Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Ngô Đình Diệm Là Ai? (Tiếp theo)

Ngoài lề: Cung cấp thông tin về nhân vật Vũ Ngự Chiêu, đọc bài trả lời phỏng vấn nói về chủ tịch Hồ Chí Minh của VNC ở  ĐÂY (BK5TNEW)
        ------------------------------------------------------------------------------------------------------------
*Các anh chị em bantroi thân,
Bắc Hải hỏi mình có buồn khi đọc comment của bạn ấy không? Chắc chắn là Không. Minh rất sung sướng khi anh em đọc bài của mình, nghiên cứu rất kĩ, thậm chí tra cứu; Blog của bọn mình mà, bạn bè giúp nhau là như thế. . 
Bắc Hải dịch rất hay câu của Bùi Tín: “Tôi có thể nói rằng - cũng như mọi lãnh đạo VN khác, tôi biết rõ, và tôi tuyên bố dứt khoát rằng không còn một tù binh Mỹ sống sót nào ở VN”,
Tuyên bố này của Bùi Tín vào năm 2012, sau 40 năm kí hiệp định hòa bình Paris giữa Mỹ và Việt Nam, hai bên đồng ý trao trả hoàn toàn TÙ BINH CHIẾN TRANH cũng như thông báo cho nhau các trường hợp chết và mất tích. Chúng ta đã trao trả hết cho phía Mỹ toàn bộ số TÙ BINH CHIẾN TRANH trong năm 1973 và ông John McCain cũng là một người trong đám họ; Đến nay, ta vẫn hỗ trợ phía Mỹ tìm kiếm những trường hợp mất tích và đã chết. . 
Sau từng ấy năm – “không còn tù binh Mỹ sống sót nào ở Việt Nam” nghĩa là gì? Có khác gì sau 40 năm, một sĩ quan quân đội Mỹ tuyên bố “Tôi có thể nói rằng - cũng như mọi lãnh đạo Mỹ khác, tôi biết rõ, và tôi tuyên bố dứt khoát rằng không còn một Tù binh Việt Nam sống sót nào ở Mỹ”? 
Hàng vạn gia đình Việt Nam bây giờ vẫn đi tìm hài cốt bố, anh, chị của mình khắp chiến trường Đông Dương, thậm chí chỉ còn nắm đất; Cũng như vậy, con cái những lính Mỹ ấy, những nhân viên POW & MIA Mỹ đã chất vấn chúng ta. 
Nhưng thôi, đó là lỗi kĩ thuật, thành thật cảm ơn Bắc Hải và anh chị em bantroi..

Xin gửi anh chị em bantroi tiếp về Ngô Đình Diệm, tài liệu sử với các trích dẫn khô khan gây khó chịu, nhưng nên đọc hết:

 Ngô Đình Diệm Là Ai?
Bài từ Nguồn: Vũ Ngự Chiêu  (Tiếp theo)
Ths Trần Quốc Việt K5 (ST) 

III. HỢP TÁC VỚI NHẬT:
Thế chiến thứ hai (1939 - 1945) và việc Nhật xâm chiếm Ðông Dương từ hai năm 1940 - 1941 khiến Diệm đi tìm bát cơm hay thiên mệnh ngoại cường khác. Họ Ngô bí mật yểm trợ Hoàng thân Cường Ðể và từ năm 1942, công khai hợp tác với Hiến binh Nhật (Kempeitai). Huân, con trai lớn Khôi, làm thông ngôn cho Nhật. Trong khi đó, Nhu che chở cho hai con Cường Ðể, Tráng Ðinh và Tráng Liệt [Cử], tại văn khố Tòa Khâm sứ Huế. Những người thân Diệm cũng làm việc tại tòa Lãnh sự Nhật từ năm 1942. Ðầu năm 1943, Y sĩ Trương Kế An, thủ lãnh Liên Ðoàn Ái Quốc Việt Nam, gặp Diệm ở Hà Nội. Pierre Ðệ, anh rể hụt của Nhu, cũng có mặt.
Trong khi đó, Khôi cho Diệm dùng dinh thự Tổng đốc Nam - Ngãi của mình để tiếp xúc với những cá nhân thân Nhật. Khôi còn che chở cho tín đồ Cao Ðài (đang bị nghi ngờ thân Nhật, ủng hộ Cường Ðể) trong vùng cai trị. Mật thám Pháp tìm thấy trong nhà Ngô Ðình Dậu (Ðẩu?), một người cháu họ Khôi ở Quảng Nam, tài liệu liên quan đến Việt Nam Phục Quốc Hội của Cường Ðể. Vì việc này, tân Khâm sứ Grandjean (6/1941 - 8/1944) chẳng những không hồi âm thư chúc mừng của Khôi, mà trong buổi gặp mặt trên đèo Hải Vân, bắt Khôi về hưu không được hàm Thượng thư. Tháng 1/1944, Grandjean còn cho lệnh Bảo Ðại trục xuất Diệm khỏi Huế, chỉ định cư trú ở Quảng Bình. Anh em Diệm thêm một lần trút mọi hờn oán lên Quỳnh, đương kim Tổng lý [Tể tướng] triều đình.
Mùa Hè 1944, Mật thám Pháp khám phá ra tổ chức Ðại Việt Phục Hưng của Diệm, gồm khoảng 50 đảng viên, kể cả một số giáo sĩ; nằm ngay trong đội lính khố xanh (Garde indochinoise), cảnh sát, công chức, v.. v... Một trong những lãnh tụ là Trần Văn Lý, Tuần vũ Hà Tĩnh. Pháp bèn cho lệnh khám xét tư thất Diệm, nhưng Diệm đã sớm tẩu thoát. Ngày 12/7, Trung úy Kuga Michio của Hiến binh Nhật đưa Diệm vào Ðà Nẵng, rồi đáp phi cơ vào Sài Gòn. Trong thời gian ở miền Nam, Diệm lui tới với Matsushita [Tùng Hạ] Mitsuhiro, Chủ công ty Dainan Koosi [Ðại Nam hay Dainan Konsi], trưởng lưới tình báo dân sự của Nhật, tự nhận là bạn thân của Cường Ðể.(32)
Một tháng sau, ngày 12/8/1944, Nguyễn Huy Tân, Cán sự Công chính ở Quảng Ngãi, một cán bộ của Diệm, khai rằng Nhật đã chọn Diệm làm Thủ tướng, trong một chế độ quân chủ lập hiến mà người làm vua không nhất thiết phải là Cường Ðể. Hai ngày sau, 14/8, Paul Arnoux, Giám đốc Cảnh Sát, được lệnh bí mật khai thác Nhu và Khôi ngay tại Huế. Ngày 18/8, Arnoux báo cáo rằng Nhu nhìn nhận việc làm tội lỗi của Diệm, nhưng Khôi không dính líu, xin “thề trên thập tự giá” là chỉ muốn duy trì “bát cơm” Pháp. Ngày 20/8, vì tình hình Âu Châu đang rối loạn, phe “Pháp tự do” của Charles de Gaulle đang tiến vào Paris, Decoux đồng ý với đề nghị của Arnoux là chỉ trừng trị những cán bộ hạng trung, tránh khiêu khích Nhật. (33)
Cuối năm 1944, đầu 1945, Diệm tá túc trong bệnh viện Chợ Quán, được trưng dụng làm trụ sở quân sự của Nhật, sau này đổi tên thành bệnh viện bài lao Hồng Bàng. Tại đây, Diệm cùng Y sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Y sĩ Lê Toàn, Kỹ sư Vũ Văn An, Ký giả Vũ Ðình Dy (1906 - 1945) thành lập Ủy Ban Kiến Quốc, phò trợ Cường Ðể. Cuối năm 1944, khi chuẩn bị kế hoạch Mago để lật đổ chế độ thân Vichy Decoux, Hiến binh Nhật dự trù Diệm sẽ trở thành Thủ tướng. Tuy nhiên, tình hình đổi thay mau chóng. Tướng Tsuchihashi Yuitsu, Tư lệnh Quân đoàn 38–lực lượng trách nhiệm phòng thủ Ðông Dương chống lại cuộc đổ quân Ðồng Minh–dồn mọi nỗ lực cho mục tiêu quân sự hơn chính trị. Bởi thế Tsuchihashi giữ Bảo Ðại làm vua một nước Việt Nam “độc lập trong Khối thịnh vượng chung Ðại Ðông Á.” Trước áp lực đưa Cường Ðể về nước, Tsuchihashi tuyên bố sẽ tống giam Hoàng thân vào Côn đảo nếu Cường Ðể hồihương.
Nước “Việt Nam độc lập” trên thực tế chỉ gồm 12 tỉnh miền Trung, vì Nam cũng như Bắc Kỳ được trù liệu sẽ trở thành hai trung tâm tử thủ chống lại sự đổ bộ của Ðồng Minh. Giám đốc Kempeitai yêu cầu phe Diệm - Chữ tham gia chính phủ tại Huế, nhưng cả hai đều từ chối. Tháng 3/1945, sau cuộc Hành quân Meigo (9 - 10/3/1945) loại bỏ Decoux, Bảo Ðại hai lần nhờ Nhật mời Diệm làm Thủ tướng, nhưng không có hồi âm. Mãi sau này, Bảo Ðại mới được Nhật thông báo rằng họ không muốn dùng Diệm.
Mùa Thu 1945, Giám mục Thục khai với mật thám Pháp là sở dĩ Diệm không nhận lời vì thấy chế độ do Nhật lập nên khó tồn tại lâu dài; hơn nữa quanh Bảo Ðại có những thành phần tả phái và franc-macon [tam điểm]. (34) Lời chứng này khó tin. Mục đích của Thục là biện minh cho sự hợp tác với Nhật của Diệm, một tội phạm chiến tranh ở thời điểm này. Và có thể Thục cũng không biết đến, hoặc tảng lờ quyết định của Tsuchihashi. Nhân viên an ninh Pháp, năm 1954, ghi rằng Diệm từ chối lời mời lập chính phủ vì Nhật không chịu cho thống nhất ba miền Bắc, Trung, Nam. Robert Shaplen cũng nhận định theo chiều hướng này: Diệm từ chối không vì chống lại Nhật mà vì cảm thấy khó thiết lập một chính phủ tự do – trong số những yếu tố quan trọng có việc Nam Kỳ bị tách biệt với Huế. [“Diem refused, not because he objected to the Japanese but because he did not feel he would be able to establish a free government – among other things, the southernmost area of Cochin China was initially be excluded from it. Furthermore, he now saw the handwriting on the wall and did not want to put himself in the position of being declared a collaborator when the war was over. He returned to Saigon and waited.” (35)
Tháng 4/1945, Trần Trọng Kim (1883 - 1952) được đưa từ Krung thêp về Huế làm Tổng lý nội các [Thủ tướng] “Ðế quốc Việt Nam” (4 - 8/1945). Nhóm Diệm - Chữ bị phân tán ra khắp ba miền. Y sĩ Chữ về lại Nam Ðịnh, rồi Hà Nội, và cuối cùng trở thành Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Chính trị miền Bắc, thay Khâm sai Phan Kế Toại từ chức vào giữa tháng 8/1945. Diệm về lại Vĩnh Long, tá túc trong giáo phận của Giám mục Thục.(36).

3 nhận xét:

  1. Tuyên bố (đã trích dẫn) của Bùi Tín là vào tháng 11/1991, còn 4 năm trời nữa quan hệ Việt Mỹ mới chính thức được bình thường hóa. Một trong những trở ngại lớn khi ấy, theo tôi hiểu, chính là vấn đề POW/MIA. Có vậy thì Wikipedia người ta mới kể lại vụ việc Bùi Tín ra điều trần trước Ủy Ban POW/MIA.

    Bạn đổi thành 2012, 40 năm sau hiệp định Paris!!! Một sai số quá lớn. Đừng tái lặp quá nhiều "lỗi kỹ thuật" như thế này.

    Trả lờiXóa
  2. Bắc Hải thân.

    Hãy coi đó như Tiểu thuyết thôi, cảm ơn bạn rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Bài rất cô đọng.
    Cảm ơn Quốc Việt.

    Trả lờiXóa

Đọc kỹ trước khi comment
Bạn Trỗi là những người chính trực, vì vậy bạn cần dùng chính danh để viết nhận xét. Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem toàn bài, ô cửa sổ cuối bài là nơi để bạn viết nhận xét của mình. nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa.
Các bạn có thể chèn Ảnh hoặc video clip trực tiếp vào Phần nhận xét bằng cách copy URL ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment