Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Tài liệu tham khảo: vài nét về tên gọi Giao Chỉ

Sách Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát đời Nam Tống có ghi:
“Giao Chỉ, xưa là Giao Châu, phía Đông Nam kề gần với biển, tiếp giáp với Chiêm Thành, phía Tây thông với Bạch Y Man, phía Bắc chạm đến Khâm Châu”
Giao Chỉ vốn là đất Nam Việt thời sơ Hán. Vào năm 140-86 Tr.CN, vua Hán Vũ Đế bình định Nam Việt, chia đất thành 9 quận, Giao Chỉ là 1 trong 9 quận đó, và đặt quan Thứ sử Giao Chỉ làm thủ lĩnh, vì thể nên gọi chung cả đất này là Giao Chỉ. Đến đời vua Đường Cao Tông, “Giao Châu” hay “Giao Chỉ” đều dùng để gọi biên quận của nhà Hán. Năm 670, nhà Đường đặt An Nam đô hộ phủ để cai quản Giao Chỉ. Từ đấy về sau đất Giao Chỉ bao gồm vùng Tam Giác Châu, hầu như là toàn bộ vùng Đông Kinh (tức Hà Nội) ngày nay. 
Chín quận thời Hán Vũ Đế bao gồm: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (Nhật Nam được thành lập sau khi nhà Tây Hán chiếm được thêm vùng đất phía nam quận Cửu Chân), Đạm Nhĩ, Châu Nhai (Đạm Nhĩ và Châu Nhai nay thuộc đảo Hải Nam), Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô (nay thuộc Quảng Tây và Quảng Đông). 
Sách Hán thư – Địa lý chí chú thích rằng, 9 quận trên đều thuộc Giao Châu. Tuy nhiên, Nhan Sư Cổ lại dẫn lời Hồ Quảng rằng: “Nhà Hán sau khi bình định được đất Nam Việt thì đặt Giao Chỉ thứ sử để phân biệt với các châu khác”, vì thế mà trước thời Hán vẫn chưa có tên gọi Giao Châu.

Chân giao chỉ (ảnh: internet)
Sách Dư địa chí của Cố Dã Vương cuối thời Nam bắc Triều thì ghi chép rằng: “Rợ nước ấy chân rất to, ngón chân thì bị choãi ra, hai chân chụm vào nhau thì hai ngón sẽ giao nhau” vì thế mà gọi là Giao Chỉ 交阯, thời xưa 阯 và 趾 dùng thông nhau, đều có nghĩa là ngón chân.


Sách Hán quan nghi của Ưng Thiệu viết: “Dân ấy khai hoang ở phương bắc, sau bèn di chuyển xuống phía nam đặt cơ chỉ cho con cháu ở đó”, vì thế cũng gọi là Giao Chỉ, nhưng đây dùng với nghĩa là đi giao xuống phương nam để tạo nền móng.

Sách Thông điển của Đỗ Hựu chép: “Giống người ở vùng cực Nam, trán thì xăm trổ, chân thì giao nhau”
Ngoài ra, Giao Chỉ còn được nhắc đến trong một số thư tịch cổ khác như: 
Thượng thư – Nghiêu điển có ghi chép về Nam Giao
Mặc Tử - Tiết dụng thiên:” Xưa vua Nghiêu cai quản thiên hạ, phía Nam thì vỗ vễ Giao Chỉ, phía Bắc hàng phục U Đô, cho đến cả vùng Đông Tây là nơi mặt trời lặn mọc cũng không đâu không quy thuận.”
Đại Đái lễ kí – Thiếu văn thiên:” Xưa vua Thuấn dùng đức trời để nối nghiệp vua Nghiêu, đi tuần thú để hàng phục U Đô, phía Nam thì vỗ về Giao Chỉ.”
Lã Thị Xuân Thu và Sử kí đều ghi việc vua Vũ nhà hạ trị yên nước lũ thì ra sức vỗ về Giao Chỉ ở phía Nam.
Nguồn  NHC

9 nhận xét:

  1. Cám ơn anh Quang Trung đưa ra rất nhiều sử liệu thú vị về người Giao chỉ,
    Cố giáo sư Đỗ Xuân Hợp, sau khi cộng tác với P.Huard nghiên cứu về người Giao Chỉ, trong một công trình nghiên cứu độc lập sau Cách mạng tháng 8 đã chứng minh rằng: khung xương bàn chân của mọi người đều có cấu trúc cong vồng, nhưng nếu những người nào thường phải gồng gánh, mang vác, đội địu nặng khi di chuyển, thì sức nặng sẽ dồn đè xuống ống chân, thúc vào cấu trúc cong vồng của xương bàn chân miết trên mặt đất phẳng, làm cho nó "đổ bẹt" xuống, do đó, ngón chân cái thường bị toẽ ra, và có xu hướng giao đầu vào nhau.

    Trả lờiXóa
  2. Ồ! thật dễ ràng chữa bệnh to bụng, chỉ cần người nọ đè lên người kia thật lâu, vậy là cái bụng to đùng đoàng xẹp xuống, ra đường lại như thanh niên trẻ!

    hoan hô tạp chí y học k5new!

    Trả lờiXóa
  3. Bài này là nghiên cứu của các cán bộ viện Hán Nôm, mình đưa về làm tài liệu tham khảo.
    Thưa anh Tk5, đè cho bụng xẹp xuống, theo đ/l bảo toàn vật chất thì đâu có mất đi được, ngót chỗ này nó phềnh chỗ khác, vấn đề là nó phềnh vào đâu :-)

    Trả lờiXóa
  4. Anh Quang Trung đưa sử liệu đúng đấy, Mình không dám.Thú vị thật.
    Anh TK5 đùa cho vui thôi, y như chuyện Độc quyền đuổi Bò để làm thịt ấy, mình tưởng tượng nhiều thứ lắm và nhẹ cả người

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn TQtrung,
    Đồng ý với QcV là sự biến dạng của bàn chân là do quá trình trưởng thành và làm việc.
    Điều đó chứng tỏ cái gì ?
    Như vậy người Giao Chỉ chăm làm việc, và có thể là thường gánh quá sức của mình nữa, (còn tất nhiên lúc đó người Giao Chỉ đi chân đất, như nhiều người đã thấy nông dân ở HH).
    Nhưng có nghĩa là dân tộc Hán là dân tộc có truyền thống đi hút máu mủ dân tộc khác.
    chắc mọi người còn nhớ lúc ở Y Trung có 1 người đàn bà ở bên trường bó chân, chân bé tí tẹo, (nhưng theo định luật bảo toàn vật chất của TQTrung nên lòi ra 1 cục thật to ở phía trên)

    Trả lờiXóa
  6. Giải thích từ Giao chỉ lấy cảm hứng từ hai ngón chân giao nhau cũng chỉ là một cách hiểu thôi.Chúng ta nhớ rằng ngày xưa, trong truyền thuyết, Người Việt vẫn cho mình là con Rồng cháu Tiên, thờ ông cha Lạc Long quân mà biểu tượng là Giao long, người Việt xưa lấy sông nước để sinh nhai, có tục thờ Thủy thần, Giao long, họ xăm mình cho giống với tổ tiên.
    Vì vậy, sao không nghĩ đến khả năng tổ tiên lấy Giao (沙魚)( giao long- sa ngư)này để đặt tên cho xứ mình?
    Trong từ "chỉ" còn có nghĩa là 'chỉ trỏ''hướng về' v..v. Nếu ta dùng theo nghĩa 'hướng về'thì có thể giải thích rằng " Đất nước của những người luôn hướng về tổ tiên là loài Rồng (Giao long)"
    Cái từ Giao chỉ 交趾 này chắc chắn là do RỢ phương Bắc khinh rẻ dân ta mà đặt ra, các cụ ngày xưa chữ nghĩa, điển cố vẫn hướng về "Thiên triều" nên dễ dàng chấp nhận, ngày nay chắc phải hiểu như mình nói thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Tình cờ, tôi đọc được một đoạn của nhà “nổ học”: “Con Lạc , cháu Hồng ta là dân thạo nghề sông nước. Họ dùng chĩa để đâm cá, rồi lấy ngón chân cái và ngón chân trỏ để gỡ cá ra, riết rồi bàn chân bị biến dạng thành... “giao chỉ”.
    Kết luận:
    -Chân giao chỉ là "bệnh nghề nghiệp", bàn chân biến dạng để thích nghi với điều kiện làm việc.
    - Các cụ nhà mình ngại cúi xuống gỡ cá bằng tay chắc sợ... mỏi lưng. Thực ra, đây là tư thế thích hợp cho năng xuất cao. Bây giờ mà mần thế rất dễ bị chính trị viên quy kết"lười lao động".
    Mọi chuyện rắc rối đều do đọc sách mà ra cả. Kinh quá!

    TM

    Trả lờiXóa
  8. Bác nào còn bàn chân Giao Chỉ, đến Bảo Tàng Lịch Sử làm người mẫu chắc thừa tiền hưu!

    Trả lờiXóa
  9. Mình thì nghĩ rằng cứ vác bàn chân Giao chỉ này ra cướp lại Hoàng sa là Tầu Khựa chạy mất dép, chẳng phải mất công gào thét các kiểu làm gì cho mệt :((

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment