Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Thư zãn với từ " ĂN" trong tiếng Việt

 Nói chuyện biển đảo đau đầu, bây giờ chuyển mục sang tán phét cho ... thư giãn, chợt thấy người Việt mình rất trọng cái ăn, vậy xin nói chuyện về việc từ ăn được dùng thế nào, và mức độ quan trọng của nó ra sao.

Ăn là quan trọng lắm, từ anh phó thường dân đến anh Vua đều phải ăn. Người xưa nói “ Có thực mới vực được đạo”, tức là có ăn  đã mới làm gì thì làm. Một trong những câu các bậc chăn dân thường nói là “ Nước lấy dân làm gốc- Dân lấy cái ăn làm đầu” không có cái ăn thì dân chết, mà dân chết thì nước mất gốc, mất gốc thì mất cả nước luôn, ý tứ nó thế.
Nói vậy để thấy cái ăn chi phối mọi thứ. Thôi miễn bàn đến “Nước” có cần “Gốc” hay không, nó đi vào chính trị rồi, mà đi vào chính trị là dành cho cỡ VIP, các nhân vật quan trọng, họ cho dân sống chết thế nào là không phải việc của mình. Chỉ nói đến chuyện rất lạ là không ở đâu trên thế giới có loại ngôn ngữ được ghép với từ” ăn” như trong tiếng Việt. Vậy nên nói chuyện đó cho vui, có khi được góp ý mà vốn từ vựng lại thêm phong phú. Nhỡ có hôm nào hăng cà, cãi nhau với bà xã còn có cái để gân cổ lên chứ không nhẽ cứ nhịn mãi !!!
 Qủa là trong tiếng Việt mình, động từ “ĂN” được sử dụng và ghép với rất nhiều từ khác để thành một từ mới. Cái này hầu như không có trong ngôn ngữ nước ngoài. Bạn thử hình dung từ “Ăn mặc” trong tiếng ta mà cũng được ghép lại, ví dụ như tiếng Anh chẳng hạn, nó thế nào nhỉ : “Eat  wear..”  Chẳng ra cái gì cả. Nhưng trong tiếng ta nó được chỉ cho một cái phong cách của ai đó. Ví dụ người bố nói ..” ăn mặc (hoặc ăn bận) gì luộm thuộm thế!” để cảnh báo  người con búi xùi trong trang phục ra đường của mình. Nhưng người Anh không ghép từ eat vào với từ wear như vậy được.  Vậy nhưng tiếng Việt mình có rất nhiều.  Công khai cướp giật của người khác thì gọi là “ăn cướp”, nhưng làm việc đó một cách bí mật thì gọi là “ăn trộm” . Lừa lúc người ta không để ý mà thò tay móc thì gọi là “ăn cắp”. Người mang chức quyền, có kẻ  đến đút lót cho được việc, lòng tham nổi lên mà nhận thì gọi là “ Ăn hối lộ”,  bốn  cái từ này cùng một duộc với nhau cả.
Cái việc cưới hỏi cũng dính đến từ ăn,  nhà trai đến nhà gái hỏi vợ cho con gọi là “ Ăn hỏi” mà đến khi làm tiệc cưới  để hai trẻ về sống chung thì khách khứa bảo nhau đi “ Ăn cưới” . Nhà có đám ma hoặc kỷ niệm ngày mất của người thân thì mời khách khứa đến “ăn giỗ”, cũng là ăn cỗ đấy nhưng trong nhà đám thì không được nói vậy, nhỡ nói chệch “ăn giỗ” ra “ ăn cỗ” là phiền toái, không khéo hóa ra đi ăn việc vui!



 
Người sống nhờ vào người khác gọi là “Ăn bám.” Ông quản lý đơn vị xà xẻo tý tiêu chuẩn của anh em gọi là” Ăn bớt “. Tay quản lý đó lại đồng lòng với hội đồng quân nhân, đồng lòng với mấy ông anh nuôi rút bớt tiêu chuẩn gạo của lính thì gọi là “Ăn cánh” với nhau. Ngày xưa ở đơn vị bộ đội, tiêu  chuẩn mỗi thằng lính 21 kg gạo một tháng mà quanh năm đói, bây giờ cả nhà năm sáu miệng ăn cũng chỉ hết chừng đó, He he! Chắc có bọn nào ăn cánh với nhau bớt xén đi chớ sao!


Thuở tráng niên, gặp phải lúc kinh tế khó khăn, đói bỏ mẹ, gặp cái gì xơi được là ăn tuốt, chẳng kiêng khem gì mà sao người vẫn khỏe. Bây  giờ  có tuổi, thấm nhuần câu tham thực cực thân nên bày đặt “ăn kiêng”, “ăn chay” . Không dùng đến thìa ,đũa mà dùng tay xơi thì gọi là ăn bốc. Ăn  chay mãi nên không đủ chất, thỉnh thoảng chén thêm thịt chó thì hành động đó được gọi là “ăn gian” tức là ăn gian với quyết định của chính mình vậy!!! “ăn chắc” nhất là tránh xa hàng thịt chó, thằng nào rủ rê cũng không đi, đi thì “ăn giải” gì đâu? Chỉ tổ thêm bệnh Gút. Hehe!
Từ ăn được dùng khá phổ biến cho hành động không phải của người, ví dụ dùng để biết mức độ tiêu tốn nhiên liệu của một chiếc Auto, người ta nói xe này ăn tốn xăng. Cái tàu hỏa này ăn tốn than. Tiền thì ai cũng thích, đại gia dùng để bao gái, tiểu gia thì “ăn lương” (tiền) của cơ quan thì chỉ dám uống thêm vại bia là may, lấy đâu ra nhiều để thỉnh thoảng ra ngân hàng đổi ra đô : “hôm nay một đô “ăn” bao nhiêu đồng VN?”

Thậm chí ngủ với gái, chẳng dính dáng gì đến ăn mà lại bảo là “ăn nằm” , hành động đó có vẻ phản bội vợ nên anh nào đứng đắn lại có tý “ăn năn”. Nhưng thói xấu không bỏ được, lần sau đi cô khác thì có vẻ “ăn tạp”. Cái từ này cũng được dùng cho cậu quan nào hay ăn hối lộ,  tiền Việt, đô hay vàng bạc, xơi tất, quan xã còn nhận hối lộ cả rổ khoai lang!! thế cũng gọi là” ăn tạp”hay “ăn bẩn “
Xem ra ở Việt nam ta đúng là tôn cái ăn lên hạng nhất, bây giờ ra phố, thấy hàng ăn nhậu mọc lên như nấm sau mưa, cả dân tộc ra phố, toàn dân nhậu nhẹt, chắc cho bõ mấy chục năm chinh chiến liên miên, ai có việc đi qua viện K, thấy dân chúng nhốn nháo ra vào chữa bệnh đông như trẩy hội thì cũng đừng lấy làm lạ.Oài!



2 nhận xét:

  1. Anh Qt vừa công phu sưu tầm đủ loại hình và đủ các món ăn cho chúng ta, vậy mà chả thấy ai đụng chạm bát đũa gì cả, chắc là toàn dân no cả rồi, đất nước mình hưng thịnh quá.

    Trả lờiXóa
  2. Xin lỗi phải xóa. Vì đau quá không ăn nói gì được.

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment