Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra!
Tôm hùm là một trong những món đắt khách tại các nhà hàng sang trọng.
Trong lúc nhiều người vật vã vì miếng cơm manh áo thì đâu đó ở các nhà hàng sang trọng vẫn rôm rả trong tiếng chạm ly, nói cười của những đại gia với bữa ăn giá cả “ngàn đô”.
Hoa mắt vì bữa ăn "phòng vàng"
Nhận được điện thoại của người bạn làm việc ở nước ngoài lâu ngày trở về, tôi tất tả đến nhà hàng L.Đ nổi tiếng bậc nhất ở Hà Nội. Khi đến nơi, một nhân viên lễ phép mượn chìa khoá rồi tự lái xe đi gửi; hai nhân viên nữ xinh đẹp hướng dẫn tôi lên phòng vàng - phòng VIP số 1 của nhà hàng này. Ngay từ ngoài phòng lễ tân, cách bài trí đồ và sử dụng màu sắc sang trọng đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Vào đến phòng vàng, tôi càng choáng ngợp hơn khi thấy màu vàng chủ đạo, với bức rèm pha lê, bộ đèn chùm toả ra ánh sáng đặc trưng của cung đình mà tôi từng được thấy trên các bộ phim của Trung Quốc.
Đập vào mắt tôi là chiếc bàn ăn màu trắng sang trọng đặt ở giữa phòng. Cứ theo giải thích của cô nhân viên xinh xắn tên Hương thì tất cả bát đĩa, thìa dĩa, ly chén trên bàn đều được mạ vàng 24K, với những đường nét được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo. Những người được ăn ở "phòng vàng" này, theo bạn tôi cho biết, là phải có hoá đơn thanh toán từ 1.000 USD trở lên. Thực tế, ít có bữa nhậu nào ở phòng vàng dưới 2.000 USD, bởi đồ ăn ở đây khá đặc biệt, từ cách chế biến, bày biện cho đến giá cả.
Môi cá anh vũ được rất nhiều đại gia "săn lùng".
Tôi liếc qua thực đơn, thấy giá niêm yết không có món nào dưới 30 USD (tương đương 600.000 đồng). Theo cô nhân viên xinh đẹp kia, tại nhà hàng có hơn 300 món ăn mang hương vị Hồng Kông (Trung Quốc) đích thực và do chính đầu bếp người Hồng Kông chế biến. Theo một người bạn khác trong mâm thì L.Đ là nhà hàng đắt đỏ bậc nhất ở Hà Nội. Chủ nhà hàng là một người Hồng Kông, kinh doanh đã mấy năm nay. Tại nhà hàng này, tầng 1 dành cho các bàn ăn chung, tầng 2 là các phòng riêng nhưng ở mức độ trung bình. Còn tầng 3 có các loại phòng như: "phòng vàng", "phòng bạc", "phòng phong thuỷ"... được trang trí riêng biệt theo đúng tên gọi của nó, nhưng đều chung một điểm là sang trọng và đắt đỏ.
Đặc biệt, trong thực đơn "đầu bếp giới thiệu", bếp trưởng Chung K.L sẽ trổ tài 20 “món tủ” bằng các tuyệt chiêu. Đó là các món cua gạch nguyên con hấp gừng hành, cây cá hồng xíu thượng hạng, hải sản thập cẩm om kiểu L.Đ, bóng cá om trứng cua... Thú vị nhất phải kể đến là món súp "Phật nhảy tường". Súp này bao gồm 7 nguyên liệu chính là vi cá, bào ngư, sò điệp, gân nai, bong bóng cá, hải sâm và nhân san cùng 20 phụ liệu khác. Cứ theo quảng cáo của nhà hàng này, "món súp này ngon đến mức khát khao thưởng thức lấn át cả lý trí, đến Phật cũng không thể cầm lòng mà phải nhảy qua tường hàng xóm để nếm thử" (!?).
Bữa ăn của chúng tôi gồm có 16 món, được nhà hàng bày trí cẩn trọng. Một chai rượu ngoại mạnh loại sang trọng được bán với giá 24 triệu đồng. Kết thúc bữa ăn cho 6 người, bạn tôi thanh toán hoá đơn hết hơn 85 triệu đồng, vị chi mỗi người "ăn" hết gần 15 triệu đồng, cho một bữa no!.
Món ăn hiếm gặp móc "hầu bao" đại gia
Còn nhớ cách đây ít ngày, cũng gặp người bạn cũ, tôi phải chắt bóp ít tiền mời bạn ra quán baba S.Đ trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội). Bữa ăn có 8 người, chúng tôi gọi một con baba gần 3kg và chai rượu, với tổng chi phí hết gần 4 triệu đồng. Thế nhưng, ăn xong, bạn tôi phán câu xanh rờn: "Baba ở đây ăn không ngon gì cả!", làm cả mâm ngạc nhiên. Nói rồi, anh bạn rủ chúng tôi sang nhà hàng L.P trên đường Hoàng Đạo Thuý (Hà Nội). Nhà hàng này có nhiều món rất lạ và đắt như: Cua hoàng đế (10 triệu đồng /con), tu hài Canada (5 triệu /con)...
Như đã quen từ trước, tại đây, bạn tôi gọi món "baba om hạ thảo". Đây là món được xếp vào loại đắt nhất ở nhà hàng này, với nguyên liệu chính là baba và đông trùng hạ thảo - một vị thuốc cực quý có nguồn gốc ở dãy Himalaya lạnh lẽo giáp ranh giữa Trung Quốc và Nêpan. Nghe nói, một cân đông trùng hạ thảo ở đây có giá khoảng 30.000 USD, tức là khoảng 600 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, theo chủ nhà hàng, đông trùng hạ thảo ở đây chỉ là loại có nguồn gốc từ Hàn Quốc hoặc là từ một trung tâm nghiên cứu ở Đà Lạt (Lâm Đồng), có giá khoảng 20 triệu đồng/lạng. Mỗi nồi om sẽ bao gồm một con baba (khoảng 1,5 - 1,8kg) và 0,5 lạng đông trùng hạ thảo. Như vậy, mỗi nồi om cũng có giá khoảng 18 triệu đồng.
Một nhân viên của nhà hàng trên kể lại rằng, cách đây khoảng ba tháng, có một Việt kiều đến đặt bàn sang trọng nhất, dành cho ba người ăn. Vị khách này đến và yêu cầu được vào bếp để chế biến một món rất đặc biệt. Khi vào bếp, vị khách lấy ra một hộp bọc giấy vàng rất đẹp, nặng khoảng ba lạng và tự tay chế biến ba bát súp. Loại trứng này màu vàng óng rất đẹp, trăm trứng như một. "Vị bếp trưởng cũng bảo là chưa bao giờ nhìn thấy loại trứng này. Mãi đến khi thưởng thức, vị khách mới tiết lộ cho mọi người biết đó là trứng cá tầm trắng có tuổi đời hơn 50 năm. Chỉ ba lạng trứng nhưng có giá gần 160 triệu đồng!", cô nhân viên mắt tròn mắt dẹt kể.
Cũng tại nhà hàng trên, một số thực khách đại gia cũng mạnh tay chi tiền để được thưởng thức món môi cá anh vũ. Đây là loại cá rất quý hiếm, chỉ có trên hệ thống sông Gâm, sông Lô và sông Thao. Với cấu tạo đặc biệt, môi cá anh vũ là lớp sụn chìa ra, cá càng nhiều tuổi thì môi càng chìa ra, khi ăn càng giòn, bùi. Theo lời đồn, ăn môi cá anh vũ sẽ gặp may mắn, thuận lợi trong việc kinh doanh. Vì thế, nhiều đại gia sẵn sàng chi hàng chục triệu chỉ để thưởng thức bát súp môi cá anh vũ. Thế mà, khách muốn ăn thì phải đặt trước cả chục ngày thì chủ quán mới có thể gom đủ cho vài ba người ăn.
Nhà hàng bình dân "chết đứ đừ"
Trái ngược với các nhà hàng sang trọng vẫn đông khách, thậm chí có nhà hàng còn vớ bẫm hơn mấy năm trước, các nhà hàng, quán ăn bình dân rơi vào tình trạng bi đát hơn bao giờ hết. Cảm nhận rất rõ rằng, các nhà hàng, quán ăn hiện không còn đông khách như mấy năm về trước. Số lượng nhà hàng, quán ăn đóng cửa ngày càng nhiều. Theo một thống kê chưa chính xác, trong năm 2012, chỉ riêng Hà Nội đã có hơn 500 nhà hàng đóng cửa, vì làm ăn thua lỗ. Trong số nhà hàng còn tồn tại thì có tới 1/3 đang hoạt động cầm chừng hoặc trong tình trạng "chết lâm sàng”.
Chỉ dài khoảng 1,5km trên phố Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hai năm trước có khoảng 15 quán nhậu, với những cái tên quen thuộc như Linh Chi, Tây Đô, Hiếu béo, Long Thành... Thế nhưng, hiện nay, trên phố này chỉ còn lại khoảng 7 - 8 nhà hàng. Khảo sát tại các nhà hàng này cho thấy, lượng khách ăn đã giảm đến 2/3 so với vài năm về trước. Và đặc biệt, chi phí trung bình mỗi thực khách đến đây giờ chỉ bằng 1/2 so với trước đó. "Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào, tiền điện nước, nhân công đều tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Vì thế, việc các nhà hàng, quán ăn nếu không đủ sức thì đóng cửa cũng là chuyện đương nhiên", anh Cường (quản lý nhà hàng H.B) chua xót nói.
Chị Nguyễn Thị Hải, một đầu nậu nguyên liệu của các nhà hàng khu vực quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm (Hà Nội) kể: "Cách đây mấy năm, nhất là vào dịp cuối năm như thế này, mỗi ngày tôi đưa cho các nhà hàng khoảng 300 triệu tiền hàng. Thế nhưng, từ đầu năm trở lại đây, do khách ăn ngày càng ít nên lượng hàng tiêu thụ chỉ còn khoảng 1/10". Cũng theo chị Hải, trong 5 năm qua, chị là mối giao hàng cho một quán ăn trên phố Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy), mỗi ngày khoảng 20 triệu đồng, theo nguyên tắc "gối đầu một tháng", tức là cứ cuối tháng này thì nhà hàng trả tiền cả tháng trước. "Thế mà, đùng một cái nhà hàng giải thể, chủ nhà hàng lặn mất tăm. Số tiền hơn 600 triệu đồng mà nhà hàng nợ đã không cánh mà bay..." chị Hải vừa khóc vừa nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment