Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Tết Độc lập với đồng bào vùng cao Tây Bắc

Quốc ViệtK5 (tùy bút)

Thân gửi anh chị em bantroi
Đúng vào ngày Tết Độc lập, đi Mộc châu đón Tết cùng đồng bào. Bà con ở đây vẫn giữ truyền thống; Từ hàng trăm cây số, cả miền Nam Trung Quốc đến các tỉnh Bắc Lào đều về Mộc Châu đón Tết.
Tết 2/9 vốn không có trong các lễ hội truyền thống của bà con - đây là Tết của Độc lập, Tết của Tự do. Chữ Tết trong ngôn ngữ Việt được lấy trong văn hóa Hmong nghĩa là Hội lớn. Hội được tổ chức từ 25/8 đến đúng trưa 2/9. Trời của ta, đất của ta đẹp lắm.
Vợ chồng bác QV, vợ chồng bác Dũng (K9 nhưng 70 tuổi) và bác Hưng nghệ sĩ nhiếp ảnh (cũng K9 nhưng 75 tuổi) cùng đi. Đoàn đi 2 xe, mỗi xe 7 chỗ mà chỉ có 7 người, vắng Hương Thảo Nguyên và VT, còn cháu Thủy K42 đang trực bác sĩ.
Ông thân bác QV từng làm chính uỷ đóng quân ở đây sau giải phóng miền Bắc, trước khi làm chính uỷ Bộ Tư lệnh Hải quân. Đoàn có qua chỗ đóng quân của trung đoàn Tây Tiến khi xưa.
Dù đã đăng kí trước 3 ngày, giao cho Công an huyện đi tìm nhưng không còn một khách sạn, nhà nghỉ nào còn trống.
Chưa vào hội mà đủ mọi sắc màu đã dồn về cao nguyên châu Mộc, từ Tay đeng, Tay đăm (Thái trắng, Thái đen), Dao, đến Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Sí (Mông Đỏ), Mông Đú (Mông Đen), Mông Súa (Mông Mán). ... mỗi sắc tộc là một màu hoa như hoà vào vườn hoa lớn - Dân tộc Việt Nam.
Tiếc là không có chiếc máy ảnh tốt với ống kính Tê Lê để chụp sâu được. Trời ấy, mây ấy, các rặng núi trập trùng xa xa ấy với tình người cứ bao la, rộng mở.
Đi bộ thôi, họ đi bộ hàng trăm cây số qua núi cao, rừng sâu đến dự hội. Mây cứ cuồn cuộn hàng cồn nổi lên như Biển Sóng nhấp nhô, ấp ủ các rặng núi, các bản làng, các đoàn người đi trảy hội. Đường đi uốn lượn trong mây.
Tết này to hơn Tết Nguyên Đán, trên Tả Số chỉ còn ông bà già, trẻ con; đã thịt một con bò đợi khách, ai còn sức thì đi chơi, đi gặp nhau, đi chào nhau, đi mừng nhau. Rồi nhà nhà làm cơm, bản bản làm cơm mời khách, đợi khách, có cái mong mỏi, khắc khoải, nhớ nhung thật lạ.
Đường đi lên bản Tả số cheo leo, khó khăn vì ở tận trên mây, cách quốc lộ 14 cây số cứ lên cao mãi, nhiều đoạn gần như dốc đứng, không quen không đi được, thôi thì hẹn lần khác, mặc dù cậu Mùa A Làng nhao nhác hẹn: “Bố đang đợi” – ý nói bố của Mùa.
Anh em công an huyện Mộc Châu có cậu Sồng A Dũng, cậu Lềnh và cậu Thào Tuấn đã đợi sẵn bên mâm Thắng cố - món thịt ngựa hầm truyền thống ăn với lá THỐI, kiểu lá soài hay lá Lộc Vừng - ngon lắm.
Người Hmong Mộc Châu nói rằng chữ Thắng cố không phải là tiếng Hmong dù Wikipedia cứ đổ riệt là món ăn Hmong, có lẽ chỉ có người Hmong nuôi ngựa. Có nhiều loại Thắng cố của các dân tộc: Hmong, Thái, Dao, Tày, Mường và Kinh nữa, các cháu Hmong khẳng định Thắng cố của người Hmong ngon hơn nhờ có Quế, Thảo quả, Lá chanh và nhiều gia vị, hầm trong 2 ngày bằng than củi. Chi Pâu a (tiếng Hmoong - không biết đâu).
Trong hội chợ, mỗi xã có gian hàng riêng bán quả dưa Mán (như Dưa Gang mà ngọt hơn) bánh dày của người Hmong, thắng cố, quần áo dân tộc, rượu, dao, nỏ... Người Mường bán cơm Lam, bạc trắng hoa xoè, đồ trang sức.
Thoảng điệu nhạc Ing Lả ơi (tiếng Thái – chị em ơi), mời các bác cùng xòe; Hóa ra các bà chị đều có nghề cả. Không giống xòe của Nhất Trung vì đây là Hội.
Cậu bé người Hmong thổi lá (kèn lá) bài “Xuống chợ” như trong phim vợ chồng A Phủ, nghe da diết và thật lắm: “... đầu núi kia có 2 người...”; rồi kèn môi: “ Dù đi xa, lòng ta vẫn đợi chờ...”. Phảng phất như lời thề, không chỉ là lời thề của trai gái, mà lời son sắt của bà con vùng cao.
Dù say lắm, bác QV vẫn nhận ra điệu xòe hay múa sạp mà bộ đội ta hay hát múa hồi nào “sòn sòn sòn đô sòn...” rồi bài “Này bà Lý toét ơi...”, say thêm bởi cái không khí lễ hội và tình người, cái chếnh choáng men say của một thời tưởng như đã qua.
"Về nhà ta nhá," Ừ thì về. Cậu Mùa A Vàng nấu Thắng Cố thịt bò đợi, tranh thủ làm một bát cơm - gạo Điện Biên - với muối ớt, thưởng thức cái vị bùi ngọt của gạo mới, cái cay nồng của ớt và đậm đà của muối. Không uống rượu nữa, uông nước (Đê) thôi.
Công viên Đồi thông với lòng hồ uốn lượn bên các đồi thông như những cánh rừng nam Âu, cứ mát rượi, bay bổng tâm hồn nghệ sĩ với thơ, với ống kính. Tí nữa thì lạc bác QV trong đám các cháu. Đây là điểm nghỉ mát của dân Mộc châu trong các ngày nghỉ và buổi chiều.
Sân vận động càng về chiều càng nhộn nhịp, tranh thủ chụp ảnh các cháu gái Hmong, mới có Hmong Hoa nhỏ (Mông Si) trang phục nữ gắn thêm các đồng tiền hào cũ của ta, nay không còn làm gì được nữa. Không dễ chụp ảnh đâu, phải cán bộ Hmong ra dặn đấy, con gái bao giờ cũng hay xấu hổ. AT anh QV cũng diện bộ váy áo Hmong Si nhưng quên mái tóc uốn rất điệu, đáng ra phải chùm khăn nên Nhất Trung nhận ra ngay trong ảnh. Bà con cứ thắc mắc: Tại sao Tết Độc Lập mà bọn người Kinh không biết gì cả, ngày này phải treo cờ Tổ Quốc, ăn mặc đẹp, đi trảy hội. Mà tại sao chỉ có Tết Độc lập của đồng bào?
Ăn cơm (Lọ mọ - Nò mó) ở quán 70 với cá suối, bê chao, cải Mèo chấm nước mắm trứng và tráng miệng với sữa chua đánh với rượu nếp cẩm – Toàn đặc sản
Về ngủ ở Mai châu. Anh em đồn 89 mời đi ăn đêm, phong tục vùng cao nó thế. Có cháo thịt, trứng vịt lộn với rượu. Các bác gái khen rượu ngon – đáng kính trọng thật trong khi các bác trai lắc đầu. Cũng may chưa lên bản, nếu không phải mất vài ngay vì sẽ say lắm, không về được.
Ăn sáng với bún, thịt bò nấu lá Lồm và Nậm Pịa thịt bò, tất nhiên có rượu - Tết mà.
Lá Thối, lá Lồm là danh từ riêng chỉ tên cây rau của đồng bào, các bà chị cứ thắc mắc mãi,
Cùng âm nhưng khác nghĩa, ta cứ gọi đúng thế cho dễ và lành, nhỡ ra cái khác thì gay.
Xuống bản Lác, toàn các cháu Hmong Hà Nội, có cả mấy em Tây, hoá ra dân sinh viên Hà Nội đi phượt. Lại chụp ảnh với các cháu.
Sáng ra, suốt hai bên vỉa hè ở Châu Mai, các cô gái Hmong nằm ngủ la liệt - cháy nhà nghỉ. Con trai thì vào rừng. Bà con ở Mai châu chỉ cho phép lấy giá 30 ngàn/ giường / ngày đêm nên dễ cháy nhà nghỉ vào các lễ hội và ngày nghỉ. Họ đi chơi suốt đêm qua,
Người Hmong có tục "bắt vợ". Trai gái trong vùng không được lấy nhau, thường lấy vợ từ rất xa, thậm chí hàng trăm cây số, Vào dịp hội, thanh niên đi từng đoàn, nam riêng, nữ riêng, cặp nào ưng nhau thì kéo riêng tâm sự, đồng ý thì qua bà mối, hai bên gia đình bàn bạc xong thì bắt vợ.
Anh em Hoà Binh đợi khá lâu với thịt lợn Mán, rượu đàn ông - phụ nữ uống rượu vang.
Rượu ngon, đồ nhắm tốt, còn mỗi cháu lái xe và bác Dũng thức, mình thì chẳng biết trời đất gì cho đến khi bác QV tạm biệt.
Hà Nội vắng lặng thật lạ. Không khí lễ hội Tết Độc lập hình như chỉ của mấy ông truyền hình ở các hội trường, nhà hát. Về Hà Nội có gì đó làm mình phải suy tư.
Hạnh phúc đơn giản nhưng cũng không đơn giản.
Hoà Bình - Độc Lập - Tự Do, nghe thật sáo rỗng với những người hôm nay, với người Hà Nội nhưng quý lắm với bà con.
Giữa lòng Hà Nội, TPHCM còn nhiều người ao ước quay lại thời kì Bắc thuộc, Pháp thuộc, Mỹ thuộc ... đó là tự sát.
Bắc thuộc, dân ta từ 1 triệu người chỉ còn 50 ngàn người, thời thuộc Minh trong 10 năm mà dân Việt từ 5 triệu chỉ còn 0,5 triệu, rồi 2,5 triệu người chết đói năm Ất Dậu, từ 2 đến 5 triệu dân thường chết trong thời thuộc Mỹ.
Sức sống của một dân tộc quật cường thật. nhưng không lẽ cứ phải bị diệt vong mãi?
Hòa Bình phải đánh đổi bằng nhiều máu lắm chứ, vậy mà có người: "Hãy quên quá khứ đau thương, hãy biết tha thứ".
Bây giờ mà nói tới lòng căm thù thì xoàng quá, cần tự mổ xẻ, dù đau đớn để tìm ra nguyên nhân làm sao dân ta bị nô lệ hàng ngàn năm, mong sao con cháu ta đừng mắc phải. Sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, Việt Nam có 800 năm giữ độc lập nhưng mất 20 Minh thuộc, 93 năm Pháp thuộc, 30 năm Mĩ thuộc.
Cao Bắc nói với mình: “Người Việt có tính hay quên”. Đúng rồi! Nhưng chỉ dân đô thị thôi.
Đa số người Việt quên lịch sử của Dân tộc mình, lãnh thổ - đất đai của tổ tiên mình, truyền thống của cha ông mình, do đó mới hay bị mất nước, dễ bị nô lệ. Mới có 38 năm hoà bình mà có người nhầm Hùng Vương là người Trung Quốc, nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu ở ngã tư Sở, Hà Nội; Tây Nguyên là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ, gần biển...
Khổng tử nói: "600 năm thiên hạ mới sinh được một thánh nhân, 300 năm mới sinh được một thiên tài". May mắn cho Việt Nam có cả Thánh nhân và thiên tài;Thế mà đầy rẫy giọng điệu: “Không có ông Hồ thì có người khác, không có ông Giáp, có người khác”, y như Thánh nhân hay Thiên tài được rút ra từ túi quần họ vậy - đó là bản tính vô chính phủ kiểu Chí Phèo mà cụ Nam Cao mô tả - Thánh thật.
”Người về người có nhớ ta?”
“Dù xa xôi lòng ta vẫn đợi chờ”
Nhớ lắm đấy!
Biết ơn rất nhiều đồng bào thiểu số (nhưng là đa số ở Sơn La đấy), dù còn khó khăn, dù đôi lúc bị coi thường, vì cái chung mà tổ chức ăn Tết Độc lập, nhắc nhở con cháu đừng quên.
Tại sao lại chỉ là Tết Độc lập của đồng bào miền núi nhỉ?
Nguồn ảnh internet by TQtrung

6 nhận xét:

  1. Đọc bài này của chú QcV mà cháu thèm được đi Mộc Châu quá. Thèm cả các món ăn chú kể trong đó nữa, sao mà hấp dẫn thế ? Không biết có dịp nào chú đi nữa để cháu theo với vì đúng là phải đi cùng chú QcV thì mới thấy cái tình của người đồng bào trong tâm trí của người CAND hiện lên đậm chất, thiêng liêng đến thế nào ?

    Trả lờiXóa
  2. QcV viết hay quá.VThắng.

    Trả lờiXóa
  3. Mang bà con dân tộc vùng cao về HN để hướng dẫn cho người HN ăn tết độc lập đi.Nếu không nhanh thì mai mốt Mộc châu là 1 quận của HN đấy.
    Bác này nhiều tâm sự thầm kín ghê ta.

    Trả lờiXóa
  4. Lần đầu tôi đi Mộc Châu là dịp QcV kể Tết Độc lập, mà dân Kinh lại nói Lễ hội người Mông, năm 2006. Chính là chuyến một mình chạy xe sau vụ mưa bão sạt lở cả đường 6. Một mình một xe một máy ảnh định lên tối xem lễ hội đêm ngủ một mình :-)
    Lên đến nơi thấy vắng vẻ, xem băng rôn mới biết Lễ đã tan mấy hôm. Lại chạy ngay về trong ngày, 7h tối ăn cơm nhà như không có gì xảy ra.
    Tính mình cả thèm chóng chán. Biết Mộc Châu trong trường hợp như thế là cú lắm, tháng 11 lại rủ VT đi. Hai thằng lên tận cửa khẩu Loóng Sập, ngủ một đêm loanh quanh rồi về. Hồi đó chưa có lốc leo gì nên không kể.
    Vẫn thèm, chưa chán, sang 2007 lại rủ bạn xấu, hai ông vợ đi nước ngoài dài hạn, VT và TL đi MC. Cũng phải nói là cái thằng đi chơi, đi nhiều nhưng không thấy bao nhiêu. Có "3 cùng" đâu mà thấy cái gì của đồng bào. Nhưng cái không khí, cái lạ mà phải đi mới biết nó làm mình thèm, đôi khi thèm những cái bọn bạn nó bảo dở hơi. Có năm tôi đi đền Thượng Ba Vì tới 6 lần là vì thế.
    Từ đó tới giờ đi MC nhiều, chả nhớ hết; với gia đình, với bạn Trỗi, với bạn mạng, mỗi nhóm vài ba lần chắc cộng dồn không dưới chục. Ấy vậy đọc bài của QcV lại là một MC khác mà mình chả thể nào thấy. Lại nhớ cái triết lý "mỗi người là một thế giới", trước hết ở chỗ cảm nhận thế giới đã khác nhau rồi. Có thế người ta mới viết và đọc, thú vị nhỉ :-)

    Trả lờiXóa
  5. Hôm nay đọc bài viết về chuyến đi Mộc Châu của QcV mà thấy ghen với ông bạn vàng của đồng bào dân tộc vùng cao. Viết rất chân thực, sâu sắc. Đúng như lời hẹn :” Riêng với K9 nhé, Chú có bài cho VT và K9 nhân chuyến đi Châu Mộc”.
    Tuy nhiên khi đọc hết đoạn kết thì quay sang bực tức. Hóa ra ông bạn vừa trực tiếp viết bài, vừa nhờ bác hàng xóm mà cái gì cũng biết giúp đỡ, bác “Gúc”.
    QcV xem phóng sự kèm ảnh sống động thực tế của anh QV nhân cùng chuyến đi chưa ? Đúng là phải như thế mới là đẳng cấp leo trèo vùng cao xơi “thắng cố’.
    Nếu cho điểm theo tiêu chí: Bài + ảnh = 5 + 5 = 10, thì:
    QV: 5 + 5 = 10
    QcV: 5 + 0 = 05 = 5
    Lần sau ăn tết độc lập, anh cố gắng mang về một điểm 5 nữa cho trọn vẹn nhé.

    Trả lờiXóa
  6. Ôi, cháu mong có 1 lần được đi Mộc Châu quá chú ơi, bữa nào phải tổ chức thêm chuyến nữa chú nhé!

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment