Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Nhạc sĩ Phạm Duy: Thích phổ thơ vì có người tình yêu thơ

Theo VH-TT
- Chiều 30/5, tại Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam (16 Lê Thái Tổ, HN), những người yêu nhạc đã được thấy một Phạm Duy, ngoài 90 tuổi nói hơn 2 giờ đồng hồ không nghỉ về “thơ phổ nhạc”. Trong bài thuyết trình, nhạc sĩ Phạm Duy có đoạn, nói: “…Lý do tôi thích phổ thơ cũng rất là giản dị. Trước hết, tôi yêu thơ từ ngày còn bé. Lớn lên, tôi có nhiều bạn là thi sĩ làm thơ hay và làm cho tôi càng yêu thơ hơn. Cuối cùng, tôi có một người tình rất yêu thơ tiền chiến và làm 300 bài thơ tình tặng tôi...”
Ngay sau buổi thuyết trình, TT&VH đã hỏi chuyện nhạc sĩ Phạm Duy xung quanh chi tiết này!
10 năm yêu em, nhưng không còn đợi mong
Nhạc sĩ Phạm Duy nói về “thơ phổ nhạc”
* Thưa nhạc sĩ Phạm Duy, trong lời thuyết trình về ca khúc và thơ phổ nhạc, ông có đọc: “Tôi có một người tình rất yêu thơ tiền chiến và làm 300 bài thơ tình tặng tôi”. Xin hỏi người tình này là ai vậy, thưa ông?
- Tôi không thể để lộ bí mật ấy được, vì người ta đã có chồng rồi.
* Ông đã yêu người phụ nữ này như thế nào?
- Tôi yêu thật. Yêu được 10 năm thì xa nhau. Nghìn trùng xa cách đời đất ngăn rồi/Còn lời trăn trối gởi đến cho người/Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời/ Đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người... (Trích Nghìn trùng xa cách của Phạm Duy - PV). Nhưng thôi, đừng tọc mạch vào đời tư của tôi nữa!
* Ông phổ nhạc được bao nhiêu bài trong 300 bài thơ mà “bà” đã tặng ông? Và ông hài lòng nhất với bài nào?
- Trong 300 bài thơ bà ấy tặng tôi, tôi phổ được dăm mười bài, trong đó, ưng nhất có bài Tôi đang mơ giấc mộng dài.
* Ông đã “cảnh cáo” không được tọc mạch chuyện đời tư của ông. Vâng! Xin thứ lỗi. Nhưng tôi chẳng qua chỉ muốn biết bây giờ ông còn yêu “bà” ấy không thôi?
- Không! Tôi hết yêu rồi. Chỉ chừng ấy thôi. Chỉ một năm là quên nhau rồi.
Phổ thơ Hoàng Cầm và… đi “du lịch” về một cõi khác
* Thế thì xin chuyển sang câu hỏi về Hoàng Cầm vậy?
- Ông ấy là một nhà thơ vĩ đại. Tôi không đủ sức để diễn dịch đúng lời của ông ấy! Thơ Hoàng Cầm rất khó nhưng tôi vẫn cố gắng phổ cho kỳ được. Phổ chưa xong thì ông ấy chết, không được nghe. Nhưng dù sao tôi cũng đã đề tặng gia đình ông ấy một cái đĩa để lên ban thờ của ông ấy.
* Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông với Hoàng Cầm?
- Chúng tôi sống cùng nhau 12 tháng trên chiến khu 12, hai người chia nhau từng miếng cơm, manh áo, cái chăn nên kỷ niệm thì nhiều lắm lắm. Ngày ông ấy mất, tôi đã đưa ông ấy tới tận huyệt mộ.
* Ngoài Bên kia sông Đuống, ông còn muốn phổ bài thơ nào nữa của Hoàng Cầm?
- Bây giờ thì chưa biết. Khi nào có hứng sẽ phổ tiếp!
* Trong rất nhiều bài thơ ông “có hứng” phổ nhạc, ông tâm đắc nhất với bài nào?
- Nói thật, không bài nào làm tôi mãn nguyện được cả, bởi làm mãi vẫn thấy chưa đủ. Nhưng hiện nay tôi có vẻ đắc ý với bài Sầu lãng tử và Bên kia sông Đuống. Đó là những bài gần nhất nên tôi nhớ, nay mai anh có hỏi tôi, chưa chắc tôi đã nhớ, mà cũng phải quên đi mới sáng tác được.
* Gần đây trên thị trường âm nhạc Việt Nam xuất hiện rất nhiều ca khúc kém chất lượng được gọi tên là “Thảm họa V.Pop”. Ông có thấy vậy không?
- Không. Tôi không dám phê bình gì cả. Nước nào cũng vậy, nó cũng có loại nhạc phổ thông, phổ biến, bình dân và nhạc trí thức. Ở Mỹ, những bài mới xuất hiện có khi được phổ biến hơn là những bài tri thức. Đó là nhu cầu của quần chúng này nọ chứ không chỉ riêng giới tri thức. Thành thử việc ai người ấy làm thôi. Tôi thì chỉ để ý đến nhạc trí thức, còn các loại khác, tôi không để ý!
* Ông có dự định gì trong thời gian sắp tới?
- Dự định đi “du lịch” về một cõi khác. Năm nay 91 tuổi rồi còn gì, còn dự định, ước mong gì nữa. Được thế này là hạnh phúc rồi.
* Xin cảm ơn ông.
Gánh lúa- Phạm Duy. Quang Linh- Hương Lan trình bày


Ngày 26/6 tới, ca sĩ Đức Tuấn sẽ hát khoảng 30 bài chọn lọc nhạc tình Phạm Duy tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau đó sẽ là đêm đại nhạc hội Phạm Duy với sự góp mặt của rất đông các ca sĩ đã đưa các nhạc phẩm của ông “lên mây” từ hải ngoại trở về và không loại trừ khả năng trong số ca sĩ đó có một nữ ca sĩ, mà sự xuất hiện của cô sẽ làm nhiều người phải ngỡ ngàng… Tuy nhiên, danh tính của nữ ca sĩ này chưa được tiết lộ.

“Khởi sự là một người soạn ca khúc, rồi không hề có một mặc cảm nào cả, tôi cứ mãi mãi là người soạn ca khúc bởi vì sau khi đi học ở Pháp về và nhìn vào tình trạng sinh hoạt âm nhạc ở nước mình thì tôi thấy không thể đi vào con đường nhạc thuần túy như nhạc cổ điển Tây phương được. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng nếu tiếp tục soạn ca khúc thì phải thăng hoa nó lên, nghĩa là phải làm sao cho cả hai phần nhạc và lời càng ngày càng tiến bộ. Nghĩa là vào lúc cuối đời, làm sao nhạc của mình có thể tiến dần tới cõi giao hưởng mà hình như mọi người đều coi là cái đỉnh của nghệ thuật âm thanh và làm sao cho lời ca của mình có thể được cho vào văn học sử. (Nhạc sĩ Phạm Duy)


19 nhận xét:

  1. He he, QT nói về "thần tượng" của HH rồi :) HT on smartphone

    Trả lờiXóa
  2. Rất nhiều người ca ngợi PD, tôi chỉ phục ông ở chỗ sáng tác liên tục và sức làm việc bền bỉ.
    Về việc ông không kiên định lập trường chắc ngày nay người ta đã "tha thứ" cho ông, hay có ẩn tình gì trong câu chuyện ngày xưa không nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Tôi nghĩ 2 điều đáng phục nhất của PD là 1) thăng hoa được chất "dân tộc" vào nhạc hiện đại và 2) đa dạng và hầu như dạng nào cũng thành công.

    Riêng về lĩnh vực phổ nhạc các bài thơ thì NS Phạm Quang Tuấn đã nhận xét về PD như sau:

    Từ giản dị (Ngậm Ngùi) đến cầu kỳ (Nụ Tầm Xuân), từ "cố ý vụng về" (Kỷ Vật Cho Em) tới tinh vi (Thuyễn Viễn Xứ), từ âm điệu dân nhạc Việt Nam (Nụ Tầm Xuân) tới âm điệu Tây phương (Tiếng Sáo Thiên Thai), từ cách dùng tiết tấu (Nụ Tầm Xuân, Tiếng Sáo Thiên Thai, Thu Ca) tới cách dùng giai điệu (Thuyễn Viễn Xứ) tới cách dùng hòa âm (Tiếng Sáo Thiên Thai, Pháp Thân), từ giữ nguyên bản (Ngậm Ngùi) tới sắp đặt hẳn lại lời thơ (Tiếng Sáo Thiên Thai), không có khía cạnh nào của nghệ thuật phổ nhạc mà Phạm Duy không có tài xử dụng một cách điêu luyện.

    Trả lờiXóa
  4. Bachai@ Hôm nay Trần Phong gọi điện cho tôi, nói chuyện về việc có bài thơ " cuộc đời yêu như bà xã của tôi ơi" của ông TP (đã được BTk5 đăng và nay đang được đăng lại trên trang Bạn Trỗi nào đó, có một vài lời góp nói về sai sót câu chữ gì đó và nhờ tôi nói lại với Bachai rằng: bài mà ngày xưa Ba chai chép cho TP đúng y chang bài đang phổ biến hiện nay, vậy nhờ BC tìm xem có gì không đúng thì giải thích lại. (có ý kiến gì có thể trao đổi với TP ở blog này hoặc blog riêng của TP nhé)

    Trả lờiXóa
  5. Ô QT đăng ông nhạc sỹ PD lên làm mất tiêu mấy hình ảnh của trang tin tôi đưa lên rồi, vào mạng đăng baì cũng mất luôn tài khoản.

    Trả lờiXóa
  6. @Tt & TP. Mình nghĩ rằng một bài thơ có càng nhiều dị bản thì càng chứng tỏ sức hấp dẫn và lan tỏa của nó.

    Bản thân mình cũng đâu còn giữ được sổ tay chép thơ ngày xưa. Dựa vào trí nhớ lại càng không được, nên chỉ còn một cách là tìm trên mạng rồi chép lại cho TP và các bạn thôi. Nay các anh khác đăng lại một bản có thể hơi khác câu chữ, nhưng giá trị vẫn còn nguyên, có suy xuyển gì đâu.

    Trả lờiXóa
  7. @TK5. Chia bùn với ông. Tui cũng muốn ra tay giúp ông lấy lại bức hình, mà trình IT thì phọt phẹt. Thôi ông đi kiếm bức khác treo bài mới đi.

    Trả lờiXóa
  8. Thắngk5@ : không thể có chuyện chồng chéo nhau đâu, kiểm tra lại xem ở trong bảng điều khiển còn bản nháp nào không, nếu còn thì xuất bản, nếu không thì tìm lại ở nơi ông copy vậy.(coi chừng máy ông có virus hay sao đó nên mới mất tài khoản chứ, kiểm tra lại nhé)
    Bachai: TP rất nhớ về bản ngày xưa không biết ông lấy ở đâu ravà chép cho TP(hồi trước là hàng cấm)bây giờ ông ấy vẫn còn cảm kích vì điều đó.

    Trả lờiXóa
  9. Tôi xem trong bảng điều khiển không có bản nháp nào của Tk5, còn hiện tượng ảnh tượng đài Trường sa (hacker) có lỗi, ông hãy copy cái link của ảnh ở trang chủ rồi dán vào thay cho ảnh bài viết. ( click chuột phải vào giữa ảnh gốc, trong cửa sổ hiện ra bấm vào dòng cuối cùng có chữ properties, cửa sổ nữa hiện ra thì copy toàn bộ hàng chữ ở URL rồi quay lại dán vào bài viết)

    Trả lờiXóa
  10. Tôi ko nhập tâm bài nào của NS PD, trong khi đó với một số NS khác thì có, nghe văng vẳng có khi cũng nhận ra là bài hát của ai.

    Cũng thấy tiếc cho bản thân (đương nhiên ở 'mức độ 'của một quần chúng), vì ko 'cảm' được nhạc của PD. NS - cũng như NS Văn cao là cây đại thụ của nên âm nhạc VN ,thật đáng ngưỡng mộ.

    Trả lờiXóa
  11. @Bắc Hải! Năm 1970, ở Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) Bắc Hải có chép cho mình bài thơ "Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi!" của Việt Phương. Ngay từ đầu, mình đã rất thích bài thơ này. Bài thơ đã làm rung chuyển dư luận lúc đó vì chiều sâu của tư duy và tầm nhìn của Việt Phương chứ không phải như ai đó xuyên tạc rằng nó nổi tiếng vì bị Nhà nước cấm! Việt Phương viết bài này năm 1969, năm 1970 mới được xuất bản (Nhà xuất bản Văn học). Ngay sau đó bị đình bản. Năm 1989 được tái bản lần thứ nhất. Đối chiếu với lần tái bản 1989 thì hoàn toàn giống nhau. Hai câu thơ: "Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ,...Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mĩ" là ở trong bài thơ này, không phải lấy từ bài khác trong lần tái bản 1989. Bắc Hải còn nhớ không? Hai câu thơ này gây ấn tượng mạnh lắm! 41 năm qua, TP không thể nào quên được. Bắc Hải à! Thơ chính luận mà có nhiều dị bản có khi gây hiều nhầm cho tác giả. Bạn có đồng ý với mình về điểm này không?
    @Trần Trung! Bạn sửa dùm "TP" thành "VP" đi! Dị bản phải không?
    Mình rất ngưỡng mộ Việt Phương - Người hùng bất hạnh.

    Trả lờiXóa
  12. @QT: "việc ông không kiên định lập trường chắc ngày nay người ta đã "tha thứ" cho ông".
    Mượn lời HH nói cho vui "cái việc bỏ ta theo địch thì đã tha thứ rồi. Giờ lại bỏ địch theo ta thì tha thế nào được" :-)

    Trả lờiXóa
  13. Tôi không phải là nhà nghiên cứu âm nhạc, đương nhiên là người yêu nhạc và cảm thụ âm nhạc qua giai điệu và phần nào đó là ca từ. Qua ca từ ta có thể nhận biết tình cảm của nhạc sỹ dành cho ai, từ đó mà tôi đồng cảm với nhạc sỹ hay không.
    Phạm Duy quan tâm đến nhiều đề tài khác nhau, tuy vậy tôi cảm nhận được chất quê hương, dân dã trong ca từ và nhạc của ông. PD là một nhạc sỹ nhưng ông thấu hiểu được nỗi khổ, niềm vui và nỗi buồn của người dân nghèo, cũng như làng quê sinh ra họ, ông đưa được tình cảm yêu quê hương vào nhạc bằng những giai điệu nhẹ nhàng tinh tế, vì thế nhạc của ông được đông đảo người dân trong vùng chính quyền miền Nam ngày xưa cũng như cả nước ngày nay.
    Giai điệu của ông, trong đời sống sôi động hiện nay có vẻ không còn phù hợp với lớp trẻ, tuy nhiên vẫn còn đọng lại trong tâm trí những người cao tuổi, nó phù hợp với thể chất và tâm tư tình cảm của họ. Âu cũng là điều dễ hiểu.
    Riêng tôi, có vài bài của ông, ví dụ như bài " Quê nghèo" dưới đây, để lại nhiều ấn tượng, vì khi đi sâu vào ca từ, ta mới hiểu ông rất đồng cảm với người nghèo, làng quê nghèo và cả những người phụ nữ xa chồng trong thời ly loạn :
    "..Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai.
    Có tiếng o nghèo thở dài, Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi...."
    Dưới đây là Ca từ vàđường dẫn bài hát mời mọi người nghe lại.

    Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
    Có những cánh đồng cát dài
    Có lũy tre còm tả tơi
    Ruộng khô có những ông già rách vai
    Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
    Có người bừa thay trâu cày
    Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy
    Thấp thoáng bóng người bên ngòi
    Tát nước với giọt mồ hôi
    Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
    Hắt hiu tiếng bà mẹ cười
    Vui vì nồi cơm ngô đầy

    Bao giờ cho lúa được mùa luôn lúa ơi
    Để cho cô con gái không buồn vì gió đông
    Bao giờ cho lúa về đầy sân hỡi em
    Để cho anh trai tráng được gần người gái quê

    Làng tôi luôn luôn vương vài đám khói
    Những mái tranh buồn nhớ người
    Xơ xác điêu tàn vì ai
    Nửa đêm thanh vắng không bóng trai làng
    Có tiếng o nghèo thở dài
    Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi
    Từ khi đau thương lan tràn sông núi
    Quê cũ đã nghèo lắm rồi
    Thêm đói thêm sầu mà thôi
    Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi
    Mơ thấy bên lề cuộc đời
    Áo dài đùa trong nắng cười

    Bao giờ em trở lại vườn dâu hỡi em
    Để cho anh bắc gỗ , xây nhịp cầu bước sang
    Bao giờ cho nối lại tình thương hỡi ai
    Để em ra bến vắng, đón chàng ... chàng chiến binh ./.

    Trả lờiXóa
  14. " Nửa đêm thanh vắng không bóng trai làng
    Có tiếng o nghèo thở dài"
    Cám ơn ông PD đã chỉ dẫn, vậy là mình xông vào làng sẽ trở thành Hoàng tử chứ chả chơi ?
    TK5

    Trả lờiXóa
  15. @Bắc Hải! Mình còn nhớ năm 1970 bạn đã chép và phổ biến bài thơ "Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi" của Việt Phương. Chúng mình chuyền tay nhau đọc trong giờ học chính trị (năm thứ nhất Đại học Quân y). Ngay từ đầu, mình rất thích bài thơ này. Ấn tượng mạnh lắm hai câu thơ:
    " Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ
    ...Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ"
    Bài thơ này được Việt Phương viết năm 1969, đăng trong tập thơ "Cửa mở" năm 1970 (Nhà xuất bản Văn học). Tập thơ đã gây chấn động dư luận và bị đình bản. Mãi đến năm 1989 "Cửa mở" mới được tái bản lần thứ nhất. Đối chiếu với lần tái bản này thì bài thơ giống hoàn toàn như Bắc Hải đã chép năm 1970. TP chưa thấy dị bản bài thơ này. Bắc Hải à! Theo mình thơ chính luận mà có dị bản sẽ làm sai ý mà tác giả muốn truyền tải hoặc làm cho dư luận hiểu sai về tác giả, có khi nguy hiểm! Bạn có đồng ý về điểm này không? Khi đất nước chuẩn bị bước vào thời kì đổi mới, nhiều nhà lí luận đã trích dẫn vài ý trong bài thơ này để nói đất nước cần phải đổi mới. Những độc đoán, thiếu dân chủ, sự ngây thơ, ấu trĩ về nhận thức, sự trì trệ phải được đổi mới khắc phục. Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn, không thể là "Trời còn xanh hơn trời xanh". Đã 41 năm trôi qua, mình còn nhớ cái lần đầu tiên đọc bài thơ này. Cám ơn bạn đã khai sáng mình bằng bài thơ này.

    Trả lờiXóa
  16. TK5 định mò vào làng thăm mấy o mà không chịu cầm "súng" đi theo thì khi nào mới trở thành hoàng tử được? Nhớ là đừng cầm súng của Tầu nhé, "bắn"không chuẩn đâu.

    Trả lờiXóa
  17. Bắc Hải! Mình nhớ mãi năm 1970 bạn đã chép bài thơ "Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi" của Việt Phương. Chúng mình chuyền tay nhau đọc trong giờ học chính trị (năm thứ nhất ĐHQY). Ngay từ đầu, mình đã rất thích bài thơ này. Ấn tượng mạnh lắm hai câu thơ:
    "Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ
    ...Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mĩ"
    Một lối ẩn dụ thật tài tình! Mình không thấy có chút mỉa mai, giễu cợt nào cả! Bài thơ này Việt Phương viết năm 1969. Năm 1970 được đăng trong tập thơ "Cửa mở" của tác giả. Tập thơ đã gây chấn động mạnh và bị đình bản. Mãi đến năm 1989, "Cửa mở" mới được tái bản lần thứ nhất. Đối chiếu bài thơ được tái bản năm 1989 với bài thơ mà Bắc Hải chép thì hoàn toàn giống nhau. Mình không thấy có dị bản nào cả. Bắc Hải à! Thơ chính luận mà có nhiều dị bản thì dư luận sẽ hiểu sai ý tác giả muốn truyền tải đến công chúng hoặc công chúng sẽ hiểu sai ý của tác giả. Điều này có khi nguy hiểm! Bắc Hải có đồng ý với mình về điểm này không?
    Mình còn nhớ khi đất nước chuẩn bị bước vào thời kì đổi mới, nhiều nhà lí luận đã đem bài thơ này ra bàn luận. Tệ độc đoán, thiếu dân chủ, sự ngây thơ, ấu trĩ trong tư duy, nhận thức, những sai lầm trong quá khứ và hiện tại phải được khắc phục ngay. Đảng phải chỉnh đốn ngay, không thể "Trời còn xanh hơn trời xanh".
    Một lần nữa mình cám ơn Bắc Hải đã khai sáng nhận thức và tâm hồn mình bằng bài thơ này!

    Trả lờiXóa
  18. TP xin đính chính: "Thơ chính luận mà có nhiều dị bản thì dư luận sẽ hiểu sai ý của tác giả muốn truyền tải đến công chúng hoặc điều mà tác giả muốn gửi gắm đến công chúng lại không đến được với công chúng."
    Thành thật cáo lỗi!

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment