TRẦN QUỐC VIỆT K5
Hôm qua anh em phía Bắc gặp Thu Cóc ở Hà Nội, chắc TK5 sẽ có ảnh và lời bình vì TV chụp đến đêm, có cả HOÀNG QUỐC HÙNG (giờ mới biết biệt danh là Hùng Khơ), NGUYÊN ĐÙ... ôm hôn tíu tít.
Gửi tiếp anh chi em và bantroi phần nghiên cứu sử của Tiến sĩ Vũ Bguwj Chỉêu
IV. DIỆM & VIỆT MINH:
Mặc dù sau này Ngô Ðình Diệm thường
tuyên bố tại Việt Nam chỉ nổi danh thua Hồ Chí Minh [the best known
figure after Ho Chi Minh], khoảng thời gian từ tháng 8/1945 tới đầu năm
1947 là một giai đoạn bí mật nhất đời Diệm.
Như chúng ta đã biết, ngày
19/8/1945, nhân khoảng trống quyền lực sau ngày Nhật đầu hàng, Việt Nam
Ðộc Lập Ðồng Minh, tức Việt Minh — từng hợp tác với Ðệ Tứ
Phương Diện Quân Trung Hoa Dân Quốc, tình báo Bri-tên và Mỹ— lên
nắm chính quyền ở Hà Nội.(37) Ngày
25/8, Bảo Ðại ra thông cáo thoái vị. Tại Sài Gòn, Khâm sai Nguyễn Văn Sâm từ
chức; Trần Văn Giàu thiết lập Lâm Ủy Hành Chánh Nam Kỳ. Trong vòng mười ngày từ
khi Nhật đầu hàng, rồi chính thức buông súng từ ngày 21/8/1945, đất nước và dân
tộc Việt rúng động trong những chuyển biến dồn dập, đẫm máu của giai đoạn II
cuộc Cách Mạng 1945–giai đoạn thay đổi từ dưới lên trên, do
những người từ chiến khu, rừng núi, ngoại quốc và tù ngục xách động dưới ngọn
cờ đỏ sao vàng. Lá cờ quẻ Ly–với hai vạch đỏ liền kẹp trên dưới một gạch đỏ
đứt quãng ở giữa, trên nền vàng–chìm nhanh vào quên lãng. Rồi, chiều Chủ
Nhật 2/9/1945, một người trung niên trong bộ ka-ki vàng bốn túi, bộ râu lưa
thưa, xuất hiện trên diễn đài tại bãi Cột Cờ Hà Nội – mới được đổi tên công
viên Ba Ðình từ đầu tháng trước – long trọng đọc bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của
chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH]. Khác với những diễn
giả nói về cuộc cách mạng quốc gia của Pétain, hay nền độc lập trong Khối
Thịnh Vượng Chung Ðại Ðông Á trước đó, Hồ Chí Minh dùng câu đầu của Tuyên ngôn
độc lập Mỹ năm 1776 để mở đầu tuyên ngôn độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tất cả mọi người đều sinh ra
bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong
những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời bất hủ ấy ở trong bản tuyên
ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả
các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền tự
do.
Sau đó, nhắc đến Tuyên Ngôn
Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp:
Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân
Quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:
Người ta sinh ra tự do và bình
đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”
Ðó là những lẽ phải không ai
chối cãi được.
Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực
dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức
đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.”
Tiếp đến những lời lên án chế độ
Bảo hộ Pháp ngược đãi dân Việt, xây nhiều nhà tù hơn trường học, đầu độc dân
Việt bằng “rượu cồn và thuốc phiện,” hai lần “bán” Việt Nam cho Nhật, và Việt
Nam đã chiến đấu bên cạnh Ðồng Minh, giành độc lập từ tay Nhật mà không phải
Pháp, Hồ kết luận:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự
do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập, Toàn thể dân
Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ
vững quyền tự do và độc lập ấy.”
Có tất cả 15 người ký tên vào Tuyên
Ngôn Ðôc Lập. Họ là thành viên của “Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân
chủ Cộng Hòa,” một “Chính phủ Quốc gia Liên Hiệp,” “kết tinh của sự đoàn kết và
thống nhất.” Hồ Chí Minh được ghi là “Ðảng Quốc Gia;” Võ Nguyên Giáp, “Văn
hoá cứu quốc;” Trần Huy Liệu và Lê Văn Hiến, “Ðảng Cộng Sản;” Dương Ðức Hiền và
Vũ Ðình Hoè, “đảng Dân Chủ;” Nguyễn Văn Xuân, “Quốc Dân Ðảng;” Phạm Văn Ðồng,
Nguyễn Văn Tố, Phạm Ngọc Thạch, Ðào Trọng Kim, Nguyễn Mạnh Hà và Vũ Trọng
Khánh, “không đảng nào;” và, Chu Văn Tấn, “Dân tộc thiểu số.” (38)
Nhân vật Nguyễn Văn Xuân là một dấu
hỏi lớn. Nếu là Ðại tá Pháo thủ Nguyễn Văn Xuân, ông ta đã nhờ Nhật đưa trốn
vào Nam .
Tài liệu CS sau này nói Xuân là một cán bộ “Quốc Dân Ðảng;” nhưng chúng tôi
không tìm thấy dấu tích nào của cán bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Nguyễn Văn Xuân;
chỉ có nhân vật Nguyễn Ngọc Xuân.
Sau đó, Hồ trình diện chính phủ.
Rồi yêu cầu dân chúng tuyên thệ: Nếu Pháp đến xâm lược lần nữa thì
chúng ta không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực
cho Pháp, không đưa đường cho Pháp, và đoàn kết để diệt Pháp.
Dù chưa thể tri nghiệm “độc lập” là
gì, hàng chục ngàn dân – hàng trăm ngàn người, kể cả các chức sắc Ki-tô theo
Jean Sainteny [1953:92], nửa triệu người theo tài liệu tuyên truyền Việt Minh –
biến cuộc mít tinh thành biểu tình tuần hành. Có cả phi cơ Lightning bay
lượn trên trời.
Chiều đó, tại Sài Gòn, cuộc xô xát
đầu tiên giữa Việt Minh và Pháp bùng nổ trước Nhà thờ chính, rồi lan tràn khắp
đường phố. Những cơn cuồng phong cách mạng thốc cuốn toàn dân ba miền vào ba
thập niên bạo lực, bất trắc kế tiếp. Ngày 5/9/1945, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số
5 về quốc kỳ: Hủy bỏ cờ quẻ Ly, thay bằng cờ đỏ sao vàng, chiều ngang bằng 2/3
chiều dài. (Báo Cứu Quốc, 13/9/1945). Cùng ngày 5/9/1945, Bộ trưởng
Nội vụ Giáp ký sắc lệnh số 8, giải tán Ðại Việt Quốc Gia Xã Hội Ðảng
[Quốc Xã], vì “đã tư thông với ngoại quốc để mưu những việc có hại cho
sự độc lập của Việt Nam,” và Ðại Việt Quốc Dân Ðảng vì “đã âm mưu
những việc thiệt hại cho sự độc lập quốc gia và nền kinh tế Việt Nam.” (Báo Cứu
Quốc, 9/9/1945). Ngày Thứ Tư, 12/9/1945, Giáp ký sắc lệnh số 30 giải tán Việt
Nam Hưng Quốc Thanh Niên Hội của Lê Ngọc Vũ và Việt Nam Thanh
Niên Ái Quốc Hội của Võ Văn Cầm. (Dân Chủ, 19/9/1945).
Chính phủ lâm thời cũng bắt giữ, ám
sát, thủ tiêu hàng ngàn “phản động,” “Việt gian”. Cắt cổ, mổ bụng, trầm hà [“mò
tôm”] chỉ là vài trò chơi người giết người quen thuộc. Trọn gia đình Kỹ sư Bùi
Quang Chiêu, chẳng hạn, bị tiêu diệt ngoại trừ cháu nội mới mở mắt chào đời. Tạ
Thu Thâu và các phần tử “Trốt kít” bị cầm tù, thảm sát từ Quảng Ngãi tới Bà
Rịa, Bình Dương. [tính vô Chính phủ này
còn gây phức tạp nhiều về sau - ST]
Trước phản ứng của dư luận, ngày thứ
Hai, 10/9, Trần Huy Liệu họp báo giải thích về những cuộc bắt bớ khắp
nơi. Liệu cho rằng đó không phải là “khủng bố” vì “bị bắt bao giờ cũng là
những kẻ đã do sự điều tra nhận thấy có phương hại tới chính quyền của nhân
dân.” (Dân Chủ, 20/9/1945).
Báo Cứu Quốc, cơ
quan ngôn luận của Việt Minh, công khai lên án và báo cáo việc thanh trừng
chính trị. Ngày 12/9/1945, loan tin “ba tên phản quốc nữa đã bị bắt.” Ðó
là: Bùi Trần Thường, cận vệ của Võ Văn Cầm; Phạm Ngọc Hàm, “mật thám cho Pháp
mới từ Cao Bằng về liên lạc;” Ðào Chu Khải, làm “xếp tanh” trên đường Lào Kai –
Vân Nam , Việt Nam Quốc dân
Đảng ở Vân Nam ;
sau 9/3/1945, làm “tay sai cho Nhật.” (Báo Cứu Quốc, 12/9/1945).
Riêng Diệm và Thục đều có tin bị
Việt Minh bắt. Thục, thực ra được tự do sống ở vùng Vĩnh Long, dưới sự che chở
của Việt Minh. Tháng 10/1945, Thục định ra Bắc, nhưng bị quân Bri-tên chặn bắt
ở Biên Hòa, rồi sau đó âm thầm trở lại giáo phận Vĩnh Long. Riêng Nhu, từ tháng
8/1945, được Giáp cử làm Giám đốc Văn Khố Hà Nội. Phần Diệm, tông tích bất
minh. Ngày 7/5/1953, trong buổi ăn trưa và thảo luận [lunch talks] về tình hình
Ðông Dương tại Tối Cao Pháp Viện Mỹ, Diệm tuyên bố từng bị Hồ “cô lập” trong
một làng thiểu số năm 1946. Sau 6 tháng, Hồ yêu cầu Diệm tham gia chính phủ,
nhưng Diệm trả lời rằng vì biết Hồ là Cộng Sản, Diệm muốn được toàn quyền và
thông báo mọi tin tức. Những người ủng hộ Diệm đòi Diệm phải được giao Bộ Nội
Vụ và nắm ngành Cảnh Sát. Hồ do dự ít tuần, rồi cuối cùng từ chối.
Gần hai thập niên sau, ngày
16/1/1962, Diệm còn lập lại với các viên chức Mỹ chi tiết bị giam ở thượng du
Bắc Việt. Diệm tuyên bố bị bắt vào tháng 9/1945, khi từ Sài Gòn ra Huế ngăn Bảo
Ðại đừng theo Hồ. Sau đó, bị giải lên gần biên giới Hoa-Việt, suýt chết vì bệnh
sốt rét. Sáu tháng sau, Hồ Chí Minh mang Diệm về Hà Nội, thuyết phục Diệm theo
mình. Diệm không đồng ý, Hồ Chí Minh bèn thả Diệm. (39) Sau này, Hoàng
Tùng nói với một ký giả Tây phương rằng tha Diệm là một sai lầm.(40)
Việc Diệm bị Việt Minh bắt được
nhiều nguồn tin khác xác nhận. Hạ tuần tháng 11/1945, Giám mục Thục khai với
Pháp rằng Khôi và Diệm đã bị Việt Minh bắt và có thể đã bị xử
bắn.(41) Ngày 28/12/1945, Tổng Giám mục Antonin Drapier cũng viết cho
Trưởng đoàn Truyền giáo Hải ngoại Pháp ở Sài Gòn, rằng Diệm đã bị Việt Minh bắt.(42)
Một nguồn tin khác nữa ghi vào
khoảng tháng 6/1946, khi Diệm đến ở nhà Linh mục Ðộ, chính xứ Tuy Hoà, cán bộ Việt
Minh đã “khéo léo” mời được Diệm lên miền Thượng (Mọi). Người gia nhân thoát
chạy ra Phát Diệm, xin Giám mục Lê Hữu Từ giúp, sợ bị giống như Khôi. Từ bèn
cùng Linh mục Phạm Quang Hàm và Dân biểu Ngô Tử Ha vào Bắc bộ phủ xin Hồ tha
Diệm. Chính Hồ cũng không biết việc này, và hứa sẽ can thiệp. Khoảng một tháng
sau, Diệm về tới Hà Nội, Giáp gọi Nhu, Giám đốc văn khố Hà Nội, tới lĩnh về.(43)
Những chi tiết quanh việc Diệm bị
Việt Minh bắt có nhiều nghi vấn:
1. Xét về ngày tháng Diệm bị bắt,
có phần không ổn.
a. Tài liệu Bộ Ngoại Giao Mỹ dẫn
lời Diệm là Diệm bị bắt vào tháng 9/1945, và trả tự do vào khoảng tháng 3/1946.
b. Ngày tháng mà Từ hoặc tác giả
viết hồi ký cho Từ ghi là Diệm bị bắt đúng vào giai đoạn Hồ Chí Minh đang ở
Pháp, và mãi tới ngày 22/10/1946 Hồ mới về tới Hà Nội. Vậy Từ can thiệp vào dịp
nào? (Diệm cũng không hề nhắc đến việc được Từ và Hạ can thiệp).
c. Ngay chính Diệm, ngày 7/5/1953,
chỉ nói mơ hồ đã bị “cô lập” tại một làng thiểu số trong 6 tháng vào năm 1946.
2. Không ai rõ Diệm được tha ngày
nào, và cũng chẳng ai rõ hành tung Diệm từ lúc được tự do tới khi xuất hiện ở
Hà Nội vào đầu năm 1947 trong bộ đồ tu
hành.
3. Theo thư gửi Decoux đề ngày
21/8/1944, Thục nói Cộng Sản từng sai sát thủ ra Phan Rang mưu sát Diệm, nhưng
Diệm chỉ bị thương. Nếu bắt được Diệm năm 1945 hoặc 1946, ngay tại miền Trung,
cách nào Cộng Sản tha Diệm? Người ta chưa quên số phận những Tạ Thu Thâu, Vũ
Ðình Dy, v.. v... ở Quảng Ngãi; và nhiều cảnh “mò tôm” khác khắp ba miền.
4. Anh em Diệm rất thành thạo thủ
thuật tự đánh bóng (kiểu Diệm “làm Tể tướng cho Bảo Ðại,” Khả làm “thượng thư
đầu triều Thành Thái,” hay “đầy vua không Khả”). Thành tích “bị giam lỏng” tại
miền thượng du năm 1946, hay đòi Hồ cho nắm Bộ Nội vụ có thể chỉ để tăng thêm
vốn cho việc rao bán lập trường chống Cộng hầu xin viện trợ Mỹ của Diệm. Hy
vọng sẽ có dấu vết việc bị “cô lập” này trong văn khố Ðảng Cộng Sản Việt Nam hay
Pháp.
Chờ mãi chẳng có cái còm nào.Hay là ko ai đọc! Chuyển đề tài đê Quốc Việt ơi!
Trả lờiXóa