Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Văn hóa uống rượu của người Hà Nội xưa


*
"....Người sành rượu, trước hết cầm lấy chai rượu, ngắm một lát, như say đắm, như vuốt ve chai rượu, thận trọng mà âu yếm nồng nàn như kiểu ngắm một cô gái đẹp. Anh ta lại đặt chai rượu xuống. Tay nắm chặt chiếc chén trong tay, ươm ướm. Chén uống rượu không có tai, có thể là chiếc chén Bát Tràng, chén ở lò ông Thiếu hoặc chén cổ có men sáng, dưới đít chén có chữ Nội phủ. Quanh chén có vẽ chút thuỷ mặc và hai câu thơ: 
Vị thuỷ đầu can nhật 
Kỳ Sơn nhập mộng thân




Ta rút cái nút chai cuộn bằng lá chuối khô ra, ngửi ngấn rồi rót rượu ra chén. Thế là rượu hiện ra, dìu dịu, trong suốt, sạch bong, tươi mát. Rượu có khuôn mặt sống động, xao xuyến, bao la như một bản tình ca. Có thể là độc ẩm uống một mình hoặc là đa ẩm uống với nhiều người. Trong mấy người uống rượu với nhau, người ít tuổi hơn phải giữ ý. Khi nâng chén, không để chén của mình cao hơn chén của người nhiều tuổi hơn mình . Tay nâng chén rượu, người ta tợp một hớp thật nhỏ, khi chép miệng rồi mới uống tớp đầu tiên, tớp thứ hai. Người ta thấy tinh thần phấn khởi. Nỗi mệt nhọc được giảm đi nhẹ tênh. Người ta quên đi mọi buồn phiền, mọi sự trong cuộc sống. Tự biến mình từ nô lệ của cuộc sống vật chất sang tự do. Người ta chuyển thực tế vào mộng một cách dễ dàng và êm ả. Khi uống với bạn bè, người ta cùng uống, cùng say để tỏ tình thật với nhau, uống cho sự giao ước, hứa hẹn được bền vững. Con quỷ tinh nghịch trong rượu trở về những ngày vàng son xưa. Họ trở nên dịu dàng, chan hoà, vui tươi.. 
Người sành rượu phải tri kỳ vị (biết vị của rượu); tri kỳ hương (biết hương thơm của rượu); tri kỳ ảo (biết sự huyền ảo); tri kỳ linh (biết cái linh hồn của rượu)... 
Người ta uống nếm, uống thưởng thức, uống lấy say, uống kiểu chén thù chén tạc: là uống kiểu hai người: chủ và khách. Bên chủ là bên “tạch, có nghĩa là chúc mừng. Bên khách là bên “thừ” có nghĩa là uống đáp lại. Người ta uống đứng, uống ngồi, uống ngồi xổm, vừa đi vừa uống... Người đàn ông lý tưởng một thời xưa kia phải là người tài hoa, phải biết cầm (đàn hát), kỳ (đánh cờ), thi (làm thơ), hoạ (vẽ)... Nhưng lại phải biết cả tửu (uống rượu) mới là trọn vẹn. Tửu cũng chiếm một địa vị quan trọng. Những người cầu kỳ hoặc tao nhân mặc khách yêu cầu khi uống rượu phải có một không khí xung quanh “ngon”“ người uống với mình phải “ngon”, rượu phải ngon, thức nhắm phải ngon. Người giàu có uống loại rượu đắt tiền hơn và có kẻ hầu người hạ làm các món nhắm. Người có chữ nghĩa, vừa uống rượu vừa làm thơ phú, đọc cho nhau nghe những áng văn hay. Có khi họ vừa uống vừa thưởng thức giọng hát ca trù của các đào nương. Họ đưa sáng tác của họ để các đào nương trình bày...Cảnh nghèo thì uống “xếch”. Cũng có khi với quả sung, quả ổi hoặc quả ớt cũng xong, gọi là rượu nhạt, rượu uống. Trong những bữa rượu, người ta xếp những người ngang lứa tuổi vào với nhau, những người có chức sắc hoặc bình dân vào với nhau. Nhưng khi uống rượu kiểu “chén chú chén anh” thì thật thoải mái, bình đẳng. Chẳng phải giữ kẽ gì có khi họ tìm thấy một vài chút xương xẩu, sụn gì đó... thì tha hồ mà mồm nhai, tai nghe đó là cái thú dân dã và đặc biệt. 
Cũng có nhiều kiểu say: Say tàng tàng, say khướt, say khướt cò bợ, say tít cung mây, say tuý luý càn khôn, say mềm, say mê mẩn đời, say ngà ngà, say không biết trời đất là gì v.v.. Lẽ dĩ nhiên cũng thường có chuyện: “Rượu vào lời ra” hoặc quá chén mà xảy ra những điều đáng tiếc. 
Ở thời xa xưa, những người dân ở vùng cao đều uống rượu cần. Mọi người uống tập thể từ một vò rượu. Nhưng rồi có một số di dân xuống vùng đồng bằng, họ có khung cảnh sống mới, tiếp xúc với nhiều cải tiến 
mà không uống rượu cần nữa. Họ quên kiểu uống rượu này đi. Nhưng những người anh em của họ ở lại miền cao vẫn còn giữ được cái nếp uống rượu cần. Tính cộng đồng của việc uống rượu cần rất cao. Họ cũng vui với nhau, sống cùng nhau và cũng chết cùng nhau."

Xem ra ngày nay 'nhập tửu' hiện đại hơn nhiều, một, hai, ba !Dô. Một hai ba! Dô, đó có lẽ là cách lớp trẻ thể hiện "phong độ". Cái "phong độ' đó tỷ lệ thuận với số vụ tai nạn giao thông tăng vọt, tỷ lệ thuận với số người bỗng nhiên chém giết nhau hàng ngày, tỷ lệ thuận với bạo hành gia đình và số vụ ly hôn và nhiều hệ lụy khác từ Nhập tửu quá độ.
 Bản thân việc uống rượu không xấu, nhưng khi xã hội lạm dụng rượu thì tất yếu sẽ dẫn đến một đời sống hỗn loạn, kỷ cương phép nước bị coi thường, luôn lý xã hội bị chà đạp. Bài viết đưa ta về với một thời chưa xa mà nói về văn hóa hẳn không bằng ngày nay, nhưng rõ ràng chỉ với cách uống rượu tinh tế, có tình như người xưa thì cách nói đó có thể phải xem xét lại.


Lý Khắc Cung

1 nhận xét:

  1. Bản thân hình thái uống rượu không xấu, đúng vậy, nhưng uống xong rồi, và uống triền miên thì phải biết "tri kỳ tử".
    có nghĩa là uống quá đã thì phải biết đến chết.

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment