THS: TRẦN QUỐC VIỆT K5 (ST)
Tiếp theo phần lại lịch gia đình 3 đời bán nước của Diệm, phần này nói tới cuộc đảo chính cung đình và Ngô Đình Diệm với cha đỡ đầu (Nguyễn Hữu Bài đóng vai trò gì trong cuộc đảo chính. )
Nguyên Pasquier, với sự thỏa thuận của Albert Sarraut, quyết thực hiện một cuộc “đại cải cách” ở An Nam, đánh bóng uy tín vua Nguyễn để làm giảm bớt và điều-kiện-hóa các phong trào quốc gia mới–như cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng năm 1930, và nhất là sự du nhập và phát triển của phong trào Cộng Sản từ giữa thập niên 1920, bùng nổ thành những cuộc bạo động, khủng bố tại các đồn điền miền Nam, cùng phong trào Sô Viết Nghệ Tĩnh trong hai năm 1930 - 1931. Pasquier và Thibaudeau đoạn tuyệt với nhóm hợp tác cựu trào (Nguyễn Hữu Bài, Ki-tô giáo). Nhóm này chủ trương đồng hóa và thống trị theo kế sách của Giám mục Paul Puginier và Louis Caspar – nhằm Ki-tô hóa vua quan rồi khiến toàn thể dân Việt sẽ cải đạo, và vĩnh viễn trở thành “bạn của nước Pháp.” Từ thập niên 1890, nhóm hợp tác cựu trào trở thành một thứ kiêu binh của cái mà Phạm Quỳnh cũng như Bảo Ðại gọi là “một văn phòng phụ thuộc nho nhỏ của Tòa Khâm,” tức triều đình Huế, lúc nào cũng mang công lao của khối giáo dân bản xứ trong việc thiết lập chế độ Bảo hộ (dưới chiêu bài bảo vệ đạo) ra áp lực Pháp.
Ngựa mới của Pasquier là phe tân trào (tiêu biểu bằng Phạm Quỳnh, Bùi Bằng Ðoàn, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Thái Bạt, Lê Dư, v.. v...). Phe này chủ trương hợp tác tinh thành, hay Pháp - Việt đề huề. Quan chức Pháp đã chọn phe tân trào, vì chủ trương hợp tác [collaboration] có nhiều triển vọng thành công trước sự lớn mạnh của các phong trào quốc gia mới. Từ thập niên 1920, Pasquier đã chiêu hồi những thành phần chống Pháp như Phan Bội Châu và sử dụng các văn thân từng bị dính líu vào phong trào chống sưu thuế 1908 tại miền Trung. Huỳnh Thúc Kháng, chẳng hạn, được cử làm Chủ tịch Hội đồng Dân cử Trung Kỳ, và xuất bản tờ Tiếng Dân bằng quốc ngữ mới, với chủ trương“thờ người Pháp để cầu tiến bộ.” Trong khi đó, nhóm hợp tác, nói theo Phạm Quỳnh, tạm thời chấp nhận “tôn quân cũng là yêu nước,” ngưng đòi hỏi thể chế cộng hòa. Ðể làm giảm sự bi phẫn của nhóm cựu trào, Pasquier và Thibaudeau đặc cách Diệm–con nuôi Bài [son fils putatif]–lên làm Thượng thư Bộ Lại. Tuần phủ Bùi Bằng Ðoàn (1890-1955) cũng được đặc cách lên Thượng thư Bộ Hình. Ngày 6/5/1933, năm [5] tân Thượng thư mới có mặt đầy đủ tại Huế nhân dịp gắn huy chương cho Bài và bốn [4] cựu thượng thư. Ngày 17/5, Thibaudeau chủ tọa phiên họp Nội các đầu tiên. Mười ngày sau, 27/5, Pasquier và Bảo Ðại chủ tọa phiên họp tân Nội các.
Một số mật báo viên ghi, và ngay chính Diệm man khai (ngày 24/12/1947 với Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong là George D. Hopper) rằng “Giệm” là “quan đầu triều Bảo Ðại.”( 23) Thực ra, từ tháng 5/1933, Bộ Lại mất đi ảnh hưởng của những năm Bài được kiêm nhiệm chức Tổng lý [Chủ tịch Viện Cơ Mật], và chỉ ngang hàng với các Bộ khác. Người có uy thế nhất là Phạm Quỳnh (1892 - 1945), Ngự tiền Tổng lý của Bảo Ðại kiêm Thượng thư Giáo dục. Quỳnh không những chỉ chuyển lệnh của Toàn quyền và Khâm sứ Pháp cho Bảo Ðại, mà còn đồng thời dịch, và thiết kế việc thực thi các lệnh trên, cùng báo cáo kết quả lên Khâm sứ.
Thibaudeau còn cử Diệm làm Tổng Thư ký Ủy ban Cải Cách, và yêu cầu Diệm trình lên kế hoạch canh tân Bộ Lại. Diệm, có lẽ do ảnh hưởng Bài, đưa ra hai điều kiện: (1) Phải thống nhất Bắc và Trung Kỳ; bổ nhiệm Tổng Trú sứ (Résident Général) như đã qui định trong Hoà ước 6/6/1884; và, (2) cho Viện Dân biểu quyền thảo luận.(24) Ðề nghị này giống hệt kế hoạch của Bài: Muốn cải cách, việc đầu tiên phải bỏ chức Thống sứ Hà Nội và Khâm sứ Huế (tức tái sát nhập Bắc Kỳ vào An Nam), sau đó cho An Nam ngân sách riêng. Nói cách khác, phải trở lại với Hiệp ước 6/6/1884 – đòi hỏi mà Bài đã gieo xuống đầu óc thơ dại của Duy Tân từ năm 1915 - 1916, đưa đến việc vua bị truất phế rồi đầy qua Réunion cùng cựu hoàng Thành Thái (Bửu Lân) vào cuối năm 1916. Pasquier, dĩ nhiên, không chấp thuận.
Ngày 9/7/1933, Diệm ra Quảng Trị ở với cha nuôi ít ngày. Trở lại Huế, ngày 12/7, Diệm nạp cho Thibaudeau một bản sao đơn từ chức đã trình lên Bảo Ðại. Lý do nêu ra là cơ cấu tổ chức hiện tại không phù hợp với Hiệp ước 6/6/1884 – Hiệp ước này qui định Pháp chỉ giữ một chế độ bảo hộ kiểm soát (protectorat de contrôle) mà không phải bảo hộ trực tiếp (protectorat direct).( 25)
Thibaudeau gọi Bảo Ðại từ Ðà Lạt về Huế giải quyết. Bảo Ðại bảo thẳng Diệm rằng viện dẫn lý do chính trị để từ chức là hành động phản nghịch. Ngày 18/7, Diệm viết lại đơn từ chức khác nêu lý do muốn dành thì giờ cho việc tu hành. Lần này, Diệm được toại ý. Ngày 22/7, Thibaudeau đổi Thái Văn Toản qua thay Diệm nắm bộ Lại, và đưa Tôn Thất Quảng, Tổng đốc Thanh Hóa, mới lập công lớn trong việc đàn áp đẫm máu tại các tỉnh Bắc An Nam, lên nắm Bộ Công và Nghi Lễ thay Toản.( 26)
Ngay sau ngày Bài bị cách chức, vài tờ báo Nam Kỳ công khai đả kích Pasquier. Theo Luật sư Lê Văn Kim, những bài đả kích trên từ Huế gửi vào. Tháng 12/1933, Diệm còn vào Sài Gòn gặp Nguyễn Phan Long, Lê Văn Kim, Jacques Lê Văn Ðức v.. v... bàn thảo kế hoạch trả thù Pasquier. Tiếp đó, tờ La Tribune indochinoise [Diễn đàn Ðông Dương] và tờ La Lanterne ở Paris mở chiến dịch đòi thay Pasquier bằng cựu Toàn quyền Alexandre Varenne (7/1925 - 11/1927) và đưa cựu Khâm sứ Yves Châtel (6/1931 - 2/1933) trở lại Huế. Biết được tin này, Pasquier truất mọi chức tước của Bài, Diệm và Pierre Nguyễn Ðệ, Bí thư riêng của Bảo Ðại, thuộc một gia đình trung gian bản xứ nổi danh khác ở miền Bắc (Án sát Nguyễn Liên). Diệm còn bị chỉ định cư trú tại Quảng Bình.( 27)
May mắn cho Diệm, ngày 15/1/1934, Pasquier chết vì tai nạn máy bay trên không phận Paris. Năm sau, Bài chết tại Quảng Trị. Toàn quyền René Robin (7/1934 - 1/1937) và Khâm sứ Maurice Graffeuil (7/1934 - 5/1936, 4/1937 - 8/1941) phục hồi tước vị hàm [honoraire] cho Bài, Diệm và Ðệ. Diệm được về Huế dạy trường Providence [Thiên hựu] do Linh mục Thục, “anh trai” Diệm, làm Giám học.
Nên ghi thêm cuộc đảo chính cung đình này khiến họ Ngô trút mọi thù oán lên Phạm Quỳnh. Năm 1934, Thục chống việc cử hành hôn lễ giữa Bảo Ðại và Nguyễn Hữu Thị Lan, đòi phải thực hiện lễ rửa tội trước; nhưng viên chức Pháp, nhất là cựu Khâm sứ Charles, dàn xếp cho một linh mục Pháp bí mật làm lễ kết hôn. Sau đó, năm 1938, Thục được đặc cách Giám mục Vĩnh Long, một giáo phận nhỏ, tách ra từ tổng giáo phận Sài Gòn. (28) (Trái với sự ngộ nhận của nhiều người, việc thăng chức hay bổ nhiệm các giáo mục Ki-tô không thuần do đạo hạnh và khả năng quyên góp, nhưng đôi khi bị chính trị hóa. Năm 1950, Linh mục John Dooley được đặc cách lên Giám mục để trông coi việc chống Cộng của giáo dân Ðông Dương. Năm 1963, có vận động cho TGM Thục thăng chức Hồng Y để đuổi “Giáo Hoàng VNCH” khỏi nước, đưa đến việc bị rút phép thông công [ex-communicated], và rồi chết trong điên loạn tại Mỹ).
Nếu tin được Ngô Ðình Nhu (1910 - 1963), Khôi thường nói với Diệm rằng sở dĩ người Pháp không ưa Khôi vì “[họ Ngô] quá toàn vẹn,” và “Phạm Quỳnh thì khôn khéo, nên được cả Pháp lẫn Nhật quảng cáo tài năng.” (29) Nhu cũng tung tin Phạm Quỳnh biệt đãi hai con trai Cường Ðể, dù trên thực tế, con Cường Ðể làm việc tại văn khố Tòa Khâm, dưới quyền Nhu. Người Pháp chỉ quay mặt làm ngơ, để vừa đặt chân Phạm Quỳnh trên lửa, vừa âm thầm theo dõi anh em họ Ngô đang ngả theo ngọn gió Thịnh Vượng Chung Ðông Á.
Theo an ninh Pháp, “những phần tử trong họ Ngô, đặc biệt là Khôi, nuôi dưỡng lòng hận thù ngày một sâu đậm đối với Phạm Quỳnh người đã thụ hưởng nhiều lợi lộc nhất trong cuộc đảo chính ngày 2/5/1933. Từ một nhà báo, Quỳnh đã trở thành Thượng thư Bộ Quốc Dân Giáo Dục, rồi thăng lên chức Tổng lý khá nhanh, nắm giữ tước cao nhất của hệ thống quan lại (Tứ trụ triều đình) năm 1944. Từ từ theo sự thăng tiến về danh vọng của Phạm Quỳnh, hận thù giữa họ Ngô với Quỳnh càng gia tăng.. .” (30)
Tóm lại, thành tích chống Pháp hay cách mạng từ năm 1933 của Diệm chưa được một tài liệu nào xác nhận; mà chỉ có những tư liệu văn khố chứng minh ngược lại–anh em họ Ngô mưu cầu quyền lực bằng mọi giá, bất chấp khuôn thước đạo đức truyền thống. Ngay cả huyền thoại “chống Cộng” từ năm 1922 qua tài liệu Switzerland, cũng cần duyệt xét lại.
Nội dung buổi nói chuyện năm 1962 chứng tỏ Diệm chẳng biết gì vai trò của địa bàn Trung Hoa cùng hoạt động của DALBURO Nga ở Vladivostok, Thượng Hải hay Hương Cảng (Hong Kong). Diệm cũng thần thoại hóa quyết định từ chức của mình, ngoài tinh thần chống thực dân, còn vì không đồng ý với chính sách “chống Cộng” của Pháp. Theo Diệm, Cộng Sản là sản phẩm của các chính phủ tả phái Pháp, một nhận định quá phiến diện, trước sự du nhập và phát triển của một trường phái ý thức hệ mới của Tây phương—tức chủ thuyết duy vật, đứa con hoang ngỗ nghịch của thần quyền, công khai chống lại Ki-tô giáo, gọi Ki-tô là thuốc phiện tinh thần. Thực ra, họ Ngô chống Cộng phần lớn vì lệnh Vatican và viên chức Pháp; kiến thức về Marxist - Leninism hay nguyên nhân khiến chủ thuyết này bành trướng ở Nga, Trung Hoa, Indonesia hay Việt Nam rất mơ hồ. Ngoài ra, Diệm có vẻ “rất linh động và sáng tạo” trong việc diễn giải thành tích dĩ vãng để “bán mình” cho chính phủ Mỹ. Năm 1963, Ðại sứ Henry Cabot Lodge đi đến kết luận, không hẳn chủ quan, rằng Diệm và họ Ngô thuộc loại “dối trá và tội phạm” (liars and criminals). (31)
(Kì sau - Diệm hợp tác với Phát xít Nhật)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment