Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

ĐẤT NƯỚC - NGUYỄN ĐÌNH THI

Quốc Việt K5 (PT) 
Kính gửi anh chị em bantroi
Đọc thơ của cô giáo Thơ, đầy cảm động. Cô nhắc tới một khía cạnh tinh tế, một góc khuất của cuộc chiến tranh, đầy tình người.
Sắp tới những ngày cách mạng tháng 8 và Lễ Độc lập 2/9, xin gửi cô Thơ và anh chị em một cách nhìn khác về bài thơ:
ĐẤT NƯỚC - NGUYỄN ĐÌNH THI
Lịch sử chính là tương lai của hiện tại. Săp đến những ngày CMT8', đọc lại bài Đất Nước của Ngyễn Đình Thi và cùng suy ngẫm.
Nhiều người đã viết bài bình rất hay về Nguyễn Đình Thi cũng như bài thơ “Đất nước” của ông. Người ta cho rằng ông là con người tài hoa, với văn phong giản dị, không cầu kì, đưa ra những áng văn thơ tuyệt tác.
Có thể đúng vào một khía cạnh nào như thế, nhưng toàn cục thì không.
Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thị là bài thơ không vần - đôi khi thơ vần lại làm mất cả ý tưởng - toàn bài như một bài hát đầy nhịp điệu, cứ ngân nga trong từng câu, từng đoạn, đầy hình ảnh và triết lý; Chàng thanh niên 24 tuổi nghiên cứu sinh tiến sỹ (Doctorat) Triết học ấy, không hề đơn giản khi viết bài thơ này lúc đó.

Là nhà văn, nhạc sỹ, nhà viết kịch... bậc thầy, thơ ông nói lên nhiều điều mà nhiều nhà thơ về sau cố viết lại, nhưng “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi vẫn sống mãi với thời gian. "Đất nước" là định nghĩa về dân tộc, tổ quốc (Nation) bằng thơ
Bài thơ được viết vào giai đoạn kháng chiến chống thục dân Pháp đang quyết liệt (1948), vừa ra khỏi Chiến dịch Việt Bắc, lại giúp bạn giải phóng Trung Quốc, nhà văn cũng là chiến sĩ, hình tượng anh bộ đội cụ Hồ trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ lúc ấy điển hình vẫn còn là bộ quần áo nâu ống túm, áo trấn thủ với chiếc mác cán tre là chính, chưa có nhiều vũ khí.
Bài thơ viết cho ai?
Dĩ nhiên viết cho người mình, cho những anh bộ đội, những người cán bộ địch hậu, những người nông dân mù chữ nhưng giàu lòng yêu nước; đúng như Cao Bắc nói, như khẩu hiệu; Nhưng trước tiên bài thơ viết cho chính tác giả. Từng chữ, từng chữ, từng câu, từng câu... như chắt lọc những giọt máu của mình, như hơi thở của mình... cho mọi người hiểu về Dân tộc Việt, Tổ Quốc Việt.
Bài thơ viết gì?
Thơ cần có ý, tứ, thần. Thần đã rõ, Ý cũng đã rõ, còn tứ Bài thơ là gì?
Nhiều người thích tầm chương trích cú, thắc mắc Nhà thơ viết về mùa Thu cũng giống như Thế Lữ, giống như Bích Khê, như Xuân Diệu ... thời Thơ Mới (1943). Không đúng, nên bỏ qua; Bài định nghĩa triết học về Tổ Quốc, về Dân tộc bằng thơ này không hạn chế bởi không gian và thời gian, dù rằng có nhắc tới Mùa Thu.
Bài thơ được phân ra 4 đoạn (tứ) tương đối rõ:
1) Phần Mở
Ngay đầu bài, nhà thơ nhắc tới kỉ niệm “cái thủa ban đầu dân quốc ấy” - Mùa Thu năm 1945, khi cả nước đón mừng Lễ độc lập.
TỰ DO thiêng liêng - như một luồng gió mát tràn về, mang lại no ấm sau trận đói kinh hoàng năm Ất dậu, như chính nỗi lòng của tác giả khi viết bài ”Người Hà Nội” nổi tiếng: :
“Ngày ấy chói vinh quang, vang ngàn phương lời thề Nước
Việt Nam yêu dấu ngả soi bóng sông Hồng Hà”
”Lời thề Nước” là lời thề trong bản Tuyên ngôn độc lập được Hồ Chủ tịch đọc:
“Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy...”.
Và quảng trường Ba đình lịch sử hôm ấy, chứng kiến hàng vạn người hô như sấm dậy: “Xin thề!” Sau lễ Tuyên Ngôn độc lập, ngay tại Quảng trường đó lại còn một Hội thề nữa, thề không hợp tác, làm việc, dẫn đường cho thực dân Pháp. Hội nghị Diên Hồng mới ấy đã thổi vào lòng người dân Việt một luồng gió mới ý thức thế nào là người Việt, dân tộc Việt, là nước Việt Nam. Người đã viết lên "Diệt Phát xít", rồi "Người Hà Nội" không thể viết về cảnh êm đềm ngắm trăng dưới thời thuộc Pháp -Nhật như một số học giả bình luận, trong lúc hàng đoàn xe bò chở xác chết của dân mình đi qua. Làng Cốm, làng Hoa hồi ấy nhiều người chết đói.
2) Phần Dẫn
Phần dẫn có nhiều bình luận. có thể là quá khứ đau thương của Dân tộc Việt, nhưng đúng nhất vẫn là nói về cái hào hùng, ngang tàng, đầy khí phách của người Hà Nội, sẵn sàng đốt nhà mình, đục nhà mình, mang tất cả đồ đạc, phá đường của mình xây chiến luỹ chặn quân thù, bước vào Toàn Quốc Kháng chiến:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại”:
“Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời,
Hà Nội ầm ầm rung sông Hồng reo...”
Anh thanh niên Nguyễn Đình Thi lúc đó 22 tuổi, có thể đã cùng đại bộ phận cán bộ, nhân dân Hà nội tản cư từ trước (Chính phủ lệnh cho nhân dân, các cán bộ không trực tiếp chiến đấu bắt đầu tản cư từ 2/1946) và nhìn về quê nhà. Không ngoảnh lại là không theo giặc chứ không phải không thấy nhói ở con tim, chớm lạnh trong lòng là thế.
Bằng thơ, bằng bài hát Nguyễn Đình Thi đã tạc hình ảnh tuyệt đẹp về người Hà Nội không thể phai mờ được trong trái tim, khối óc của người dân cả nước.
Anh Phùng Văn Thụ (bí danh là Phùng Hữu Tài rồi Phùng Thế Tài), sau là Phó Tổng tham mưu trưởng, tư lệnh quân chủng phòng không không quân, đánh bại Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lúc đó 25 tuổi, trung đoàn trưởng đầu tiên của trung đoàn 28 Lạng sơn, được điều về tăng cường Mặt trận Hà Nội năm 1947,
Chàng thanh niên 23 tuổi Hoàng Văn Thiệu (bí danh là Hoàng Văn Khánh hay Trần Giới) sau này là Tư lệnh bộ đội Tên lửa đánh thắng B52, lúc đó là phái viên mặt trận, đang sống chết với Trung đoàn Thủ đô; Cách đó 60 Km, anh Trần Xuân Viên (bí danh là Viễn Chi), lúc đó 27 tuổi, tỉnh uỷ viên phụ trách vùng địch tạm chiếm, đang cùng nhân dân Hải Dương - Kiến An (tỉnh Hải Kiến cũ) và bộ đội, du kích tổ chức đánh đường 5, không cho thực dân Pháp vận chuyển vũ khí, lương thực cho 2 vạn quân Pháp đồn trú trong thành Hà Nội suốt chặng đường từ Hải phòng về.
Cả một Dân tộc đã đứng dậy như vậy.
3) Phần Luận
Nguyễn Đình Thi định nghĩa Tổ Quốc bắt đầu từ Mùa Thu lịch sử, nhiều người cố giải thích từ chiến khu Việt Bắc mà quên răng bài thơ đang nói về đất nước, có quá khứ, hiện tại, tương lai, hình bóng một Dân tộc đang đứng lên; Không phải nói về đất nước sang Thu.
Tổ Quốc là thế đấy: trời xanh, núi rừng, ruộng đồng, dòng sông, bụi tre ... rồi ánh mắt người yêu và cả những người không bao giờ khuất (Cảm ơn cô Thơ)
Ai cũng nói Nguyễn Đình Thi dùng từ đơn giản đến mức bất cứ ông Tây nào chỉ cần biết vài trăm từ Việt có thể đọc, hiểu thơ của Ông.
Vô lý, hãy thử dịch câu "trong biếc nói cười thiết tha" mà xem: Biếc này là xanh biếc của nền trời (blue), biếc xanh của tán rừng, của rặng núi và của màu mắt biếc nữa (green); đối lập hoàn toàn với Hà Nội cháy, phố dài xao xác heo may.
Đất nước (Land and Water) được rút lại là nước (Water) nhưng lại là ĐẤT NƯỚC (Country – đất) ấy, chỉ có người Việt mới đọc hiểu đúng, không có trong bất kì ngôn ngữ nào trên thế giới.
Ai cũng biết "Những người không bao giờ khuất" mà nhà thơ nói đến mang cả ý nghĩa một dân tộc bất tử, nhưng thường quên về những người không chịu khuất phục, không chịu sống quỳ. Trong ngôn ngữ quốc tế, "những người" cũng là Nhân dân và đôi khi cũng là Dân tộc.
"Ôm Đất Nước" của Nguyễn Đình Thi còn mở ra nhiều tranh luận hơn nữa về Triết học, Xã hội học, Văn học...
Khi người Pháp không thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, đưa quân đội nhà nghề và vũ khí hiện đại để tiêu diệt Nhà nước VNDCCH còn non trẻ, thì khẩu hiệu
"Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa"
Đi vào lòng người lắm, cứ âm vang mãi mãi .... Cho đến bây giờ.
Năm 1948, thực dân Pháp mở cuộc tấn công lớn Vega nhằm tiêu diệt chính quyền cách mạng ở Trung và Nam Bộ nhưng thất bại. Nơi ấy nổi tiếng với tiểu đoàn 307, rồi Bình Trị Thiên khói lửa.
4) Phần Kết
Tứ thơ cuối là kết luận - Đó là dân tộc Việt, cũng là tên đất nước.
"Nước Việt Nam từ trong khói lửa,
Rũ bùn đứng dậy sáng loà!"
Hình tượng Văn học điển hình của Anh hùng ca Hô-me-rơ.
Tư duy của vĩ nhân thật lạ; Sau khi đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với nhân loại - Chính là Dân tộc Việt.
Giới thiệu với anh chị em một cách nhìn khác về bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi

“ĐẤT NƯỚC”
Nguyễn Đình Thi

“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!

Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn

Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da...

Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!

Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”

1948
(Rút trong tập thơ Người chiến sĩ, NXB Văn nghệ , 1956.)

2 nhận xét:

  1. Tôi không ham thơ phú nhưng thich phần bình luận của QV

    Trả lờiXóa
  2. Cháu rất thích bài thơ này. Đây cũng là bài thi đưa bước chân cháu vào trường Đại học. Ngày ấy, cháu cũng không nhớ mình đã phân tích bài thơ này như thế nào mà chỉ nhớ khi đọc đề về "Đất nước", cháu đã mừng rơn. Trọn thời gian thi 3 tiếng, liền một mạch cháu viết không ngừng, cảm xúc dạt dào ! Cháu nhớ như in cảm giác bồi hồi khi viết về hình ảnh:
    Mùa thu nay khác rồi
    Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
    Gió thổi rừng tre phấp phới
    Trời thu thay áo mới
    Trong biếc nói cười thiết tha!
    và so sánh với những ngày còn đau thương, máu đổ :
    Ôi những cánh đồng quê chảy máu
    Dây thép gai đâm nát trời chiều
    ...
    Hôm nay đọc bài này của chú QcV, cháu nghĩ trong lòng chú là một tình cảm thiêng liêng với đất nước, với con người VN. Cháu ngưỡng mộ lắm những bài viết đầy yêu thương như thế này.

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment