Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Những khoản đóng góp mang tên "tự nguyện"

 Thứ bảy, 10/09/2011, 08:41 GMT+7
Kêu mãi mà bao nhiêu năm nay vẫn thế!!!!
Đầu năm học mới, Bộ và các Sở Giáo dục đều có chủ trương “siết chặt” các khoản đóng góp đầu năm, trong đó, quy định ngoài các khoản thu cố định học sinh sẽ chỉ phải nộp các khoản thoả thuận như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền đồ dùng cá nhân, tiền học phẩm, tiền nước uống và có 4 khoản không được thu là bảo vệ, trông xe, an ninh và vệ sinh. Nhưng thực tế, các ông bố bà mẹ vẫn không hề bớt lo lắng, nhất là khi hiện nay nhiều trường "lách luật", đưa ra những khoản đóng góp mang tên "tự nguyện".





Nhiều khoản thu buộc phải “tự nguyện”

Phụ huynh học sinh xem bảng thông báo về học phí
 của năm học 2011-2012 tại Trường tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội)

Chị H., một phụ huynh tại Hà Nội có con vào lớp 1, cho biết: “Tôi xin cho con học trái tuyến tại Trường tiểu học Kim Liên nhưng vì lo không xin được nên đành về trường đúng tuyến là Trường tiểu học Khương Thượng để nộp hồ sơ. Tôi rất ngạc nhiên khi nhà trường yêu cầu phải đóng 500.000 đồng mới phát hồ sơ cho tôi đăng ký cho con nhập học”. Dĩ nhiên, đây cũng là một dạng “tiền tự nguyện”. Nhà trường phát mẫu đơn, phụ huynh nhắm mắt ghi “đồng ý” dù không biết tiền đó là đóng vào quỹ gì, sử dụng ra sao, chỉ biết đó là một trong những thủ tục phải làm khi nhập học, nếu không làm thì con không nhập học được.

Tình trạng tương tự tại Trường THCS Quỳnh Mai, khi 47 học sinh trái tuyến bị loại khỏi trường do “thừa chỉ tiêu”, phụ huynh cho biết họ phải đóng 1,5 triệu đồng/học sinh. Đóng tiền mới được làm thủ tục nhập học.

Nhiều khoản thu vô tội vạ

Tại TP Huế, theo phản ảnh của nhiều bậc phụ huynh, có nhiều trường thu tiền học sinh với rất nhiều khoản vô tội vạ mà lẽ ra học sinh không phải đóng. Ở Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, ngoài các khoản thu chính như bảo hiểm và các loại đồng phục, mỗi học sinh (lớp 4) phải đóng nhiều khoản như: hỗ trợ điện nước 45.000 đồng, đội sao 30.000 đồng, thi đua các phong trào trong năm 30.000 đồng, vệ sinh (2 cơ sở) 45.000 đồng, bảo vệ (2 cơ sở) 25.000 đồng, khuyến học 30.000 đồng, hội phí (phụ huynh) 80.000 đồng...

Ở Trường tiểu học Thủy Xuân, mỗi học sinh bị thu quỹ hội cha mẹ học sinh 100.000 đồng. Tuy nhiên, các khoản chi từ quỹ này cũng được “chia” công khai và phần lớn nhằm phục vụ giáo viên và nhà trường.

Ở Trường tiểu học Phú Thượng 1 (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), học sinh phải đóng thêm tiền học thể dục 35.000 đồng, tiền khen thưởng 25.000 đồng, tiền khuyến học 25.000 đồng, “xây dựng bán trú” 70.000 đồng, “điện nước và tu sửa nhỏ” 25.000 đồng, hợp đồng bảo vệ 22.000 đồng, trang hoàng 25.000 đồng... Riêng giấy thi, trường này cũng thu đến 30.000 đồng/học sinh.

Những khoản tạm thu… hàng triệu đồng
Tại TP.HCM, thời điểm này đa số trường chỉ mới tạm thu một số khoản. Sau khi họp phụ huynh học sinh đầu năm học mới, các trường mới công bố các khoản thu chính thức. Mặc dù vậy, tiền trường đã tạo áp lực không nhỏ cho phụ huynh. Chị Hằng - phụ huynh ở Q.1 - kể: “Đầu năm đóng tiền học cho con mới thấy “cái giá” của trường nổi tiếng. Đứa lớn năm nay vào lớp 1, tổng cộng các khoản tiền đầu năm là 14.219.000 đồng bao gồm: tiền đóng góp mua máy lạnh, micro... (mới đóng tạm 1 triệu đồng, khi nào trang bị xong, hội phụ huynh của lớp sẽ công bố khoản thu chính thức); học phí và sách giáo khoa học chương trình tiếng Anh...

Cùng cảnh, anh H. - phụ huynh ở Q. Phú Nhuận - than: “Năm trước, khoản tiền đầu năm của ba đứa con nhà tôi chưa tới 3 triệu đồng thì năm nay đã gần 4 triệu đồng, chưa kể tiền đồng phục, sách giáo khoa, dụng cụ học tập...Tôi thắc mắc thì nhà trường đưa cho xem văn bản của Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận về việc thu thêm chín khoản khác ngoài quy định”.

Ông Ninh Văn Bình, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, giải thích: “Các khoản thu thêm không phải khoản nào cũng bắt buộc phụ huynh phải đóng, nếu học sinh không có nhu cầu học năng khiếu, học vi tính... thì không phải đóng các khoản này”. Riêng về chuyện thu thêm khoản vệ sinh phí, hỗ trợ công tác phục vụ bán trú..., ông Bình cho rằng: những khoản này đáng lẽ các trường có thể thỏa thuận với phụ huynh, nhờ phụ huynh hỗ trợ nhưng Phòng GD-ĐT lo ngại có trường sẽ vận động quá mức nên mới làm tờ trình và được UBND quận chấp thuận thu thêm và áp dụng thống nhất cho toàn quận.

Đầu năm học, tính sơ sơ các khoản thu bắt buộc và “tự nguyện” của học sinh đã tới hàng triệu đồng. Không phải gia đình học sinh nào cũng đủ điều kiện để chạy theo khoản thu như vậy. Song vì tâm lý lo ngại con em mình không được hòa nhập tập thể nên đành chấp nhận tự nguyện đóng góp. Chính vì thế có thể nói rằng sự tự nguyện đã bị biến tướng, thực chất là sự bắt buộc.

Trong nhiều năm qua đã có rất nhiều ý kiến bức xúc, thậm chí khiếu kiện tới Sở Giáo dục – Đào tạo cũng như các cơ quan báo chí về các khoản thu bất hợp lý tại các trường tiểu học. Nhưng nhà trường thường đứng ngoài cuộc, bởi đây là câu chuyện giữa các vị phụ huynh với nhau, nhà trường đương nhiên là không có chủ trương và các giáo viên chủ nhiệm cũng không liên quan.

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các phòng GD-ĐT quận, huyện, các trường THPT phải liệt kê tất cả khoản thu đầu năm học, mức thu của một học sinh và tổng thu của một năm học, tổng số tiền một học sinh phải nộp trong một năm học để báo cáo về sở GD-ĐT. Trước đó, ngày 7-9, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng có công văn về việc chấn chỉnh lạm thu gửi cho các nhà trường, trong đó nhấn mạnh đến việc cấm tùy tiện lập các quỹ để ép buộc phụ huynh đóng góp dưới hình thức tự nguyện.

www.edunet.com.vn

12 nhận xét:

  1. Giáo dục có phải là thị trường không? Là câu hỏi khó. Về nguyên tắc ở ta giáo dục không hoạt động theo cơ chế thị trường.
    Có thể vì không cho nó là thị trường mà nó trở thành cái gì đó tệ hơn thị trường? Một thứ thị trường che đậy?

    Trả lờiXóa
  2. Cơ chế thị trường "đi" vào trường học(giáo dục)từ lâu rồi mà các bác chưa biết à.Phải thẳng thắn mà nói ko nên che đậy nữa.Nhức nhối lắm!

    Trả lờiXóa
  3. Và không hiểu đạo đức giáo dục để đâu mà năm nào cũng vậy, cha mẹ học sinh không khác gì cái mỏ tiền cho các nhà giáo đục khoét, Bộ giáo dục nói cũng không nghe là vì sao? hay cũng do "Thượng bất chính, hạ tắc loạn"
    Vậy nhưng có nơi lại nói lương giáo viên một ngày chỉ có 15.000 đồng, nếu thật thì người ta sống làm sao.Xem ở đây thì thấy giáo viên vùng sâu lại quá khổ, đất nước gì kì vậy?

    Trả lờiXóa
  4. Giáo viên mầm non tại thành phố cũng chỉ có hơn triệu 1 tháng thôi,cuộc sống của họ cực kỳ khó khăn.
    Các nhà giáo không đục khoét cha mẹ HS đâu anh QT ạ,giáo viên bọn em ghét cay đắng các khoản thu vô lý nhưng không chống được "nghị quyết của Đảng".Khi đưa ra hội đồng giáo viên, Đảng viên không đồng ý cũng không dám nói,quần chúng như em có ý kiến thì họ bảo đây là "nghị quyết của chi bộ".Bọn em cứ nói với nhau GV là chủ nợ còn HS là con nợ,có HS nhìn thấy GVCN cứ cúi mặt xuống sợ GV "đòi nợ",riêng em thấy HS nào khó khăn quá là em cứ đưa vào khoản "thất thu",cô kế toán đòi vào lớp em thu là em dọa "mày mà đòi nó nghỉ học thì mày phải đến nhà động viên nó đi học lại đấy"cô kế toán sợ liền.Nhưng bọn GV ở trường thì lại bảo em cậy chồng chứ chúng nó mà như em thì chết "nó" bẻ cổ liền.

    Trả lờiXóa
  5. KL@ Anh cũng biết nói chung chung "nhà giáo đục khoét" là chưa đúng, nên mới có cái than phiền cho các nhà giáo ở các nơi khác ngoài các thành phố lớn, nhưng quả thực gặp rất nhiều người kêu ca về các khoản đóng góp "tự nguyện" và bắt học sinh học thêm, nhiều lúc nghĩ tại sao Bộ giáo dục không điều chuyển giáo viên như ngày xưa, nên bây giờ sinh ra chạy chọt về thành phố, mất khá nhiều "vốn" nên dễ hiểu là họ tìm cách đòi lại từ phụ huynh học sinh thôi.

    Trả lờiXóa
  6. KL nói đúng đấy.
    Điều cay đắng là những người lao động bình thường của xã hội cũng bị cuốn vào vòng xoay sở mưu sinh bằng mọi cơ hội đầu cơ và chiếm đoạt có thể có.
    Không còn sự tử tế, lòng trắc ẩn, niềm tự hào,... Rồi cũng chả còn sự kính trọng cho đến tôn trọng,... các đức tính trở thành xa xỉ,... Mỗi người đều mang nhiều nỗi sợ và tìm kiếm cho mình những thứ mà người khác phải sợ.
    Chúng ta đang là thế đấy. Có học tập cụ Hồ đến mấy cũng thế và tệ hơn thôi, với cái cách như đang có.

    Trả lờiXóa
  7. Anh Thành à bây giờ tìm sự tử tế,lòng trắc ẩn,niềm tự hào...sao mà khó quá,đúng là quá xa xỉ không biết em có quá bi quan không?Nhiều lúc biết cái đó là sai nhưng không ai dám chống lại,mình mà đấu tranh thì lại nhận được những câu đại loại như:Chị mang được gậy chống trời à?nước chảy bèo trôi chị ạ....Họ tìm mọi cách để kiếm tiền từ phụ huynh,họ sẵn sàng vứt bỏ lòng tự trọng để chỉ có được một bữa nhậu.Bộ giáo dục?sở giáo dục?Em chẳng tin,bọn em cũng đã từng bị họ lừa rồi(xin lỗi các Quế Ráo nhé,vì mình biết các bạn vẫn còn nhiệt huyết với nghề,còn mình chán quá nên đã rút lui 2 năm rồi)

    Trả lờiXóa
  8. Các bác đừng nóng. Từ thời thực dân phong kiến đến giờ tổng các giá trị chắc vẫn không thay đổi đâu. Chúng chỉ đảo dấu mà thôi.

    Trả lờiXóa
  9. @KL: đấu tranh với cái xấu thì vẫn, tự nhiên là phải thế. Nhưng khi mà nó không còn là cái xấu chung của xã hội, chỉ là cái riêng mình cho là xấu thì khó và vô vọng.
    Cái đắng là ở chỗ ấy. Cả một xã hội băng hoại chỉ vì "trọng tài" tranh điểm với "cầu thủ các bên".
    Trong trận các cầu thủ chơi xấu, gây gổ và chỉ nhìn thấy nhau là đối thủ trong tầm cánh tay cẳng chân của họ. Chứ họ không nhận ra rằng họ phải hi sinh niềm say mê thể thao, tinh thần cao thượng trong tranh đấu, phải chơi xấu một cách hèn hạ với nhau là vì tiếng còi đểu của trọng tài. Như câu chuyện của bầu Kiên vừa rồi ở hội nghị của VFF. Nhìn rộng ra, VFF cũng chỉ là một VN thu nhỏ lại mà thôi. À, mà VFF vừa nói lại là họ vẫn tuyệt hảo.
    Ngành giáo dục của bọn em cũng thế. Biết thế để còn giữ được tinh thần "học tập đội bạn", khẩu hiệu thân ái và khiêm tốn các đội vẫn hô trước trận đấu thời trước và chờ cho đến ngày xưa.

    Trả lờiXóa
  10. Các đại ca cứ yên tâm đi, MF đang "tham chiến" ở xứ sở Anh Quốc, nơi mà nền giáo dục chắc không đến nỗi thấp kém (:)), thế mà các giáo sư đây cũng cứ ca cẩm: các trường học bây giờ thương mại hóa hết cả, khó làm việc lém!!!
    Nước Việt chúng ta vốn nuôi tinh thần "tôn sư trọng đạo", cả hai mặt của vấn đề này theo thiển ý của muội đều có lợi mà bất lợi (trò phải trọng thầy, thầy phải mô phạm với trò), lợi chủ yếu về mặt tinh thần, còn bất lợi về mặt thực thể, vì các nhà quản lý cứ yên tâm là giáo viên cơ bản là luôn luôn tốt (cũng như học trò luôn nghĩ thầy cô là ... thánh), nên tiền bạc, của nả đối với họ không là vấn đề gì! hic
    Mà họ thì cũng phải sống như các "nhà tham nhũng" khác, nên họ phải "bật phá" thui.
    Riêng các Ráo Quế cũng như KL và nhiều nhà giáo "bất thường" (bi giờ người ta cho hiện tượng đó là bất thường, ở trường MF, khi MF cưng học trò, họ còn phê bình nữa kìa!) do bị thâm nhiễm phong cách của các thần tượng ngày xưa, lại từng là sản phẩm chính hiệu của môi trường GD XHCN nên luôn nhức nhối với ánh mắt trong trẻo của các thiên thần! Điều này cần có chút sửa chữa (cũng như tiêu chí của XHCN), vì chính các Ráo này cũng nhắm mắt nộp tiền cho con khi có yêu cầu ở đâu đóo!

    Trả lờiXóa
  11. "...vì chính các Ráo này cũng nhắm mắt nộp tiền cho con khi có yêu cầu ở đâu đóo! "
    QMF@: thì lấy mỡ nó rán nó!!! :))

    Trả lờiXóa
  12. Có 1 thời hơi lâu lẩu lầu lâu , con cán bộ đi học được giảm học phí nhưng bố ,mẹ là giáo viên thì khỏi miễn . Và hồi đó , học trò chỉ đóng mỗi học phí nhà nước qui định , các mẹ Ráo chỉ còn nước khóc ( nhất là có phu quân ở trong LLVT thì khóc càng zữ ).Giờ nghĩ lại , khóc tiếp . Hu hu .

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment