Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Những đứa trẻ ‘tím bầm’ trong rét buốt Mộc Châu

Những người dân ở bản Láy biệt lập với thế giới bên ngoài


Sống trong cảnh rét mướt, thiếu quần áo mặc quá lâu nên Xín và những đứa trẻ khác không bao giờ dám mơ đến sự ấm áp cho bản thân. Chúng mặc nhiên cho rằng mình phải tự chống chọi lại cái lạnh đến đau buốt của núi rừng.
Nơi thế kỷ 21 chưa ghé thăm
Mộc Châu những ngày đầu năm mới 2013, các đợt giá rét tăng cường thi nhau ùa về khiến nền nhiệt giảm chỉ còn 12 độ C ban ngày và về đêm chỉ dao động 5 - 6 độ C. Trên cung đường đồi núi quanh co với những con dốc dài thăm thẳm, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp cài số 1 của chiếc xe máy để ì ạch chạy.
Mất gần 2 tiếng đồng hồ để đi 40km, chúng tôi đặt chân được đến bản Láy thuộc xã Tân Xuân, huyện Mộc Châu, Sơn La. Trái ngược hẳn với khung cảnh nhộn nhịp dễ nhận thấy ở trung tâm huyện và những khu vực cạnh nông trường Mộc Châu,bản Láy biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Con đường vào bản vẫn chi chit cỏ rậm, ở giữa thành đường bởi những bước chân của bà con dân tộc ngày ngày đi qua đi lại để lên nương làm rẫy hay những bước chân của trẻ nhỏ cùng nhau nô đùa.
Nơi đây dường như đã bị sự phát triển lãng quên bởi nét hoang sơ đến tột cùng. Từng nóc nhà sàn thấp lè tè chìm khuất dưới những tán cây rậm rạp, trong mỗi nhà sàn nền đất chẳng có lấy một thứ đồ đạc nào để người ta biết rằng xã hội đã bước sang thế kỷ 21. Những người dân tộc Mông ở đây quanh năm chỉ biết sống bằng nghề nông lạc hậu, mỗi hộ gia đình trồng thêm rau và nuôi gia súc, kinh tế chủ yếu là tự cung tự cấp trong khi việc thực hiện kế hoạch hóa chưa tốt nên cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm đói rách khi nhà nào cũng đông con.
Đã nhiều năm nay, bản Láy vẫn chưa hề có điện, cuộc sống vẫn chìm trong tăm tối, những đứa trẻ tội nghiệp hầu hết đều không có điều kiện để được đi học bởi cuộc sống quá khó khăn. Khi cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn thì đâu có thể đi học trong hoàn cảnh như vậy.
Chả vậy mà khi tôi với anh bạn bước chân vào cái vùng đất bị lãng quên này, từ người già cho đến trẻ con đều nhìn bằng ánh mắt ngạc nhiên đến lạ kỳ, có lẽ họ chưa bao giờ được nhìn thấy những người dân tộc kinh, quanh năm họ chỉ quen nhìn thấy hình ảnh con người với những bộ quần áo dân tộc và nhất là những người phụ nữ búi tóc quấn khăn, nhuộm răng đen, ngày ngày đeo gò đi làm rẫy hoặc ngồi trong gian phòng tối om miệt mài ngồi may, thêu trang phục cho gia đình.
Chân trần, tím bầm trong giá lạnh
Trong cái giá lạnh như cắt da cắt thịt của vùng núi tây bắc, mỗi người chúng tôi đều phải đắp lên người đến ba bốn lớp áo dầy cộp vẫn cảm thấy tê tái. Ấy vậy mà, vô số những đứa trẻ ở bản Láy và nhiều bản lân cận thiếu thốn đến mức không có đủ áo ấm để mặc.
Nhìn đứa trẻ chỉ mới 3 tuổi trên mình khoác một manh áo đơn sơ, quần không, dép không, hai bàn chân tím bầm, nứt nẻ vì giá lạnh mà chúng tôi không khỏi xót xa, quặn thắt từ sâu trong tâm khảm. Việc những đứa trẻ nơi đây khi chưa biết đi đã phải theo bố mẹ lên nương làm rẫy là chuyện quá đỗi bình thường. Ngay từ khi sinh ra, những đứa trẻ đã phải đương đầu với những thử thách và phải chịu sự rèn luyện hết sức khắc nghiệt, không phải đứa trẻ nào cũng tốt số để sống sót vượt qua nghịch cảnh, không ít đã phải bỏ mạng vì đói, vì rét, vì bệnh tật nhưng không có tiền để chạy chữa.

Một em bé chân không giữa trời giá lạnh


Đôi chân nứt nẻ, tím bầm


Bé gái bản Láy không có áo mặc giữa mùa đông
Dù cho hàng ngày các em phải làm đủ các công việc như đi lên rừng kiếm củi, hái rau, măng ở rừng hoặc địu những bó cỏ to gấp mấy lần cơ thể nhưng đến mùa đông giá rét cũng chỉ có những manh áo nhàu nát, cũ kĩ không thể đủ sưởi ấm.
Đứng xen lẫn trong đám bạn, cô bé Mùa A Xín, đứa trẻ duy nhất bập bẹ được vài câu tiếng Kinh, khi tôi hỏi 'em có lạnh không', cô bé e ngại ấp úng ‘có’ rồi cười. Nụ cười đẹp hồn nhiên, tinh khôi như thứ vốn có của núi rừng tây bắc. Có lẽ vì đã sống trong cảnh rét mướt quá lâu nên Xín và những đứa trẻ khác không bao giờ dám mơ đến sự ấm áp cho bản thân và chúng mặc nhiên cho rằng mình phải tự chống chọi lại cái lạnh đến đau buốt của núi rừng.

Với những đứa trẻ bản Láy, phải chịu đựng giá rét dường như đã trở thành một điều bắt buộc chúng phải vượt quaCái rét đã khốn khổ, khi được tận mắt chứng kiến bữa ăn của những đứa trẻ “tím bầm” càng khiến chúng tôi xót xa. Bữa ăn của những đứa trẻ ở đây không phải bữa nào cũng có cơm trắng để ăn, có bữa phải ăn ngô, ăn sắn. Bữa cơm có thịt cũng là một điều quá xa xỉ, cả năm may ra chỉ trông chờ vào những dịp ngày lễ, ngày tết hoặc giả ngày nào bố mẹ chúng đi bộ ra chợ huyện để buôn bán những vật phẩm gia đình làm được và mua về một chút thức ăn ngon cho gia đình.
Chiều tà, ánh sáng tắt nhanh ở bản Láy, màn sương dày đặc theo gió ủa về giăng đầy khắp lối, rét càng thêm buốt nhói. Từ từ đẩy chiếc xe lên con dốc rồi nổ máy, trước lúc chúng tôi đi, lũ trẻ con vẫn chạy bám theo sau cười khúc khích, bằng những đôi chân ấy, đôi chân tím bầm trong giá rét mùa đông…
Theo Infonet

2 nhận xét:

  1. Đọc xong bài thấy thương các cháu quá!Ko biết các đ/c X,Y,Z ở trung ương có biết!?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. LĐ biết rồi, nhưng cứ để đấy xem sao, đứa sống tốt thì cho sống tiếp, đưa lên làm lđ, chứ chăm bẵm như trẻ con HN, HCM thì lớn lên trẻ nó vô đại học hết, lấy ai làm L/Đ

      Xóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment