Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Thơ và ca từ



Ngày nghỉ lễ đến rồi. Chúc cả nhà vui. Lỡ có ai buồn thì đọc tạm bài này xem có đỡ không.

THƠ VÀ CA TỪ: TƯƠNG TỰ NHƯNG KHÁC BIỆT
Tạp chí ÂM NHẠC VIỆT NAM, 18:tr. 4-5(2011).



Lời người dịch. Carla Starrett là điều phối viên chương trình (event coordinator) cho Great American Song Contest về phần ca từ, là tác giả hàng trăm bài viết về thơ, ca từ, nhạc, phim và văn học. Thay mặt bạn đọc Việt Nam tôi xin chân thành cảm ơn SongLyricist.com đã cho phép phổ biến lại bài viết này bằng tiếng Việt. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có thể xem trang nguồn và phản hồi ý kiến của riêng mình với tác giả tại đó:
http://www.songlyricist.com/lyricorpoem.htm
***

Sự giống nhau giữa ca từ và thơ
Để hiểu được sự khác nhau giữa một bài thơ với một ca từ hay, trước hết phải hiểu sự giống nhau của chúng.
Nói chung, những điểm mạnh làm nên một bài thơ hay như tính hình ảnh, chủ để hấp dẫn, sự so sánh, tính gợi cảm và độc đáo – cũng sẽ làm cho ca từ hay.
- Cả thơ và ca từ đều dựa trên sức mạnh của ngôn ngữ
- Đều phải gợi cảm xúc cho người đọc/người nghe
- Đều cần khai thác các đặc tính phát âm và vần của từ
Cả thơ và ca từ đều sử dụng các phương pháp tu từ như ẩn dụ, ví von so sánh, từ láy, cường điệu, nhân cách hóa, tượng thanh. Cả hai đều dựa vào hình ảnh miêu tả.

Sự khác nhau giữa ca từ và thơ
Mặc dù có nhiều điểm chung, thơ và ca từ không phải là một. Sau đây là một số điểm khác nhau quan trọng giữa thơ và ca từ:
Thơ là nhằm để đọc, còn ca từ là để hát và nghe cùng với nhạc.
Hãy nghĩ mà coi. Khi nghe một bài hát, bạn không có điều kiện để quay lại, đọc lại, bạn không thể dừng giữa dòng.
Một bài thơ có thể phức tạp và dày đặc ý tưởng. Nó được viết để giao tiếp với người đọc.
Ca từ được viết để giao tiếp với người nghe. Vì âm nhạc chuyển động nhanh, ca từ phải lướt mau qua ý thức của người nghe, ca từ phải giao tiếp tức khắc, rõ ràng và tập trung vào chủ đề.
Ca từ truyền tải sức mạnh của nó thông qua nhạc và âm thanh. Các hình ảnh và từ ngữ miêu tả của ca từ phải liên hệ với cả tai nghe lẫn trí não của người nghe.
Ca từ cũng có thể không rõ nghĩa như trong nhiều bài hát hay của Bob Dylan. Tuy nhiên tuyệt đại đa số các bài hát thành công có ca từ rõ nghĩa được trình bày đẹp – thậm chí có thể phải nhắc lại cho rõ hơn.
Các câu lặp và điệp khúc là những thành phần cấu trúc quan trọng trong nghệ thuật viết ca khúc từ hàng trăm năm nay.
Cả thơ và ca từ đều cần thu hút sự chú ý. Nhưng ca từ phải làm việc đó thông qua thính giác. Một bài hát đầy những từ ngữ trừu tượng, những câu chữ dày đặc, khó hiểu thì không thể đạt tới được người nghe.
Một bài thơ có thể đứng độc lập không cần đến nhạc. Ca từ thì phải phối hợp được với nhịp điệu và cấu trúc của âm nhạc.
Trong phần lớn các trường hợp thì phương pháp dễ nhất là nhạc sĩ (composer) viết nhạc trước, rồi nhà thơ viết ca từ (nguyên bản: lyricist, sau đây viết tắt là nhà thơ) viết lời sau cho phù hợp với giai điệu có sẵn.
Như nhà viết ca khúc Paul Simon huyền thoại đã nói: “Hãy viết giai điệu. Sống với giai điệu một thời gian. Rồi sau hãy viết lời.”
Nhưng mặt khác những tác giả có kinh nghiệm hợp tác cũng có thể làm việc theo hướng ngược lại. Nếu nhà thơ hiểu rõ cấu trúc ca khúc thì người nhạc sĩ có kinh nghiệm sẽ viết được giai điệu theo ca từ đã viết trước.
Do ca khúc có cấu trúc nên việc viết ca từ là cả một chuyên nghề. Yêu cầu tối thiểu của một nhà thơ viết ca từ chuyên nghiệp là phải hiểu được căn bản về phiên khúc, điệp khúc, cao trào và đoạn dẫn.
Khi học cách viết ca từ, yêu cầu căn bản nhất đó là: Nếu bạn muốn thơ của bạn được phổ nhạc, bạn hãy viết sao cho nhạc sĩ cộng tác có thể đưa được thơ của bạn vào nhạc.
Một bài thơ có thể đọc thầm. Một ca từ thì phải hát.
Nhà thơ cũng cần phải quan tâm đến ca sĩ sẽ trình bày tác phẩm của mình thế nào. Một số câu và từ sẽ dễ hát, nhưng cũng có một số sẽ trúc trắc khó hát.
Những câu ví dụ như “recalcitrant octopuses eat tart grapefruit” (ví dụ tương đương trong tiếng Việt “nồi đồng nấu ốc nồi đất nấu ếch”, ND) chắc sẽ khó lòng hấp dẫn các ca sĩ danh tiếng.
Hãy đọc ca từ thành tiếng xem nó có dễ hát hay không. Nếu đọc thấy không thuận thì có thể có vấn đề. Nếu đang đọc mà phải dừng hoặc nói nhịu thì rõ ràng là ca từ có vấn đề.
Hãy tập thành thói quen đọc thành tiếng các bài thơ nhắm đích ca từ của bạn. Rồi bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt.
Thơ có thể dài tùy ý. Ca từ thì phải ngắn gọn.
Một bài thơ có thể dài nhiều trang, chứa đựng những bức tranh dưới tầng sâu mà người đọc chỉ nhận được sau khi đọc lại kỹ càng.
Trong ca từ thì nhạc chuyển động nhanh, mỗi từ đều phải cân nhắc. Nhà thơ viết ca từ hay là những người sử dụng lời tối thiểu để đủ dựng nên hình ảnh và khêu gợi cảm xúc. Ngày nay ít khi những bài hát dài quá 3-4 phút được đưa lên sóng.
Hãy học cách thể hiện rõ ràng, bằng ngôn từ ngắn gọn mà hiệu quả.
Ca từ và thơ tự do
Thơ tự do (không rõ định dạng, không vần, không có nhịp với số âm tiết quy định) rõ ràng vẫn là thơ. Nhưng rất hiếm khi thơ tự do được phổ nhạc thành công.
Dĩ nhiên người ta vẫn có thể phổ nhạc thơ tự do, chẳng hạn một số nhà viết ca khúc tiên phong như Laurie Anderson cũng thành danh trong lĩnh vực này.
Dù vậy, 98% các bài thơ được phổ nhạc thành công là những bài thơ phù hợp với các cấu trúc nhạc phổ biến. Chúng có vần điệu và có các cấu trúc như phiên khúc, điệp khúc, câu lặp, đoạn dẫn, câu chốt (hooks).

Hãy học nghề của bạn!
Để viết được ca từ, bạn hãy học cái nghề này, hãy học các cấu trúc căn bản của ca khúc.
Bài tập: Hãy phân tích một vài bài hát mà bạn ưa thích. Hãy nhận rõ các cấu trúc đặc thù của chúng.
Sau khi đã hiểu rõ các cấu trúc của riêng từng bài, hãy chọn lấy cấu trúc mà bạn thấy thích nhất. Hãy phân tích các bài hát khác nhau xem chúng có những đặc điểm nào phù hợp với phong cách và thị hiếu của bạn.
Rồi sau đó hãy viết một ca khúc trên mô hình ca khúc mà bạn ngưỡng mộ.
Khi đã bắt đầu nghe các ca khúc một cách có phân tích, bạn hãy tìm đọc một vài quyển sách tốt về đề tài viết ca từ.
Sau cùng, một nha sĩ không thể trở thành nha sĩ tốt mà không trải qua nhiều năm học tập. Một người thợ ống nước cũng không thể trở thành thợ giỏi mà không tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Vậy thì tại sao quy luật ấy không áp dụng cho các nhà thơ viết ca từ và các nhạc sĩ viết ca khúc?

11 nhận xét:

  1. Đề tài rát hay, mang tính triết lý cao. Mình đã được đọc tranh luận về THƠ VÀ CA TỪ của các bạn trong Góc Âm nhạc. Tranh luận rất sôi nổi, giải đồng đội thuộc về dân Sài thành.

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta đang nghe người ngoại quốc lên lớp về một kỹ năng không mấy phổ biến cho đa số mọi người.
    Có thể đây là một kinh nghiệm hay cho người trong nghề, đáng tiếc là không mấy thuận tiện cho tầng lớp coi sáng tác âm nhạc như một thú chơi A ma ter.
    Ngôn ngữ nước ngoài có những tính chất riêng biệt nên họ có hẳn một nghề riêng cho việc viết ca từ. Điều đó ở VN rất hiếm, hay nói chính xác hơn là không có, ngoại trừ có một bộ phận chuyên nhái để có những ca từ gây cười trên cơ sở ca từ có sẵn từ một bài hát nào đó, ví dụ " Gỉai phóng cà chua, bộ đội ta đi mua về xào, su hào bắp cải, kèm theo mấy kí lô thịt trâu!!" từ bài giải phóng Điện biên chẳng hạn!hehe!
    Điều đáng nói là trước nay chưa ai đặt vấn đề cái gì làm cho thơ và ca từ phụ thuộc vào nhau. Chỉ biết rằng trong một ca khúc, nếu ca từ có yếu tố vần điệu thì ca từ sẽ mượt mà hơn hẳn ca từ đơn thuần không có tính vần điệu- điều mà một số người sáng tác hiện nay đang làm để che dấu sự yếu kém trong lĩnh vực ngôn ngữ, chúng ta sẽ nghe ca từ của họ giống hệt ngôn ngữ nói hàng ngày, và chính nó đã làm những bài hát ngày nay không đi được vào lòng người, tức là chết yểu vậy.
    Thơ rõ ràng là có tính chất riêng, nó ra đời từ cảm xúc thăng hoa của người sáng tác, và khi thi sỹ hoàn thiện bài thơ của mình, anh ta (hoặc cô ta)không hề nghĩ rằng nó sẽ được phổ nhạc, điều đó do anh nhạc sỹ hứng chí mà làm, nhiều khi không được sự tán đồng của nhà thơ.
    Dù sao, tách bạch giữa hai yếu tố nghệ thuật này là một điều bất cập.
    Điều cuối cùng là không ngờ ông bạn Trỗi bên trời"Tây" lại đa tài đến vậy, vừa là bác sỹ, vừa là nhạc sỹ, bây giờ lại kiêm thêm nghề lý luận âm nhạc. Thực ra tôi rất muốn Bachai có những bài viết phổ thông và có tính đại chúng hơn, ví dụ truyền đạt cho anh em cách thưởng thức một tác phẩm nhạc cổ điển thế nào cho đúng điệu chẳng hạn.
    ( Không chịu dùng Ubuntu nên bị virus xơi, phải dùng máy của con, chán thật)

    Trả lờiXóa
  3. Tác giả viết hoàn toàn đúng, nhưng các cụ nhà ta đâu có kém cỏi tới mức không biết gì.Chúng ta cũng từng nghe các tiền bồi nói: Trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ. Bởi vậy có một bài hát gì đó tôi không nhớ tên có một câu: "chiều đẹp nhự ý thơ,nắng vàng trên dòng Cấm trôi xuôi" . Thơ gồm "Ý" và nhạc điệu, nhưng "Ý" là chủ đạo là cái hồn . Còn "Nhac" lại dùng giai điệu làm đẹp ca từ tạo nên chất thơ.
    @Bachai, có nhớ bài hát này không,bài rất hay có cánh,viết về HP.
    @Tt ,ông lại làm khó Bachai rồi,không có chuyện dạy nghe nhạc cổ điển cho đung điệu được như dạy cách ăn tiệc Tây thế nào cho đúng.
    DS

    Trả lờiXóa
  4. @ A Bachai: Giá bài này được đăng bên GAN như là một câu kết cho cuộc tranh luận bên đó.

    Trả lờiXóa
  5. Thực ra, mình đã được đọc bài báo do tác giả Thảo Chi lược dịch đăng trênGiai điệu xanh từ năm 2008. Tuy vậy nó không chi tiết được như Bachai dịch. Rất đáng khen cho Ba chai đã tâm đắc với đề tài này, bài chắc chắn sẽ là kinh nghiệm quý cho những bạn bỗng dưng muốn làm "nhạc sỹ".(như mình một thời đã từng hứng chí. hehe! vậy mà bây giờ cũng bỗng dưng chán phè vì thấy mình..bất tài,học đòi chi cho mệt!)
    Do đặc tính ngôn ngữ khác biệt nên rõ ràng tính tham khảo nhiều hơn thực dụng. Đáng tiếc là các nhà lý luận âm nhạc nước nhà chưa thấy ai có được nghiên cứu sâu về đề tài này, có lẽ họ nghĩ rằng đó là điều vô bổ trong nền âm nhạc nước nhà chăng?
    Cảm thụ âm nhạc có tính riêng tư của mỗi người, một bài hát cũng vậy, nó mang đặc tính riêng của tác giả và nếu bài hát của họ hay, được người ta hát theo, được đa số đón nhận thì dù có mang tính thơ hay không thì bài đó vẫn thành công.
    Mà nói cho cùng, tại sao lại phải đặt vấn đề tách bạch giữa thơ và ca từ, nếu không phải là để tranh luận cho vui? bởi vì nó luôn là phạm trù không thể xa rời nhau mà!
    Một cuộc mạn đàm(hay gọi là tranh luận cũng được) sẽ chẳng có ai thắng thua nên không cần một câu kết cho GAN đâu bạn quên chưa ghi tên ạ. Đăng ở đâu chẳng được, nếu như chủ nhà muốn xây thêm căn bếp thì đào móng ở đâu là quyền của anh ta chứ. (Có vẻ như là HT ấy nhỉ,phải không em :))

    Trả lờiXóa
  6. Bây giờ âm nhạc của VN đâu còn nữa ??? Nghe bọn 8,9X đọc bài hát mà phát sốt (nhưng nóng mà không rét). Hát thì ít mà lên bục khoe cơ thể, cởi đồ là chính.
    Không biết anh 3Chai có vực nổi nền âm nhạc Việt được không ?

    Trả lờiXóa
  7. Dzưng mà anh ấy đã đào móng, xây tường rồi, còn cái mái anh ấy lại đi cất ở chỗ khác nên em mới "xắc mắc" chứ. :)(HT)

    Trả lờiXóa
  8. Hoá ra bây giờ anh 3Chai là Ks xây dựng, nhưng mà xây lung tung, mỗi nơi một mẩu nên mọi người còn đang ngẩn ngơ.

    Trả lờiXóa
  9. @4SG, TK5 và các bạn. Dạo này tôi bận quá không còn nhiều thời gian gặp gỡ được bạn bè. Thỉnh thoảng lôi vài bài có sẵn trong ổ cứng mà đưa lên blog để khỏi bị chê trách là bỏ bê, vậy mà vẫn được các bạn đã quan tâm. Cảm ơn các bạn nhiều và mong rất mong các bạn gửi bài hoặc góp lời cho Bán Giời Mới.

    @Tt. Bản dịch của Thảo Chi mà Tt giới thiệu cũng đầy đủ đấy. Thật thà khai báo thì bản này chỉ là một trong những bài học vỡ lòng của 3Chai thôi, Tt phong cho chức lý luận âm nhạc e rằng hơi quá hào phóng. Vì có người bạn nhạc sĩ đọc bản thảo thấy hay, đề nghị đưa lên trang của Hội, nên mình phải xin phép tác giả cẩn thận và viết thêm lời cảm ơn ở đầu bài.

    @HT. Anh Tt có lý. Bây giờ là thời đại dân chủ, cách mà một cá nhân đứng ra nói lời kết thay cho tất cả không phải lúc nào cũng đúng. Bài này đăng ở đây vì có lý do riêng, anh sẽ có bài khác trả nợ cho G.A.N., em đừng buồn.

    @DS. Tôi chịu không nhớ ra bài hát đó, có lẽ mình thực không biết bài đó. Cũng hơi ngượng: dẫu sao cũng đã mang tiếng quê HP.

    Trả lờiXóa
  10. Bachai! tôi đâu có phong ông lên làm nhà lý luận âm nhạc( bơm nhau lên người ngoài người ta cười chết :)) Tôi chỉ động viên ông bận bịu công việc mà vẫn bỏ công sức dịch sách thôi. Trình tiếng Anh được dăm ba chữ nên không biết lược dịch TC và Bachai ai chuẩn hơn, nhưng có vẻ Bachai dịch chi tiết hơn.
    (Tôi có gửi cho BH một email, có nhận được không?)

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment