chữ Trường vào tên tác giả thì sẽ là Trần Trường Chiến k3 NVT (Nếu tôi không nhầm, bài viết của TTC viết về phụ huynh nên thông tin từ bài viết là chân thực)

    Trả lờiXóa
  3. Hay nhất là vế thứ 2 trong các câu hỏi về con-người-tìm-kiếm.
    Cụ là người có số mà không có phận.
    Qua bài viết này tôi mới tự giải đáp được các thắc mắc của mình về cụ THL, cũng như của một cụ Trần viết sử nửa : Trần Văn Giàu. Và càng phục các cụ. mà cũng chỉ ở tổi tri thiên mệnh mới cãm nhận được. Chứ lúc chí tang bồng còn cang cường, thì trong bụng vẫn không phục cách xuất xử của các cụ. Đúng là hậu sinh cuồng vọng!

    4 SG

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment