Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Cái trống đồng của Nguyễn Ánh

TRẦN NGHI HOÀNG
SGTT
Phạm Khương tới Hoa Kỳ du học từ năm 71. Năm 84, 32 tuổi, ông thành tiến sĩ Khương. Ông Nam kỳ Khương gặp cô Bắc kỳ Xuyến và cô Xuyến thành bà Khương. Cô Xuyến qua Mỹ năm 75, lúc mới 11 tuổi. Bản tính thích làm đẹp, nên xong trung học cô chọn ngành beauty.
Hiện tại, ông Khương đã 42, Xuyến 30 chẵn. Nhưng, nếu không vì cái đầu trí thức hơi hơi hói, cái bụng ăn nhiều bơ lại ít hoạt động nên to một tí, thì nhìn ông và cô Xuyến vẫn đẹp đôi. Cô Xuyến đẹp, đó là tất nhiên khi ông Khương chọn vợ. Ông vốn háo sắc. Còn ông Khương đẹp nhờ cái bằng tiến sĩ. Cũng nhờ cái bằng này, nên tuy ông hơi lùn, đi đâu cũng thành cao!
Lần này, ông Khương đưa Xuyến về Việt Nam, về thăm quê ông.
Xe đã ra khỏi thành phố. Những bận dằn xóc liên tục làm Xuyến bèo nhèo. Xuyến nhăn nhó níu tay ông Khương: “Đi nhiêu lâu mới tới vậy anh?” Ông Khương tìm đôi mắt người tài xế trong kính chiếu hậu. Người tài xế tươi cười: “Chạy liền liền không nghỉ nhiều thì độ bốn, năm tiếng là tới Tân Thuỷ. Và nếu hên, lúc qua bắc Mỹ Tho không bị kẹt lâu!”
Xuyến kêu lớn: “Trời đất! Gì mà tới bốn, năm tiếng. Đường xấu vầy chắc em chết quá”.
Dĩ nhiên, Xuyến không chết và cuối cùng xe cũng tới Tân Thuỷ lúc gần 12 giờ trưa. Tại Tân Thuỷ, người tài xế phải dừng lại năm lần bảy lượt hỏi thăm, mới tìm ra nhà chú ông Khương.
Cảnh chú cháu ông Khương trùng phùng quả là một màn bi hài. Rồi thì ông chú cũng qua cơn xúc động, buông ông Khương ra, dõng dạc nói với đám hàng xóm đang nhấp nhó ngoài cửa chính, cửa sổ: “Đây là thằng cháu Khương, con anh Hai tôi. Nó ở bên Mỹ hơn hai chục năm rồi. Nó làm giáo sư bên đó. Bây giờ nó về thăm tôi”.
Ông chú lúc lắc vai ông Khương, bàn tay kia giương ngón chỉ: “Thím cháu bây giờ già lắm rồi. Tụi thằng Ngọc, con Ngà đã có gia đình, đi làm ăn xa hết. Còn thằng Tơ, con Lụa cháu chưa biết mặt đâu. Hai anh em nó kìa. Thằng anh coi to lớn vậy chớ khờ lắm. Nó hai mươi mà bị dụ hoài à”



*
Sau bữa cơm, Lụa nhanh nhẹn thu dọn chén bát xuống bếp. Tơ đứng lên bê theo cái đôn mà anh ta dùng làm ghế ngồi. Thừa dịp lúc Lụa bày trà, Xuyến nghiêng người thấp giọng với ông Khương: “Thằng nhỏ Tơ nó nhìn em mãi! Nhìn kỳ lắm”. Ông Khương cười nhẹ: “Thì cu cậu là trai nhà quê mới lớn, chưa từng thấy người đẹp như em nên mê ngắm chứ gì đâu”.
Ông Khương đứng lên đi lấy cái xách du lịch nhỏ đang treo trên vách ở góc nhà, lấy ra hai phong bì. Ông đưa phong bì dày cho ông chú trước: “Thưa chú, trong đây có một ngàn đô. Tiền này mẹ cháu giao chú để làm lại mộ cho cha cháu. Kèm theo là thư mẹ cháu và hình kiểu mộ mẹ cháu muốn xây. Mẹ cháu dặn hỏi chú, nếu một ngàn đô không đủ thì cháu đưa thêm”. Ông chú cười xuề xoà: “Một ngàn đô là dư rồi, dù có xây giống lăng cụ Phan Thanh Giản”.
Ông Khương lại đưa ông chú cái phong bì thứ hai mỏng hơn: “Còn đây là bảy trăm đô. Hai trăm của mẹ, năm trăm của vợ chồng cháu. Phần này là quà để chú thím sửa chữa nhà cửa và lấy vốn làm ăn”. Ông chú giơ cả hai bàn tay nhăn nheo ra cầm phong bì. Đôi mắt già đục của ông chú rươm rướm đỏ. Bà thím xuýt xoa, ngượng ngập: “Trời ơi! Vợ chồng cháu về thăm là quý rồi! Lại còn cho tiền nữa...”
Ông chú: “Gia đình chú cám ơn chị Hai và vợ chồng cháu. Thôi, để chú biểu thằng Tơ nó viết cho mẹ cháu mấy chữ. Nếu hai vợ chồng nhất định không ở chơi được, thì nên đi cho sớm. Đường tối, lái xe nguy hiểm. Phải vậy không chú tài?” Người tài xế ngồi ở góc bàn gật đầu, cười: “Dạ, ông chú nói đúng”.
Ông chú lớn tiếng gọi: “Tơ à! Con lấy giấy viết ra cha đọc mày biên mấy chữ cho bác Hai, mau lên”. Một lát, Tơ khệ nệ quay ra với cái đôn, trên mặt là mấy tờ giấy trắng và cây viết bic. Ông Khương hỏi: “Nãy giờ cháu thấy em Tơ cứ bê ra bê vào cái bục đó! Nó là cái gì vậy chú?” Ông chú cười: “À! Đó là cái đôn của nó. Nó quý lắm cháu ơi! Lúc còn nhỏ, nó kê thêm miếng ván làm bàn ngồi học. Bây giờ, nó lại làm ghế ngồi”.
Ông Khương đứng lên đi về phía Tơ: “Em Tơ cho anh nhìn cái đôn của em chút nghe”.
Cái đôn bằng đồng, màu patin xanh ngả xám, mặt tròn, cao hơn sáu tấc, hình dáng cân đối.
Xuyến giương mắt ngó theo ông Khương. Nét mặt ông Khương nghiêm trọng. Ông quỳ hẳn xuống nền nhà, bên cái đôn, rồi đột nhiên nói lớn: “Xuyến, em giữ kính của anh phải không?” Xuyến với cái bóp treo trên thành ghế, lấy ra cặp kính đến đưa cho ông Khương, hỏi nhỏ: “Gì vậy anh?” Ông Khương thầm thì: “Đây chẳng phải là cái đôn đâu em. Nó là trống đồng Ngọc Lũ! Mang về Mỹ là nó thành vô giá, em biết không?”
Xuyến cong ngón tay có móng đỏ chỉ vào chỗ ông Khương đang vuốt ve: “Hình như có mấy chữ Hán khắc ở đây hả anh?” Ông Khương gật nhẹ. Xuyến thấy sắc mặt ông Khương biến đổi, bàn tay ông trên mặt trống như run lên trong một giây. Ông Khương ngước lên, hỏi: “Ở đâu em có thứ này vậy Tơ?” Ông chú đáp thay con: “Hồi thằng Tơ đâu mười tuổi, nó theo chú đi soi ếch. Hai cha con chèo xuồng đi miết vô tới cồn Hố. Bữa đó, nó lượm được cái đôn này dưới lạch ô rô”.
Ông Khương cố thản nhiên cười, gật đầu: “Dạ, bên Mỹ nhiều trường đại học có dạy môn Việt ngữ và văn minh Việt Nam. Cháu về nước lần này, cũng để kiếm một cái đôn như của em Tơ về làm mẫu để dạy. Đôn này là biểu trưng của văn minh xưa Việt Nam. Ở Sài Gòn, cháu thấy người ta có bán, giá chừng hai ba chục đô gì đó. Cháu định mai mốt trở lại mua. Nhưng thôi, tiện em Tơ có đây, nếu em muốn thì để lại cho cháu, cháu sẽ đưa cho em nó năm trăm đô. Coi như giúp em Tơ món tiền, mai mốt em Tơ cưới vợ, có vốn làm ăn”.
Bà thím la lên: “Trời đất! Năm trăm đô hả cháu!” Ông chú bình tĩnh hơn: “Anh Khương nói vậy, con nghĩ sao hả Tơ?”
Nãy giờ Tơ đứng bứt rứt, như muốn phát biểu gì đó mà không được cơ hội. Một tay Tơ xoắn vạt áo sơ mi, một tay gãi đầu gãi cổ. Nghe cha hỏi, đôi mắt Tơ long lên, miệng bật lớn tiếng: “Cái này của con, con có nó mười năm rồi! Giá bao nhiêu, con cũng không bán!”
Mọi người chưng hửng. Ông chú mỉm cười nhìn cậu con trai: “Thì của con chứ ai nói gì đâu nè. Mày không muốn nhường cho anh Khương thì thôi”. Bà thím tiếc ra mặt: “Con giữ tế ông tế bà chi vậy Tơ...”
Tơ ngắt lời bà mẹ: “Con đã biểu không bán, không nhưòng mà má kỳ quá! Anh Khương nói trên Sài Gòn có. Ảnh cần, thì về lại Sài Gòn mua”.
Ông Khương ú ớ gật đầu xuội lơ. Bỗng Xuyến nhăn mặt, đưa tay bóp bóp hai bên thái dương: “Anh Khương ơi, tự nhiên em đau đầu quá”. Ông Khương bước đến bên Xuyến. Cô nắm tay ông Khương bấu nhẹ, nheo mắt với ông. Ông Khương hội ý, nói: “Để anh lấy Tylenol cho em uống. Hay là, mình nghỉ lại nhà chú thím một đêm. Sáng mai em khoẻ, hẳn trở lại Sài Gòn. Công việc gấp thì gấp, sức khoẻ em vẫn quan trọng hơn chứ”.
*
Trong phòng của Lụa, ông Khương vừa cài chốt cửa, Xuyến hấp tấp níu tay ông: “Cái trống đó quý lắm phải không anh?” Ông Khương cầm tay Xuyến: “Em nhớ mấy dòng chữ Hán khắc trên mặt trống, mà lúc nãy em hỏi anh đó không? Dòng đầu khắc: Nguyễn Phúc Ánh chi đồng cổ lưu ư thử lý nghĩa là trống đồng của Nguyễn Phúc Ánh để lại làng này. Dòng kế ghi: Tân Thuỷ, Nhâm Thìn niên. Tân Thủy, là tên làng như em đã biết, Nhâm Thìn niên là năm 1784. Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đánh đuổi nhiều lần phải chạy trốn. Sử ghi là Ánh có về lánh ở Vĩnh Long. Bây giờ, nhờ cái trống đồng này, anh có thể công bố một khám phá mới về lịch sử: Nguyễn Ánh đã có lần tị nạn ở Cồn Hố, làng Tân Thuỷ thuộc quận Ba Tri của tỉnh Bến Tre! Vậy, ngoài giá trị đồ cổ, cái trống này còn một giá trị khác nữa ở lĩnh vực lịch sử. Anh cam đoan, nếu mình làm chủ được nó, là làm chủ một gia tài lớn. Bán nó cho mấy tay sưu tập ở Mỹ, mình có thể thành triệu phú”.
Mắt Xuyến ánh lên những tia tham vọng: “Làm thế nào mình mang nó ra khỏi Việt Nam được?” Ông Khương cười: “Thời buổi này, cái chi mua được là mang đi được. Lo gì em!” – “Nhưng thằng nhỏ Tơ đã nhất định không chịu bán, dù mình trả bất cứ giá nào, anh tính sao?” Ông Khương mỉm cười: “Nó không chịu cho mình mua bằng tiền, thì mình mua bằng cái khác”.
*
Xem chừng, Xuyến không thể nào thực hiện đúng theo kế hoạch của ông Khương. Tơ chủ động một cách thuần thục trong cuộc chiến. Chàng thanh niên “khờ lắm” con ông chú biến mất. Khi ôm Xuyến trong vòng tay, Tơ đột nhiên biến thành một gã phong lưu. Xuyến không kịp thở. Mới đầu, Xuyến cũng ráng trấn tĩnh để đóng vai mèo vờn chuột. Nhưng mọi cố gắng vùng lên của Xuyến đều thất bại. Con mèo biến thành con chuột, và ngược lại. Người thiếu phụ 30 tuổi thua chàng thanh niên 20 tuổi không còn manh giáp. Tiếng Xuyến rên rỉ, van nài hoà với tiếng cò ke của cái giường tre. Tiếng rên của Xuyến mơ hồ, tan loãng vào đêm lồng lộng. Vị thế căn chòi lá sau vườn mía nhà ông chú quá chơ vơ, xa cách...
Đến khi Tơ rũ ra nằm trên người Xuyến thì cô nhớ tới bổn phận. Xuyến vuốt ve tấm lưng rộng, rắn chắc của Tơ. Cô thì thầm: “Tơ thích Xuyến không?” – “Tơ thích lắm. Thương chị Xuyến lắm!” – “Nếu Xuyến muốn cái gì, Tơ có chiều Xuyến không?” – “Tơ chiều... chiều chớ” – “Vậy Tơ nhường cái đôn của Tơ cho Xuyến nghe”.
Chàng thanh niên bỗng lăn ra, ngồi bật lên: “Không được!” Và bất ngờ, Tơ vơ quần áo mặc vào thật nhanh. Không kịp cài nút, Tơ phóng ra khỏi căn chòi lá. Xuyến hoảng hốt gọi với: “Tơ... Tơ...”
Bóng Tơ đã lẩn vào không gian lờ đục của đêm tối và ánh trăng.
Xuyến hấp tấp trườn khỏi cái giường tre ọp ẹp, mò mẫm tìm quần áo.
*
Tơ về phòng không thấy cái đôn của mình. Chàng thanh niên như nổi cơn điên, xông qua phòng Lụa đập ầm vào cửa, hét lớn: “Đồ chó đẻ... Đồ ăn cắp!” Cửa phòng Lụa bật tung. Phòng trống trơn. Ông chú, bà thím, Lụa lần lượt thức dậy bởi tiếng hét của Tơ. Tơ lại hét: “Đồ ăn cắp... Không trả tao cái đôn, tao giết mày!”
Rồi Tơ tông cửa trước, chạy đi. Ông chú, bà thím và Lụa lẹt bẹt theo sau Tơ, không kịp hỏi han gì hết. Tơ chạy ra sân, đến chỗ cái xe hơi đậu. Tơ gặp ông Khương đang hớt hải, khệ nệ ôm cái đôn của Tơ. Xuyến cũng vừa trờ tới, quần áo xốc xếch, đầu tóc xổ tung. Người tài xế ngồi ở tay lái. Xe đã nổ máy. Tơ xông vào ông Khương, giật phăng cái trống đồng. Tơ giật mạnh quá, làm ông Khương té bò càng trên đất. Xuyến sà xuống đỡ ông Khương lên. Hai vợ chồng len lét chuồi nhanh vào xe. Tơ gầm gừ: “Tao sẽ đập nát cái đôn này. Không đứa nào đụng được tới nó đâu...”
Chàng thanh niên ôm cái trống, băng băng tuôn về phía cánh đồng trăng mờ mịt. Có tiếng chó sủa văng vẳng đâu đó trong khu xóm quê tĩnh lặng.

3 nhận xét:

  1. Cuối cùng thì chỉ có cái thằng đàn ông ngờ nghệch là lãi to, được cả vốn lẫn lãi.

    Trả lờiXóa
  2. Nghe chừng tôi cũng bắt ham chạy theo anh TK5 làm cái chú nhỏ ngờ nghệch đó kiếm chút lãi.
    Dưng mà rồi cái thằng tiến sĩ đã sẵn lòng bán cả vợ lẫn di sản của dân tộc nó có chịu chấp nhận? Chắc là anh TK5 sẽ không còn được bình yên ôm trống mà uốn diệu nữa rùi.

    Trả lờiXóa
  3. Ờ, thằng cu con này thế mà khôn, câu chuyện có ý hay là giáo dục bọn trẻ biết giữ gìn vốn quý dân tộc, thằng cu này nó hay ở chỗ vừa giữ được vốn quý vừa xơi được cái nó thích, hehe! có vẻ Bachai rất tâm đắc với thằng cu con này!!!Nhưng thật sự, tôi cho rằng không có mấy thằng không bị cám dỗ như thằng này.

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment