Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Tại sao? Hồ Chí Minh. - Các góc khuất của Lịch sử cần sáng tỏ.

 Quốc Việt K5 

Chào các anh chị em và các BanTroi thân mến! 

Nhận được tin nhắn của anh Lảnh, mừng run người, các bậc trưởng lão đều động viên. 
Mình còn nhớ hôm đến nhà, anh Lảnh cho xem tấm ảnh Chi đoàn cũ, mình nhận được mặt từng người, trừ một thằng đầu húi cua, mặt tròn tròn. –“Em chịu, trong quen quen nhưng không nhớ ra ai”.
Ông Lảnh cười khà khà, bố ấy cười đến khó chịu vì mất hàng tiếng. Cười xong ông ấy thủng thỉnh phán: Cái thằng dở hơi trong ảnh, mày biết là ai không? Chính là mày đấy. Đần bỏ mẹ, đến mình mà cũng không nhận ra.
Anh Lảnh ơi! Kiến Quốc, Cao Bắc, Bắc Hải... những anh em xa Hà Nội lâu, có biết Hà Nội mùa này có hoa gì không?
Anh chàng có tên trong sách đỏ quốc gia đưa ra hoa phượng – đã đến mùa đâu? Vậy là Phượng năm ngoái và vạt hoa Lộc vừng ấy có thể của ... “muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ...”. Hóa ra hắn không có người yêu,
Hai bên đường Trần Hưng Đạo rụng trắng hoa sấu. Hoa sấu li ti trắng điểm hồng, ngòn ngọt, gợi nhớ quả cà, bát canh rau muống, món vịt om sấu... và các cô gái không bao giờ quên món sấu dầm.
Các bạn thân mến, hãy tưởng tượng đi và nuốt nước bọt; Mình vừa đi qua bạt ngàn hoa sấu rụng, nhớ từng bước chân, từng kỉ niệm.
Đừng giận mình nhé, hoa đẹp thì năm nào cũng được. 
Để xin lỗi, Quốc Việt gửi anh em bài nghiên cứu riêng,đọc cho vui nhé.

Tại sao? Hồ Chí Minh.                                                            Tôi nói, đồng bào nghe rõ không ?
Các góc khuất của Lịch sử cần sáng tỏ.
Mình chơi với nhà thơ Phạm Tiến Duật, lúc anh ấy còn hàn vi. sau thì thôi, dù rằng anh ấy thi thoảng rủ mình đi uống rượu. Anh ấy là một người uyên thâm - nhưng đừng làm Chính trị.
Nhân sự kiện Nhà nước cho đăng tiểu thuyết "Búp Sen Xanh" xôn xao một thời, anh Duật cho biết, Hội đồng kiểm duyệt đánh giá, đại ý: Tiểu thuyết là chuyện Bịa y như thật; Búp Sen Xanh ghi rõ là Tiểu thuyết, nhà Văn bịa thế là giỏi. Hơn nữa, tâm linh người Việt thì cụ Hồ có vợ mới hoàn hảo, nhà Văn bịa nhưng đúng tâm nguyện của Dân. 
Thực ra, Dân ấy cũng cần phải xem là ai? Từ đó, lây lan nhiều chuyện.
Nhiều người thắc mắc tại sao Bác Hồ lấy tên là Hồ Chí Minh. Đài Loan xuất bản một tiểu thuyết nói rằng ông Hồ Chí Minh là người Đài Loan (???). 
Người Pháp không thể nhận ông Hồ Chí Minh là người Pháp được, đành nhận ông Hồ có vợ Pháp (???), rồi tiểu thuyết Trung Quốc cũng bắt chước. Nhà Văn Hoàng Tranh dựng ra một câu chuyện, dẫn chứng một bức thư tình bằng chữ Hán kí tên Lý Thuỵ gửi vợ Tăng Tuyết Minh để chứng minh. Xem bức thư thì buồn cười, bài thơ đó là của người Trung Quốc xịn, tài hoa, phóng đãng viết với nét chữ bay bướm, điệu nghệ, không hề giống gì với nét chữ chất phác, ông đồ Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã viết trong Ngục Trung Nhật kí (xem Wikipedia).
Hoá ra ông Hồ được nhiều dân tộc yêu thích, đam mê.
Trong cuốn Hồ Chí Minh - một cuộc đời (Ho Chi Minh, a life, các bạn có thể đọc trên mạng), nhà sử học Mỹ - William J. Duiker, nguyên là nhân viên tình báo Mỹ ở Miền Nam Việt Nam có đưa ra một số sử liệu thú vị:
1) Không ít người mồ côi bố, mẹ; nhưng ít người như ông Hồ phải một mình, giữa Kinh đô Huế, lần lượt chứng kiến và mang chôn mẹ rồi em mình, trong khi bố và anh, chị phải đi chấm thi ở Quảng Bình để kiếm tiền.
Về tâm lý, con người đó sẽ suốt đời đấu tranh vì Hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em. Mà kì lạ, Việt Nam có 2 ngày Phụ nữ và 2 ngày trẻ em.
2) Tại sao mật thám Pháp lại rỗi hơi theo dõi ông Nguyễn Sinh Sắc và ông Phó Bảng ấy làm sao được đi vào xứ Cao Lãnh, cái gò đất trong xứ đầm lầy mênh mông của miền Tây Nam Bộ khi đó, lúc nhúc muỗi, đỉa? Thực tế Cụ ấy bị đi đày.
3) Đúng là đơn xin học, giấy tờ làm đầu bếp, gặp mặt toàn quyền Đông Dương, Chánh mật thám Paris, ông Hồ đều khai năm sinh khác nhau, bố, mẹ, anh, chị, em đều chết cả. Tác giả nhận xét, khai thật với Mật thám thì bỏ bố (theo cả nghĩa đen), mà khai thật thì cũng chẳng có Hồ Chí Minh.
4) Gần đây các nhà Sử học Việt Nam, với cứ liệu của Viện Công giáo Pháp, cho rằng có 5 ông Nguyễn Ái Quốc ở Paris Pháp, đồng tác giả bản Yêu sách của nhân dân Đông Dương. Họ cho rằng lúc đó ông Hồ không đủ trình độ viết yêu sách.
W,J. D phân tích rất hay: Có ai ngoài ông Hồ, một mình lên cung điện Versail để đưa kiến nghị của Nguyễn Ái Quốc, có ai ngoài ông Hồ, tự bỏ tiền in 5000 bản yêu sách đó, tự đem phát ở bến tàu, bến xe, gửi về Việt Nam và chính hôm đó, ông bị mật thám Pháp đánh lên bờ, xuống ruộng; đến mức bò về đến nhà trọ, anh em cùng thuê nhà đều bỏ trốn. Cơ quan tình báo Mỹ phát hiện (khi làm việc cùng ông Hồ ở Việt Bắc), bàn tay của ông Hồ cong queo do hoại tử và cột sống bị vẹo, chân bị tật. Đó là hậu quả của trận đòn thù năm ấy.
Làm sao Thượng thư Bộ thuộc địa, Chánh mật thám đô thành Paris lại phải cúi mình mời ông Nguyễn ấy đến để "hỏi thăm" khi không thể khuất phục được và ông ấy khảng khái nhận chính mình là Nguyễn Ái Quốc. 
5) Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập và lãnh đạo ĐCS Pháp năm 1920 rồi sang Nga năm 1923 với tư cách Đại diện ĐCS Pháp
Ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân của Quốc tế Cộng sản và được cử làm Uỷ viên Bộ Phương đông, Phụ trách Cục Phương Nam tức là phụ trách cả Nhật, Trung Quốc...
Bộ trưởng Bộ Phương Đông QTCS lúc đó là Manulepski ốm đau luôn. Thực tế Nguyễn Ái Quốc phụ trách Bộ này từ 1923 tới 1924.
Hai năm liền, Nguyễn có đơn xin về Việt Nam lãnh đạo Cách Mạng nhưng QTCS không đồng ý vì giai cấp công nhân Việt Nam yếu quá. 
Năm 1924 - 1927, Quốc Dân Đảng Trung Quốc và ĐCS Trung Quốc hợp tác, QTCS đồng ý cho Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu với 3 điều kiện: - Rời khỏi mọi chức vụ ở QTCS, đồng nghĩa cắt mọi nguồn sống. - Không lập ĐCS ở Đông Dương. - Thành lập các chi bộ ĐCS ở Đông Nam Á và Nguyễn chấp nhận. 
Qua thư từ với cụ Phan, đến nơi Tứ cố Vô thân, Nguyễn được giới thiệu đến Quảng Châu găp Lâm Đức Thụ, người Việt, quê Thái Binh, Chủ tịch Tâm Tâm xã, đang làm xá nhân cho 1 viên tướng Quân phiệt Quốc Dân Đảng Trung Quốc.
Nguyễn vừa làm phóng viên, vừa làm phiên dịch cho phái bộ Liên xô ở Quảng Châu để kiếm sống. Nguyễn còn dạy thêm chính trị cho Trường Quân sự Hoàng Phố, nơi Chu Ân Lai và Mao Trạch đông dạy về Quân sự
Cụ Phan và Nguyễn đâu ngờ Lâm Đức Thụ là mật thám Pháp. Mật thám Pháp bỏ tiền cho Thụ mở 1 hiệu ảnh để chụp ảnh các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam rồi gửi về cho Mật thám Pháp. Toàn bộ ảnh của các vị cách mạng tiền bối mà ta có được đều trong hồ sơ mật thám Pháp cũ do Lâm Đức Thụ chụp. 
Lâm Đức Thụ là con chó săn thông minh. Y phát hiện và báo cho mật thám Pháp biết Nguyễn Ái Quốc đã về Quảng Châu, nhưng Mật thám Pháp không tin, yêu cầu gửi ảnh về và Chánh Mật thám Paris nhận ngay ra Nguyễn. Trong bức ảnh chụp đông người ấy, có ảnh 1 phụ nữ do Lâm ghi ở dưới: “Une femme chinoise, l'épouse du Quac”, tức là người đàn bà Trung Quốc, vợ của Quốc.
Về sau, Lâm viết bài tự nhận cùng với bà Đặng Dĩnh Siêu giói thiệu vợ cho Nguyễn. Bức ảnh đó chứng tỏ Lâm không biết gì về người đàn bà ấy
Nguyễn lập “Thanh niên Cách mạng đồng chí hội” trên nền tảng “Tâm Tâm xã” và Lâm Đức Thụ cũng là Chủ tịch.
Năm 1929, khi ở Xiêm, Nguyễn được tin trong nước lập 3 tổ chức cộng sản và Lâm Đức Thụ mời Nguyễn sang Hương Cảng để giải quyết.
Nguyễn đâu ngờ về cú lừa của Mật thám Pháp, cũng như nhiều nhà Cách mạng Việt Nam khác, lừa vào Tô giới Pháp để chúng bắt.
Nguyễn báo cáo QTCS nhiều lần nhưng không có hồi âm; ông tự lặn lội đến Hương Cảng.
Cuộc họp thành lập Đảng ở sân bóng kéo dài gần 1 tháng cho đến 3/2/1930 mới kết thúc được; đó là vì Lâm Đức Thụ muốn kéo dài thời gian, nhưng sân bóng ở Tô giới thuộc Anh nên không làm gì được. Đó là lí do Mật thám Pháp phải nhờ Đặc Vụ Anh bắt hộ.
Trong thời gian này, Nguyễn kết thân với cụ Hồ Học Lãm, người Việt, quê Nghệ An, một yếu nhân của Quốc Dân đảng Trung Quốc và Hồ Tùng Mậu, cũng quê Nghệ An, làm huyện trưởng một huyện của Quốc Dân đảng Trung Quốc.
13/8/1942, Nguyễn Ái Quốc phải đi Trung Quốc để vận động đồng minh chống Nhật. Quảng Châu biết rõ ông; do đó, ông khai là Hồ Chí Minh, người Hoa Việt Nam, phóng viên, em ruột Hồ Học Lãm và em họ Hồ Tùng Mậu.
Đặc vụ Quảng Châu biết quá về ông. ông vẫn bị bắt và giam gần 1 năm 1942 - 1943, đặc vụ Tưởng khẳng định ông chính là Nguyễn Ái Quốc, cán bộ cao cấp của QTCS chứ không phải là Hồ Chí Minh. Ông Hồ Học Lãm và Hồ Tùng Mậu chạy mọi cửa để kêu cứu. 
Sau khi cụ Lãm mất, phu nhân của cụ lên Tưởng Giới Thạch để xin và Tưởng kí quyết định trả tự do, giao cho con là Tưởng Kinh Quốc đến Quang Châu thi hành lệnh.
Cuối năm 1944, vẫn lấy tên Hồ Chí Minh, ông đến làm việc với Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Côn Minh Trung Quốc để trao trả mấy viên phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi và 29/3/1945, ông quay lại gặp Tướng Chennault, tư lệnh quân đội Mỹ khu vực Châu Á Thái Bình dương.
Từ Vân Nam trở về, quân đội Mỹ cử toán tình báo Con Nai cùng về theo, ngủ cạnh lán Cụ Hồ.
Trong cuốn phim về lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 ấy, đứng bên cạnh Hồ Chủ tịch, chính là Thiếu tá Allison Thomas, toán trưởng tình báo Mỹ Con Nai của OSS
Sau lễ tuyên ngôn độc lâp đó, trước Quốc dân đồng bào, ta chỉ thấy Hồ Chí Minh, Hồ Chủ tịch hay Bác Hồ.

Ths TRẦN QUỐC VIỆT


5 nhận xét:

  1. Khi nói về một người thì một chuyện rất bình thường là ai cũng có vợ (chồng), con.
    Trong quyển hồi ký của Charles Fenn , nhân viên của OSS làm liên lạc giữa quân đội đồng minh và Hồ Chí Minh, viết năm 1973, dưới tựa đề :
    Leaders of Modern Thought
    Ho Chi Minh
    (tạm dịch là Những Lãnh tụ của suy nghĩ hiện đại Ho Chi Minh).
    Đoạn kết thúc của cuốn sách là mượn lời của tờ "The New York Times":
    Ho Chi Minh's life was dedicated to the creation of a united Vietnam, free from foreign control, and the 19 million people of his tortured land suffered mightily from his total devotion to that vision. Even so, they affectionately knew him as " Bac Ho" (Uncle Ho). So did many in the South. No national leader alive to-day has stood so stubbornly or so long before enemy's guns.
    Tam dịch là:
    Cuộc đời Hồ Chí Minh là giành cho sự thống nhất nước Việt Nam, thoát khỏi ách thống trị của nước ngoài, và 19 triệu người ở mảnh đất đó đã phải chịu đựng rất lớn lao về quyết tâm đó. Thế nhưng mọi người vẫn thân thương gọi là bác Hồ, ngay cả nhiều người ở miền Nam. Không một lãnh tụ dân tộc nào có thể đứng kiên cường và lâu như thế trước họng súng của kẻ thù.

    CB

    Trả lờiXóa
  2. Mẹ, đúng là có ông bạn làm về lưu trữ tư liêu AN. Sướng!

    Trả lờiXóa
  3. Tặng QV đoạn video cắt từ chương trình du lịch và nghiên cứu về thổ dân Nam Mỹ. Các nhà khoa học đều cho là họ có gốc Mông Cổ, đi qua eo biển Baring mùa đông khi biển đóng băng, dần dần di chuyển xuống phía Nam vài chục ngàn năm trước.
    Họ không có chữ viết nên không để lại một lịch sử gì, khi Columbus khám phá ra châu Mỹ, người Tây-Ban-Nha và Bồ-Đào-Nha bắt đầu đi khai phá rừng hoang ở Nam Mỹ, những cuộc đánh nhau với thổ dân và những bệnh châu Âu đưa sang, thí dụ như bệnh đậu mùa, làm cho những người thổ dân này chết hàng loạt vì không có sức đề kháng với những bệnh đó. Nhưng ngược lại những người Tây-Ban-Nha sang đó khi sống trên những vùng cao nguyên lại không sinh đẻ được, toàn sẩy thai, chỉ sau khi phát hiện ra là phải kết hôn với người thổ dân thì mới sinh nở được, nên bây giờ ở Nam Mỹ phần lớn là người lai giữa người Tây-Ban-Nha, hay Bồ-Đào-Nha với người thổ dân.
    Đoạn sau là một trong những bộ lạc của người thổ dân của vùng rừng Amazon của Brazil, những người đến thăm họ thường phải sống cách ly 1 tuần trong rừng để đảm bảo không có bệnh tật mới được đến gặp ho.
    http://www.youtube.com/watch?v=_tqP8Pz1JxE
    CB

    Trả lờiXóa
  4. Búp sen xanh bịa như thật, thế mà bây giờ lại có một số người lấy đó làm dẫn chứng lịch sử.

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment