Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Lục Vân Tiên gặp Kiều Nguyệt Nga cùng Đoàn tàu không số

Họ gặp nhau, cảm mến nhau nhưng không được lãnh đạo chấp nhận vì định kiến hẹp hòi, ích kỷ.
Gặp trường hợp như thế, tôi đéch thèm làm CM nữa.
Chuyện tình cổ tích của thuyền trưởng tàu không số
Nghe tin Tư Thắng hy sinh, Sáu Thùy không tin bèn tìm cách vượt Trường Sơn ra Bắc để tìm tung tích người yêu. Suốt 8 năm chia cách, họ vẫn tin tưởng, đợi chờ ngày hội ngộ.




Dường như mối duyên Thắng - Thùy được ông trời xe sẵn. Lần đầu gặp mặt, Đắc Thắng (còn gọi là Tư Thắng) chừng 24 tuổi, còn Biên Thùy (hay Sáu Thùy) mới 19. Khi ấy Tư Thắng là thuyền phó phụ trách hàng hải tàu 56 cùng đồng đội chở vũ khí từ Hải Phòng vào bãi Kiến Vàng (Cà Mau). Trong lúc chờ vận chuyển vũ khí xuống, thủy thủ lên nhà khách nghỉ ngơi và giao lưu văn nghệ.
"Tôi đặc biệt chú ý đến cô gái có tên Sáu Thùy vì da trắng, người nhỏ nhắn, xinh xắn. Khi hỏi hoàn cảnh gia đình, tôi càng cảm thấy cô có nhiều điểm trùng hợp với mình", ông Thắng nhăn vầng trán rộng, kể lại.
Với giọng Cần Thơ ngọt lùi, ông cho hay, từ khi còn bé đã đi làm liên lạc, 19 tuổi thì tập kết ra Bắc. Sau khi đi học, tháng 5/1963 ông được chuyển về đoàn tàu không số, hai tháng sau đi chuyến đầu tiên. Còn cô Sáu Thùy cũng sớm làm giao liên, rồi bị bắt, tù đày 3 năm. Tháng 2/1964, cô nhập ngũ vào đoàn 962 phục vụ hậu cần ở nhà khách và sau này nhận thêm nhiệm vụ y tá quân y.
Tàu neo lại bến vài ngày, ông Thắng có cơ hội xuống bếp giúp bộ phận hậu cần làm cơm. Trong lúc nhặt rau, làm cá, ông lân la hỏi chuyện Sáu Thùy. Biết cô sinh ra trong gia đình cách mạng, có anh đã hy sinh, ông càng cảm phục người con gái có ý chí kiên cường này.
"Khi tàu sắp phải rời bến trở về Bắc, tôi đặt vấn đề với Sáu Thùy chuyện tình yêu, cưới xin bởi trong hoàn cảnh chiến tranh, tôi đến đâu cũng chỉ được vào vài ngày, điều kiện ở trong bến cũng chặt chẽ, nam nữ không được tự do tìm hiểu", ông Thắng cho hay.
Đón nhận tình cảm của Tư Thắng, nhưng Sáu Thùy trả lời chưa thể quyết định được vì còn mẹ già và anh em ở quê. Chàng thuyền phó khi ấy phải dùng tình cảm và lý do làm nhiệm vụ nay đây mai đó, cơ hội gặp lại rất hiếm hoi để thuyết phục. Cuối cùng cô cũng đồng ý báo cáo chuyện hai người với cấp trên.
"Lúc đầu bến chưa chịu vì họ cũng có ý đồ rút chị em địa phương vào để gây dựng gia đình cho anh em ở bến. Nhưng rồi nhận thấy vấn đề của hai người là chính đáng nên họ đồng ý cho gặp mặt, trao đổi và để cô Thùy làm lý lịch đưa cho tôi mang ra báo cáo với cấp trên ngoài Bắc", ông Thắng kể lại và cho hay, đoàn tàu không số là đơn vị bí mật nên việc cưới hỏi phải điều tra bên vợ cẩn thận về hoàn cảnh gia đình, xu hướng chính trị... đề phòng sau này có biến cố.
Làm xong lý lịch, hai bên đại diện cho Tư Thắng và Sáu Thùy tổ chức một buổi gặp nhau để trao đổi. Sáu Thùy tặng cho ông một nhẫn vàng, một khăn tay làm tin. Còn Tư Thắng chỉ có mỗi tấm hình để lại. Tưởng mọi việc sẽ êm xuôi, nhưng do đơn vị Sáu Thùy không mặn mà nên khi tàu Tư Thắng ra Bắc thì họ tổ chức kiểm điểm cô. Cấp trên Tư Thắng thì dễ dàng hơn, chấp nhận mối tình sau khi đã kiểm tra lý lịch.
Về phần Tư Thắng, dù đã hứa hẹn nhưng ông không thể trở lại bến Cà Mau do sau khi trở về được điều qua tàu khác vào Bến Tre. Đi hai chuyến ông lại về tàu 56 nhưng chuyển hàng vào bến Bà Rịa. Để liên lạc với người yêu, thi thoảng ông lén viết thư nhờ bạn tàu khác chuyển vào, và ngập tràn hạnh phúc khi nhận được hồi âm cùng quà của Sáu Thùy.
"Trong 4 năm từ 1964 đến 1968 chúng tôi gửi cho nhau khoảng 10 bức thư. Nhiệm vụ bí mật nên ngay cả chúng tôi cũng không biết lịch trình của các tàu bạn. Thi thoảng anh Nguyễn Chánh Tâm (thuyền trưởng tàu 165) chở hàng vào Cà Mau tự mua quà và nói của tôi gửi để Sáu Thùy đỡ tủi thân", ông Thắng nói.
Mặc dù vậy, cô Sáu rất trân trọng và mong được gặp người yêu. Năm 1968, chuẩn bị cho tổng tấn công, cô xin đi theo cùng tiểu đoàn của đơn vị 962 ra chiến trường chiến đấu. Nhưng ý định của cô là đi để có điều kiện vượt Trường Sơn ra ngoài Bắc tìm Tư Thắng.
Sau nhiều lần cố gắng nhưng không thể ra Bắc vì đồn bốt địch, Sáu Thùy ở lại trung đoàn 1 của quân khu 9 tham gia chiến đấu. Lúc này cô lại nhận được tin Tư Thắng hy sinh. Cô đau khổ xin cấp trên được về làm lễ truy điệu. "Vậy là tôi đã được làm truy điệu sống một lần từ dạo ấy", Tư Thắng cười.
Trong các năm 1968-1972, hai người không liên lạc gì với nhau. Suốt thời gian này, tàu sắt vào Nam cũng bị hạn chế vì địch truy tìm gắt gao. Tư Thắng được rút về đoàn 950 làm nhiệm vụ mới, hoạt động hợp pháp, đi tàu gỗ 2 đáy cải dạng tàu cá ra miền Bắc chở vũ khí. Tháng 7/1972, ông Thắng lúc này đã là thuyền trưởng, đi chuyến đầu tiên bằng đường hợp pháp, vào bến Đầm Cùng (Cà Mau).
Hai tháng sau, thông cảm với tình cảnh của Sáu Thùy và Tư Thắng, cấp trên tổ chức cho 2 người gặp nhau nhưng không báo trước. Thùy được giao liên dẫn đi, họ nói cho về phép thăm mẹ. Còn Tư Thắng khi ấy đang giăng câu ngoài đồng, râu ria để rậm vì phải cải dạng để đi hợp pháp.
"Cuộc hội ngộ ấy như Lục Vân Tiên gặp Kiều Nguyệt Nga. Cuối cùng thì sau 8 năm chờ đợi, chúng tôi mới gặp lại. Ai cũng tưởng rằng người kia đã hy sinh nhưng vẫn một lòng chờ đợi", Tư Thắng nghẹn ngào. Ông Thắng thận trọng hỏi "Ngày xưa anh còn trẻ, hai người hứa hôn. Giờ vì điều kiện chiến tranh, hành quân vượt Trường Sơn nên già, ốm thì có nên tổ chức cưới hay không". Sáu Thùy trả lời "Trước sau như một, dù hoàn cảnh nào vẫn yêu thương nhau".
Niềm vui như vỡ òa khi nghe người yêu nói, sáng hôm sau Tư Thắng trình bày với hai bên đơn vị về đám cưới. Ngày vui của hai người được tổ chức theo đời sống mới chỉ có anh em trong đơn vị. Đoàn 962 và 950 cho đôi vợ chồng trẻ 3 nghìn làm vốn. Bánh trái trong lễ cưới được các chị em tự làm như bánh bò, bánh thịt, bánh kẹp, bánh quai chèo... Thức ăn thì vào rừng bắt rắn, kỳ đà...
Trong ký ức của Đắc Thắng, địa điểm cho "tuần trăng mật" của hai vợ chồng cũng rất đáng nhớ. Đó là một cái chòi trong vườn chuối, phía dưới có hầm nấp pháo, bom. Đêm người nằm ở trên thì rắn ở dưới thở phò phè. Ở đó khoảng 2 tuần thì đơn vị cho đôi vợ chồng đi theo giao liên về thăm quê ngoại. Hết phép, ông đưa vợ về đơn vị, còn mình thì xuống tàu ra Bắc nhận vũ khí.
Dù hai đơn vị đóng gần nhau nhưng mỗi lần đi thăm chồng Sáu Thùy phải chèo xuồng cả ngày, có khi đi từ sáng mà nửa đêm mới tới, nhiều lúc phải tránh biệt kích địch. Thăm chồng 1-2 ngày cô lại phải chèo xuồng về đơn vị để chồng tiếp tục với những chuyến tàu Bắc - Nam.
"Về sau đơn vị thông cảm, điều vợ tôi về đoàn 950 để hai người có điều kiện ở gần nhau. Năm 1973 chúng tôi có đứa con trai đầu lòng, năm 1976 có đứa con gái thứ hai và năm 1979 thì có con trai út. Cả ba con đều mang hai họ Nguyễn - Huỳnh thể hiện sự gắn bó keo sơn của bố mẹ", người cựu thủy thủ cho hay.
Giờ đã gần 80 với ngót 60 năm gắn bó với hải quân, cựu thuyền trưởng tàu không số Nguyễn Đắc Thắng đã được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. "Bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố mẹ nên cả hai con trai tôi đều vô sinh, may đứa con gái có một cháu trai. Giờ vợ chồng tôi sống khá ổn định nhờ đồng lương hưu, chăm sóc nhau lúc tuổi già", thủy thủ anh hùng tàu không số tâm sự.           Hoàng Thùy
Chúc hai ông bà cùng cháu ngoại út hạnh phúc muôn đời! 

"Mối tình xuyên biển Đông", "mối tình vượt thời gian" hay "chuyện tình cổ tích" là nhận xét của cựu thuỷ thủ tàu không số về tình yêu của nguyên thuyền trưởng tàu 43 Nguyễn Đắc Thắng và nữ y tá Huỳnh Biên Thùy. Gặp rồi yêu nhau trong chiến tranh, liên hệ thưa thớt qua vài cánh thư và suốt nhiều năm không tin tức, nhưng họ một lòng hướng về nhau với tình cảm chân thành nhất.

2 nhận xét:

  1. Nhưng trường hợp này thì hai anh chị cũng được ưu ái đấy chứ.
    Một cuộc tình đẹp và trọn vẹn,thế mà bây giờ mới được mọi người biết tới.

    Trả lờiXóa
  2. Mối tình thật đẹp, đượm chất lãng mạn CM một thời. Còn bao mối tình khác cũng đẹp nhưng rồi đã mất đi, thật buồn.
    nhưng tui phản đối cái ông post bài này, nếu chỉ vì hiềm khích, ganh gét hay cục bộ địa phương mà ông đéch thèm làm CM nữa, thì ai sẽ đi CM cho ông đây ???

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment