Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

'Truyền thông Trung Quốc đang bôi đen Việt Nam'

"Truyền thông Trung Quốc cứ ra rả rằng Việt Nam chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, chiếm nguồn dầu khí của họ. Trung Quốc là bậc thầy của kiểu tuyên truyền "biến thủ phạm thành nạn nhân”, học giả Dương Danh Dy phân tích.
>Trung Quốc mưu đồ thâu tóm Biển Đông như thế nào

- Theo ông, Biển Đông có ý nghĩa thế nào trong bàn cờ chiến lược của Trung Quốc?
- Biển Đông với Trung Quốc không chỉ là tham vọng bá quyền, mà là vấn đề sống còn. 30 năm nay, Trung Quốc đã khai thác đất liền cạn kiệt, giờ phải hướng ra biển. Nhưng thử nhìn xem, phía bắc, phía đông thì vướng Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, đều là các nước có quan điểm rất cứng rắn. Chỉ còn phía nam là Biển Đông, nơi các nước yếu thế hơn.

Chính vì điều này, gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm chiếm hữu biển Đông trên thực tế. Song, điều này càng lộ ra điểm yếu của Trung Quốc rằng họ đuối lý và đang bị cô lập trên thế giới. Tứ phương đông, tây, nam, bắc, thử hỏi có ai đang là bạn của Trung Quốc? Chính các trang mạng của nước này từng băn khoăn đặt ra tình huống, Trung Quốc có mấy người bạn nếu chiến tranh xảy ra.
- Từng nhiều năm nghiên cứu Trung Quốc, ông đánh giá thế nào về những động thái gần đây của truyền thông nước này?
- Một điều tra gần đây trên mạng Hoàn Cầu của Trung Quốc đã đặt vấn đề về việc dùng vũ lực giải quyết vấn đề biển Đông và có tới 92% ý kiến tán thành. Thậm chí, có bài còn nêu ra cách đánh như thế nào. Thời báo Hoàn Cầu là con đẻ của Nhân dân Nhật báo. Tân Hoa xã có trang Sina.com, mạng quân sự có mạng phụ là Trung Quân võng... Các mạng phụ của những cơ quan truyền thông chính thống Trung Quốc không từ điều gì khi nói về Việt Nam. Rõ ràng họ đã được "bật đèn xanh", làm người dân Trung Quốc nghĩ rằng Việt Nam là kẻ thù.


Ông Dương Danh Dy nguyên là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu từ 1993 đến 1996 và làm việc, tìm hiểu Trung Quốc trong nhiều năm. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Tuyên truyền chính thống của Trung Quốc về Việt Nam rất xấu, có thể nói là "bôi đen" Việt Nam suốt hàng chục năm nay. Tôi vào mạng Trung Quốc, hầu như ngày nào cũng có bài nói xấu, xuyên tạc về Việt Nam. Họ cứ ra rả rằng Việt Nam chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, chiếm nguồn dầu khí của Trung Quốc... Trong khi đó, chúng ta tuyên truyền thông tin vào Trung Quốc rất kém.
- Tuy nhiên, đối lập với trường phái "diều hâu", một số học giả Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản bác về yêu sách của nước này trên Biển Đông. Ông nghĩ sao?
- Thực ra, cái gọi là những học giả "bồ câu" chỉ là một nhóm rất nhỏ, không đáng kể ở Trung Quốc, có thể kể ra những cái tên như Lý Lệnh Hoa, Thịnh Hồng, Chu Phương. Tôi cho rằng, chúng ta không nên vội lấy làm mừng về những điều mà các học giả này phát biểu, dù những tiếng nói đó là rất quý. Chúng ta chưa nên coi đây như một dòng đối lập, đủ sức đương đầu với quan điểm chủ đạo của Trung Quốc về yêu sách chủ quyền, lãnh thổ. Qua theo dõi, tôi thấy tiếng nói của cộng đồng học giả có quan điểm "bồ câu" ít có ảnh hưởng đối với dư luận Trung Quốc.
- Người dân Trung Quốc, đặc biệt lớp trí thức trẻ có điều kiện truy cập Internet, đọc báo nước ngoài, tại sao họ không thấy sự vô lý của yêu sách đường lưỡi bò?
- Trong chuyện lãnh thổ, theo tôi biết, người Trung Quốc nói chung chấp nhận luận điệu của chính phủ. Hơn nữa, gần đây, những sự kiện liên quan tới Biển Đông, truyền thông Trung Quốc lại sử dụng cách tuyên truyền "biến thủ phạm thành nạn nhân". Họ là bậc thầy trong việc này. Điểm lại tất cả những tranh cãi từ xưa tới nay, giữa Trung Quốc với Liên Xô, Mỹ, Ấn Độ..., bao giờ Trung Quốc cũng nhận mình là phải, bao giờ Trung Quốc cũng đổ hết lỗi cho đối tượng. Với họ, ai trái ý đều là không đúng, là phi nghĩa.
Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh các hoạt động nhằm chiếm hữu biển Đông trên thực tế. Cuối tháng 6, một đội tàu hải giám đã tới Trường Sa để tuần tra. Ảnh: Xinhua.
- Trong bài phỏng vấn mới đây trên VnExpress, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á cho rằng Trung Quốc đang cố ý tăng áp lực với Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần làm gì lúc này để bảo vệ chủ quyền biển, đảo?
- Tôi cho rằng, cần phải nhìn nhận rõ thế và lực của Việt Nam hiện giờ đã khác. Trước đây, chúng ta bị cấm vận, kinh tế trì trệ nhưng hiện nay GDP đã 100 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người hơn 1.000 USD. Việt Nam chưa giàu nhưng thoát giai đoạn đói kém, chúng ta đã có tiền trang bị máy bay, tàu ngầm. Quan hệ với cộng đồng quốc tế của Việt Nam đang rất tốt, nhiều nước ủng hộ ta trước sự bá quyền của Trung Quốc.
Nếu Việt Nam vạch trần thái độ, hành xử bá quyền của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế thì tôi tin rằng Trung Quốc rất lo sợ. Trong thời buổi win - win (cùng thắng) muốn được lợi thì phải quan tâm đến lợi ích của người khác. Các nước ASEAN khác nhau về trình độ kinh tế, thể chế chính trị, văn hóa... tóm lại là khác nhau rất nhiều về quyền lợi. Vì thế Việt Nam muốn đạt được lợi ích của mình thì phải làm nhiều hơn nữa chứ đừng vội đòi hỏi người ta phải vì mình. Myanmar, Campuchia, Thái Lan có quyền lợi gì ở Biển Đông đâu mà yêu cầu người ta theo ý mình? Phải cố gắng góp phần làm tăng điểm tương đồng, đóng góp vào lợi ích chung thì mới có thể đạt được ý muốn của mình.

Nguồn VNXPRESS,Nguyễn Hưng thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment