Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

TÂY BẮC (tùy bút)

Ths Trần Quốc Việt k5

Mình nhờ Quang Trung đăng bài của Quang Dũng, cùng Quang, cũng tài hoa. Mình gửi anh chị em bantroi thêm bài tuỳ bút.

TÂY BẮC
"Đường lên Tây Bắc xa xôi",

Hai bên đường đang là các cánh đồng thẳng cánh cò bay, thế mà mới qua Xuân Mai, thấy núi cứ đứng lên, dựng lên; "Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống" - Đã đến Hoà Bình.
"Qua miền Tây Bắc núi ngút ngàn trùng xa", Bài hát của đoàn Tây Tiến cùng Quang Dũng do tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy, nhận lệnh giải phóng Tây Bắc, chắc cũng đi tuyến đường này, nhưng các cụ đi bộ còn mình đi ô tô.
Nếu không có các dãy núi hay các ngôi nhà cạnh đường, phong cảnh vùng này giống như phong cảnh và thời tiết của nước Áo hay Thuỵ sĩ, trời cũng lành lạnh.
Mưa bụi phủ lên các đỉnh núi một màu xanh huyền diệu, núi chồng lên núi, cảnh như vẽ. Chắc xưa kia vùng này kiến tạo sơn dữ dội, các thớ đá gần như dựng đứng.
Quế Lâm đã đẹp nhưng Hoà Bình đẹp hơn nhiều, núi ĐẦU MÀO, THẤT TINH, CỔNG TRỜI, SÔNG LY ... chỉ là những nét chấm phá, còn đây là tranh thêu; Những cảnh đẹp bên bờ Ly Giang chỉ là Chậu Hoa bên Công Viên là Hoà Bình.
Dốc Cun giờ đã hạ thấp xuống, nhớ đoàn cựu chiến binh Điện Biên khi xưa qua đây, nhiều cụ đã già, chống gậy; Mình hỏi đùa: “Thế nào các cụ, Pay ỉn xao (tiếng Thái - đi tán gái) chứ”; Đúng là anh bộ đội cụ Hồ có khác, các cụ đồng thanh: "Pay ỉn xao chứ sao" và lên dốc băng băng, nhiều cụ vứt cả gậy; Thời chiến trường - hào hùng có khác.
Đường cứ quanh co, xẻ qua núi, xén qua núi mà đi; Cụ Nguyễn Tuân tả là thiến núi, cứ như cắt miếng giò. Cảnh đẹp, người đẹp, thiếu hình bóng rừng và Sơn nữ. 
Bây giờ Sơn nữ mặc váy 2 dây và đi xe máy xịn, tay ga. Hoà Bình là thủ phủ người Mường với mía Đùi Gà, ăn mềm và mát, Cá Thác Bà, Lợn Mường. Cam vùng này nổi tiếng.

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi"

Câu thơ như buột ra, thảng thốt; Có gì đó như muốn níu kéo bàn tay ai vừa tuột khỏi.
Sông Mã bắt nguồn từ Sầm nưa, Lào, qua cánh đồng Mường Thanh chảy qua Sơn La đổ vào Thanh Hoá. Sông Mã hay sông Mạ là sông Mẹ bồi đắp phù sa cho vùng châu thổ Điện Biên, Sơn La, Thanh hoá.
Mường Hịch nay là Mai Hịch và Mường Lát đều là các bản thuộc huyện Mai Châu, Hoà Bình phát triển Du lịch sầm uất ngày nay; chiều thứ 6 nào cũng có Tây và người Hà Nội lên, chật như nêm.
Hồ Thuỷ điện sông Đà, mênh mang, mênh mang, dưới hồ là bầu trời, trời nước quyện vào nhau. Cồn Mây – xưa nay chỉ nghe tới Cồn Cát - mà đúng là Mây nổi như Cồn, phủ mờ các bản người Dao hay người Thái cheo leo.
Qua Dốc Cun là tới Mai Châu, Hoà Bình.
"Mai châu mùa em thơm nếp xôi". thấp thoáng các cô gái Thái đội Tằng Cẩu (búi tóc - chỉ phụ nữ Thái đen có chồng mới được đội), váy thắt lưng ong khoe eo, không nhìn rõ mặt. Xe đi nhanh quá. "MÙA EM" - thật lạ, có cái đằm thắm, say mê của con trai xứ Đoài, cứ như ngửi thấy, sờ thấy, rất khác cái hào hùng nhưng ngang tàng của chàng trai Hà Nội - Nguyễn Đình Thi: "Người ra đi đầu không ngoảnh lại, trước thềm nắng lá rơi đầy".
Sản vật nơi này vô kể: Cá suối, cá Trắm sông, cá Chiên, cá Anh Vũ, cá Dầm Xanh, cá Bò, ... sản vật thế thì người thế. 
Bản Mai Châu nằm dưới thung lũng sát sông, còn thị trấn Mai châu nằm ngay trên Quốc lộ. Mai Châu phát triển du lịch nhờ huyện cấm các nhà hàng khách sạn làm luật với khách. Mai hay Mái tiếng Thái là gái đấy. Mai Châu là gái Châu - đẹp và quý phái.
Qua Mai Châu rẽ phải ngã 3 Tòng Đậu là đi Mộc Châu. "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi", Pha luông là một bản của huyện Mộc Châu Sơn la. 
Mai Châu và Mộc Châu nhiều mây mù, đến trưa mù vẫn chưa tan, cái bồng bềnh của bể sương mù vùng cao được mang về trang thơ Hà Nội như là sự bồng bềnh của cô gái Hmong hiện ra trong mù sương. "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy"
Cao nguyên Mộc châu bát ngát, cao 1200 m trên mực nước biển, nhiều gió, mây mù. Nhà nước đã cho huyện chuyên canh nuôi bò sữa và trồng chè, giờ thêm Hoa.; Nhờ thế mà đặc sản vùng này có các loại chế phẩm sữa và Chè Ô long, ngoài ra có đào Pháp, Mận, Tam Hoa, Soài, Mật Ong....Tiếc là không làm được Pho mát. 
Mùa này là mùa Mận chín, các xe tải chở Mận tấp nập vào ban đêm (ban ngày chỉ có xe con), nhưng gùi được một gùi Mận đi 12 Km ra đường cái thì vất vả lắm mà không ăn trừ bữa được, giá rất rẻ, thiếu hẳn ngành chế biến thực phẩm đơn giản để có thể để dành và chuyển sang Nhà nước đóng thành các hộp mứt. 
Đây là thủ phủ Miền Tây của người HMong Việt nhưng còn nhiều dân tộc khác; cứ đến 2/9 hàng năm, bà con tổ chức lễ hội Hmong để nhớ công ơn cụ Hồ.
Mộc châu có nhiệt độ thấp hơn Hà Nội chừng 2 - 4 độ, không khí loãng, trưa rất nóng nhưng đêm phải đắp chăn. Người Pháp định chọn nơi đây làm điểm nghỉ mát. Kinh tế thị trường làm cuộc sống sôi động hơn song đôi khi làm khách du lịch khó chịu.
Nhà người Thái vốn không có cửa, Cao nguyên lộng gió, ngôi nhà vặn mình cứ như có tiếng vặn lưng hay nghiến răng; thỉnh thoảng gió giật tung các tấm vách rung lên ầm ầm. Ai yếu tim thì khó ngủ. Giữa trưa còn thế. Mây cứ từng Cồn, từng Cồn đổ về Hòa Bình. Nhà người Hmong bằng gỗ, hở trên và dưới nên không cảm thấy gió, chỉ nghe được vào đêm. Gió bay qua, trườn qua các rặng núi, nghe rất lạ, như tiếng bầy trẻ hay đàn chim. 
Mặt trời đột ngột hiện ngay trên đỉnh đầu, xuyên qua mây mù làm thảm cỏ hoa bừng lên; thấy rõ cả mái nhà trên núi. Núi phủ phục, xếp tròn xung quanh cao nguyên. Đồng Văn Hà giang là Cao nguyên đá, còn ở đây là Cao nguyên đất.
Chỉ tính riêng huyện Mộc Châu hay Mai châu đã rộng gâp đôi tỉnh Bắc Ninh hay Thái bình. Đất mênh mông nhưng người thưa. Vùng sâu, vùng xa vẫn còn nghèo và lạc hậu. 
Nhà nước chi phí rất lớn cho bà con vùng sâu: Điện - Đường – Trường – Trạm, ... nhưng cuộc sống phân tán cách nhau hàng 12 – 20 KM, khiến Kinh phí khó lòng chịu được; thậm chí Nhà nước cấp không cả gạo, TV, máy tính... đều trở thành rượu hết... vì có điện đâu và dễ chia. Trẻ con thiệt thòi nhiều và các bạn biết không, cậu bé mặt mũi sưng vù ấy vẫn quyết đi học. Không có chữ khổ lắm.
Một người bạn vừa đề nghị với mình, sẽ trang bị bể bioga, điện mặt trời... nhưng không cho không mà các bản phải trả bằng trồng rừng, bằng thực phẩm, 
Thăm lại chiến trường xưa, nhớ thơ Quang Dũng mà lòng nghẹn lại
Ths TRẦN QUỐC VIỆT

4 nhận xét:

  1. Quế Lâm đẹp sao bằng Mai châu!
    QV quên không tả cảnh CA bắn nhau với trùm buôn Hêroin tại Mai Châu- em gái xinh đẹp mà quý phái!

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài của QcV về hồ Ba Bể thì muốn đến ngay hồ Ba Bể. Đọc bài này lại thấy muốn lên Tây Bắc ngay. Mình xa Mộc Châu từ cách đây 53 năm. Hồi đó lên sư đoàn 335 với ông cụ. Hình ảnh về một Mộc Châu nguyên sơ, về doanh trại bộ đội chỉ là những nhà tranh vách đất nhưng luôn "đẹp như công viên, sạch như bệnh viện" (BV thời đó) vẫn in đậm trong tâm trí mình. Trong doanh trại, dọc các con đường là những dãy đào mà vào mùa quả chín (mùa hè) thì hoàn toàn do lũ trẻ con làm chủ.
    Một chuyến đi Tây Bắc cũng đã được đưa vào kế hoạch theo lời mời của TLH K9. Nhà TLH ở ngay Mộc Châu.

    Trả lờiXóa
  3. Tk5 chém gió phần phật y như thật :-)
    Không ai bắn nhau với dân buôn ma túy ở Mai Châu mà là ở đất Mộc Châu, Sơn La, quanh vùng các xã Hang Kia, Pà Cò, bản làng của người Mông dính vào ma túy.

    Trả lờiXóa
  4. Con ngựa là cái xe ô-tô nơi không có đường xá, vùng Pakistan, Afghanistan toàn dùng ngựa để thồ hàng trên những vùng núi rừng đó, 1 con ngựa có thể thồ hàng trăm kg, còn đội hay gùi hàng?.
    Điện rất quan trọng, có điện mới có TV, tủ lạnh, thông tin liên lạc,bơm nước lên thùng chứa nước trên cao.vv. "Cao nguyên lộng gió"! ,người Mông-cổ sống du mục, nên họ toàn dùng máy phát điện bằng sức gió, một cái cột cao với cái động cơ phát điện với cánh quạt trên đầu cột đó.

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment