Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Bà Phạm Chi Lan mong rằng CP sẽ...

5 thách thức đặt ra với Chính phủ mới:
Bất ổn kinh tế vĩ mô, tham nhũng, nhóm lợi ích, chênh lệch giàu nghèo và chủ quyền là 5 thách thức cần Chính phủ giải quyết trong nhiệm kỳ mới để đưa đất nước vượt qua vùng "nguy hiểm", theo chuyên gia Phạm Chi Lan."Tôi cho rằng nhiệm kỳ 5 năm tới của Chính phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của đất nước. Cũng vì thế mà nhiệm vụ và thách thức với Thủ tướng cũng như bộ máy điều hành mới vô cùng nặng nề.


1.Thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ mới chính là bất ổn kinh tế vĩ mô, thể hiện ở lạm phát, nhập siêu, nợ công, quản lý các tập đoàn nhà nước... Nếu không giải quyết được ngay trong 5 năm tới chúng ta khó lòng hoàn thành mục tiêu cho cả 10 năm.
Tuyên bố trong kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ cũ cho thấy Chính phủ đã nhận thấy những điểm chưa được trong quá trình triển khai 6 nhóm giải pháp vừa qua. Hy vọng, Chính phủ mới sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp này với tinh thần cương quyết hơn, đồng bộ hơn. Tôi cũng tin Chính phủ có đủ năng lực quản lý, lắng nghe và sàng lọc những người có đủ năng lực điều hành kinh tế. Không thể để nền kinh tế của 86 triệu người bị ảnh hưởng bởi một vài người không đủ năng lực.
2.Thách thức thứ hai chính là tham nhũng. Luật Phòng chống tham nhũng được ban hành trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa rồi, nhưng như một vị lãnh đạo cấp cao đã thừa nhận việc chống tham nhũng còn ít so với mong đợi và còn nhiều khó khăn trước mắt.Tham nhũng hiện nay biến tướng phức tạp ở quy mô rộng hơn, tham lam hơn, làm thất thoát tài sản của dân nhiều hơn. Trong lịch sử chưa có vụ thất thoát nào lớn như Vinashin. Riêng chuyện nợ nần dây dưa giữa hai tập đoàn nhà nước là Petrovietnam và EVN đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có tham nhũng đất đai, tài nguyên thiên nhiên gây khiếu kiện kéo dài.

3.Bất bình đẳng gia tăng cũng là một thách thức mà theo tôi Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ phải "nhức đầu" nhiều, phải cố gắng lo sao cho giảm bớt bức xúc của người dân. Điều này thực sự rất đáng tiếc. Trong suốt 25 năm đổi mới, Việt Nam được đánh giá cao về việc vừa tăng trưởng, vừa xóa đói giảm nghèo. Xóa đói giảm nghèo xét ở một góc độ nào đó có ý nghĩa như việc thu hẹp bất bình đẳng trong xã hội. Bất bình đẳng lớn nhất hiện nay chính là thu nhập.

4.Thách thức thứ tư với Thủ tướng và Chính phủ mới chính là nhóm lợi ích. Nhiệm vụ của bộ máy điều hành mới là phải làm sao để lợi ích của sự phát triển được phân bổ đồng đều trong xã hội, cho đa số người dân. Đồng thời, phải kiềm chế những nhóm lợi ích ích kỷ, chỉ nghĩ cho cá nhân mình, gia đình mình, công ty và tập đoàn mình mà không nghĩ tới lợi ích chung của đất nước. Thậm chí kể cả lợi ích cục bộ của địa phương, các ngành cũng cần phải xem xét, sắp đặt, điều chỉnh cho đi đúng guồng chung của đất nước. Khi đã phân định, giao cho các ngành, các địa phương thì các vị đứng đầu phải điều hành sao cho sự phát triển của các ngành, địa phương hài hòa với lợi ích chung của đất nước. Chứ không thể để xảy ra chuyện cả nước thắt chặt tín dụng mà Bộ Xây dựng lên tiếng muốn gỡ cho doanh nghiệp bất động sản. Hoặc doanh nghiệp bất động sản vừa có đại diện trong Quốc hội đã ngay lập tức phát biểu thắt tín dụng bất động sản là không đúng.
Muốn giải quyết vấn đề nhóm lợi ích, cách tốt nhất là dựa tối đa vào người dân, lợi ích của đông đảo người dân là lợi ích của toàn xã hội. Phải xử lý mạnh tay, chấm dứt những yêu sách, đòi hỏi đi ngược lợi ích số đông, có như thế họ mới chùn tay. Nếu vẫn du di cho nhau, xuê xoa cho nhau thì nhóm lợi ích vẫn tiếp tục hoành hành theo cái cách của họ, ngày càng khôn ngoan hơn, trắng trợn hơn theo kiểu bất chấp tất cả.

5.Vấn đề cuối cùng, nhưng không phải là vấn đề kém quan trọng nhất, đó là Biển Đông, hay mở rộng hơn chính là chủ quyền đất nước. Trong đáy lòng mình, tôi rất tin Quốc hội và Chính phủ vừa qua đã biết lo, nghĩ về vấn đề hệ trọng này nhưng có nhiều điều khó, không nói ra được với dân. Nhưng hy vọng Chính phủ mới bộc bạch nhiều hơn. Có những điều không tiện nói ra một cách đông đảo nhưng không thể giải quyết bằng cách im lặng trước bức xúc của người dân, nhất là liên quan tới vấn đề hệ trọng của tổ quốc.
Người dân mình, khi đất nước lâm nguy cũng là lúc đoàn kết với nhau nhất, chung sức chung lòng nhất. Đây là cơ hội để nhà nước tập hợp người dân, cùng nhau tập trung giải quyết những vấn đề vận mệnh của đất nước.
Chính phủ và Quốc hội cần dành thời gian nhiều hơn để bàn bạc về vấn đề này, đề ra các giải pháp tăng cường năng lực tự bảo vệ mình. Từng bộ, ngành cũng có trách nhiệm cụ thể. Bộ Quốc phòng, Nông nghiệp Nông thôn phải làm sao để ngư dân ra biển an toàn, yên tâm sinh sống nơi biển đảo. Bộ Giao thông Vận tải phải làm sao để Vinashin làm ra những con tàu tốt. Bộ Công Thương cũng phải có trách nhiệm của mình. Suốt thời gian qua Bộ Công Thương ở đâu mà để thương lái Trung Quốc vào mua hàng hóa ngay trên đất Việt Nam không cần tư cách pháp nhân, không giấy phép và không nộp một xu thuế cho Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước có chịu trách nhiệm gì không, thương lái Trung Quốc vào mua suốt từ Bắc tới Nam thì tiền ở đâu ra mà họ làm được như vậy? Trong khi đó, chúng ta lại nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Vấn đề chủ quyền không chỉ dừng lại ở biển đảo, mà cần chú ý tới cả trong đất liền nữa.
Để giải quyết tất cả 5 thách thức đó, có lẽ cần quay lại những nguyên tắc rất cơ bản của một thể chế tốt. Chúng ta vẫn nói mong muốn xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong sạch thì phải minh bạch, thể hiện ở việc mọi quy định đưa ra phải rõ ràng, không để ai hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai, thực hiện sai. Ai cố tình hiểu sai, cố tình thực hiện sai thì phải trừng trị người đó, đấy mới là minh bạch.
Tôi mong Chính phủ mới sẽ tăng cường hơn nữa, yêu cầu cao hơn nữa về trách nhiệm của người đứng đầu trong tất cả các tầng lớp quản lý. Tôi hoan nghênh có những vị đã mạnh dạn đứng ra xin chịu trách nhiệm trước Quốc hội khi để xảy ra vấn đề trong lĩnh vực mình quản lý. Có như vậy mới khôi phục được lòng tin của dân chúng cũng như cộng đồng nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

3 nhận xét:

  1. Bà PCL mong CP mới sẽ...
    Nhưng mà CP cũ đã được xác nhận là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các vấn đề thứ nhất cho tới thứ năm là bất khả kháng, cái số nước mình nó thế, chả có cách nào.
    Đừng mong!

    Trả lờiXóa
  2. Bà PCL là một cựu quan chức có tài và có tâm, những lời khuyên của bà đều đúng cả nhưng có hai vấn đề cần bàn, một là bà đã đưa thách thức về kinh tế vĩ mô lên hàng đầu là chưa đúng. Bà chưa coi trọng cái thách thức thứ hai, mà đáng lẽ nó phải được đưa lên hàng đầu cần chấn chỉnh, bởi vì kinh tế vĩ mô dù có làm tốt nhưng là làm rồi tham nhũng mất hết cả thì trở về dê rô. Chắc bà không dám đưa nó lên hàng đầu bởi bà biết cái thách thức thứ hai của bà lại chính là "thế mạnh" của chính phủ của Người tiêu Dùng.
    Thư hai là bà, ở trong thách thức cuối cùng chỉ nói đến hậu họa kinh tế mà không thấy dã tâm của ngoại bang, cũng như việc củng cố quốc phòng để giữ chủ quyền đất nước.

    Trả lờiXóa
  3. Thôi thì tạm vậy . Bà PCL nói như vậy cũng là tốt lắm rồi . Mình tự hiểu chứ .

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment