Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

VÌ SAO KHRUSHEV GỌI ĐIỆN BIÊN PHỦ LÀ ‘PHÉP LẠ’?

Tham khảo bài viết của tác giả Lê Đỗ Huy đăng trên VHNA

  Ở ngưỡng cửa đàm phán tại Geneva về Đông Dương, Thủ tướng Chu Ân Lai đã có một tổng thuật về Việt Nam trái chiều đến mức Tổng bí thư Liên Xô cho nhượng bộ về chia cắt Việt Nam tại vĩ tuyến 17 là một “thắng lợi” của phe XHCN tại một cuộc đối đầu giữa hai phe “có tầm quan trọng bậc nhất” thời đó.
Tổng Bí thư đảng Cộng sản LX, Nikita Khrushev, đã viết trong hồi ký mình[1] như sau ở trước thềm Hội nghị Geneva (bắt đầu bàn vấn đề Đông Dương từ 8/5/1954).
[Hồi đó chúng tôi (Liên Xô) đang còn quan hệ hữu hảo với Đảng cộng sản Trung quốc. Một cuộc họp trù bị trước ngày khai mạc Hội nghị Geneva đã được tổ chức ở Moscow. Chu Ân Lai thay mặt cho Trung quốc, Hồ Chí Minh (nguyên văn)[2] và Phạm Văn Đồng thay mặt cho Việt Nam. Chúng tôi (ý nói Liên Xô và Trung quốc - ND) cùng xem xét tình hình Việt Nam để ra quyết định bày tỏ một lập trường chung ở Geneva. Tình hình Việt Nam rất nghiêm trọng. Phong trào kháng chiến Việt Nam lúc đó sắp sụp đổ. Những người kháng chiến (Việt Nam) kỳ vọng Hội nghị Geneva mang lại một cuộc ngừng bắn để họ có thể giữ được những phần đất nhân dân Việt Nam đã giành được trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Pháp chiếm đóng Hà nội. Trên bản đồ thể hiện những kiến nghị để giải quyết, người ta nhận thấy những vùng lõm tương ứng với những miền đất bị Pháp chiếm trên lãnh thổ (Việt Nam).
Ra khỏi một cuộc họp như thế tại phòng họp Catherine, điện Kremlin[3], Chu Ân Lai kéo tôi (Khrushev) bước ra xa để nói riêng, rằng: “Đồng chí Hồ Chí Minh nói với tôi (Chu Ân Lai)[4]là tình hình ở Việt Nam là tuyệt vọng, nếu chúng ta không đòi được ngừng bắn thì Việt Nam không còn sức kháng chiến chống Pháp lâu dài được nữa[5]”. Vì vậy, họ (Việt Minh) đã quyết định rút quân về phía biên giới Trung quốc, và nếu cấp thiết họ (Việt Minh) mong chúng tôi (Trung quốc) sẵn sàng đưa quân sang Việt Nam như khi trước chúng tôi đã mang quân sang Bắc Triều tiên. Nói cách khác, là Việt Nam muốn chúng tôi giúp họ đánh đuổi Pháp. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu này của Đồng chí Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã mất nhiều sinh mạng ở Triều Tiên, nói cách khác chiến tranh ở đó là giá rất đắt với chúng tôi. Hiện tại, chúng tôi không thể dấn thân vào một cuộc xung đột mới nào nữa.[6]”].
Tới đây, NXB Pháp Robert Laffont có một câu chú thích: Cả thế giới và phương Tây đều không ngờ rằng tình hình của Việt Minh tới lúc này cũng tuyệt vọng. (Tout le monde, à l'Ouest, ignorait que la situation des Vietnamiens fut aussi désespérée). Nói riêng, các tư liệu của Bộ ngoại giao và của Bộ quốc phòng Mỹ thời kỳ chiến dịch Điện Biên Phủ, và hồi ký của các tướng lĩnh Pháp đều thể hiện, chính tình thế của Pháp trên chiến trường Đông Dương lúc đó mới có thể xem là “hấp hối”. Nikita Khrushev viết tiếp:
[Đến đây, tôi (Khrushev) đề xuất một yêu cầu với đồng chí Chu Ân Lai:“Cuộc đấu tranh hiện tại (của nhân dân Đông Dương) có tầm quan trọng bậc nhất, và người Việt Nam đã chiến đấu giỏi. Người Pháp đã thiệt hại nặng nề. Đồng chí không có lý do nào để nói với Hồ Chí Minh là các đồng chí (Trung quốc) từ chối sự giúp đỡ của mình, nếu quân (của Hồ Chí Minh) phải rút về vùng gần biên giới Trung quốc. Trái lại hãy làm cho họ tin tưởng rằng các đồng chí luôn sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết, và như thế sẽ giúp họ tăng nhuệ khí trong cuộc chiến đấu chống Pháp”. Chu Ân Lai đồng ý sẽ không nói với đồng chí Hồ Chí Minh là đất nước của họ (Trung quốc) không muốn tham chiến chống Pháp trên lãnh thổ Việt Nam].
Tại thời điểm ấy (khoảng nửa sau tháng 4/1954 – đợt tiến công thứ 2 tại Điện Biên Phủ, Pháp mất nhiều địa bàn chiến lược trên chiến trường Đông Dương), Chu Ân Lai cho rằng Việt Nam đã bại đến mức phải “rút về vùng biên giới Việt Trung”, và đã “yêu cầu” Trung quốc phải tiến quân sang Việt Nam theo một kịch bản “kháng Mỹ viện Triều”, điều mà Trung quốc không thể làm? Lẽ nào Chu Ân Lai không theo sát được diễn biến ở Đông Dương trên đường tới một Hội nghị về Đông Dương? Câu hỏi này đến hôm nay đòi được trả lời. Chỉ biết rằng hồi ký của các chuyên gia Trung quốc từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, và các nguồn chính thức của Trung quốc đều nhất nhất chỉ ra rằng: Chủ tịch Mao, và ban lãnh đạo Trung quốc thời đó từng ngày theo sát chiến sự ở Điện Biên Phủ, thậm chí tham gia vào chỉ đạo đánh cách này, cách khác. Ông Khrushev viết tiếp:
[Rồi một phép lạ đã xảy ra. Đúng vào lúc các đoàn đại biểu các nước tới Geneva, thì lực lượng kháng chiến Việt Nam thắng một trận lớn, chiếm được pháo đài Điện Biên Phủ[7].
Ngay từ phiên họp đầu, Thủ tướng Pháp, Mendès France, đã đề xuất rút ngayquân Pháp xuống dưới vĩ tuyến 17. Xin thú thật, tin này khi đến tai chúng tôi (Moscow) đã gây há hốc mồm (vì kinh ngạc) và sung sướng. Chúng tôi chưa từng hi vọng điều gì như thế. Việc (Pháp phải) lui quân xuống dưới vĩ tuyến 17 trên thực tế chính là mức tối đa mà chúng tôi (Kremli) lấy làm xuất phát điểm cho đàm phán. Chúng tôi đã chỉ thị cho các nhà ngoại giao của chúng tôi là phải chú trọng những điểm trên chỉ với mục tiêu chung nhất, khẳng định bước vào cuộc chơi với tư thế cứng rắn. Sau vài thảo luận chúng tôi bằng lòng với đề xuất của Mendès France, và Hiệp định Geneva đã được ký kết. Chúng tôi đã thành công trong củng cố thắng lợi của những người cộng sản Việt Nam] (hết trích hồi ký Khrushev).
Với Hiệp định Geneva, Việt Minh mất quyền kiểm soát Liên Khu 5, nơi trên thực tế, Pháp chỉ kiềm soát được “một giải đất ven biển, nhỏ hẹp và các tỉnh Huế, Tourane (Đà Nẵng)”, theo các nhà quan sát từ bờ nam vĩ tuyến 17.
60 năm nhìn lại, Michael Burleigh chỉ ra chính Trung quốc cũng bất ngờ trước chiến thắng Điên Biên Phủ. Ông viết:
“Giáp đã không biết rằng Trung quốc đã chấp nhận chính sách ‘tiến công hòa bình’ của ban lãnh đạo xô viết để giải quyết cả hai vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Như chính họ đã làm ở Triều Tiên trước khi ngừng bắn để đàm phán, người Trung Quốc muốn dấy một cuộc tiến công lớn để khuếch trương vị thế của đồng minh cộng sản trên bàn đàm phán, và họ (Trung Quốc) đã không thực sự mong đợi chiến thắng trọn vẹn của tướng Giáp ở Điện Biên Phủ”[8].

Lê Đỗ Huy (dịch, chú thích)

[1]“Khrouchtchev Souvenirs” (Traduction en langue française, Edition Robert Laffont, 1971, pages 456-457)
[2]Trên thực tế, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng là trưởng đoàn đàm phán Việt Nam DCCH tại Hội nghị Geneva. Đoàn rời Việt Nam cuối tháng 3, sang Trung quốc, từ đó đi Liên Xô. Đoàn lên đường đi Geneva hôm 5/5/1954, từ Moscow. Theo các tư liệu của Việt Nam, thời kỳ 1953 – 1954 Hồ Chí Minh ở Việt Nam. 
[3]Thời gian trù bị cho Hội nghị Geneva về Đông Dương tại Moscow là khoảng cuối tháng 4/1954. Hội nghị Geneva nhóm họp 26/4/1954 bàn về vấn đề Triều tiên.
[4]Các nguồn chính thức tiếng Việt không thấy ghi nhận bất cứ cuộc gặp, hay điện đàm như thế giữa Hồ Chí Minh với lãnh đạo Trung quốc.
[5]Trên thực tế Lưu trữ của văn phòng các vấn đề Philippin và Đông Nam Á (thuộc Bộ ngoại gia Mỹ): Ghi nhớ 29 – 3 – 1949 “Đông Dương 1946 – 1949. Hoạt động của các lực lượng quân sự (Indochina 1946 – 1949. Military Forces Operation). Lô 54D190, RG 59, NA nhận định “Pháp đang thua’ – một kết luận được nhiều tác già Mỹ cho rằng đã kéo nước Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam ngay từ ngưỡng cửa thập kỷ 50.Xu thế “thua” này của Pháp đã tỉ lệ thuận với sự dính líu của Mỹ vào Đông Dương đầu thập niên 50 mà “đỉnh cao” là Kế hoạch Navarre.
[6] Theo đại tá Hoàng Minh Phương, bí thư đối ngoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời kỳ cuối những năm 50 - đầu 60, khi được tướng Giáp hỏi vì sao xảy ra chiến tranh Triều Tiên (kéo cả Trung quốc, về lực quân, và Liên Xô, về không lực, vào vòng chiến) lãnh tụ Kim Nhật Thành trả lời: “Ông già (Stalin) bảo đánh”. Có thể suy luận: Bắc Kinh phòng hờ trường hợp, một lần nữa, bị kéo vào một cuộc đối đầu với Mỹ bởi các xi nhan từ Kremli, trong trường hợp lãnh đạo Liên Xô ùng hộ chủ trương của Việt Nam giải phóng miền Nam năm 1954?
[7]Nhà sử học Phan Huy Lê có viết bài nêu: Bắc Kinh trong giai đoạn 25 – 27/1/1953 cũng chuyển sang chủ trương ‘đánh chắc tiến chắc’, “không hẹn mà nên”, trùng với “quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Theo các nhân chứng trong cuộc tại chiến dịch Điện Biên, như Đại tá Lê Trọng Nghĩa (Cục trưởng cục tình báo), Đại tá Hoàng Minh Phương (trưởng đoàn phiên dịch của Bộ), điều mà Bắc Kinh bận tâm hơn cả trong giai đoạn đó (tháng 1/1954) là, Trung quốc lục địa có cơ tham gia Hội nghị tứ cường (Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô) tại Berlin cùng kỳ, nếu gây được một tiếng vang. Biết rằng Trung ương Đảng Việt Nam khi ra quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ đã thông qua phương án “đánh chắc tiến chắc”, và chứng kiến những băn khoăn, và quyết định hoãn giờ G của Đại tướng Giáp (từ 24 sang 25/1/1950) qua kênh liên lạc với đoàn cố vấn Trung ở Điện Biên Phủ, Bắc Kinh hẳn đã cố tỏ ra ‘nhất trí’ với bất kỳ phương án nào, miễn là có được tiếng súng từ chiến trường “quan trọng bậc nhất” (lời Khrushev), tạo đà cho Liên Xô giới thiệu Bắc Kinh trên tư cách G5. Việc “kéo pháo ra” và 308 đi Lào, tuy vậy, lúc đó hẳn dã gây bất ngờ cho cả đối phương và đồng minh Trung quốc của Việt Nam.
[8]Các cuộc chiến tranh nhỏ, các vùng xa xôi: các cuộc nổi dậy trên toàn cầu và sự kiến tạo ra thế giới hiện đại1945 – 1965 (Small Wars, Faraway Places: Global Insurrection and the Making of the Modern), NXB Penguin Group, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment