Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Con cái nghĩ gì về chúng ta? "Cuộc đời ba tôi, cuốn phim quay chậm"

Tôi nhận được bài viết tham gia cuộc thi " Nét bút tri ân " do một Trường THCS thành phố Vinh  phát động. Bài viết này là của con gái một bạn Trỗi. Viết về cha mình, mà cũng là cho cả một thế hệ cha ông mà theo chúng là rất xứng đáng để tự hào, rất xứng đáng để lớp trẻ noi theo.
  Trong thực tại của nền giáo dục nước nhà, chúng ta gặp đâu đó những hành vi đi trái chuẩn mực xã hội, trò đánh thầy, thầy bóp c* trò, học sinh đánh nhau, giết người. Nữ sinh đánh gen bạn vì tình, nữ sinh bán dâm .v..v. Thì những bài viết tôn vinh Cha Ông như của cháu Yên dưới đây làm cho chúng ta tự hào vì biết rằng, có một lớp trẻ vẫn đi đúng hướng, trong lòng chúng tràn đầy tính nhân văn, lòng yêu Tổ quốc thể hiện bằng tình yêu gia đình, yêu thương và tự hào về người cha đã sinh ra chúng. Với suy nghĩ như vậy, xin gửi tới các bạn bài viết của cháu Võ thúc Hà Yên.
                              
Thúc Minh giúp mẹ liệt sỹ Thảo đến dự  hội trường 45 năm tại Hà Nội.

                                 BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI "NÉT BÚT TRI ÂN"

                              Cuộc đời ba tôi - Cuốn phim quay chậm.

     Có nhiều lúc tôi đã nghĩ: "Mình có thể quên đi chính bản thân mình, nhưng không bao giờ được phép quên đi cái gốc gác gia đình,  đặc biệt là quên đi người ba mà tôi luôn kính yêu, ngưỡng mộ vô cùng." Và quả thật những chuyện thu nhặt được về ba có thể viết được cả một cuốn hồi ký dày nhưng tôi không hề quên sót một ý trong số ấy mà ba, các bác, ông bà, bạn bè ba đã kể lại cho chúng tôi -  lớp thế hệ tiếp - nghe.
     Ba tôi sinh năm 1952, quê ở làng Yên Lạc, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương - Vùng quê "Chó ăn đá, gà ăn sỏi". Nói ra thì dài nhưng tôi có thể khái quát vài lời. Ba tôi thật sự là một con người khổ sở, vất vả, cực nhọc từ bé đến lớn nhưng ba lại không bao giờ ý thức được,  hay đúng hơn là không muốn yếu đuối than thở là mình khổ mà theo như ba nói: " Đó là cả một quá khứ oai hùng đầy chông gai của một người đàn ông đích thực con ạ ! ".
     Sinh ra và lớn lên trong một gia đình lão thành Cách Mạng, thế nhưng ba lại không hề ỷ lại mà rất ý thức được hoàn cảnh, vai trò, trách nhiệm của mình. Người ta nói: " Trứng rồng lại nở ra rồng ". Nghe ba tôi kể, hồi nhỏ, như bao cậu bé đồng trang lứa khác, ba tôi cũng rất nghịch ngợm nhưng không hư hỏng, phá phách quá đáng. Ba nghịch thật nhưng ba cũng rất tài. Năm 7 tuổi, ba tôi đã phải tập tính tự lập. Năm 15 tuổi, ông tôi đã gửi ba tôi sống xa nhà, cho theo học ở trường Thiếu Sinh Quân Nguyễn Văn Trỗi cùng với rất nhiều con của các bậc lão thành Cách Mạng khác. Bạn ba sau này có người hiện đang nắm một vài vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, có người rất giàu có, thành đạt, nhưng cũng có người không may, đã bỏ mình trên chiến trường, để lại giờ đây những nắm tro tàn, những ngôi mộ trắng phau không bao giờ thiếu hoa của các đồng đội cũ. Nhắc đến đó, tôi thấy mắt ba tôi hơi ươn ướt, vành mắt dưới mi căng lên tưởng như chỉ cần đụng nhẹ vào là có thể vỡ tan hàng ngàn giọt lệ được. Ôi ! Người ba kiên cường, gan góc là thế nhưng cứ mỗi khi nhắc lại những kỉ niệm cực nhọc thuở xưa là lại xúc động, nghẹn ngào. Những lúc đó, ba tôi thường nhìn đăm đắm ngoài xa thật xa như một thói quen. Có bao giờ ba tôi nhìn những thứ nhỏ bé, tầm thường đâu. Ba tôi là thế, ăn sóng nói gió. Giấu mình trong cơ thể một người đàn ông đứng tuổi, tầm thước là một con sư tử kiêu hãnh, oai hùng. Có lẽ vì thế mà ở ba toát ra một khí chất lạ thường, một phong thái đĩnh đạc, tự tin, cao ngạo, không bao giờ nhỏ bé, tầm thường được.
     Ba tôi rất giỏi - theo như bà nội tôi kể lại - 7 tuổi, ba tôi đã biết trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn, làm đủ mọi việc. Thậm chí ba tôi còn lớn trước tuổi, cao lớn hơn so với chúng bạn, ông tôi lại hay đi vắng xa nhà nên nghiễm nhiên, ba trở thành chỗ dựa vững chãi cho cả nhà gồm một mẹ, một bà cố già yếu, ba chị em gái, một nhóc em trai nhỏ yếu, không may mắn như người anh. Nhiều lần trong bữa cơm chung với các bác ngoài Hà Nội, chúng tôi thường phỉ cười khi nghe bác Hai kể rằng: "Hồi đó thằng Minh cũng nghịch lắm chứ ! Nhưng được cái nó thông minh, nhanh nhẹn, lại giỏi giang, đảm đang, tháo vát. Thành ra các chị cũng được nhờ. " Ông tôi là Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp, Bí thư tỉnh ủy, giữ nhiều chức vụ quan trọng nữa. Là con ông to, nhưng ba tôi không vì thế mà ỷ thế làm càn, mà ngược lại, rất mẫu mực, có trách nhiệm. Chắc cũng tại sự dạy dỗ nghiêm khắc của ông tôi cộng với tình yêu thương dịu dàng của bà tôi.
Rồi sau này đi học - nghe các bác, các chú bạn ba kể - ba học rất giỏi, việc gì cũng làm được và làm tốt, không hề chùn bước cho nên hầu như chưa từng biết thất bại là gì, thời đó ba cũng rất nổi tiếng không phải vì con cán  bộ, con bí thư mà vì giỏi giang, có nhiều tài lẻ, nhiều lúc ba hơi nghịch, hơi nóng tính thật nhưng luôn ra tay bảo vệ các em khóa dưới lại còn đem các ngón võ tự học được ra dạy cho bạn bè vài miếng phòng thân. Nhìn ảnh ba ngày trước chúng tôi cứ cười khúc khích vì trông ba quá giống nhân vật Lý Tiểu Long - diễn viên võ thuật nổi tiếng Trung Quốc. Thời ấy vừa học hành lại vừa tăng gia sản xuất.
Khép lại tuổi thơ của ba với những vất vả, cực nhọc, cố gắng đáng nể, nhưng cũng đầy vui vẻ của tình bạn tuổi học trò đích thực. Ba và các bạn đã có những tháng ngày chiếu đấu hết sức dũng cảm gian khổ nhưng sâu sắc tình đồng chí, đoàn kết không bao giờ  quên. Có lúc họ cười vào cái chết, họ tự nhận mình là những người điên khi mà ham chết sợ sống "Chết vinh hơn sống nhục". Ba tôi là cả một quyển lịch sử di động, là một trong rất nhiều khía cạnh cụ thể, sống động chân thực nhất về chiến tranh. Những ngày ở trong rừng "Máu trộn bùn non , Mưa dầm cơm vắt" là những ngày hết sức khổ sở, gian khó không thể nào quên. Ba kể ngày xưa đi rừng, nhiều khi cả tiểu đoàn ngủ qua đêm màn mùng không có, phải lấy áo ra trải bên trên tấm "tăng" bộ đội để che mưa rừng, ngủ tạm qua đêm. Và trong một lần sơ suất ba tôi đã mặc áo vào mà quên không kiểm tra, không giũ trước khi mặc, chỉ khi nghe nhói ở cánh tay ba tôi thấy cộm lên mới biết là con rết chui vào áo ba, chỗ cắn sưng vù lên nhanh chóng, bạn ba phải dùng dao rạch ra, con rết bò ra thì bị tóm lại "Chao ôi! Con rết to thật !!! Kiểu này mà có bình rượu ngâm thì hết ý Minh nhỉ?" - một chú cười nói. Ba vẫn gắng cười nhưng vết cắn đã lan ra, bạn bẻ tá hỏa khi thấy vết cắn độc đã khiến một bên bắp tay Ba sưng phù. Suốt đêm ba tôi lên cơn sốt, đau đớn dữ dội, không sau ngủ được, cứ rên hừ hừ, bạn bè ái ngại, lo lắng tìm cách hạ sốt, giảm đau, cũng may đến sáng khi gà vừa gáy thì cơn đau giảm dần và vết sưng xẹp xuống, đó là một kỷ niệm mà ba tôi nhớ mãi.
Ký ức của ba còn gắn liền với sự hy sinh của những đồng đội những người cùng ba vào sinh ra tử, những người cùng sát cánh bên ba với những kỷ niệm nghịch ngợm tuổi học trò. Có lần ba và các chú bày trò vào nhà ăn chung lấy rượu nếp của thầy ra trốn sau khu nhà ở học sinh để uống kết nghĩa, thề trung thành, sống chết có nhau. Kết quả là buổi đó cả hội say mèm nằm liệt giường vì chưa biết uống rượu lại bị thầy mắng, phạt. Bao nhiêu kỷ niệm thân thương, hồn nhiên, vô tư, chân thành, không làm sao mà diễn tả cho hết . Vậy mà giờ đây có người đi tiếp, có người nằm lại trong mùi rong rêu, hoa cỏ lẫn cái mùi đất ẩm nồng nồng...
Vậy nên nó như càng cứa sâu  thêm cái vết thương trong lòng ba tôi một ký ức đáng yêu nhưng cũng thật đáng sợ thời trai trẻ xông pha chiến trường.
Cuộc đời ba như một cuốn phim lịch sử quay chậm đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, gác lại cuộc đời người lính từ năm 1969-1989 với một năm ở Lào, từng là chiến sỹ trinh sát đặc công bảo vệ vành đai Trung Lào để bộ đội ta chủ lực đánh Hạ Lào. Bước sang thời đại đất nước đã thật sự thống nhất, bước sang thời đại đổi mới. Đó cũng chính là thời gian ba tôi đi dạy học từ năm 1978-1981. Ba được mời đi dạy kỹ thuật ở trườngTtrung cấp Xây dựng Việt Đức và 5 năm sau đó 1981-1986, ba tôi lại đi Tiệp để thực tập giảng dạy và học tập thêm theo như mong muốn của ông tôi. Ở một nơi xa quê, xa đất nước, ba tôi nhớ nhưng vẫn không quên nhiệm vụ giảng dạy và học tập, cố gắng thể hiện con người Việt Nam thân hình có thể nhỏ bé nhưng lại giàu ý chí, nghị lực, kiên cường, thông minh, sáng tạo, ham học hỏi và nhất là luôn ngẩng cao đầu, yêu nước. Kết thúc khóa thực tập từ năm 1986-1997, ba tôi về nước và làm ngoại thương. Bỏ hình ảnh trai Hà Nội ba chọn Thành phố Vinh làm điểm đến tiếp theo và cũng là cuối cùng của mình bởi nhiều lý do, một trong đó vì Vinh là một thành phố thân thiện, mộc mạc có nhiều tiềm năng phát triển tuy còn "nguyên sơ" so với những thành phố đông đúc, ồn ào như Hải Phòng, Đà Nẵng. Ba tôi phụ trách trưởng 6 cửa hàng điện tử lớn thuộc công ty ngoại thương ở phường Quán Bàu. Đó cũng là thời kỳ vàng son, giàu có và thành đạt vô cùng của ba tôi mà mỗi khi kể lại ba vẫn không khỏi phấn khích, tự hào. Nhưng đến năm 1997, cái mốc cuối cùng trong cuộc đời đầy sóng gió nhưng cũng rất huy hoàng của ba khi mẹ tôi sinh ra tôi, ba tôi đã quyết định đặt dấu chấm cho mọi "chuyến phiêu lưu", thử thách, xây dựng mái ấm nho nhỏ, hạnh phúc để đón chờ sự chào đời của đứa con gái. Ba muốn được nuôi dạy con thật tốt, vì con chứ không bỏ quên con, mải mê với công việc làm ăn bận rộn, ba vẫn luôn hài lòng với quyết định đúng đắn của mình: Bỏ công việc đang phất như diều gặp gió, mở một quán cà phê nhỏ xinh xinh tại nhà để có thể tự tự tay trông nom, chăm sóc dạy dỗ con mình cùng tình yêu thương bao la vô bờ bến.
Bây giờ về hưu sống cuộc đời giản dị với 2 tấm huân chương, bằng khen của cuộc đời quân ngũ, về hưu với danh nghĩa phó giám đốc của một xí nghiệp ngoại thương, ba vẫn tự hào có những người bạn rất tốt, thành đạt, đàng hoàng, các tướng tá quân ngũ cũng như một vài vị lãnh đạo nhà nước. Ba cười khà khà bảo ít nhất thì cũng có 6-7 thằng tướng cùng 1 thằng phó thủ tướng. Không làm to, sống bình dị, nhưng lúc nào cũng có nhiều bạn bè đến thăm, thế là quý! Có những người đi ra đường được cung kính xưng tụng một ông hai ông nhưng đến gặp ba tôi thì vẫn như ngày nào, bên chén rượu đĩa thức ăn là lại "mày - tao" ôn chuyện thuở xưa và ba tôi chơi thật lòng, không giả dối, nịnh bợ, cũng không tệ bạc với bạn bè, chính điều đó đã làm nên dấu ấn  riêng của ba tôi, dấu ấn của Võ Thúc Minh trong lòng bạn bè khắp nơi trong và  ngoài nước. Đó cũng là lý do để bạn bè ba quý mến ba rất nhiều, khi nào đến cũng biếu quà ba, dù ít dù nhiều vẫn sâu nồng tình cảm. Chơi với ba họ thích cái sự bình dị  nhưng lại có chút ngông ngông, cao ngạo, không bao giờ cúi đầu, cũng không hạ thấp người khác bao giờ, luôn bênh vực kẻ yếu, ngẩng cao đầu kiên định, quyết đoán, mạnh mẽ có thể thấy được trong đôi mắt sâu nhìn xoáy người khác nhưng đôi lúc chứa nặng tâm tư của ba.
Thời gian qua, gia đình tôi đã có rất nhiều biến động mà vì thế ba tôi ngoài một người cha còn là một người mẹ, đảm đang phụ trách tất cả mọi việc. Hai đứa con đi học suốt ngày khi về thì đã có cơm ngon canh ngọt chờ sẵn. Bây giờ nhìn bạn bè ba cũng đã đến tuổi nghỉ hưu quanh năm nghỉ ngơi hết núi này biển nọ, có cháu có chắt, thảnh thơi đi chơi, ngao du sơn thủy, còn ba thì vẫn không được nghỉ ngơi, vẫn ngày ngày lo hai chị em tôi ăn học đến nơi đến chốn, ngày ngày tất bật với quán cà phê nhỏ xinh bằng tre gỗ làm niềm vui nho nhỏ, chủ yếu dành cho những người đã nghỉ hưu như ba ở xung quanh có chỗ nghỉ ngơi, thư giãn, thưởng thức cái vị vừa đắng vừa ngọt tê đầu lưỡi của cà phê một cách chậm rãi, để sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, thật nhẹ  nhàng bình dị biết bao !
Ba tôi bây giờ cũng như những người dân bình thường khác. Hàng xóm luôn nhận xét ba tôi là người đáng nể phục, kính trọng nhưng không xa lạ, kiểu cách mà hòa đồng, thân thiện, vui tính với mọi người. Thỉnh thoảng ba vẫn tạo điều kiện để giao lưu một bữa với bà con chòm xóm, thắt chặt tình láng giềng. Như thế mà ở xóm tôi, nó không ồn ào, náo nhiệt mà vô cùng êm ả, hiền hòa bình yên như tách biệt với cái cuộc sống bon chen, xô bồ, đông đúc những khu trung tâm liền kề - nơi mà ở đó, hàng xóm không bao giờ có những bữa cơm gặp mặt thân tình, ấm áp. Và tất cả là nhờ ba. Ba đã tạo cho tôi một môi trường sống lành mạnh bình yên, no đủ, đầy ắp tình thương yêu, là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo.
Ba tôi đúng là có lớn tuổi hơn rất nhiều so với những người bố khác của bạn cùng lứa. Nhưng vì thế mà tôi càng tự hào hơn vì thật khó mà có người bố nào đã từng này tuổi nhưng vẫn đảm đang, tháo vát, tất bật với công việc gia đình, chăm lo con cái đến nơi đến chốn như thế. Ba dạy con theo cách rất riêng. Có lần hai chị em tôi lại cãi nhau như thường lệ, ba rất buồn và rất giận. Rồi ba nói "Có lẽ thất bại đầu tiên của ba là không dạy được hai con giống như ông nội đã từng làm với ba và bác, cô, chú", và chúng tôi đã thấy hối hận vô cùng để rồi sau này luôn dặn lòng không không quên câu nói đó của ba.
Nhìn ba tôi nay tuổi đã cao, điều gì phải đến rồi cũng sẽ đến, mái tóc ba đã bạc rất nhiều. Ngày trước tôi hỏi, ba cười bảo "Đó là sợi hạnh phúc, sợi may mắn đấy", và tôi đã ước ba có thật nhiều sợi tóc màu bàng bạc ấy hơn. Bây giờ nghĩ lại mới thật thật là dại dột biết bao, căn bệnh gút và khớp quái ác vẫn đang hành hạ ba tôi. Nhìn gan bàn chân ba mốc meo, chai cứng, sạm đi, thô ráp, những ngón tay, bàn chân sưng tím mỗi khi cơn đau đến, nhìn khuôn mặt ba đau đớn, tiếng rên nho nhỏ trong đêm mà nằm thao thức, tôi không tài nào cầm được nước mắt để sáng ra thấy ướt đẫm bên gối. Giá như cơn đau có thể chạm đến được thì tôi phải nắm lấy sự đau đơn mà bóp tan, nghiền nát đến cùng mới thôi và đó đã trở thành một ký ức sống mãi trong tôi về người ba yêu dấu - người mà tôi luôn tôn thờ, kính yêu.
Trên đây chỉ là vài nét chính về cuộc đời của ba tôi, chưa biết rồi đây cuộc đời ba đã hết những biến động hay chưa, với cái nhìn và tự tâm của một đứa con gái nhỏ luôn được chở che trong vòng tay vững chái, yêu thương của ba, thật khó mà nói hết những xúc cảm mạnh mẽ mà tôi đang giấu kín trong lòng và chắc chắn ba là người tuyệt vời nhất đối với tôi.
Dẫu biết con người ta ai cũng có sinh thì phải có tử nhưng tôi vẫn lo sợ cái ngày ấy sẽ đến - cái ngày mà người tôi luôn tôn thờ, tin yêu sẽ vụt mấy khỏi cuộc đời tôi nhẹ tựa lông hồng. Nhưng ai biết, tôi đau xót như thế nào, lòng tôi sẽ ngập tràn nước mắt và tim tôi sẽ đau đến chết mất. Bởi vậy tôi luôn tự nhắc nhở, tự dặn lòng mình phải cố gắng học hành, tôi muốn học giỏi nhất, tài hoa nhất, hiếu thảo nhất, chí ít thì cũng trong lòng của ba tôi. Đã bao lần tôi hét lên trong mơ: "Đừng bỏ con, hãy ở lại bên con mãi ba nhé !"


Người viết: Võ Thúc Hà Yên ( 19 / 6 / 1997 )
Lớp: 9B - Trường THCS Hà Huy Tập - TP. Vinh - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 01239281868 hoặc 0383. 522. 299

Nhân vật trong bài: Võ Thúc Minh ( 3 /2 / 1952 )
Địa chỉ : 118 Tuệ Tĩnh - Khối Trung Hòa - Phường Hà Huy Tập - TP. Vinh - Tỉnh Nghệ An.
Điện thoại: 0383. 522. 299

7 nhận xét:

  1. Cháu Yên có một tư duy rất trong sáng, viết về cuộc đời một người bố tương đối hoàn hảo.
    Thúc Minh thực sự là người bạn tốt, không xu nịnh,hèn nhát, được mọi người quý mến.

    Trả lờiXóa
  2. Nhờ cháu Yên mà tôi mới biết thêm chút ít về một người bạn mà hầu như mấy chục năm nay không biết tin tức.
    Anh Tt cứ đăng những bài như thế này thì hay hơn là đi mổ bò.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn Bắc Hải khuyến khích nhé, chuyện mổ bò có vẻ là do Bắc Hải khởi xướng với BT chứ sao lại đổ tôi "mổ bò" nhỉ, bài viết có thằng bờm của tôi có vẻ không được anh BH hưởng ứng nên tôi cắt đi, vì bản tính nhường nhịn thôi,là để tránh một cuộc mổ bò đấy, xin nói là bài này do yêu cầu đăng của anh HT, sau này xin trả lại cho các anh k5, anh BH tha hồ thể hiện, không lo bị tôi đăng bài mổ bò nữa nhé! hehe.

    Trả lờiXóa
  4. Anh BH nhầm rồi. Bây giờ đi mổ bò dễ chứ đăng tải tin hay như thế này cả 30 năm mới có một người.
    Tôi biết có một anh bạn của chính BH, mà đứa con nói bố chẳng đáng xúc vật, tôi không dám nói sai, nói trong khi không uống rượu nhé, XH bây giờ buồn thế đấy, bạn thúc Minh dù qua bao chìm nổi, dù sao cũng cập bến gia đình an toàn và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  5. Rất mừng cho Võ Thúc Minh có người con đã cảm nhận rất sâu sắc về người Cha thân thương của mình đến như vậy.
    Chúc cháu Võ Thúc Hà Yên chăm ngoan, học giỏi.

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn các chú vì đã cho đăng bài của cháu lên đây, cháu cảm ơn thay cho cả ba Minh cháu luôn ạ. Nghe các chú khen mà cháu và ba cháu phổng cả mũi!!! Thực ra thì bài vẫn còn nhiều "hạt sạn", và có hư cấu một chút. Tuy nhiên mong các chú đọc và thông cảm cho cháu với ạ!!! Có gì xin các chú cứ góp ý thật lòng để cháu rút kinh nghiệm sau này (^v^)

    Trả lờiXóa
  7. Chào bé con, thay mặt các bác các chú chúc cháu học giỏi, chăm ngoan, năm nay thi chuyển cấp chưa? nếu phải thi lên lớp 10 thì cố được điểm cao vào trường tốt nhé!

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment