Giới thiệu với anh chị em, tiến sỹ sử học Vũ Ngự Chiêu, có bút danh là Nguyên Vũ (trước 1975) và Chính Đạo (sau 1975); đã từng là trung úy pháo binh sư đoàn dù VNCH. Ông tốt nghiệp Tiến Sĩ Sử tại Đại Học Wisconsin-Madison năm 1984 và Tiến Sĩ Luật tại Đại Học Houston năm 1999. Ông đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu toàn bộ hồ sơ mật thám Pháp, hồ sơ Bộ Ngoại giao, Bộ Thuộc địa Pháp để tìm hiểu nguyên nhân thất bại của chế độ VNCH
Xin trân trọng giới thiệu với anh chị em phần 1 khảo cứu lịch sử của tiến sỹ Vũ Ngụ Chiêu
Ngô Đình Diệm Là Ai ?
Chính Đạo
Sơ lược tiểu sử
JEAN BAPTISTE NGÔ ÐÌNH DIỆM (1897-1963):
THỜI KỲ CHƯA NẮM QUYỀN, 1897-1954
© 2004, 2010 Chieu N. Vu. All Rights Reserved.
Ngày 25/4/1961, Tướng Edward G. Lansdale—người được coi như hiểu biết rất rõ Việt Nam Cộng Hòa [VNCH] —viết báo cáo lên Thứ trưởng Quốc phòng Roswell L. Gilpatric, Chủ tịch Ủy Ban Ðặc Nhiệm ViệtNam (Presidential Task Force on Vietnam), về “No Din Zee’em” (Ngô Ðình Diệm) như sau:
Ông ta lùn, mập tròn. . . Nhiều người không chú ý đến cặp mắt đen hay liếc trộm [snapping] của ông ta mà chỉ chú ý đến cặp giò vừa đủ chạm mặt đất khi ngồi. Tuy nhiên, ông ta không cảm thấy ngượng ngùng về chuyện lùn, và có vẻ rất tự nhiên chung quanh những người Mỹ cao lớn. . . .
Ông ta tỏ vẻ ăn uống ngon lành (và thường có sở thích ăn ngon). Nụ cười của ông ta có vẻ e dè và bất thường. . . . Diệm sinh ngày 3/1/1901. . . Năm 25 tuổi [1926], Diệm đã được cử làm quan đầu tỉnh. Nhưng sau “sáu tháng làm Thượng thư” Diệm từ chức, trở thành “người hùng thực sự của người Việt.” Từ đó, anh em Diệm “âm thầm chống cả Pháp lẫn Cộng Sản.” Diệm là một người độc thân 60 tuổi, “đã cắt bỏ mối tình với người yêu đầu đời để dâng hiến cho tổ quốc.”(1)
Thực ra, Lansdale dường không muốn viết rõ, hoặc không biết nhiều về Tổng thống Diệm cũng như họ Ngô. Hầu hết chi tiết về hộ tịch Diệm hay thành tích chống Pháp của Diệm và gia đình Ngô Ðình Khả, đều thiếu chính xác. Các học giả thế giới cũng chẳng bận tâm đến việc tu chỉnh lại tiểu sử người cầm đầu phe thua cuộc. Bernard B. Fall, một học giả gốc Pháp viết khá nhiều về Việt Nam và chết tại Việt Nam, chẳng hạn, ghi Khả là “Thượng thư Bộ Lễ” sau khi từ chức đã cắt mọi liên lạc “với những kẻ xâm lăng đáng ghét,” “ủng hộ Phan Bội Châu,” và truyền xuống cho các con như Khôi và Diệm một tinh thần quốc gia nồng nhiệt.” Fall còn đưa ra những lời võ đoán dễ hiểu trong thập niên 1950-1960: “Sự kiện Bảo Ðại là người kế thừa của các hoàng đế yếu ớt trong việc chống lại Pháp cũng có thể gây ra sự khinh thường ông ta trong Diệm” [The fact that Bao Dai was the descendant of emperors who had been weak in their resistance to the French may also account for Diem’s contempt for him]. (2) Thực ra, từ thời Ðồng Khánh (1885-1889), các vua nhà Nguyễn do Khâm sứ và Toàn quyền Pháp lập nên, và chỉ còn công dụng của “một vòng hoa,” để hợp thức hóa chế độ “Bảo hộ” Pháp. Quan lại thì được tuyển từ giới trung gian bản xứ mà đa số là giáo dân Ki-tô hay cựu bồi bếp của viên chức, sĩ quan Pháp. Thành phần “tân trào” này hiểu rất rõ vị thế “làm kiểng” của các vua Nguyễn. Ngoài ra, Khả còn có liên hệ thân thiết với phòng Thành Thái (1889-1907), và từng nuôi tham vọng biến Thành Thái thành một vua theo Ki-tô giáo đầu tiên. Sự khinh thường phòng Khải Ðịnh (1916-1925) và Bảo Ðại (1926-1945) là điều dễ hiểu. Ngoài ra, Diệm không ưa Bảo Ðại vì đã hai lần ký Dụ đầy Diệm ra Quảng Bình. (3)
Ðáng buồn hơn nữa, lịch sử Việt Nam, dưới mắt nhiều học giả thế giới, chỉ là chuyện thêm thắt vào [anecdotes] chính sách và sự can thiệp của các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Hoa, Pháp, Bri-tên, Nhật, v.. v... Ngay đến Hồ Chí Minh (1892-1969) cũng chưa được nghiên cứu tường tận, vì Việt Nam đã mất đi hấp lực của những ngày tháng quân Pháp hay Mỹ lâm chiến ở Ðông Dương. Trọng tâm của nền nghiên cứu “thực phẩm ăn liền” [fastfood scholarship] đã di chuyển tới những xứ Trung Ðông, Iran, Iraq, Afghanistan, hay “Trung Quốc” [Zhonghe rinmin gengheguo].
Người Việt cũng có lý do riêng để không muốn thấy tiểu sử chính xác về Diệm, từ chính trị, tôn giáo, tới ý thức hệ. Nên chẳng ngạc nhiên khi khối văn chương về họ Ngô hay Ðệ nhất Việt Nam Cộng Hòa tràn ngập những lời“cung văn” hoặc “đào mộ,” bất chấp sự thực.
Bài sơ lược đoạn đời chưa cầm quyền của Ngô Ðình Diệm nhằm điền vào khoảng trống nói trên. Tư liệu cơ bản chúng tôi sử dụng là tập tiểu sử chính phủ Diệm do cơ quan an ninh Pháp thành lập tháng 7/1954, hiện vẫn chưa giải mật. Ngoài ra, còn nhiều tư liệu văn khố Pháp, Mỹ, Nga, Trung Hoa, cùng các tài liệu nguyên bản khác, kể cả tiểu sử Ngô Ðình Diệm do cơ quan an ninh Mỹ biên soạn ngày 18/4/1957, nhân dịp Diệm sắp qua thăm Mỹ.(4) Tiểu sử này, dĩ nhiên, không đầy đủ.
I. SƠ LƯỢC GIA THẾ:
Ngô Ðình Diệm, ngoài tên “thánh” Jean-Baptiste [Gioan Bao-xi-ta], còn có bí danh Nguyễn Bá Chinh. Theo an ninh Pháp, Diệm sinh ngày 27/7/1897 tại Ðại Phong [Phuong] hay Ðại Phong Lộc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.(5)
Cha là Ngô Ðình Khả (1856-1914), một tín đồ Ki-tô tân tòng, xuất thân thông ngôn cho Pháp, sau đổi qua ngạch quan lại Việt, lên tới Ðề đốc Kinh thành (1905-1907). “Mẹ” là Phạm Thị Thân.
Anh em Diệm khá đông, gồm sáu trai, hai gái. Khôi, con vợ lớn, là anh cả. Diệm, theo lời đồn, đứng hàng em của Khôi, Thục, và anh Ngô Thị Hiệp (bà Cả Lễ; chồng là Nguyễn Văn Ấm, sinh ra cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận), dù tuổi “chính thức” Diệm lớn hơn Thục trên hai tháng. Dưới Diệm có Nhu, Cẩn, Luyện, cùng một người em gái. Vì Khả chết khi Diệm còn nhỏ (17 tuổi khai sinh), Khôi quyền huynh thế phụ. Khôi chết, Thục có ảnh hưởng nhất trên Diệm, với cương vị một Giám mục.
Cha đỡ đầu [god-father] là Nguyễn Hữu Bài (1863-1935), nhạc phụ Khôi, một thủ hạ cũ của Khả, cũng một Thượng thư uy quyền và đầy mưu mô tại Huế từ 1907 tới 1933, và được Hội truyền giáo Pháp coi như một trong số giáo dân khai quốc công thần của chế độ Bảo hộ. Theo tài liệu Pháp, Bài đã nuôi dưỡng Diệm từ nhỏ. Bài cũng có ý định chọn Diệm làm con rể, nhưng vì lý do nào đó không thành. Con gái Bài sau đi tu dòng kín Carmel.(6)
Sau ngày lên cầm quyền, Diệm đổi ngày sinh thành 3/1/1901. Chẳng hiểu tại sao có việc “thay đổi” hộ tịch trên. Việc thay tên, đổi họ và ngày sinh tháng đẻ là việc thường xảy ra ở Việt Nam. Trước hết, vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, việc khai hộ tịch không được kiểm soát chặt chẽ. Viên chức xã ấp tại thôn quê không đặt nặng sự chính xác về ngày sinh của trẻ em. Cha mẹ nhiều khi khai rút tuổi con cái vì mục đích nào đó, như đi học hay khai sưu thuế. Hơn nữa, việc đổi từ ngày Tây (dương) lịch qua nguyệt (âm) lịch rất phức tạp, đôi khi cha mẹ dùng ngày tháng sinh nguyệt lịch làm ngày tháng Tây lịch, rồi dùng năm Tây lịch tương đương trong khai sinh. Thông thường, cha mẹ hay khai rút tuổi các con. Nhưng rất hiếm trường hợp cha mẹ khai con mình tăng thêm ba bốn tuổi, ngoại trừ biệt lệ nào đó. Phải chăng Diệm rơi vào trường hợp đặc biệt này, vì nếu sinh năm 1901, Diệm không thể nào được tập ấm chức Cửu phẩm và làm việc tại Tân Thư Viện Huế năm 1917, khi mới 16 tuổi.( 7)
Theo Ngô Ðình Luyện, em út trong gia đình, Diệm khai tăng bốn tuổi (từ 16 lên 20 tuổi) để có thể vào trường Hậu Bổ. Ðiều này khó tin, vì mãi tới năm 1918-1919, Diệm mới học trường Hậu bổ.(8) Luyện cũng là nhân chứng không đáng tin. Thí dụ như khi được hỏi về vai trò chính trị của Luyện, Luyện nói được lệnh “đứng ngoài chính trị.” Thực tế, từ thập niên 1940, Luyện đã hoạt động với các tổ chức thân Nhật, và trở thành đặc sứ của Diệm với Bảo Ðại, trước khi nắm chức Ðại sứ tại London. Luyện cũng tung ra những tin đồn về giao tình giữa Luyện và Bảo Ðại, mà theo Bảo Ðại không hề có.( 9) Và, như đã lược nhắc, Diệm được tập ấm chức Cửu phẩm, làm việc tại Tân Thư Viện Huế từ năm 1917, trước khi vào trường Hậu Bổ.
Một ký giả ngoại quốc, Robert Shaplen, ghi rằng theo Diệm, khoảng năm 1915-1916, Diệm đã man khai hộ tịch để dự thi bằng tương đương tốt nghiệp trung học. (10) Chi tiết này không sát sự thực. Mãi tới giữa thập niên 1920, mới có những cuộc thi lấy bằng Tú Tài I và II chương trình Pháp-Nam. Bằng cấp mà Diệm thi chỉ là bằng Cao đẳng tiểu học (Diplôme), gần tương đương với bằng Trung học phổ thông đệ nhất cấp. Tài liệu thành văn cũng chứng minh Diệm đã vào quan trường từ năm 1916 hoặc 1917, với chức cửu phẩm tập ấm tại Tân Thư viện, mà không phải sau khi đã “tốt nghiệp trường Luật Hà Nội năm 1921” như Diệm khoa trương. Thực tế, Diệm vào trường Hậu bổ từ niên khóa 1918-1919, và chỉ học tại Hà Nội một niên khóa 1920-1921.
Một động lực trong việc sửa đổi hộ tịch có lẽ là để hợp thức hóa vai “em” của Diệm với Giám Mục Thục–Thục sinh ngày 6/10/1897 tại Phước Quả, Thừa Thiên, thua Diệm hơn hai tháng. Nhưng cũng có thể, và điều này cần được tra cứu thêm, Diệm không man khai hộ tịch, mà rất đơn giản là không cùng mẹ (Phạm Thị Thân) với anh chị em khác. Có lẽ vì muốn che đậy bí ẩn này, tiểu sử Khôi và Thục trong tập Vua chúa và người quí phái Ðông Dương [Souverains et Notabilités] năm 1943 không ghi ngày sinh.(11) Tài liệu văn khố Pháp cũng ghi Diệm sinh tại Ðại Phong Lộc, Lệ Thủy, Quảng Bình, mà không phải Phước Quả, Thừa Thiên, giống như Thục, Nhu, Cẩn, Luyện, v.. v... Ðịa danh “Ðại Phong Lộc” từng được khai là nơi sinh của Khôi, con người vợ lớn đã chết sớm, trước khi Khả lấy bà kế thất tên Thân.(12)
Rất ít chi tiết về học vấn Diệm được công bố. Có tin Diệm tự học ở nhà, rồi học trường Pellerin ở Huế, và tốt nghiệp Diplôme. Diệm biết cả chữ Nho [Việt Hán]. Lại có tin Diệm học ở chủng viện, năm 1915, định đi tu, nhưng sau đó bỏ dở nửa chừng.(13) Bởi thế, nhiều tài liệu cho rằng Diệm thuộc loại “religious fanatic” [cuồng đạo]. (14)
II. “BÁT CƠM” BẢO HỘ PHÁP:
Trong nỗ lực biến hóa Ngô Ðình Diệm thành “lãnh tụ anh minh” đủ sức đương đầu với Hồ Chí Minh–kiểu “ăn Ngô thì no, ăn Hồ thì đói”–cơ quan tuyên truyền Mỹ và Nam Việt Nam tô chuốt cho Diệm những bảng hiệu như “yêu nước, chống Pháp,” v.. v... “Yêu nước” là một nhận xét khó lượng định, vì chỉ mỗi cá nhân mới tự biết rõ mình yêu nước hay không. Có nhiều cách biểu lộ lòng yêu nước, nên khó thể sử dụng một hệ thống lượng giá cố định. Tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó. “Chống Pháp” thì dễ lượng định hơn. Tinh thần chống Pháp của Diệm, hay họ Ngô, chỉ là những triển biến vào khoảng cuối đời, và động lực không hẳn do lòng yêu nước, mà nặng về tôn giáo cùng quyền lợi bản thân hay dòng họ. Diệm xuất thân từ một gia đình trung gian bản xứ Ki-tô, phục vụ Bảo hộ Pháp rất tận tụy. Khả, cha Diệm, từng lên tới chức chánh thông ngôn tòa Khâm sứ Huế dưới thời Pierre Rheinart des Essarts–người đã đưa con nuôi của nước Pháp là Bửu Lân lên ngôi đầu năm 1889–rồi chuyển sang làm thương biện [thông dịch] Viện Cơ Mật. Ngày 10/4/1892 Khả dịch văn thư của Phủ Phụ chính xin Toàn quyền Jean de Lanessan đừng gửi ra Huế những người từng làm nghiêng ngửa triều đình như Trương Vĩnh Ký [tức Petrus Key, 1837-1898], Nguyễn Trọng Tạo, Lê Duy Hinh, hay anh em Diệp Văn Cương, v.. v... Khả cũng tham dự chiến dịch đánh phá phong trào kháng Pháp tại Hà Tĩnh-Quảng Bình của Ngự sử Phan Ðình Phùng (1847-1895) trong hai năm 1895-1896. Sau khi hài cốt Ngự sử Phùng trong khu vực kiểm soát của Khả ở tây bắc Quảng Bình bị đào lên nghiệm chứng, đốt thành tro, ném xuống sông Lam “theo [lối trừng phạt] truyền thống,” Khả được đặc cách lên Thái thường tự khanh (Chánh tam phẩm) năm 1896. (15) Nguyễn Thân còn ủy thác Khả đứng ra tổ chức một trường dạy tiếng Pháp và quốc ngữ mới–tức loại tiếng Việt dùng trong việc giảng đạo Ki-tô của Hội truyền giáo–cho vương tôn nhà Nguyễn ở Huế. Thoạt tiên, Khả được đề cử làm Giám đốc trường Quốc Học này, nhưng Toàn quyền Pháp chỉ cho làm Phó Giám đốc, đặc trách nhà cửa, lương bổng và hành chính. Với mục đích Tây hóa vua Thành Thái (1889-1907), viên chức Pháp đưa Khả lên chức Ðề đốc kinh thành, lo bảo vệ và kiểm soát Thành Thái. Khả lập ra một toán thân binh cạo răng trắng, hớt tóc ngắn, mang súng trường, nhưng nhiệm vụ chính yếu–nếu tin được báo cáo của Hiến binh Pháp–chỉ để giúp vua “tổng hợp mọi tật tội Ðông-Tây” lùng sục và bắt cóc gái đẹp quanh kinh thành. Sau khi bị ép về hưu vì chống việc truất phế Thành Thái, dưới chiêu bài phải duy trì ngai vua, Khả được hàm Thượng thư bộ Lễ.(16)
Khôi, anh cả họ Ngô, bắt đầu “tham chánh” năm 1910, sau khi tốt nghiệp trường Hậu bổ. Khoảng sáu [6] năm đầu, Khôi phục vụ tại văn phòng Bộ Công do cha vợ làm Thượng thư. Sau ngày Bài được thăng Thượng thư Bộ Lại, nhờ tiếp tay cho Khải Ðịnh (1916-1925) lên ngôi, Khôi đi “ngồi” huyện, phủ, rồi lên tới Bố chính, Tuần vũ, Tổng đốc các tỉnh miền nam Trung Kỳ, tức An-Nam.
Phần Diệm, năm 1916-1917 được tập ấm Cửu phẩm, làm việc tại Tân thư viện Huế (tức Musée Khải Ðịnh), nơi đặt trụ sở Hội Bạn của Cố đô Huế. Năm 1918-1919, Diệm vào trường Hậu bổ Huế. Người đỡ đầu có lẽ là Nguyễn Ðình Hòe, một phụ tá cũ của Khả trong chiến dịch truy giết Ngự sử Phùng, lúc đó làm Giám đốc trường Hậu bổ (năm 1921 giữ chức Tổng thư ký Viện Cơ Mật). Thời gian này, triều đình đã bỏ lối thi Hương và thi Hội cũ, và trường Hậu bổ mở thêm phân khoa “pháp chính” [hành chính và luật] của trường Ðại học Hà Nội. Học viên học tại Huế hai năm đầu, và năm thứ ba phải ra Hà Nội. Có lẽ Diệm được chuyển qua chương trình này. Diệm còn có hai bài đăng báo Bulletin des Amis de Vieux Hué [Ðô thành hiếu cổ].
Tốt nghiệp, nhờ Thượng thư Bài nâng đỡ, năm 1922 Diệm được bổ nhậm ngay. Ðược cấp trên đặc biệt chú ý vì thanh liêm và tinh thần diệt Cộng cao. Năm 1929 [1926?], Diệm lên tới chức quan đầu tỉnh, Quản đạo Ninh Thuận (Phan Rang), rồi Tuần Vũ Bình Thuận (Phan Thiết). Theo một số nhân chứng, khi làm quản đạo Ninh Thuận, ngoài những ngon tra tấn quen thuộc như tra điện, kìm kẹp, Diệm bắt tù nhân Cộng Sản vuốt lạt tre, hay dùng đèn cầy [nến] đốt hậu môn để lấy khẩu cung. Ít nhất bảy [7] trong số 500 nghi can Cộng Sản bị tra tấn đến chết.(17) Có lẽ vì thế, Giám Mục Thục cả quyết rằng Cộng Sản đã thuê sát thủ ra Phan Rang mưu sát Diệm, nhưng Diệm chỉ bị thương.( 18)
Tóm lại, từ Khả xuống Khôi, Thục rồi Diệm, lòng trung thành với Pháp khá vững chắc. Khôi từng nhờ Nhu nói với Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Paul Arnoux ngày 18/8/1944 tại Huế rằng Khôi “xin thề trên thập tự giá” là lúc nào cũng coi Bảo hộ Pháp như “bát cơm” [bol de riz] của họ Ngô. (19)
Ngày 21/8/1944, Giám mục Thục trình lên Toàn quyền Jean Decoux bản tóm lược rõ ràng nhất công lao và lòng trung thành với Bảo hộ Pháp của họ Ngô, và cá nhân Diệm:
Các anh em tôi cũng liên tục dâng hiến mạng sống họ cho nước Pháp trong dịp Cộng Sản nổi loạn. Diệm, em tôi, đã ngã xuống vì những viên đạn súng lục của một người Tàu Chợ Lớn, được gửi tới Phan Rang, nơi Diệm hăng say ngăn chặn sự xâm nhập của các cán bộ Cộng Sản từ Nam Kỳ [Mes frères, eux mêmes ont exposé leur vie continuellement pour la France lors de la révolte communiste. Mon cadet Diệm a failli tomber sous les coups de révolver d’un chinois de Cholon, envoyé à cet effet à Phan Rang, où Diệm défendait énergétiquement l’entrée de l’Annam aux émissaires communistes envoyées de la Cochinchine]. . (20)
Dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp “yêu nước, chống Pháp” của Diệm, là cuộc “đảo chính cung đình” ngày 2/5/1933. Ngày này, Toàn quyền Pierre Pasquier (12/1928-1/1934) và Quyền Khâm sứ Léon Thibaudeau (2/1933-7/1934) đột ngột bắt Bài và toàn bộ nội các về hưu. Theo báo Tiếng Dân ở Huế, tin trên chấn động dư luận. Bẽ bàng nhất là chính Bài không hề được báo trước. Và, khi Thibaudeau tuyên bố nội các mới, có Trần Thanh Ðạt thông dịch, một số tân Thượng thư chưa kịp về đến kinh đô
Bạn hỏi NĐD là ai? Cái này lại nên hỏi
Trả lờiXóaBác Kháng, Cục trưởng Cảnh vệ Bộ Công an khi xưa, là 1 trong 8 người luôn bên cạnh Bác Hồ(Bố bạn Nguyễn Lâm), vì khi đó bác Kháng được lệnh vào miền trung bắt Diệm đưa ra xét xử. chẳng may bác Kháng làm ăn kém quá để Diệm xổng chuồng trốn thoát, do đó mới có chuyện "MN 20 năm không đêm nào ngủ được" !
THEO. WIKIPEDIA, TRƯỜNG HẬU BỔ HÀ NỘI GIẢI TASN1912 ĐỔi THÀNH TRƯỜNG SĨ HOẠN. TRƯỜNG NÀY GIẢI TÁN NĂM 1917 ĐỂ LẬP TRƯỜNG PHÁP CHÍNH
Trả lờiXóaVẬY NAWM1918 DIỆM HỌC TRƯỜNG HẬU BỔ LÀ VÔ LÝ, HOCJ TRƯỚC 1913 THÌ VÔ LÝ HƠN VÌ DIỆM KHAI SINH 1903 LÚC CÓ9 TUỔI
KHI LÀM ĐƠN XIN TỪ CHỨC, ÔNG TA NÓI ĐỂ TU, VẬY ÔNG TA HỌC TRƯỜNG DÒNG